Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước nhằm nâng cao chất lượng quản lý và điều hành của bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương. Cùng với sự gia tăng của vốn đầu tư, vấn đề phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT càng ngày càng trở nên quan trọng hơn. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan quản lý nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn phương pháp cụ thể phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án CNTT nên cả chủ đầu tư, đơn vị lập dự án lẫn cơ quan quản lý nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.
GIỚI THIỆU
Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước nhằm nâng cao chất lượng quản lý và điều hành của bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương, đem lại sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp bằng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian xử lý hồ sơ, đồng thời tăng tính hiệu quả, tính minh bạch trong quy trình xử lý công việc.
Để nâng cao năng lực ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, nhiều dự án đã được các cơ quan nhà nước triển khai, có nhiều thành công nhưng cũng không ít thất bại. Điều này đặt ra một thách thức mới không chỉ cho cơ quan quản lý nhà nước mà còn cho giói nghiên cứu: làm thế nào để phân tích hiệu quả đầu tư của dự án trước khi phê duyệt để có cơ hội ngăn chặn những sai lầm không đáng có hoặc làm thế nào để đánh giá hiệu quả đầu tư dự án sau khi được đưa vào vận hành sử dụng.
Phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước là một việc phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về quy trình nghiệp vụ, các vấn đề kỹ thuật chuyên ngành, các vấn đề liên quan đến thể chế chính trị và xã hội. Mặt khác, không giống như dự án của các đơn vị ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực tư nhân thường chú trọng vào hiệu quả tài chính, các cơ quan nhà nước khi đầu tư dự án ngoài yếu tố lợi ích tài chính hữu hình còn phải xét về các yếu tố liên quan đến lợi ích vô hình như yếu tố xã hội, môi trường hay chính trị.
Bài viết nêu lên sự khác biệt giữa phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước với khu vực khác; hiện trạng đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước hiện nay và giới thiệu về một số phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước ở một số quốc gia.
1.Hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước so với khu vực khác
Phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án theo phương pháp truyền thống thường dựa vào tỷ suất hoàn vốn đầu tư. Các phương pháp được sử dụng phổ biến là phương pháp giá trị hiện tại ròng (NPV, Net Present Value), phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF, Discounted Cash Flow), tỉ suất hoàn vốn nội tại (IRR, Internal Rate of Return), lợi nhuận thu trên doanh thu (ROS, Return on Sales) và lợi nhuận trên tài sản (ROA, Return on Assets). Tuy nhiên, các phương pháp truyền thống không đánh giá được đầy đủ hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT vì các phương pháp này giả định rằng, chúng ta luôn nhận biết được tất cả chi phí và lợi nhuận là hình thành từ đầu tư dự án, và chi phí, lợi nhuận đó được thể hiện dưới dạng tiền tệ. Hơn nữa, các phương pháp đánh giá truyền thống thường bỏ qua các yếu tố phi tài chính (như lợi ích về mặt xã hội hay lợi ích về mặt chính trị).
Hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước có sự khác biệt lớn so với khu vực khác. Khu vực tư nhân chú trọng lợi nhuận, lợi ích tài chính như yếu tố cần xem xét đầu tiên khi đầu tư dự án nên việc đánh giá hiệu quả đầu tư theo phương pháp truyền thống là phù hợp. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước thường tập trung vào các lợi ích về chính trị, xã hội như nâng cao chất lượng phục vụ của chính phủ với người dân, doanh nghiệp nên việc đánh giá hiệu quả dự án cần phương pháp mới để có thể tính đến các lợi ích phi tài chính nói trên.
2.Hiện trạng đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước hiện nay
Trong quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về lập dự án đầu tư ứng dụng CNTT hiện hành đều yêu cầu thuyết minh và thẩm định các yếu tố đảm bảo tính hiệu quả của dự án, bao gồm: sự cần thiết đầu tư; các yếu tố đầu vào của dự án; quy mô, công nghệ, tổng mức đầu tư, thời gian, tiến độ thực hiện dự án; phân tích tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một văn bản chính thức nào của cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn phương pháp cụ thể để phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án CNTT trong cơ quan nhà nước. Vì vậy, chủ đầu tư, đơn vị lập dự án chủ yếu dựa trên các phân tích định tính, thiếu phân tích định lượng nên nội dung về phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư trong báo cáo đầu tư còn mờ nhạt.
3.Tổng quan về một số phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư trên thế giới hiện nay
Theo nghiên cứu Berghout và cộng sự năm 2005, hiện nay trên thế giới, các nghiên cứu và áp dụng các phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, chưa có một nền tảng lý thuyết và phương pháp chung. Do đó, không có một mô hình đơn lẻ nào được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Mỗi nước tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội, hành chính và chính trị mà áp dụng các phương pháp khác nhau vào phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư. Thậm chí, trong một quốc gia sử dụng nhiều phương pháp để phân tích, đánh giá đồng thời. Điểm đặc biệt nổi bật chung là tất cả các phương pháp này đều đánh giá không chỉ mỗi lợi nhuận về tài chính mà còn các lợi ích khác như lợi ích xã hội.
Bảng 1 là danh sách một số phương pháp nổi bật đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước được áp dụng trên thế giới.
3.1. Mô hình hiệu quả đầu tư về mặt xã hội (SROI)
Mô hình này được giới thiệu lần đầu vào năm 1996 tại Mỹ, dựa trên 7 nguyên lý cơ bản để xây dựng khung phân tích, đánh giá và có 6 bước thực hiện. Hiện nay, mô hình này được áp dụng cho khoảng 40 quốc gia trên thế giới.
Khung SROI đánh giá cả lợi nhuận tài chính trên khoản đầu tư và cả giá trị xã hội được tạo ra khi các nguồn tài nguyên, các giá trị đầu vào, quy trình hoặc chính sách kết hợp với nhau sinh ra những cải thiện trong cuộc sống của mỗi cá nhân hay của cả xã hội. Việc đánh giá các giá trị vô hình về mặt xã hội được SROI thực hiện bằng cách lượng hóa giá trị và quy thành tiền những nhân tố được đánh giá.
3.2Phương pháp đo lường giá trị (VMM)
Phương pháp này được giới thiệu lần đầu năm 2002 tại Mỹ, dựa trên ba yếu tố cơ bản là chi phí, giá trị và rủi ro để tạo thành một khung đánh giá bao gồm 4 bước. Hiện VMM được Hội đồng CIO Hoa Kỳ khuyến nghị sử dụng để phân tích hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT nhằm giúp người có thẩm quyền có thêm thông tin ra quyết định đầu tư.
3.3Mô hình giá trị khu vực công (PSV)
Mô hình này được giói thiệu lần đầu vào năm 2003 tại Mỹ nhằm so sánh hiệu suất của cơ quan chính phủ theo thời gian và so sánh với cơ quan khác. PSV dựa trên nguyên lý phân tích giá trị (SVA) nhằm đo lường định lượng và kiểm chứng giá trị đem lại cho cộng đồng nhằm xác định hiệu quả đầu tư.
3.4Mô hình tham chiếu hiệu suất (PRM)
Mô hình này phát triển vào năm 2003 ở Mỹ, PRM nằm trong tổng thể kiến trúc nghiệp vụ của Mỹ nhằm chuẩn hóa việc đánh giá hiệu quả đầu tư CNTT của các dự án trong chương trình kiến trúc nghiệp vụ của Mỹ.
3.5Mô hình giá trị đầu tư chuyển đổi dữ liệu giữa các cơ quan (IDA VOI)
Phương pháp ỈDA VOI được giói thiệu lần đầu vào năm 2004 ở châu Âu (Ủy ban châu Âu). VOI phân bổ tất cả lợi nhuận thành hai loại: (1) lợi nhuận an toàn hay lợi nhuận tính được chắc chắn về mặt tiền bạc, và (2) lợi nhuận tiềm năng là lợi nhuận được quy về mặt tiền bạc như thời gian.
3.6. Phương pháp đánh giá nhu cầu và giá trị (DAM và VAM)
Phương pháp DAM và VAM do Úc giói thiệu vào năm 2003 (Cơ quan quản lý thông tin Chính phủ Úc). Phương pháp này kết hợp hai phương pháp tách biệt nhau đó là phương pháp đánh giá nhu cầu (DAM) và phương pháp đánh giá giá trị (VAM). Phương pháp này hỗ trợ các cơ quan chính phủ đánh giá tỷ lệ nhu cầu và tỷ lệ giá trị cho những dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước.
Đánh giá sơ bộ về các phương pháp
Một số mô hình được dùng để phân tích hiệu quả đầu tư ngay từ lúc hình thành dự án, nhưng cũng có mô hình được dùng để đánh giá hiệu quả đầu tư sau khi dự án kết thúc đưa vào vận hành. Điểm chung là tất cả các mô hình đều tập trung đánh giá các yếu tố vô hình và hữu hình của dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, đó là chi phí (phân tích cả chi phí đầu tư tài chính và phi tài chính), lợi ích hay giá trị (đánh giá cả lợi ích và giá trị tài chính và phi tài chính) và rủi ro (đánh giá rủi ro tiềm ẩn). Hầu hết các mô hình này đều nhấn mạnh các cấp độ lợi ích và giá trị khác nhau được hình thành từ khoản đầu tư, bao gồm những lợi ích và giá trị chính trị, xã hội và kinh tế. Các mô hình đều cố gắng phát triển một thang đo dùng chung để định lượng và phân tích các nhóm yếu tố trên và kết quả cuối cùng của hầu hết mỗi mô hình thường là một điểm số và một số biểu đồ mô tả hiệu quả đầu tư.
KẾT LUẬN
Có thể thấy rằng trên thế giới hiện nay có nhiều phương pháp khác nhau về đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT. Việc lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc vào quan điểm về đánh giá dự án đầu tư và đặc điểm của dự án.
Ở Việt Nam, việc phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước hiện nay chưa thật sự chú trọng đúng mức, một phần do chưa có một phương pháp được chấp nhận rộng rãi với nền tảng lý thuyết chung, một phần do việc phân tích và đánh giá hiệu quả đầu tư có độ khó cao và đòi hỏi nguồn lực lớn và ý chí lãnh đạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nguồn lực tài chính được đầu tư cho lĩnh vực CNTT thì việc nghiên cứu, đưa ra một phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư để áp dụng trong lập và thẩm định dự án ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước là tất yếu. Bằng việc việc tham khảo các phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT phổ biến trên thế giới, chúng ta có thể từng bước tìm ra phương pháp phù hợp nhất với thực trạng quản lý kinh tế - xã hội tại Việt Nam hiện nay.
Tài liệu tham khảo
[1]."IDA Value Of Investment: Final Report", European Commission DG Enterprise, Gothenburg, Sweden, pp. 1-60.
[2]."The Performance Reference Model Version 1.0: A Standardized Approach to IT Performance”, Federal Enterprise Architecture Program Management Office (FEAPMO), Washington D.C., pp. 1-95.
[3]. "Performance Indicator Resource Catalogue”, Australian Government Information Management Office, Department of Finance and Administration, Forest, Australia.
[4].BENAROCH, M., and KAUFFMAN, R. "Justifying Electronic Banking Network Expansion Using Real Optbns Analysis”. MIS Quarterly, Vol. 24 (2000) 197-225.
Đặng Đình Đường, Lê Thu Hiền, Quách Hồng Trang