Truyền thông

Phát triển Điện khí - nguồn năng lượng sạch bền vững tại Việt Nam

T.H 13/12/2023 11:39

Việt Nam có nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển điện khí LNG. Nhiệt điện khí LNG cũng là giải pháp hạn chế phụ thuộc điện vào các nhà máy nhiệt điện than. Đặc biệt giúp ngành điện phát triển "xanh" hơn.

Điện khí - giải pháp nhiều quốc gia đang hướng tới

Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) là nguồn năng lượng sạch hơn than và rất giàu tiềm năng. Nhu cầu sử dụng LNG chủ yếu cho các nhà máy điện, là giải pháp nhiều quốc gia đang hướng tới. Bởi, điện khí LNG có nhiều ưu điểm: là nguồn điện lớn, vận hành ổn định, hiệu suất cao nên có thể bù đắp thiếu hụt công suất tức thời cho hệ thống (trong trường hợp các nguồn năng lượng tái tạo dừng phát điện) do các nhà máy điện khí có khả năng khởi động nhanh.

Điện khí cũng có nhiều ưu điểm trong việc giảm phát thải khí CO2 và NOx (giảm khoảng 40% khí CO2 và khoảng 90% khí NOx so với các nhà máy nhiệt điện than và dầu) ra môi trường, có khả năng thay thế toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than trong tương lai.

64b639606a398.png
Ảnh minh họa

Vì vậy, phát triển điện khí LNG được xác định là giải pháp “xanh” trong chuyển dịch năng lượng bền vững tại nước ta. Nghị Quyết của Bộ Chính trị số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.

Nhiều cơ hội, thuận lợi cho Việt Nam phát triển điện khí

Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) xác định rõ quan điểm phát triển là giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2; không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới; xem xét chuyển đổi một số nguồn điện sử dụng nhiên liệu than sang khí thiên nhiên hóa lỏng LNG.

Tại diễn đàn “Hiện thực hoá mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII” tổ chức tại Hà Nội mới đây, các chuyên gia cũng nhận định rằng, hiện nay Việt Nam có nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển điện khí LNG. Nhiệt điện khí LNG cũng là giải pháp hạn chế phụ thuộc điện vào các nhà máy nhiệt điện than. Đặc biệt giúp ngành điện phát triển "xanh" hơn, góp phần thực hiện cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: "Điện khí LNG là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ thị trường điện khí LNG. Tuy nhiên, Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn loại nhiên liệu này, giá nhiên liệu khí hóa lỏng chiếm từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nhưng lại biến động thất thường. Thách thức đặt ra là cần xây dựng cơ chế giá phù hợp vừa thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu vừa đảm bảo không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện…”.

TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí theo Quy hoạch Điện VIII, cần thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG cạnh tranh, hiệu quả.

Theo đó, cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG theo sát với mục tiêu cung cấp khí điện LNG trong Quy hoạch Điện VIII. Đó là, xây dựng tập trung, đồng bộ các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô tiêu thụ điện đủ lớn cùng với việc triển khai các dự án kho cảng và nhà máy điện khí LNG. Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế sẽ giúp có cơ hội để xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách năng lượng nói chung và điện khí LNG nói riêng; Cùng với đó, lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm triển khai; Xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả tối ưu điện khí LNG.

Tuy vậy, việc phát triển nguồn điện nền trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.

Có thể thấy rõ những thách thức đối với triển khai điện khí LNG hiện nay như: Bản thân các dự án điện khí LNG gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp cả về công nghệ, yêu cầu cao về kỹ thuật, suất đầu tư lớn, quy trình sản xuất kinh doanh chứa đựng nhiều công đoạn rủi ro và mức độ rủi ro cao hơn các dự án điện truyền thống, giá thành sản xuất cao; Cơ chế đàm phán giá điện với EVN đang thực hiện theo quy định của Bộ Công thương (cho dù dựa trên các yếu tố trong cơ cấu hình thành giá điện như chi phí đầu tư nhà máy điện, giá khí cho sản xuất điện, lợi nhuận cho phép, nhưng vẫn phải tuân thủ khung giá quy định), trong khi đó giá khí LNG trên thị trường có biên độ thay đổi rất lớn…

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp thiết thực, đó là: Mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG; Sớm sửa đổi các bộ luật về Điện lực, Bảo vệ môi trường, các luật thuế; Cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính của PVN và EVN khi Chính phủ thay đổi cơ chế bảo lãnh: Cần cam kết và đảm bảo về khối lượng chuyển đổi ngoại tệ/nội tệ nhưng tỷ giá do thị trường quyết định;

Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong hiện thực hóa mục tiêu điện khí LNG. Thay đổi nhận thức và tư duy về điện LNG, có cách tiếp cận mới trong cả chuỗi từ đầu tư nhà máy, cung ứng nhiên liệu, hạ tầng kho, cảng, vận chuyển, hộ tiêu thụ điện và giá điện khí bắt buộc phải theo cơ chế giá thị trường…

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển Điện khí - nguồn năng lượng sạch bền vững tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO