Truyền thông

Hà Nội phát triển làng nghề nhưng không đánh đổi môi trường sống của người dân

Đỗ Thêu 06:25 21/05/2023

Nhằm giúp hệ thống làng nghề phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2546/QĐ-UBND về danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Còn nhiều hạn chế trong phát triển làng nghề

Có thể nói hệ thống làng nghề đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của nhiều quận huyện trên địa bàn TP. Hà Nội. Cụ thể, các làng nghề có tổng doanh thu hàng năm từ 22 - 25 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy vậy, mặt trái của sự phát triển làng nghề hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được đảm bảo.

Xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín nổi tiếng với nghề sản xuất đồ gỗ. Nhưng điều đáng nói, trong tổng số 1.600 hộ làm nghề, thì chỉ có 600 hộ sản xuất tại cụm công nghiệp, phần còn lại vẫn làm tại nhà.

anh-2.1.jpg
Làng nghề gỗ tại xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) còn gặp nhiều hạn chế trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hạnh (chủ một cơ sở sản xuất gỗ tại xã Vạn Điểm, Thường Tín): “Do cụm công nghiệp làng nghề của xã đã bị lấp đầy, nên hoạt động sản xuất của gia đình tôi phải diễn ra ở nhà. Dù chúng tôi đã cố gắng thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nhưng việc sản xuất tại nhà vẫn ảnh hưởng tới các hộ xung quanh”.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với nhiều hộ dân làm nghề khác ở xã Vạn Điểm khi không nằm trong cụm công nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín thừa nhận những hạn chế trong quá trình phát triển làng nghề tại địa phương. Trong thời gian tới, huyện đang đẩy mạnh việc tổ chức quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề. Nhiều điểm tập kết, trung chuyển rác, chất thải tại các xã, thị trấn được tập trung xây dựng, hoàn thiện. Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các xã có làng nghề thực hiện phương án bảo vệ môi trường, tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) ký cam kết.

Trong khi đó, thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Hoài Đức cho hay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn huyện vẫn diễn ra. Nhiều làng nghề ở các xã Yên Sở, Sơn Đồng, Kim Chung… chưa có địa điểm tập kết chất thải rắn, hoặc có nhưng chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Ngoài ra, toàn huyện hiện có hàng trăm hộ SXKD trong các làng nghề, nhưng đa số xả thải trực tiếp ra hệ thống thu gom chung.

Điển hình như tại 4 thôn miền bãi của xã Cát Quế tập trung nhiều hộ chăn nuôi gần khu dân cư, chưa được đầu tư xây dựng điểm xử lý nước thải, dẫn đến ô nhiễm môi trường dân sinh.

Ông Trần Văn Long, Chủ tịch UBND xã Cát Quế chia sẻ, bên cạnh việc xây dựng phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trình UBND huyện phê duyệt và thành lập tổ tự quản theo quy định, xã đã đề xuất UBND huyện Hoài Đức sớm quy hoạch và đầu tư điểm xử lý nước thải miền bãi, để xử lý toàn bộ nước thải từ các thôn dân cư của xã Cát Quế trước khi xả ra sông Đáy.

Bảo vệ môi trường trong phát triển làng nghề

anh-2.2.jpg
Hà Nội cần thêm nhiều công trình như nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà (huyện Hoài Đức) để giải quyết vẫn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.

Để giải quyết thực trạng trên, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2546/QĐ-UBND về danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% làng nghề được công nhận của địa phương đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.

Kế hoạch nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong xây dựng các giải pháp tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất tại các làng nghề. Đến hết năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường. Định hướng đến năm 2030, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Lập thẩm định và phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề. Sau đó, tổ chức triển khai thực hiện phương án đã được duyệt, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật; Thường xuyên tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề và cách thức xử lý; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu các hộ sản xuất trong làng nghề đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường...

Đến năm 2030, hoàn thành công tác di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề vào các khu, cụm, điểm công nghiệp sản xuất tập trung theo quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt; Hoàn thành đầu tư hạ tầng đồng bộ đối với các các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đang hoạt động và đầu tư mới theo quy hoạch được duyệt; Bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phát triển làng nghề nhưng không đánh đổi môi trường sống của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO