Truyền thông

Phản ứng trước tin giả và Chiến lược ứng phó với tin giả cho cộng đồng LGBT+

TS. Mạch Lê Thu - Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, Cố vấn nhóm soạn thảo Cẩm nang phòng chống tin giả cho cộng đồng LGBT+ của Viện iSEE 14/03/2024 13:59

Thông tin sai lệch đầy ngôn từ thù hận và độc hại có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự và gây tổn thương tới cuộc sống vốn dĩ đã chịu nhiều bất công của các thành viên trong cộng đồng những người đồng tính, song tính, lưỡng tính, chuyển giới và các nhóm giới tính khác (LGBT+).

Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), cùng các cố vấn trong lĩnh vực báo chí và vấn đề giới, đã hỗ trợ cộng đồng LGBT+ soạn thảo cẩm nang phòng chống tin giả, nhằm nâng cao nhận thức phòng chống tin giả trong cộng đồng, giúp mỗi người tự tin hơn trong việc tiếp cận thông tin và chủ động hòa nhập vào xã hội thông tin hiện nay.

Khái niệm tin giả

Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra định nghĩa trong cuốn “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành năm 2022. Theo đó, tin giả là: Những thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất của sự việc.

“Sổ tay Báo chí, Tin giả và Tin xuyên tạc”, do UNESCO xuất bản năm 2019, phân loại tin giả thành ba nhóm, bao gồm tin sai (Mis-information), tin xuyên tạc (Dis-information) và tin nguy hại (Mal-information).

  1. Tin sai (Mis-information): là thông tin không đúng, được phát tán khi chưa được kiểm chứng đầy đủ, và có thể không nhằm mục đích xấu.
  2. Tin xuyên tạc (Dis-information): là khi thông tin không đúng, được cố ý tạo ra, cố ý phát tán nhằm mục đích gây hại.
  3. Tin nguy hại (Mal-information): là thông tin đúng nhưng là tin riêng tư hoặc tin mật, bị phát tán công khai.
Hình 1: 3 mức độ tin giả.
(Nguồn: Sổ tay Báo chí, Tin giả và Tin xuyên tạc, UNESCO, 2019, trang 46)

Thư viện Thuật ngữ xã hội (2023) phân loại tin sai và xuyên tạc thành 7 mức độ theo thứ tự ác ý tăng dần như sau.

Thứ nhất, tin châm biếm. Nội dung mang tính châm biếm hoặc chế giễu trở nên phổ biến trên mạng xã hội. Mới đầu, tin dạng này chỉ mang tính gây cười, không nghiêm túc, bố cục giống như tin thật hoặc như câu chuyện vui. Khi nhiều tin châm biếm bị chia sẻ, lan tỏa, thông tin bị ra khỏi bối cảnh hư cấu, người xem dễ có cảm giác rằng đây là thông tin có thật. Một số hội, nhóm của cộng đồng LGBT+ cũng đưa ra những nội dung trào phúng, châm biếm trên mạng xã hội, dưới dạng ảnh, nhạc chế, meme, truyện cười, v.v…Cần cân nhắc xem có nên tự xuất bản những nội dung châm biếm chính cộng đồng của mình như thế hay không. Trong cộng đồng, đó là nội dung trào phúng. Khi chia sẻ ra ngoài cộng đồng, đó lại là nội dung chế giễu, nhạo báng cộng đồng.

Thứ hai, tin sai kết nối. Tin được coi là sai kết nối khi tiêu đề, hình ảnh hoặc chú thích không liên quan đến nội dung chính, không hỗ trợ nội dung chính. Những tiêu đề giật gân, những hình ảnh khiêu khích, những chú thích ảnh thái quá làm cho người xem tò mò, cảm xúc bị đẩy tới đỉnh điểm tức giận, xót xa, phấn khích. Đôi khi tiêu đề không viết đầy đủ mà úp mở, mơ hồ. Tất cả những điểm này thúc giục người xem bấm vào để đọc toàn bộ nội dung. Mục đích của tin giả loại này là thu hút sự chú ý, thu hút nhiều người xem nội dung để mang lại lợi ích từ việc hiển thị quảng cáo. Tệ hại hơn nữa là để người xem bấm vào đường dẫn lừa đảo, tự động tải về thiết bị nhiều thông tin độc hại.

Thứ ba, tin gây hiểu nhầm. Nội dung xác thực nhưng bị cắt xén khỏi bức tranh chung. Ví dụ một bức ảnh bị cắt, một đoạn hội thoại bị xóa chỉ giữ lại một câu nói. Nội dung loại này không phản ánh đúng bản chất của con người và chủ đề được nhắc tới trong nội dung. Mục đích của nội dung gây hiểu lầm là cố tình “đóng khung”, “dán nhãn” cho người được nhắc đến trong nội dung theo ý đồ của người tạo ra nội dung.

Thứ tư, tin sai bối cảnh. Thông tin đúng nhưng được đặt vào bối cảnh khác, rất dễ gây hiểu nhầm. Mục đích ban đầu của việc tạo ra thông tin sai bối cảnh có thể chỉ là làm ví dụ minh họa, giải thích. Tuy nhiên, người xem không có kỹ năng để xác nhận và phân biệt giữa thông tin minh họa và thông tin chính xác, dẫn đến hệ lụy khó lường. Ví dụ, nói về làn sóng nhập cư ở nước này, người làm truyền thông lại dùng video về tình hình nhập cư ở cửa khẩu biên giới nước khác.

Thứ năm, tin mạo danh. Nhiều cơ quan thông tấn, báo chí có uy tín dễ bị mạo danh. Những trang mạo danh thường sử dụng hình ảnh, logo, tên gần giống của các đài truyền hình, tờ báo, chương trình tin tức uy tín nên dễ gây nhầm lẫn cho người tiếp nhận thông tin rằng đây là thông tin chính thống đã được kiểm chứng, dễ lấy được lòng tin của người xem.

Thứ sáu, tin thao túng. Đó là hình ảnh thật, thông tin thật, nhưng được thêm vào đó một số yếu tố khác, như màu sắc, hình nền, chú thích, thay đổi tỷ lệ ảnh, thêm một số lời bình luận ác ý, làm thay đổi bản chất của thông tin ban đầu. Vì vậy, người xem cần tỉnh táo và có tư duy độc lập, phê phán, không nên ngay lập tức đồng ý với những lời bình luận và hình ảnh đã bị truyền thông chỉnh sửa.

Thứ bảy, tin bịa đặt. Đây là loại nội dung giả 100%, bịa đặt, thêu dệt từ nhân vật, câu chuyện, bối cảnh, chủ đề, tất cả đều xuất phát từ ý đồ của người bịa đặt nội dung truyền thông. Ngày nay, với nhiều công cụ làm giả giọng nói, giả gương mặt, giả video (deepfakes), chúng ta cần hết sức cảnh giác vì có rất nhiều tin bịa đặt do công cụ kỹ thuật tự động sản xuất và phát tán.

lgbt-1280x628.jpg

Tin giả về cộng đồng LGBT

Theo Công văn số 4132/BYT-PC ngày 03/8/2022, những người LGBT+ không bị coi là người bệnh. Vì vậy, không cần can thiệp, ép buộc điều trị đối với những người trong cộng đồng này. Từ năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) đã chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần và khẳng định đồng tính không thể chữa, không cần chữa, và cũng không thể nào thay đổi được.

Coi LGBT+ là người có bệnh cần chữa là tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với cộng LGBT+. Thông tin sai sự thật như vậy hạn chế quyền tham gia của người LGBT+ vào các hoạt động bình thường của xã hội.

Tin giả gây ra tác hại thật vô cùng nguy hiểm. Ví dụ, dịch vụ Y tế quốc gia (NHS, 2019), Vương quốc Anh, đưa ra cảnh báo tin giả rằng, những người LGBT+ không có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, thực tế là mọi hoạt động tình dục đều có thể truyền vi-rút gây ung thư. Nước Anh có tới hơn 50.000 người thuộc nhóm LGBT+, có tới 19% số phụ nữ trong nhóm này không đi xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung do tin vào tin giả.

Tin giả và những lời đồn vô căn cứ cũng xây dựng hình ảnh méo mó về cộng đồng LGBT+. Ví dụ, vụ xả súng trong trường học ở Nashville (Mỹ) vào tháng 3/2023, thủ phạm là một người đàn ông chuyển giới nữ (EDMO, 2023). Nhân dịp này, làn sóng thông tin sai đã nổi lên ở nhiều nước châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha và Slovenia. Một bức ảnh giả về căn phòng của kẻ xả súng, trong đó có lá cờ cầu vồng và lá cờ NATO, bắt đầu lan truyền trên mạng. Một bức ảnh diễn viên hài người Mỹ có cơ bắp vạm vỡ và khẩu súng trường trên tay đã được trí tuệ nhân tạo thay đổi để trông giống nữ, nhằm khẳng định đây là hình ảnh của kẻ xả súng. Xuất phát từ tin thật, những hình ảnh bị cắt ghép, câu chuyện bị thêu dệt và bịa đặt, gây tổn hại uy tín cho cả cộng đồng người chuyển giới.

Động cơ của tin giả

Động cơ cá nhân. Nhiều người cảm thấy thích thú khi lan truyền thông tin đánh lừa người khác. Chọc giận những người không đồng ý với họ và lan truyền những tin tức xúc phạm được coi cách họ giải tỏa tức giận. Cố tình tạo ra nội dung trêu đùa (troll) để thấy hàng nghìn người thích nội dung tin giả cũng tạo ra cảm giác gây nghiện. Ví dụ, ngày Quốc tế chống kỳ thị người đồng tính, song tính và chuyển giới, tên tiếng Anh là International Day Against Homophobia, Biphobia and Transphobia, được tổ chức vào ngày 17 tháng 5 hàng năm, bắt đầu từ năm 2004, để thu hút sự chú ý của dư luận đến tình trạng bạo lực và phân biệt đối xử mà người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, liên giới tính và tất cả những người khác có xu hướng tính dục, bản dạng hoặc biểu hiện giới và đặc điểm giới khác nhau phải trải qua. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều nội dung trên mạng mang tính chất thóa mạ, giễu nhại ngày dành riêng cho cộng đồng LGBT+ và có nhiều người thể hiện cảm xúc đồng tình, thích, vui với nội dung như vậy.

Động cơ chính trị. Trong khi báo chí chính thống không thể đưa tin đồn, tin sai, thì tin giả nói chung tìm đường đến với công chúng thông qua tài khoản và trang web ẩn danh. Trước các cuộc bầu cử, bỏ phiếu, vì động cơ chính trị, nhiều tin giả kết hợp với nội dung và ngôn ngữ gây thù hận, thường theo hình thức ẩn danh. Tin giả tận dụng lợi thế lan truyền với chi phí thấp của mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận hàng triệu người. Có thể tham khảo ví dụ “Hội dụng cụ đồng tính” (Gay Kits) ở Brazil. Trong cuộc bầu cử ở Brazil năm 2019, ứng cử viên cực hữu và chống LGBT+, Jair Bolsonaro, đã sử dụng Facebook để lan truyền tin sai sự thật và mang tính kích động cao, nhằm vào ứng cử viên Fernando Haddad. Bolsonaro cáo buộc Haddad phân phát “hộp dụng cụ đồng tính” cho trẻ em ở trường tiểu học để dạy trẻ thành người đồng tính. Đây rõ ràng là tin giả được tung ra do động cơ bôi nhọ đối thủ chính trị. (Tham khảo bài phân tích tin giả này trên trang web Slate)

Động cơ lợi nhuận. Nhiều thông tin sai lệch được chia sẻ trên mạng xã hội được tạo ra chỉ đơn giản là để kiếm tiền. Ví dụ, có những nội dung được đăng trên Facebook đề cập đến những thông tin sai, như xu hướng tính dục và bản dạng giới là khuynh hướng do cảm xúc, cái tôi của thanh thiếu niên. Chúng ta thấy có mối liên hệ giữa nội dung sai sự thật đó với việc quảng bá cho các khóa học phòng tránh “bị LGBT+” cho thanh thiếu niên. Các trang Facebook có quảng cáo tạo doanh thu, hay các trang web có quảng cáo tạo doanh thu thông qua hệ thống Ad Sense của Google. Cả Facebook và Google đều có kiểm tra các đoạn quảng cáo đặt trên nền tảng của họ, nhưng việc kiểm tra này còn nhiều bất cập.

Động cơ thu hút sự chú ý. Nhiều nhóm hoạt động xã hội cố ý áp dụng chiến thuật đưa tin giả nhằm mục tiêu tạo kêu gọi sự chú ý của công chúng. Ví dụ, có hàng loạt video tung lên trên mạng xã hội, trong đó có hình ảnh bà Sophie Wilmes, Thủ tướng Bỉ cầm quyền năm 2019-2020, tuyên bố rằng, COVID-19 và các đại dịch toàn cầu khác là kết quả của việc phá hủy môi trường sinh thái. Tuy nhiên, các video là giả do công cụ kỹ thuật deepfake tự động tạo ra. Một thời gian sau, nhóm hoạt động vì môi trường Extinction Rebellion đã nhận trách nhiệm làm giả video để thu hút sự chú ý.

cong-dong-lgbt-viet-nam.jpg

Phản ứng như thế nào với tin giả?

Đôi khi im lặng, bỏ qua, không quan tâm cũng là một cách phản ứng. Nếu bạn chọn lên tiếng phản đối thông tin giả thì cân nhắc những nguyên tắc như sau.

- Luôn luôn đối thoại một cách tôn trọng: Đối thoại thiếu tôn trọng và sự đồng cảm là cách dễ nhất để làm cho người đối diện cảm thấy phẫn nộ.

- Đối thoại riêng tư: Không ai muốn bị phê bình, chỉ ra mình sai ở nơi mọi người đều thấy, như nơi công cộng, chỗ đông người hay phần bình luận công khai trên mạng xã hội. Điều này cũng thể hiện thiện chí của bạn, hãy phê bình khi đối thoại riêng tư thay vì sỉ nhục đối phương nơi công cộng.

- Cẩn thận dò xét: Hãy xem xét kĩ xem đối phương có thực sự muốn đối thoại hay không trước khi bắt đầu. Ngay trong cuộc đối thoại, nếu bạn thấy nó đang có chiều hướng xấu đi, cũng nên ngay lập tức dừng lại.

- Đừng nhắc lại các thông tin tiêu cực: Việc nhắc lại hoặc phản hồi trực tiếp với các thông tin giả, tin xấu độc chỉ có tác dụng củng cố, lan truyền các thông tin đó ra xa hơn.

- Xây dựng mạng lưới đồng minh: Tin giả có tác động mạnh mẽ nhất đến một người khi nó được nhắc lại bởi nhiều người, đặc biệt là những người thân, bạn bè, hoặc ai đó mà người đó tin tưởng. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể làm điều tương tự với thông tin đúng. Hãy tìm những người đang cùng có mục đích chống lại tin giả, tin xấu độc để có thể hỗ trợ lẫn nhau, cũng như tăng sự tin cậy của thông tin

- Hãy ghi chép lại tất cả các thông tin giả: Nhiều lúc các tin giả không xuất hiện độc lập mà xuất hiện theo nhóm, theo chiến dịch, và có những điểm chung. Khi phát hiện được các điểm chung này, chúng ta có thể xây dựng và áp dụng các chiến lược phản ứng phù hợp. Với những tin giả xuất hiện ồ ạt và có ý đồ xấu, cần tìm các cơ quan chức năng để nhờ can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật và luật pháp.

Chiến lược thông điệp ứng phó với tin giả

Thuyết phục nhóm trung lập: Có những người không hiểu và chưa xây dựng niềm tin rõ ràng với một thông tin cụ thể. Nhóm này được gọi là nhóm “trung lập”. Việc xây dựng các chiến lược truyền thông phản ứng với thông tin sai lệch cần nhắm vào nhóm trung lập này, chứ không chỉ nhắm vào nhóm đưa ra thông tin giả.

Phản hồi dựa trên giá trị chung: Nhiều lúc, các giá trị của các nhóm lan truyền tin giả và của nhóm bị tạo tin giả thực ra không hề đối đầu với nhau. Vì vậy, nhóm bị tạo dựng tin giả có thể phản hồi dựa trên các giá trị phổ quát chung, hướng đến điểm đồng nhất của các nhóm.

Thông điệp hài hước: Cần đưa ra thông tin đúng, hoặc chỉ ra các sự thiếu hợp lý trong thông tin sai lệch. Nhưng cũng cần truyền tải một cách hài hước, dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Cách này rất có tác dụng trong việc thu hút nhóm đồng minh, nhưng tiếng cười cũng rất dễ làm cho những người phản đối cảm thấy bị xúc phạm hơn. Vì vậy, nên cẩn trọng để vẫn giữ sự tôn trọng khi sử dụng chiến lược này.

Nghệ thuật kể chuyện: Kể chuyện là một cách hiệu quả để thuyết phục mọi người nhìn nhận chủ đề thông tin sai lệch một cách toàn diện nhất. Để cung cấp đầy đủ thông tin nhằm giải thích và xóa bỏ thông tin sai lệch, cần chủ động đưa ra bức tranh toàn cảnh: Tin giả đến từ đâu? Nó sai ở chỗ nào? Ai đang lan truyền nó và tại sao? Những người này muốn đạt được gì khi lan truyền nó? Chúng ta có hành động như thế nào để xóa bỏ tin giả này?

Cuối cùng, hãy lắng nghe cảm xúc bên trong mỗi người trước khi đối đầu với tin giả. Đảm bảo rằng bạn đủ bình tĩnh và không phản ứng bộc phát. Hãy lắng nghe ý kiến của người tung tin giả và cố gắng hiểu quan điểm của họ, từ đó khám phá động cơ và nguồn thông tin của họ. Hãy có thói quen chia sẻ thông tin chính xác và có nguồn gốc đáng tin cậy. Liệt kê các tổ chức y tế hàng đầu như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), Bộ Y tế Việt Nam đã công nhận rằng đồng tính không phải là một bệnh và dó đó không cần chữa trị. Hãy lập luận đồng tính không phải là một lựa chọn, không phải là bệnh tật, mà là một phần tự nhiên và đa dạng của con người. Đồng thời, chia sẻ nghiên cứu có uy tín và các câu chuyện cá nhân để minh họa rằng hỗ trợ và chấp nhận đồng tính có thể đem lại hạnh phúc cho mỗi người và cho nhân loại nói chung./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phản ứng trước tin giả và Chiến lược ứng phó với tin giả cho cộng đồng LGBT+
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO