Kinh tế số

Đưa làng nghề cây cảnh lên không gian mạng

Loan Phạm 14/09/2023 07:30

Chuyển đổi số (CĐS) làng nghề cây cảnh Vị Khê bằng cách xây dựng phần mềm quảng bá cây cảnh cho làng nghề trên nền tảng bản đồ số Map4D, không chỉ nâng cao vị thế, mở ra hướng phát triển cho làng nghề cây cảnh truyền thống tại Vị Khê mà còn làm ví dụ cho nhiều làng nghề khác trong cả nước.

lang-nghe-vi-khe-2.png
Nghệ nhân tâm huyết với sự tỉ mỉ, kiên trì, uốn tỉa tạo dáng cho cây. (Ảnh: danviet.vn)

Làn sóng CĐS: Công nghệ thúc đẩy truyền thống

Trong thời đại hiện nay, chúng ta đã chứng kiến sự đổi mới mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. CĐS đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tiếp cận và thực hiện các hoạt động hàng ngày, làm cho mọi thứ trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết.

Nếu trước đây, việc gọi taxi thường phụ thuộc vào việc tìm số điện thoại của hãng taxi, sau đó liên hệ và chờ đợi. Thì ngày nay, với sự xuất hiện của các ứng dụng (app) gọi xe lớn như Grab, Gojek, Be, Taxi xanh SM,... việc đặt xe trở nên nhanh chóng và tiện lợi. Người dùng có thể xác định vị trí của mình, xem giá ước tính và lựa chọn loại xe mình muốn chỉ trong vài thao tác đơn giản.

Cả vận chuyển và giao nhận hàng hóa cũng đã trải qua sự thay đổi lớn đến từ CĐS. Trước đây vận chuyển hàng hóa bằng phương thức truyền thống phải thực hiện hàng loạt thủ tục phức tạp thì giờ đây, người dùng có thể đơn giản hóa toàn bộ quy trình bằng cách đặt vận đơn thông qua ứng dụng và hàng sẽ được giao đến tận nơi một cách thuận tiện nhất.

Thêm vào đó, công nghệ hiện đại đã biến bản đồ giấy chỉ đường thành phiên bản bản đồ số hiện đại, thay thế những nét vẽ chỉ đường loằng ngoằng bằng hệ thống chỉ đường trực quan, cho phép người dùng tìm đường dễ dàng đến các điểm đến mong muốn.

Lĩnh vực thương mại tiếp cận việc số hóa mạnh mẽ cũng không chỉ dừng lại ở những ngôi chợ truyền thống, thương mại điện tử đã mang đến một hình thức mua sắm mới, thuận tiện hơn và đa dạng hơn chỉ bằng vài nút bấm.

Làng nghề cây cảnh: Truyền thống với khát vọng đổi mới nhờ CĐS

Làng nghề tại Việt Nam luôn có một nét đặc thù riêng, mang trong mình những giá trị văn hóa truyền thống và nghệ thuật tinh xảo. Tuy nhiên, nhiều làng nghề đối mặt với những thách thức và khó khăn. Sự lâu đời của các làng nghề đã gắn liền với việc cha truyền con nối, nhưng cũng dễ dàng bị mai một theo thời gian. Sản phẩm thủ công vốn phụ thuộc vào bàn tay lao động tài hoa, tạo nên những tác phẩm độc đáo. Tuy nhiên, việc tiếp cận với đa dạng người dùng đáp ứng thị hiếu thì không phải lúc nào cũng đơn giản.

Các làng nghề trở thành địa điểm thăm quan và khám phá cho du khách, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh và tiếp cận thị trường. Sự cạnh tranh không lành mạnh và trà trộn, nhái giả cũng là những vấn đề mà các làng nghề đang phải đối diện.

Và trong bối cảnh này, làng nghề cây cảnh tại Vị Khê cũng không phải là ngoại lệ. Vị Khê không chỉ là một trong những làng nghề lâu đời, gắn liền với từng gia đình và người dân, mà còn được biết đến với những tên tuổi nghệ nhân và giới chơi cây cảnh. Tuy nhiên, sau nhiều biến cố thị trường, giá trị của cây cảnh đã suy giảm, dẫn đến sự giảm số lượng nhà vườn. Vị trí các nhà vườn không tập trung mà rải rác, làm cho việc tiếp cận và quảng bá sản phẩm trở nên khó khăn. Đặc biệt, với đa dạng chủng loại và giá cả, việc vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn.

lang-nghe-vi-khe-1.png
Nghệ nhân Vũ Văn Hoa ở làng cây cảnh Vị Khê chăm sóc vườn cây cảnh (Ảnh: laodongthudo.vn)

Đưa Vị Khê lên không gian mạng

Để giải quyết những thách thức trên, đã nảy sinh ra ý tưởng CĐS làng nghề cây cảnh. Theo đó, có thể đưa thông tin nhà vườn, người nông dân và người nghệ nhân lên không gian mạng, sự kết nối giữa họ và người mua hàng sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Người mua hàng có thể tiếp cận và tương tác với người bán hàng trên không gian mạng, tạo ra sự uy tín, gần gũi và tin cậy.

Bên cạnh đó, có thể phát triển ứng dụng để hỗ trợ quảng bá thông tin làng nghề và các sản phẩm cây cảnh. Ứng dụng sẽ giúp nhà vườn giới thiệu các sản phẩm độc đáo một cách thuận lợi, dễ dàng và tiếp cận với đúng đối tượng mục tiêu. Đồng thời, khách hàng cũng dễ tìm kiếm, tra cứu, chỉ dẫn, đặt hàng, liên hệ giao dịch trực tuyến và trực tiếp.

Với các ý tưởng đầy triển vọng trên, với sự dẫn dắt Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Nam Định, công ty IOTLink bắt tay tìm hiểu hiện trạng và nghiên cứu những giải pháp tối ưu nhất số hóa làng nghề cây cảnh Vị Khê thuộc xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Giải pháp nền tảng Map4D: CĐS làng nghề cây cảnh ở Vị Khê

Map4D là nền tảng chủ chốt trong việc hiển thị và quản lý dữ liệu địa lý. Là nền tảng bản đồ số do người Việt làm chủ, trụ sở đặt tại Việt Nam, luôn cập nhật và đáp ứng nhanh chóng mọi nhu cầu về bản đồ và GIS của Chính phủ, Doanh nghiệp và người dân.

Các giải pháp trên web và ứng dụng di động lĩnh vực du lịch của Map4D đã đem đến cách tiếp cận mới trong việc quản lý và quảng bá du lịch. Các dự án lớn tiêu biểu có thể kể đến như Làng văn hóa truyền thống, khu di tích du lịch ATK Thái Nguyên, quảng bá du lịch tại Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ,... thúc đẩy sự phát triển bền vững và tạo nên trải nghiệm du lịch dễ dàng, tương tác và thú vị cho mọi người.

Và để CĐS làng nghề cây cảnh ở Vị Khê thành công thì phần quan trọng không thể thiếu của giải pháp này chính là việc số hóa dữ liệu liên quan. Từ thông tin về nhà vườn, cây cảnh, giao thông, dữ liệu địa điểm 2D, 3D cho đến việc số hóa VR360, hình ảnh và video. Mỗi nhà vườn sẽ tham gia quá trình CĐS, cung cấp thông tin về sản phẩm, quá trình sản xuất... Tất cả sẽ được trình bày một cách trực quan và tương tác. Kết hợp với quảng bá thông tin, người dùng có thể tham quan các vườn cây cảnh, tương tác với hình ảnh chân thực, tạo nên một trải nghiệm đặc biệt.

ung-dung-map4d.png
Ứng dụng nền tảng bản đồ số phục vụ đa dạng lĩnh vực

Chìa khóa quan trọng cho sự thành công của dự án chính là sự hợp tác mạnh mẽ giữa Sở TT&TT Nam Định, Công ty IOTLink, chính quyền địa phương và các nhà vườn.

Giữ gìn, kết nối và mở rộng làng nghề cây cảnh Vị Khê

CĐS làng nghề cây cảnh Vị Khê không chỉ bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống, tôn vinh công lao của những người làm nghề, mà còn tạo ra một môi trường liên kết thuận lợi và dễ dàng giữa các nhà vườn và người mua hàng.

Sự tiếp cận dễ dàng và trực tiếp thông qua ứng dụng mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà vườn và khách hàng. Các sản phẩm độc đáo có thể được giới thiệu một cách thuận lợi, và người mua hàng cũng được trải nghiệm những tiện ích trực tuyến như tìm kiếm, tra cứu, đường dẫn, liên hệ giao dịch...

Điểm độc đáo nữa của giải pháp này là việc sử dụng mã QR code tự động, tăng cường khả năng tra cứu, tiện ích và tạo sự gần gũi hơn với người dùng.

Và trong tương lai, không chỉ dừng lại ở việc số hóa và quảng bá làng nghề cây cảnh Vị Khê, mà quy mô sẽ mở rộng ra toàn tỉnh Nam Định. Hợp tác với IOTLink cũng sẽ được mở rộng, giúp phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đô thị thông minh, quy hoạch đô thị, du lịch, kinh tế/ khu công nghệ, quản lý dữ liệu không gian dùng chung, cho đến việc xúc tiến đầu tư và quản lý các nguồn tài nguyên. Tích hợp nhiều công nghệ hiện đại trên TMĐT, công nghệ thanh toán và vận chuyển.

CĐS của làng nghề cây cảnh tại Vị Khê sẽ chứng minh rằng sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ sẽ mang lại những kết quả đầy triển vọng về kinh tế và văn hóa. Áp dụng giải pháp Map4D không chỉ giúp bảo tồn và phát triển làng nghề mà còn tạo ra một mô hình trực quan mở rộng cho cả tỉnh Nam Định và những địa phương khác. CĐS không chỉ là sự thay đổi về công nghệ, mà còn là sự đổi mới trong tư duy và cách làm việc, để tạo ra một môi trường pChù hợp cho phát triển bền vững trong tương lai.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Chuyên đề Kinh tế số Xã hội số tháng 9/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đưa làng nghề cây cảnh lên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO