Phát huy giá trị làng nghề truyền thống
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống đang dần bị mai một. Vì vậy, việc bảo tồn các làng nghề truyền thống có vai trò rất quan trọng và cấp thiết.
Các làng nghề truyền thống có giá trị trải qua hàng trăm năm lịch sử. Nơi đây chứa đựng những tinh hoa văn hóa dân tộc và những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc lâu đời. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có 5400 làng nghề, trong đó có khoảng 2000 làng nghề truyền thống, mang trong mình những giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa lâu đời.
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống dần bị mai một, bí quyết nghề nghiệp bị thất truyền cùng với sự ra đi của các nghệ nhân lớn tuổi; thậm chí thực tế còn xuất hiện xu hướng thương mại hóa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chỉ chú trọng mục tiêu lợi nhuận, coi nhẹ các giá trị văn hóa của sản phẩm thủ công truyền thống, dẫn đến thương hiệu của làng nghề bị phai mờ hoặc bị mất hẳn. Vì vậy, việc bảo tồn các làng nghề truyền thống có vai trò rất quan trọng và cấp thiết.
Nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình cũng xác định phát triển làng nghề với du lịch. Đây là hướng đi triển vọng được nhiều quốc gia trong khu vực ứng dụng từ lâu. Họ đã rất thành công trong việc vừa bảo tồn được các làng nghề vừa thu hút khách du lịch, tạo ra các giá trị gia tăng khác.
Phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, du lịch làng nghề cũng trở thành một hướng đi triển vọng để thu hút du khách. Thực tế cũng cho thấy, khi các địa phương biết khéo léo kết hợp và phát triển thì du lịch làng nghề sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp “đánh thức” các tiềm năng nội tại.
Việc phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, nhìn từ các mô hình thành công có thể thấy, khi người dân thu được lợi ích từ hoạt động du lịch, dịch vụ thì bản thân họ sẽ tự giác tham gia một cách hiệu quả. Mặt khác, chính quyền địa phương tích cực vào cuộc ủng hộ cũng là “đòn bẩy” để nghề truyền thống được phát triển và nâng tầm.
Hiện nay các tỉnh thành đã và đang triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch được thực hiện nhằm bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề, gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các làng nghề, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề.
Cùng với đó, phát triển làng nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng thôn, bản, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.
Để làm được điều đó, các địa phương cùng các cơ quan liên quan đang nỗ lực duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ; bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị.
Ngoài ra, tùy theo đặc thù của từng địa phương, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới cũng được triển khai thực hiện với các nội dung như phát triển làng nghề gắn với các chương trình du lịch tham quan bản làng, chương trình du lịch văn hóa kết hợp sinh thái; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới…
Thực tế cho thấy, ở Thủ đô Hà Nội không ít địa phương đã khéo léo tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch và đã có những thành công bước đầu, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách như: làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc… đã và đang thành công trong việc phát triển du lịch làng nghề khi đón nhiều lượt khách du lịch trong ngày với các hoạt động tham quan nơi sản xuất, mua hàng làm quà lưu niệm…
Hay như ở TP. Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 20 làng nghề truyền thống. Để bảo tồn và phát triển các làng nghề này, đồng thời xây dựng mô hình làng nghề nông thôn tập trung, TP. Hồ Chí Minh triển khai Dự án Quy hoạch lại các làng nghề gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch của UBND TP. Hồ Chí Minh, các làng nghề trên sẽ được hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề, đường giao thông; điện; nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước...
Ngoài ra, kế hoạch của UBND thành phố còn hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề ở một số nội dung khác, như xúc tiến thương mại, bảo vệ môi trường, chương trình OCOP…
Bảo tồn, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống trong bối cảnh hiện nay
Việc bảo tồn, phát triển làng nghề trong bối cảnh hiện nay là đòi hỏi cấp thiết nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, bố trí lại lao động và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện. Để phát huy hiệu quả hơn nữa giá trị từ những làng nghề truyền thống cần đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó có một số vấn đề cơ bản như:
Cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là người dân ở các làng nghề về vị trí, vai trò và giá trị văn hóa của các sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề. Phát huy tính sáng tạo, bồi đắp tình cảm qua các thế hệ người dân làng nghề, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề trong bối cảnh mới.
Rà soát các chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề đã ban hành để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với thực tế. Xây dựng cơ sở dữ liệu tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề; xác định số làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt, số làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới, số làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, số làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống… để đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề.
Tăng cường các hoạt động phát triển thương hiệu, xây dựng thị trường tiềm năng của làng nghề, qua đó thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới…