Cụ thể, Thanh tra Sở TTTT Quảng Ninh đã tiến hành thanh, kiểm tra về nội dung này vào tháng 8/2017, tiếp theo là các Sở TTTT Cần Thơ tiến hành vào tháng 9/2017, Sở TTTT Hồ Chí Minh vào tháng 10/2017, Sở TT&TT Lâm Đồng vào tháng 11/2017, Sở TTTT Đồng Nai, Đồng Tháp và Hà Nội tiến hành vào tháng 12/2017…
Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký TMQT và sử dụng TMQT để thiết lập trang thông tin điện tử. Trong tháng 10/2017, Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra 19 đơn vị. Trong quá trình thanh, kiểm tra thực tế đã phát hiện thông tin liên hệ của các tổ chức này đã thay đổi so với dữ liệu được lưu trữ tại Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TTTT, gây ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra thực tế của đoàn thanh tra. Kết quả thanh tra cho thấy, mặc dù các đơn vị bị kiểm tra đã ý thức được trách nhiệm hướng dẫn chủ thể thông báo sử dụng TMQT về Bộ TTTT, tuy nhiên, kiểm tra xác xuất một số TMQT do các tổ chức này đăng ký thì vẫn còn tình trạng chưa thông báo hoặc có thông báo nhưng không đúng tên chủ thể. Các tổ chức này cũng chưa biết và cũng chưa hướng dẫn được cho các chủ thể thực hiện thông báo về VNNIC khi có sự thay đổi thông tin chủ thể.
Cũng trong năm 2017, Thanh tra Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt 01 đơn vị 50 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm: cung cấp dịch vụ đăng ký TMQT từ tháng 7/2014 đến thời điểm thanh, kiểm tra không đăng ký hoạt động, không đáp ứng một trong các điều kiện để trở thành nhà đăng ký TMQT tại Việt Nam do Bộ TTTT quy định.
Đối với địa bàn thành phố Cần Thơ, Đoàn Thanh tra do Sở TTTT Cần Thơ chủ trì đã tiến hành thanh tra đối với 08 đối tượng là các tổ chức, cá nhân cung cấp và sử dụng dịch vụ TMQT. Kết quả thanh tra cho thấy, tất cả 08 đối tượng thanh tra đều có hành vi vi phạm về việc “sử dụng TMQT mà không thông báo hoặc thông báo thông tin không chính xác với Bộ TTTT” theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện. Có những đối tượng tái phạm lần 2. Căn cứ vào mức độ vi phạm, ý thức chấp hành pháp luật và ý thức khắc phục hậu quả của các đối tượng vi phạm trong và sau cuộc thanh tra, Đoàn Thanh tra đã thực hiện nhắc nhở không xử phạt vi phạm hành chính đối với 07 cá nhân, tổ chức, và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền với 01 tổ chức, áp dụng mức phạt thấp nhất là 5.000.000đ.
Trong khi đó, Sở TTTT Lâm Đồng đã tiến hành thanh tra 38 chủ thể (hơn 100 trang điện tử), tất cả đều sai phạm.
Tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm hoạt động TMQT
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Thanh tra các Sở đã nhắc nhở đối với các hành vi vi phạm, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng theo quy định. Trong thời gian tới, Sở TTTT các tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, cũng như tuyên truyền về hoạt động đăng ký, cung cấp dịch vụ và sử dụng TMQT với quy mô lớn và toàn diện hơn. Hoạt động này nhằm chấn chỉnh và đưa việc đăng ký, sử dụng TMQT đi vào nề nếp theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo VNNIC, thực trạng hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì TMQT tại Việt Nam và sử dụng TMQT của các tổ chức cá nhân tồn tại nhiều bất cập, sai phạm. 100% chủ thể đăng ký sử dụng TMQT chịu sự thanh, kiểm tra đều có sai phạm. Các vi phạm mà chủ thể TMQT thường mắc phải như không thông báo hoặc thông báo thông tin không đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, có những chủ thể lợi dụng quy định pháp luật (hiện đang cho phép tự nguyện thông báo thông tin, các Nhà đăng ký (NĐK) tên miền không yêu cầu cung cấp thông tin xác thực, hoặc chủ thể đăng ký với NĐK TMQT ở nước ngoài để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật: lập trang thông tin điện tử tổng hợp không phép, vi phạm sở hữu trí tuệ; đăng tải thông tin có nội dung xúc phạm tổ chức cá nhân; quảng cáo nội dung vi phạm quy định cấm quảng cáo; quảng cáo mua bán vũ khí, động vật hoang dã,…
Trước thực trạng trên, trong thời gian tới, việc thực hiện quản lý đăng ký, sử dụng TMQT. Theo đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ TMQT phải chấp hành nghiêm về điều kiện và trách nhiệm của nhà đăng ký khi cung cấp dịch vụ (Điều 15, NĐ số 72/2013/NĐ-CP); thực hiện đầy đủ quy trình thủ tục đăng ký sử dụng TMQT (Điều 19, Điều 21, Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT). Đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng TMQT phải thông báo với Bộ TTTT theo quy định tại Điều 23 Luật CNTT. Bộ TTTT đã quy định cụ thể quy trình, thủ tục thông báo sử dụng TMQT và tuân thủ việc đăng ký sử dụng TMQT theo quy định tại Điều 20, Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT.
Hiện nay, Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện. Trong thời gian tới, khi Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đăng ký, sử dụng và cung cấp dịch vụ về TMQT. Trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp ISP cũng sẽ phối hợp để xử lý các vi phạm liên quan. Theo đó, một số hành vi vi phạm như tên miền sử dụng trang thông tin điện tử có các hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức… đặc biệt là một số chủ thể sử dụng TMQT đăng ký tại NĐK, đại lý TMQT có hành vi vi phạm như sử dụng thông tin đăng ký sử dụng tên miền không chính xác, không trung thực hoặc mạo danh tổ chức, cá nhân khác để thực hiện việc đăng ký tên miền sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi tên miền.
Một số hành vi phạm về đăng ký, sử dụng và cung cấp TMQT trong thời gian qua đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý vì không có chế tài xử phạt hoặc mức phạt thấp sẽ được tăng mức phạt tiền hoặc bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả hoặc hình thức xử phạt bổ sung trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP.