Phát huy hiệu quả camera giám sát giao thông hướng tới xây dựng thủ đô thông minh

Tâm An| 21/06/2021 08:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa kéo theo đó là nhiều vấn đề gây nhức nhối về hệ thống giao thông đô thị. Nhằm gia tăng hệ thống giám sát cũng như xử phạt các hành vi vi phạm giao thông (VPGT), Công an TP. Hà Nội đã tăng cường lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông trên các trục đường chính, các nút giao thông trọng điểm.

Hệ thống camera giám sát giao thông sẽ tự động nhận dạng và lưu trữ các hình ảnh về giao thông, phát hiện và ghi nhận các hình ảnh vi phạm như phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm làn đường, phần đường, vượt đèn đỏ... giúp công tác xử lý vi phạm được dễ dàng và hiệu quả hơn. 

Đồng thời, hệ thống này cũng hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trong công tác chỉ huy điều hành, nắm bắt thông tin giao thông nhanh nhất để giải quyết các vấn đề về ùn tắc, phục vụ nhân dân đi lại thông suốt trên các tuyến đường.

Phát huy hiệu quả camera giám sát giao thông hướng tới xây dựng thủ đô thông minh - Ảnh 1.

Trung tâm thông tin chỉ huy Cục CSGT.

Việc lắp đặt, kết nối hệ thống camera không chỉ đảm bảo an ninh trật tự và xử lý VPGT mà còn phục vụ cho sự phát triển cơ sở hạ tầng đô thị hướng tới xây dựng và phát triển thành phố thông minh. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ sẽ tăng tính minh bạch trong công tác tuần tra kiểm soát trên đường; phát hiện, xử phạt VPGT. Sự có mặt của hệ thống camera này cũng góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông.

Giảm thiểu hành vi vi phạm giao thông

Là đơn vị đi đầu cả nước trong việc xử lý vi phạm qua hệ thống camera giám sát giao thông, Phòng CSGT Hà Nội hiện đang quản lý, vận hành và khai thác hơn 500 camera giám sát giao thông, được lắp đặt trên địa bàn TP, bao gồm ở cổng các bệnh viện, bến xe, trên các tuyến đường phức tạp về trật tự giao thông.

Trong quý I/2021, thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, Phòng CSGT Hà Nội đã xử lý được 3.054 trường hợp (trong đó phối hợp xử lý với các đơn vị là 896 trường hợp; xử lý phạt nguội là 2.158 trường hợp), phạt thành tiền: 5.708.000.000 đồng. Trong đó, lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông là 950 trường hợp; Dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định là 245 trường hợp,...

Trong năm 2020, hệ thống camera cũng đã phát hiện trên 16.000 vi phạm với các lỗi chủ yếu là vượt đèn đỏ, đi sai làn, dừng, đỗ sai quy định. Phòng CSGT đã gửi sang cơ quan đăng kiểm thông tin về gần 9.000 trường hợp tài xế vi phạm.

Rõ ràng, việc đưa hệ thống camera vào hỗ trợ lực lượng CSGT đã giảm tải bớt áp lực làm nhiệm vụ ngoài đường cho các cán bộ, chiến sĩ.

Phát huy hiệu quả camera giám sát giao thông hướng tới xây dựng thủ đô thông minh - Ảnh 2.

Hình ảnh thu được từ camera giám sát độ phân giải cao cho phép nhìn thấy rõ biển số của các phương tiện lưu thông trên đương. (Ảnh minh họa: Dntech.vn)

Đồng thời, việc tăng cường phạt nguội, hạn chế xử phạt thủ công sẽ bảo đảm minh bạch trong xử phạt, giảm thiểu được những tiêu cực không đáng có và nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Qua hệ thống camera giám sát, các lỗi vi phạm như quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường… đều được phát hiện một cách chính xác, khách quan.

Trước kia chưa có hệ thống camera giám sát, rất nhiều lái xe cố tình vượt đèn tín hiệu. Tuy nhiên, từ khi hệ thống này được lắp đặt, người tham gia giao thông sợ bị phát hiện lỗi và cũng đã ý thức hơn, điều này giúp giảm thiểu được những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Hệ thống camera không dừng lại là công cụ giám sát mà trở thành một định chế pháp luật vô hình, làm cho mọi người luôn phải nâng cao ý thức, tự nhắc nhở bản thân để không mắc các lỗi vi phạm.

Không chỉ bắt lỗi VPGT, hệ thống camera này còn hỗ trợ tích cực trong công tác phát hiện, điều tra, truy xét và xử lý tội phạm.

Vẫn còn đó nhiều khó khăn

Hiệu quả của hệ thống camera giám sát giao thông mang lại là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả thu được thì vẫn còn đó nhiều bất cập hiện hữu.

Hiện nay, TP. Hà Nội có trên 200 camera theo dõi, ghi nhận lỗi VPGT phục vụ công tác xử phạt nguội. Tuy nhiên, việc xử phạt nguội VPGT hiện nay mới đang tập trung chủ yếu vào phương tiện xe ô tô, còn đối với mô tô, xe gắn máy lại chưa phát huy hiệu quả.

Nguyên nhân chủ yếu là do những những loại phương tiện này thường thay đổi qua nhiều chủ sở hữu nên khó khăn trong việc xác định địa chỉ chủ sở hữu hiện tại và gửi thông báo vi phạm. Bên cạnh đó, hệ thống camera giám sát mới chỉ dừng lại ở việc xác định được xe vi phạm, không xác định được lái xe vi phạm, do vậy việc xử lý còn hạn chế và khó khăn.

Ngoài ra, hệ thống này cũng đang ngày càng gặp nhiều chiêu trò đối phó hơn. Ví dụ như việc che hoặc sửa chữa một phần biển kiểm soát phương tiện khiến việc xác định vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, một vấn đề bất cập cũng được đặt ra hiện nay là tính kết nối của hệ thống camera giám sát còn chưa đồng bộ. Thời gian qua rất nhiều dự án giao thông đầu tư lắp hệ thống camera mới chỉ mang tính chất thí điểm, đơn lẻ, "mạnh ai nấy làm", chưa kết nối dữ liệu dùng chung dẫn đến lãng phí nguồn đầu tư, chồng chéo trong việc giám sát và quản lý.

Đã đến lúc các đơn vị chức năng cũng phải xác định trong lộ trình xây dựng giao thông thông minh, hướng tới quản lý thông minh cần có những quy định, liên kết chặt chẽ cụ thể ở mỗi cấp, mỗi ngành, nhằm tạo thuận lợi trong việc chia sẻ dữ liệu, thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả; tránh một "rừng" camera nhưng không rõ tính năng sử dụng cũng như không phát huy được hiệu quả trong thực tế.

Hình thành văn hóa giao thông văn minh

Bên cạnh việc lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông nhằm hạn chế VPGT trên các tuyến đường thì điều quan trọng hơn cả đó chính là ý thức của những người điều khiển phương tiện giao thông.

Thời gian vừa qua, văn hóa tham gia giao thông dù đã được đẩy mạnh tuyên truyền nhưng vẫn chưa lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử phạt nguội thông qua hình ảnh đảm bảo được tính công bằng, minh bạch, khiến người dân tin tưởng và chấp hành hơn.

Trên thực tế, trong một thời gian dài, không ít người dân đã có những định kiến nhất định về vấn đề "xin - cho" trong xử lý VPGT, thiếu sự tin tưởng vào công tác của lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, giờ đây với hệ thống công nghệ hiện đại, mọi thứ sẽ được rõ ràng, hình ảnh ghi nhận vi phạm cho ra kết quả xử lý công bằng với tất cả mọi người khiến người dân thấy minh bạch, tin tưởng và cũng chấp hành tốt hơn từ đó hình thành được một văn hóa giao thông văn minh.

Có thể khẳng định trong thời đại 4.0 hiện nay, việc ứng dụng công nghệ trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là xu hướng tất yếu. Và phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát là một trong những biện pháp rất hữu hiệu nhằm kéo giảm vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, qua đó giảm ùn tắc và tai nạn giao thông một cách hiệu quả.

Đặc biệt, TP. Hà Nội với mục tiêu xây dựng một hệ thống giao thông thông minh nhằm hướng tới phát triển thủ đô văn minh và thông minh cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị cũng như người dân. Do đó, xây dựng và hình thành một văn hóa giao thông văn minh là điều cần thiết. Vì, một thành phố muốn thông minh thì cũng cần những công dân văn minh tự giác chấp hành pháp luật quy định về trật tự, an toàn giao thông.

Phát huy và ứng dụng hiệu quả hơn nữa công nghệ vào công tác đảm bảo an toàn giao thông

Nhằm phát huy và ứng dụng hiệu quả hơn nữa công nghệ vào công tác đảm bảo an toàn giao thông, ngày 3/2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 165/QĐ-Ttg phê duyệt Đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính".

Mục tiêu của Đề án là nâng cấp trung tâm thông tin chỉ huy Cục CSGT, bảo đảm việc kết nối các hệ thống camera của các đơn vị trong và ngoài ngành công an; ban hành tiêu chuẩn quốc gia về lắp đặt hệ thống giám sát để đảm bảo tính thống nhất và tích hợp được các hệ thống.

Đề án đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, dịch vụ của các đô thị thông minh kết hợp với hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều khiển giao thông.

Đề án có tổng mức đầu tư 2.150 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác, thực hiện từ năm 2021 đến 2025./.


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát huy hiệu quả camera giám sát giao thông hướng tới xây dựng thủ đô thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO