Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam

01/08/2022 07:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam từ nay đến 2030 là giai đoạn phát triển với sự chi phối của chuyển đổi số (CĐS) toàn diện.

Trong đó, công nghệ số được xác định là cốt lõi của mọi mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững, phát triển tư liệu sản xuất, trở thành động lực mới để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Bởi phát triển công nghiệp công nghệ số (CN-CNS) góp phần tạo ra các sản phẩm công nghệ số được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, giải quyết các bài toán trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần phát triển kinh tế số Việt Nam.

Với mục tiêu hướng đến phát triển CN-CNS thành ngành kinh tế quan trọng trong bối cảnh CĐS, đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển. 

Hiện trạng phát triển ngành CN-CNS

Trong giai đoạn vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang suy giảm, lĩnh vực CN-CNS (công nghiệp CNTT) tiếp tục giữ vững được sự tăng trưởng dù chưa đạt được mức tăng trưởng như các năm trước.

Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2021 của Bộ TT&TT, tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2021 đạt 136 tỷ USD, gấp hơn 20 lần so với năm 2009 (6,2 tỷ USD) và gấp hơn 2 lần so với năm 2015. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt bình quân 15,2%/năm, cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước. 

Năm 2021, ngành công nghiệp này đã tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động hơn 1 triệu người. Các DN công nghiệp CNTT đã nộp Ngân sách Nhà nước (NSNN) hơn 62.000 tỷ đồng. Các mặt hàng công nghiệp CNTT đặc biệt là điện thoại và máy tính vẫn đứng vững trong danh sách top 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2021, đưa ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu hơn 15 tỷ USD. 

Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam - Ảnh 1.

Doanh thu công nghiệp CNTT giai đoạn 2017-2021 (Nguồn: Bộ TT&TT)

Về cơ cấu DN công nghệ số theo lĩnh vực hoạt động 

Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Thuế

Số lượng DN buôn bán, phân phối vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất 50%, tiếp theo là DN sản xuất phần mềm và dịch vụ với tỷ lệ tương ứng là 27,57% và 14,02%, tỷ lệ DN sản xuất phần cứng điện tử là 7,15% và tỷ lệ nội dung số ít nhất chỉ chiếm 1,25%.

Về cơ cấu theo doanh thu 

Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam - Ảnh 3.

Doanh thu của các DN sản xuất phần cứng điện tử vẫn chiếm tỷ trọng nhiều nhất tương ứng 79,1% tổng doanh thu ngành công nghiệp, tiếp theo là doanh thu của các DN buôn bán phân phối chiếm 14,98% và sản xuất phần mềm là 4,29%, dịch vụ 1,52%. Doanh thu từ công nghiệp nội dung số chỉ chiếm có 0,11% cho thấy thực trạng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng trong bối cảnh CĐS giai đoạn tới, do dữ liệu sẽ là tài nguyên để phát triển các nền kinh tế. 

Về phát triển DN công nghệ số trên cả nước 

Theo số liệu công bố của Bộ TT&TT, tính đến hết tháng 6/2022, tỷ lệ DN công nghệ số/1.000 dân trung bình của cả nước đạt 0,69. Trong cả nước chỉ có 04 địa phương có tỷ lệ DN công nghệ số/1.000 dân cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (chiếm hơn 72% tổng số doanh nghiệp công nghệ số của cả nước), trong khi tỷ lệ này ở nhiều địa phương còn ở mức rất thấp. 

Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam - Ảnh 4.

Công nghiệp phần cứng

Công nghiệp phần cứng, điện tử viễn thông (bao gồm sản xuất máy tính và linh kiện, thiết bị điện tử viễn thông gồm điện thoại di động và linh kiện) có tốc độ tăng trưởng cao, tính riêng giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng trung bình hàng năm đạt khoảng 15,7%, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước về các loại sản phẩm điện tử dân dụng, điện lạnh và máy tính. Năm 2020, doanh thu xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử viễn thông (kể cả từ khối FDI của Việt Nam) được xếp vào top 2 thế giới về sản xuất điện thoại di động và linh kiện, top 10 thế giới về xuất khẩu mạch điện tử và linh kiện và top 12 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính. 

Năm 2020, doanh thu xuất khẩu sản phẩm phần cứng ước đạt trên 95,8 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử đã được xuất khẩu tới 35 nước trong khu vực và trên thế giới. Mặc dù đạt được kết quả khá tốt, tuy nhiên, công nghiệp phần cứng điện tử Việt Nam chủ yếu là FDI, các DN phần cứng, điện tử Việt Nam có quy mô nhỏ, năng lực tham gia sản xuất các sản phẩm điện tử và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế.

Công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT

Ngành công nghiệp phần mềm, dịch vụ CNTT có tốc độ phát triển cao, được ghi nhận trên bản đồ CNTT thế giới. Nhiều DN phần mềm có chứng chỉ quản lý chất lượng sản xuất phần mềm CMMi, trong đó có những DN đã đạt CMMi mức cao nhất (mức 5) như: Fsoft, Luxoft, Global Cybersoft, CSC và TMA. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt khoảng hơn 12,1%/năm. Doanh thu năm 2020 ước đạt 12,4 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã có khả năng cạnh tranh được với các DN Ấn Độ, Trung Quốc trên thị trường dịch vụ phần mềm thế giới. Việt Nam thường xuyên được các tổ chức có uy tín đánh giá và xếp hạng cao trong danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về dịch vụ ủy thác phần mềm xuất khẩu [1]. 

Năm 2021, Việt Nam được xếp thứ 6/60 về gia công dịch vụ phần mềm theo đánh giá của AT. Kearney. Theo khảo sát của Tập đoàn tư vấn NeoIT có trụ sở tại Hoa Kỳ, Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội được xếp vào nhóm các thành phố dịch vụ ủy thác hấp dẫn nhất thế giới. Một số các sản phẩm phần mềm đóng gói thương hiệu Việt bắt đầu chiếm lĩnh thị phần trong nước.

Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam - Ảnh 5.

Điểm hạn chế của công nghiệp phần mềm Việt Nam là doanh thu chủ yếu tập trung vào gia công, làm dịch vụ cho nước ngoài, chưa có nhiều DN sáng tạo, thiết kế, phát triển sản phẩm phần mềm Việt, chưa phát triển được cơ sở kết cấu hạ tầng, cơ sở dữ liệu (CSDL) để hỗ trợ phát triển ngành. Pháp lý về công nghiệp phần mềm còn một số tồn tại hạn chế, đặc biệt liên quan đến phân loại sản phẩm, dịch vụ phần mềm chưa phù hợp với thực tiễn phát triển để áp dụng chính sách ưu đãi thuế. 

Công nghiệp nội dung số

Trong các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp CNTT, ngành công nghiệp nội dung số được kỳ vọng có nhiều tiềm năng về giá trị gia tăng và năng suất lao động cao. Tuy vậy, cho đến nay quy mô của ngành này còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 0,8% tổng doanh thu ngành. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp nội dung số giai đoạn 2015 - 2020 chỉ đạt 7,9% khá khiêm tốn so với tốc độ phát triển chung của ngành. 

Về số lượng DN, đến năm 2021 có 741 [2] DN tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này so với số lượng DN 2.339 năm 2015. Doanh thu của lĩnh vực ước đạt 934 triệu USD. Một số doanh nghiệp chiếm lĩnh được thị trường nội địa và bước đầu đầu tư, cung cấp dịch vụ ra thị trường nước ngoài. Năm 2020, Việt Nam được xếp top 7 trong các nước xuất khẩu trò chơi điện tử (video games) lớn nhất thế giới chiếm 4,4% thị phần với 954,7 triệu USD - theo Worldtopexports (lớn hơn doanh thu của ngành nội dung số do một phần được tính vào phần mềm).

Về phát triển nguồn nhân lực CNTT

Nguồn nhân lực CNTT nước ta luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, đến năm 2021, tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp CNTT là 1.080.000 người, tăng bình quân 7,38%/năm trong giai đoạn 2016-2021.

Về năng lực và kỹ năng, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam được đánh giá khá cao trên bình diện quốc tế. Việt Nam xếp hạng 29 trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng kỹ năng lập trình viên của Skillvalue report năm 2018. Năm 2017, sinh viên Việt Nam xếp thứ 34/128 tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC). Việt Nam liên tục lọt vào top 10 nước gia công phần mềm hấp dẫn châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2019, Việt Nam xếp thứ 5/55 nước dẫn đầu về dịch vụ gia công quy trình (BPO), và xếp thứ 28/100 nước về trò chơi trực tuyến, xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu smartphone và thiết bị văn phòng theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Về nghiên cứu - phát triển CNTT

Hoạt động nghiên cứu - phát triển sản phẩm CNTT trong DN được triển khai khá tích cực. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam như VNPT, Viettel đã xây dựng các sản phẩm phần mềm, hệ thống thiết bị phần cứng triển khai trong các cơ quan nhà nước (CQNN) từ Trung ương tới địa phương, phục vụ tốt cho công tác ứng dụng CNTT trên phạm vi cả nước. Các sản phẩm CNTT thương hiệu Việt đã được nghiên cứu, phát triển thành công và được sử dụng khá rộng rãi như: Điện thoại thông minh, đầu thu kỹ thuật số; thiết bị giám sát, điều khiển tự động; các phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, văn phòng điện tử, cổng thông tin điện tử trong CQNN, các sản phẩm quản lý điều hành sản xuất, giám sát hành trình; nghiên cứu sản xuất các sản phẩm nội dung số trên môi trường mạng và kênh truyền thông...

Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), các DN CNTT Việt Nam đã đẩy mạnh nghiên cứu - phát triển sản phẩm công nghệ 4.0, điển hình như: thiết bị mạng 5G, sản phẩm công nghệ AI, robot, thiết bị bay không người lái, xe tự hành, thiết bị IoT, các sản phẩm, thiết bị an toàn thông tin (phần mềm diệt virus, thiết bị tường lửa, thiết bị IPS/IDS và các dịch vụ kiểm tra đánh giá ATTT, khắc phục sự cố, phòng chống tấn công mạng...).

Về kết cấu hạ tầng cho phát triển CNTT

Khu CNTT tập trung là hạ tầng quan trọng để phát triển ngành công nghiệp CNTT. Đến năm 2021, số lượng Khu CNTT tập trung là 06 (Công viên phần mềm Quang Trung, Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung Cầu Giấy, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng, Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, Khu CNTT tập trung TP. Cần Thơ) Bên cạnh đó, có mô hình thí điểm Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung được Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập, hoạt động theo chức năng của khu CNTT tập trung).

Tỷ lệ lấp đầy của các khu CNTT tập trung đang hoạt động trên cả nước đạt trên 95%. Theo báo cáo của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, hiện nay một số DN lớn về lĩnh vực CNTT hoạt động trong khu CNTT tập trung đang có nhu cầu lớn về mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, do vậy rất cần thêm mặt bằng. Các khu như Công viên phần mềm Quang Trung, Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung Cầu Giấy đạt hiệu quả vốn đầu tư với tổng số tiền nộp Ngân sách Nhà nước của các đơn vị quản lý khu CNTT tập trung đã nhiều hơn tổng nguồn vốn đầu tư.

Về hợp tác quốc tế để phát triển CNTT

Nhiều hoạt động hợp tác song phương với nhiều nước thông qua các hình thức hợp tác như trao đổi đoàn các cấp, hội thảo, đào tạo và ký kết các thoả thuận song phương. Tiêu biểu có thể kể hợp tác song phương với Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ về xây dựng chính sách, công tác đảm bảo an toàn thông tin, đào tạo, nâng cao năng lực CNTT, đầu tư sản xuất, kinh doanh,...

Các DN Việt Nam được tạo điều kiện tiếp cận thị trường nước ngoài, từng bước xây dựng thương hiệu CNTT Việt Nam trên trường quốc tế cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh. Từ chỗ bị phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ của nước ngoài, đến nay các DN CNTT hàng đầu của Việt Nam đặc biệt là trong lĩnh vực gia công phần mềm đã không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn vươn tầm ra quốc tế.

Giải pháp phát triển CN-CNS Việt Nam trong thời gian tới

Để CN-CNS trở thành ngành kinh tế quan trọng trong bối cảnh CĐS ở Việt Nam hiện nay, cần tập trung thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ số, nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thiết kế, sản xuất trong nước: Cần xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, ứng dụng sản phẩm, giải pháp công nghệ số mới. Cụ thể: xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia về CN-CNS, trong đó tập trung vào các công nghệ mới, công nghệ mở mang tính chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Bigdata), công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), công nghệ 5G và các thế hệ tiếp theo; Nâng tỷ lệ chi nghiên cứu - phát triển (R&D) cho các công nghệ nền, khoa học cơ bản về công nghệ số. Đồng thời, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho việc nghiên cứu những công nghệ lõi phục vụ các lợi ích kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, có mục tiêu lưỡng dụng, có tác động mạnh đến tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm (LAB) quốc gia phục vụ cho việc nghiên cứu, phát triển, kiểm thử, đánh giá các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam.

Xây dựng, ban hành khung pháp lý về thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để phát triển công nghiệp công nghệ số; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế số, xã hội số như: các quy định về giao dịch dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư, cũng như tạo lập niềm tin trên không gian số; quy định về quyền cá nhân, đạo đức khi sử dụng trí tuệ nhân tạo; các quy định về danh tính số, định danh và xác thực điện tử cho người dân...

Thứ hai, phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam có chất lượng và thương hiệu: Cần có chính sách cho việc xây dựng, vận hành và duy trì cơ sở dữ liệu về chất lượng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong đó cho phép có sự đánh giá của người dùng. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy và tạo điều kiện phát triển cho các DN ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo sản xuất sản phẩm phục vụ cho công nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Xây dựng và triển khai Chương trình phát triển thương hiệu ngành CN-CNS Việt Nam trong và ngoài nước. Trong đó, DN công nghệ số Việt Nam chủ động công bố, đánh giá, giám sát chất lượng sản phẩm công nghệ số. Đồng thời, đẩy mạnh việc xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của DN; đẩy mạnh hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; đẩy mạnh thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kỹ thuật số; đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ DN về đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan) tại nước ngoài.

Đào tạo, phổ biến, hướng dẫn sử dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số. Áp dụng các chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thông tin như các tiêu chuẩn CMMi, ISO, Agile, Scrum... và các chuẩn quốc tế phù hợp khác.

Thứ ba, phát triển kết cấu hạ tầng cho CN-CNS: Nhà nước cần tập trung nguồn lực hỗ trợ cho việc nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa thiết bị mạng, thiết bị đầu cuối 5G và thế hệ tiếp theo; thiết bị mạng băng rộng, điện thoại thông minh, thiết bị IoT, camera thông minh, thiết bị thông minh hộ gia đình; Các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ cho Chính phủ số, CĐS trong các lĩnh vực ưu tiên, như: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, năng lượng, tài nguyên và môi trường.

Triển khai Chương trình mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang. Phát triển các Khu CNTT tập trung và các thành viên Chuỗi Công viên phần mềm nhằm tạo cơ sở cho phát triển kinh tế số tại địa phương. Phát triển Hệ thống quản lý, thúc đẩy phát triển CN-CNS quốc gia, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu về DN, sản phẩm, thị trường công nghiệp công nghệ số.

Hỗ trợ đầu tư, xây dựng và vận hành các sản phẩm công nghệ số cho Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp nhằm thực hiện công tác nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp cơ bản, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chính. Đầu tư xây dựng và vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo và hỗ trợ DN công nghệ số quốc gia.

Thứ tư, chú trọng phát triển thị trường, tạo điều kiện cho DN công nghệ số: Hỗ trợ, định hướng để các tập đoàn, DN thương mại, dịch vụ lớn và các DN công nghệ số đã khẳng định được thương hiệu thực hiện dẫn dắt CĐS quốc gia; phát triển các nền tảng mở; xây dựng các nền tảng dẫn dắt startup, dẫn dắt hệ sinh thái DN; phát triển sản phẩm trọng điểm quốc gia theo đặt hàng của Nhà nước.

Nghiên cứu và ban hành chính sách ưu đãi cho DN làm chủ sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam đi từ làm chủ thiết kế, tích hợp hệ thống, làm chủ công nghệ lõi, công nghệ mở.

Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo ưu tiên phát triển ứng dụng sản phẩm công nghệ số trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm công nghệ số.

Hỗ trợ cho việc hiện đại hóa các doanh nghiệp sản xuất thông minh thông qua việc hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ, công nghệ thông tin hóa, CĐS và các công nghệ số mới như: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, người máy công nghiệp, in 3D, bằng các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tín dụng.

Hỗ trợ các hoạt động nhằm đưa sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đi ra quốc tế thông qua việc tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thâm nhập thị trường mới của DN công nghệ số.

Triển khai có hiệu quả Chương trình thương hiệu Việt cho sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam chinh phục người Việt Nam để nâng cao sức ảnh hưởng và năng lực cạnh tranh của các thương hiệu công nghệ số quốc gia. Xây dựng văn hóa thói quen tiêu dùng sản phẩm số Make in Viet Nam của tổ chức, DN, người dân.

Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam - Ảnh 6.

Ảnh: ven.vn

Tăng chi tiêu cho sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam bằng việc xây dựng quy định, hướng dẫn ưu tiên mua sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong nước khi sử dụng Ngân sách Nhà nước, phù hợp với cam kết quốc tế về mua sắm chính phủ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân khu vực ngoài nhà nước áp dụng.

Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí xác định các nền tảng số, sản phẩm công nghệ số Việt Nam cần hạn chế sở hữu nước ngoài. Tổ chức các giải thưởng quốc gia tôn vinh các doanh nghiệp công nghệ số tiềm năng, DN công nghệ số xuất sắc, các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số xuất sắc.

Nghiên cứu, bổ sung các yêu cầu về ứng dụng công nghệ số trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.

Công bố hàng năm các chương trình, dự án ứng dụng CNTT có nhu cầu thực hiện dưới hình thức: đối tác công tư, dự án đầu tư, mua sắm, thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT; Nghiên cứu, ban hành lộ trình từ khuyến khích đến yêu cầu sử dụng đối với những sản phẩm công nghệ số thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức. 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra chất lượng nhằm đảm bảo việc tuân thủ quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với các hàng hóa, dịch vụ công nghệ số nhập khẩu.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ số: Nghiên cứu, ban hành khung kỹ năng về nhân lực công nghệ số theo mục tiêu; Cho phép thí điểm thành lập khoảng 5 đến 10 trường đại học số để nhanh chóng tạo ra sự đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực số dồi dào, chất lượng cao.

Các cơ sở giáo dục đào tạo tăng cường tổ chức cung cấp các khóa học trực tuyến MOOC (Massive Open Online Course) có khả năng cá nhân hóa theo đối tượng người học, bao gồm cả những khóa học cơ bản, góp phần nâng cao năng lực kỹ năng số của xã hội, phục vụ nhu cầu đào tạo lại, đào tạo nâng cao trong suốt cuộc đời, đáp ứng kịp thời nhu cầu học nghề mới, học kỹ năng mới - nhu cầu rất lớn và thường xuyên trong xã hội số.

Thực hiện công tác thống kê đầy đủ nguồn nhân lực ngành CN-CNS Việt Nam, dự báo nhu cầu trong thời gian tới. Khuyến khích DN công nghệ số lớn triển khai đào tạo, tăng cường đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động.

Phối hợp cơ quan liên quan nghiên cứu, hình thành hệ thống các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trọng điểm đào tạo công nghệ số chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế, đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng, chất lượng của thị trường về lao động công nghệ số có trình độ cao (từ cao đẳng trở lên) trên cơ sở các trường đại học, cao đẳng hiện có đào tạo về công nghệ số.

Định hướng, hỗ trợ cơ chế để hình thành các dự án/chương trình có sự tham gia của DN và chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, nhất là đội ngũ chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài về các lĩnh vực CN-CNS; bồi dưỡng lẫn nhau; hòa trộn thực tiễn và lý luận. Đổi mới sáng tạo trong việc kết nối cung cầu theo hướng mở: công bố các bài toán chuyển đổi số thực tế kèm theo giải thưởng cho giải pháp công nghệ số được lựa chọn; huy động cộng đồng các tổ chức, cá nhân thực hiện đổi mới sáng tạo công nghệ số trên toàn cầu tham gia đề xuất các giải pháp.

Xây dựng chương trình/kế hoạch/đề án đào tạo đội ngũ nhân tài trong lĩnh vực công nghệ số dựa trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tiễn, chủ động thu hút và tận dụng tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ giảng viên, chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, bao gồm người Việt Nam ở nước ngoài.

Định hướng, hỗ trợ DN công nghệ số chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo trong các hoạt động: đầu tư vào giáo dục, đào tạo; cử chuyên gia tham gia đào tạo, giảng dạy; xây dựng chương trình đào tạo; hỗ trợ khởi nghiệp; nghiên cứu khoa học và công nghệ; tiếp nhận và tạo điều kiện cho người học, giảng viên trong công tác thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung, nâng cao kiến thức kỹ năng về quản lý, nghiệp vụ, các chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, DN.

Thứ sáu, huy động nguồn vốn cho phát triển CN-CNS: Ban hành các chính sách về thuế, vốn để huy động nguồn lực của 4 loại hình DN CN-CNS, bao gồm: 

(1). Ưu tiên sử dụng NSNN để hỗ trợ thực hiện: Các dự án phát triển hạ tầng cho CN-CNS; hoạt động nghiên cứu - phát triển; các dự án phát triển sản phẩm công nghệ số quốc gia, các sản phẩm mang tính nền tảng, công nghệ số lưỡng dụng, công nghệ số trọng điểm quốc gia, công nghệ số mới nổi phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Các hoạt động nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo công nghệ số; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đối với nhân lực công nghệ số; xúc tiến thương mại đối với sản phẩm công nghệ số Việt Nam và thực hiện các nhiệm vụ khác của Chiến lược theo quy định; Ưu tiên cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu CNTT tập trung, phát triển DN công nghệ số, sản phẩm công nghệ số Việt Nam; 

(2). UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng phương án bảo đảm kinh phí hàng năm tối thiểu 1% ngân sách trên tổng chi ngân sách chi cho CĐS, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; 

(3). Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công, dự toán kinh phí NSNN đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược trong phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Thứ bảy, đồng bộ, thống nhất hệ thống, tổ chức để quản lý, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam: Xác định một số lĩnh vực ưu tiên, tạo đột phá và bảo đảm ổn định thể chế chính sách thông qua các chiến lược, chương trình nhằm tạo đột phá phát triển: thiết bị hạ tầng số; một số nền tảng công nghệ số quốc gia quan trọng; sản phẩm an toàn, an ninh mạng; sản phẩm IoT và nội dung số.

Xây dựng và đồng bộ hóa số liệu, dữ liệu liên quan để xây dựng dữ liệu lớn về công nghiệp số phục vụ công tác thống kê, theo dõi đánh giá.

Nghiên cứu, đề xuất Bộ chỉ số đo lường Chiến lược để đánh giá mức độ trưởng thành của lĩnh vực CN-CNS theo các chỉ tiêu của Chiến lược đề ra.

Triển khai hệ thống đo lường theo hướng tự động, dữ liệu cập nhật theo thời gian thực; Định kỳ thống kê, xếp hạng và công bố công khai kết quả đánh giá mức độ phát triển; Triển khai hệ thống thông tin cho phép thực hiện giám sát thường xuyên, liên tục đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý; Tổ chức kiểm tra, thanh tra theo hướng tăng dần tỷ lệ kiểm tra, tăng cường giám sát thông qua hệ thống thông tin.

Có thể nói, CN-CNS Việt Nam là một nội hàm mới thay thế cho nội hàm công nghiệp CNTT hay công nghiệp ICT đã tồn tại hàng thập kỷ nay. Trong bối cảnh đất nước ta đang chuyển đổi số toàn diện, phát triển công nghiệp công nghệ số sẽ tạo ra lực lượng sản xuất mới, đóng góp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nhằm đưa Việt Nam thành một nước phát triển vào năm 2045 theo mục tiêu Đảng ta đã đề ra. Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp chính là cơ sở quan trọng phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước tham khảo, hoạch định xây dựng chính sách, thúc đẩy phát triển CN-CNS trong thời gian tới. 

Tài liệu tham khảo:

1. Bảng xếp hạng dịch vụ gia công phần mềm của tổ chức AT. Kearney, https://www.kearney.com/digital/article/?/a/the-2021-kearney-global- services-location-index

2. Cơ sở dữ liệu công nghiệp ICT Make in Viet Nam, http://makeinvietnam. mic.gov.vn/Home/TimKiem, truy cập ngày 06/7/2022.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7 năm 2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Lấy người dân làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
    Sáng 16/11 theo giờ địa phương tại thành phố Lima, Peru, Chủ tịch nước Lương Cường đã dự và phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31.
  • PGS,TS Lê Thanh Bình: Người thầy thắp lửa và truyền lửa cho ngành truyền thông quốc tế và ngoại giao văn hóa
    Từ người lính radar của Quân chủng Phòng không-Không quân, sau đó được cử đi học tập ở Liên Xô và trở về phục vụ đất nước, trong mấy chục năm qua, PGS,TS Lê Thanh Bình đã dành nhiều công sức, tâm huyết cho công tác ngoại giao văn hóa. Thầy đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực truyền thông và văn hóa đối ngoại cho Học viện Ngoại giao và đất nước.
  • Trí tuệ nhân tạo và bình đẳng giới
    Sự quan tâm đến các công cụ AI tạo sinh đang bùng nổ trên toàn thế giới - nhưng nhân viên nữ đang tụt hậu so với đồng nghiệp nam trong việc sử dụng công nghệ. Điều đó có thể có ý nghĩa lớn không chỉ đối với lộ trình nghề nghiệp của cá nhân mà còn đối với các công ty đang tạo ra và lấp đầy các công việc trong tương lai.
  • Vĩnh Long khai trương tuyến phố đi bộ tại dự án của T&T Group
    UBND tỉnh Vĩnh Long đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ thành phố Vĩnh Long tại dự án Khu dân cư Phước Thọ (do Công ty T&T Land Phước Thọ, thành viên của Tập đoàn T&T Group phát triển) để phục vụ Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần 1 năm 2024.
  • CT Semiconductor công bố kế hoạch phát triển nhà máy Thủ Đức
    Ngày 16/11/2024, CT Semiconductor (thành viên Tập đoàn CT Group) chính thức công bố kế hoạch phát triển nhà máy CT Semiconductor Thủ Đức, tại sự kiện Lễ hội quốc tế Khoa học công nghệ & đổi mới sáng tạo TP. Thủ Đức lần 1 - Thu Duc Innovation Fest 2024.
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO