Hiệu quả của báo chí trong tuyên truyền, gìn giữ chủ quyền biển, đảo
Thời gian qua, tình hình tranh chấp biên giới trên biển trở nên phức tạp giữa các quốc gia bên bờ Biển Đông và tình trạng ngư dân các nước xâm phạm lãnh hải của nhau vẫn còn tiếp diễn, dẫn đến những rắc rối về vấn đề an ninh, ngoại giao… Tình hình đó đòi hỏi công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo phải được coi trọng để mọi tổ chức và người dân nhận thức, ứng xử vừa phù hợp với quy định của pháp luật, vừa nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.
Đáp ứng yêu cầu đề ra, hoạt động báo chí, truyền thông của Việt Nam đã hoạt động rất hiệu quả, truyền tải thông tin một cách kịp thời, tuyên truyền đến người dân các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về chủ quyền biển, đảo.
Trên lĩnh vực đối ngoại, công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác thông tin đối ngoại đã phản ánh khách quan, trung thực, đầy đủ, kịp thời và sâu sắc về một Việt Nam "là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế", là điểm đến an toàn của bạn bè quốc tế. Cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ngày càng chủ động, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả; nội dung toàn diện, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; phương thức tuyên truyền đổi mới, hiện đại, đa dạng, phong phú, thuyết phục với sự tham gia của đông đảo các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Thông tin đối ngoại có vai trò quan trọng, là phương thức đối ngoại theo chiều sâu, góp phần giảm bớt những sự khác biệt, xung đột về quan điểm chính trị…. Từ đó, gia tăng sự hiểu biết, đồng thuận, tôn trọng sự khác nhau về thể chế chính trị, tạo dựng sự ủng hộ và những mối quan hệ quốc tế sâu sắc, bền vững đối với Đảng ta, đất nước ta.
Nói về vấn đề này, nhà báo Vũ Duy Hưng, Giám đốc Truyền hình Nhân Dân đánh giá: "Các lực lượng làm thông tin đối ngoại cả ở trong và ngoài nước đã có nhiều đổi mới, sáng tạo về phương thức, hướng tới các đối tượng khác nhau theo hướng linh hoạt, thuyết phục, góp phần củng cố sự đồng thuận xã hội, ủng hộ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, biên giới lãnh thổ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".
Trong nước, công tác tuyên truyền biển, đảo và biên giới trên đất liền đã bám sát tình hình thực tế, triển khai thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nước ta ở Biển Đông. Nhiều cơ quan báo chí thậm chí đã mở những chuyên trang, chuyên mục chuyên về biển đảo như báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam với chuyên mục Biển đảo Việt Nam, báo điện tử VOV với chuyên mục Biển đảo, báo Thế giới và Việt Nam với chuyên mục Biên giới lãnh thổ... Hay Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp có chuyên mục Thời sự và Tâm điểm rất đáng chú ý khi có nhiều bài viết tuyên truyền về biển đảo rất sâu sắc...
Sự hiệu quả của hoạt động tuyên truyền gìn giữ chủ quyền biển, đảo giờ đây không chỉ trong phạm vi báo chí chính thống mà được lan rộng qua mạng xã hội. Điều này thực sự có ý nghĩa nếu ta biết rằng đối tượng tác động trực tiếp và đông đảo nhất của những trang thông tin, mạng xã hội này là những người Việt trẻ - đối tượng cần nhất được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tình yêu, trách nhiệm cũng như niềm tự hào với biển đảo quê hương.
Báo chí truyền thông cũng làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phản bác các nội dung xuyên tạc, phản động, lợi dụng vấn đề biển, đảo để chống phá Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Với những thành công đã đạt được, có thể nói, dù ở giai đoạn nào, thời kỳ nào của lịch sử, vai trò của Báo chí trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo là hết sức quan trọng.
Đổi mới, nâng cao hoạt động báo chí trong tình hình mới
Cho dù đã đạt được những thành công không nhỏ trong công tác tuyên truyền, gìn giữ biển, đảo thời gian qua, nhưng với những biến động phức tạp, nhạy cảm của tình hình Biển Đông, liên quan đến nhiều nước, đe dọa đến chủ quyền và quyền tài phán của nước ta nên cần có sự đổi mới và nâng cao hoạt động này, đặc biệt chú ý nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tại diễn đàn trực tuyến "Tăng cường vai trò báo chí trong thông tin tuyên truyền về biên giới, biển đảo" do Tạp chí Người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Tạp chí Biển Việt Nam, Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam tổ chức đầu tháng 10 vừa qua, một trong những vấn đề được đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là các ngành chức năng cần xây dựng kho dữ liệu chung trên mạng dành cho nhà báo và người dân về chủ quyền biển đảo; học hỏi kinh nghiệm báo chí các nước khác, đổi mới cách tuyên truyền sao cho bình dị, nhẹ nhàng để công chúng dễ tiếp nhận. Đồng thời, việc thông tin, giáo dục về chủ quyền biển, đảo cho học sinh, sinh viên trong nhà trường cũng cần đổi mới sao cho vừa liên tục, vừa hiệu quả và phù hợp với tâm lý tiếp nhận của lứa tuổi.
Chia sẻ về việc đổi mới các hoạt động báo chí, tuyên truyền gìn giữ biển, đảo ở trong nước, Thiếu tá, nhà báo Hoàng Trường Giang, Báo Quân đội nhân dân, cho biết: "Với phóng viên báo chí hiện nay, việc tìm được đề tài mới, hấp dẫn đối với biển đảo, đặc biệt là Quần đảo Trường Sa hay cụm Nhà giàn DK1 là không dễ. Theo tôi chúng ta cần tăng cường tuyên truyền về những chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo cho hậu phương cán bộ, chiến sĩ công tác nơi biển đảo. Lên án sự lạm dụng, trục lợi, về các chính sách hậu phương quân đội; khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các lực lượng bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; khuyến khích nhân dân định cư ổn định lâu dài trên đảo, làm ăn dài ngày trên biển. Tuyên truyền bồi đắp tình yêu, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam là nhiệm vụ đặc biệt, vừa cơ bản, lâu dài, vừa mang tính thường xuyên, cấp bách, phức tạp, có ý nghĩa quan trọng đối với chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Chính vì vậy các lực lượng tuyên truyền cần xác định công tác tuyên truyền phải đi đôi với chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị về vấn đề biển, đảo Việt Nam; không ngừng bồi đắp niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đối tượng, đặc thù của từng địa phương, đơn vị; tăng cường tính chủ động sáng tạo, linh hoạt và phát huy vai trò của lực lượng triển khai công tác tuyên truyền ở cơ sở. Nội dung tuyên truyền cần cô đọng, dễ hiểu, được biên tập cho phù hợp với từng đối tượng để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, công tác tuyên truyền biển, đảo đã được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong cả nước quan tâm triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí, truyền thông trong thời kỳ mới, điều nên làm đối với các cơ quan báo chí là cần đổi mới phương thức tuyên truyền để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: "…kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước"./.