Phát triển chính phủ điện tử theo chiều sâu, đáp ứng cách mạng 4.0

TH| 05/07/2018 12:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 5/7/2018 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) và UBND TP. Hà Nội, Hội truyền thông số Việt Nam phối hợp với Sở TTTT Hà Nội và công ty IDG Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử với chủ đề Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả.

Từng bước phát triển chính phủ điện tử theo chiều sâu

Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chính phủ điện tử (CPĐT) luôn được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ngày 1/7/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT. Tiếp đó, ngày 14/10/2015 Chính phủ ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Ngày 26/10/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016- 2020.

Thời gian gần đây Thủ tướng chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp về CPĐT, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong nước, đồng thời tổ chức đoàn cấp bộ trưởng đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của các nước về mô hình CPĐT. Điều này thể hiện quốc tâm cao của Chính phủ trong việc ứng dụng CNTT xây dựng CPĐT tại Việt Nam.

Đồng thời, để việc triển khai CPĐT hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, để nâng cao năng suất lao động, thực hiện cải cách, đặc biệt là cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị công, phát triển kinh tế, quản lý xã hội, phòng chống tham nhũng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng CPĐT phải gắn chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT ở mọi cấp, mọi ngành, trong đó CNTT là công cụ để thực hiện mục tiêu. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị Quyết mới, trong đó đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển CPĐT giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Việc thành lập Ủy ban quốc gia về CPĐT trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban quốc gia về Ứng dụng CNTT cũng đang được chuẩn bị.  

Theo báo cáo của Văn phòng chính phủ, trong quý I năm 2018, cả ba nhóm chỉ số cơ bản của hệ thống CPĐT là số lượng dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực đều đã được cải thiện. Về số lượng dịch vụ công trực tuyến, tổng cộng đã có thêm 13.909 dịch vụ cấp độ 3 và 4 được các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương xây dựng, vận hành. Như vậy, các bộ, cơ quan ngang bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp tổng cộng 1.551 dịch vụ công trực tuyến còn các địa phương cung cấp tổng cộng 45.374 dịch vụ. Bên cạnh đó, chỉ số hạ tầng viễn thông cũng có sự gia tăng đáng kể; tỉ lệ người dùng Internet là 54,2% tổng dân số; số thuê bao cố định là 4,9 thuê bao/100 dân; số thuê bao di động là 129 thuê bao/100 dân; số thuê bao băng thông rộng cố định là 12 thuê bao/100 dân; số thuê bao băng thông rộng di động là 48,4 thuê bao/100 dân.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng cho biết: “Thời gian qua, Bộ TTTT, các bộ, ngành, địa phương đã, đang nỗ lực tổ chức triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế so với yêu cầu vẫn chưa được như mong muốn”.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Cần có những cách làm, giải pháp phù hợp hơn, phổ biến nhân rộng những kinh nghiệm, bài học thành công cũng như chưa thành công để rút kinh nghiệm”. Trong bối cảnh đó, việc IDG Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia về CPĐT 2018 với chủ đề: “Phát triển CPĐT hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả” là hết sức thiết thực và phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc hội thảo

Đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Trong bài trình bày của ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TTTT, bức tranh toàn cảnh về thực trạngtriển khai ứng dụng Công nghệ thông tin, xây dựng CPĐT tại Việt Nam đã được mô tả khá chi tiết. Theo đó, việc đánh giá,xếp hạng hoạt động xây dựng và phát triển CPĐT dựa trên 6 tiêu chí: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; Trang/Cổng thông tin điện tử (Cung cấp, cập nhật thông tin; Các chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử); Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT và nhân lực cho ứng dụng CNTT. Kết quả cho thấy, việc triển khai CPĐT tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể. Đáng chú ý là trong tiêu chí về hạ tầng Ứng dụng CNTT phục vụ CPĐT, ngoài mạng quang, Trung tâm dữ liệu, nhiều cơ quan, tổ chức đã bắt đầu triển khai điện toán đám mây để bắt kịp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Nhiều cơ quan có cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhưng có ít hoặc không phát sinh hồ sơ  trực tuyến (nhất là các địa phương); việc triển khai ứng dụng CNTT nội bộ thì tại một số nơi, một số bộ, ngành, địa phương còn nhiều hệ thống phần mềm khác nhau, rời rạc, do đó chưa thực hiện gửi nhận văn bản liên thông, thậm chí một số nơi sử dụng chủ yếu trong việc gửi, nhận văn bản mà chưa thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành qua mạng. Về hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT, một số địa phương, nhất là tuyến huyện, xã nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu hạ tầng đã được đầu tư từ lâu, chưa được nâng cấp kịp thời, thiếu hệ thống sao lưu, khó đáp ứng được nhu cầu trong tương lai. Mặt khác, nguồn nhân lực ứng dụng CNTT còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TTTT, trình bày tham luận tại hội thảo

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, nguyên nhân của tình trạng này là do kinh phí cho hoạt động ứng dụng CNTT chưa được đảm bảo để thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT đã được duyệt, kinh phí bố trí thường không đáp ứng được nhu cầu, chưa kịp thời, chưa tương xứng với hiệu quả đem lại của ứng dụng CNTT. Một số cơ quan, người đứng đầu chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước hoặc công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt. Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin tạo nền tảng ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT chậm được triển khai, các hệ thống thông tin có quy mô toàn quốc đã triển khai nhưng thiếu sự kết nối, chia sẻ dữ liệu trên diện rộng. Một số văn bản tạo thuận lợi cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước chưa được ban hành như Nghị định về kết nối chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN), Nghị định về định danh điện tử của các nhân, tổ chức,….

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Thành Phúc đã đưa ra một số định hướng trong thời gian tới. Theo đó, cần triển khai các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 (IoT, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, blockchain,…) nhằm tối ưu hóa quy trình, đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của CQNN từ giấy từ chuyển sang hoạt động chủ yếu trên dữ liệu, chi phí giảm, hiệu quả, hiệu lực tăng. Một vấn đề quan trọng khác là tăng cường và nâng cao hiệu quả của các kênh giao tiếp của CQNN với người dân, doanh nghiệp để phù hợp với xu thế phát triển công nghệ bao gồm mạng xã hội (chatbot phản ánh ý kiến, kiến nghị về giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng y tế, giáo dục), IoT (người dân giám sát qua hệ thống camera của CQNN, thiết bị đánh giá mức độ hài lòng),… Việc cung cấp dữ liệu mở cũng góp phần tăng cường công khai, minh bạch thông tin và giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên dữ liệu mở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách, thăm dò dư luận, đối thoại với Chính quyền. Đặc biệt cần triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN gắn chặt với triển khai Kiến trúc đô thị thông minh để đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của cơ quan đối với hệ thống thông tin của Đề án phát triển đô thị thông minh; tăng cường khả năng dự báo chính xác xu hướng phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở dữ liệu để kịp thời có chính sách phát triển phù hợp, từng bước chuyển công tác quản lý từ bị động, thiếu dữ liệu dự báo sang chủ động, dựa trên dữ liệu,…

Tại Hội thảo, Hội truyền thông số Việt Nam đã phối hợp với Cục Tin học hóa công bố bảng xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT/xây dựng CPĐT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017. Bảng xếp hạng giúp cho các bộ, ngành, địa phương nắm được thực trạng, vị trí xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT của cơ quan mình, từ đó có kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ quan, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển chính phủ điện tử theo chiều sâu, đáp ứng cách mạng 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO