Truyền thông

Việt Nam tích cực chuyển dịch năng lượng sạch để phát triển bền vững

T.Đ.H 18:18 01/11/2023

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Năng lượng sạch là loại năng lượng được tạo ra từ các nguồn thiên nhiên hoặc các quy trình tự nhiên được hình thành liên tục chẳng hạn như ánh sáng mặt trời, gió thổi, nước chảy… Năng lượng sạch có rất nhiều loại và phần lớn là các năng lượng có khả năng phục hồi, bao gồm gió, mặt trời, thuỷ điện, sinh khối, địa nhiệt…

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Những năm vừa qua, đặc biệt là 4-5 năm gần đây, đầu tư cho năng lượng gió, mặt trời ở nước ta phát triển vượt bậc, tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126 MW chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam (78121 MW), trong đó điện gió 4126 MW, điện mặt trời mái nhà 7660 MW, điện mặt trời trang trại 8904 MW, thủy điện 22111MW, điện sinh khối 325 MW.

Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Về điện mặt trời, Việt Nam đứng trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất.

Chủ trương chính sách phát triển năng lượng sạch của Việt Nam

Việt Nam là nước đang phát triển, sự phát triển nhanh chóng của dân số và hoạt động sản xuất kinh doanh đòi hỏi sự phát triển của công nghiệp năng lượng. Nguồn năng lượng được coi là truyền thống như than đá, dầu mỏ… đang đứng trước tương lai cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ý thức trách nhiệm trước sự phát triển bền vững của nhân loại, Việt Nam tích cực tham gia các công ước về chống biến đổi khí hậu và chủ động đẩy mạnh sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo trong, gắn phát triển năng lượng tái tạo với phát triển bền vững cho ngành năng lượng và nền kinh tế quốc dân.

Giai đoạn đến 2050, hệ thống năng lượng/hệ thống điện Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, sử dụng hiệu quả năng lượng. Theo đó, trọng tâm chuyển đổi của hệ thống điện Việt Nam, điện sạch sẽ là nguồn năng lượng chính.

Để thực hiện hóa được chiến lược phát triển năng lượng sạch, thời gian qua, Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng sạch, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển và sử dụng năng lượng sạch. Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, trong đó năng lượng gió, mặt trời trong những thập kỷ tới sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng/ hệ thống điện và góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phát triển năng lượng sạch là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Bộ Chính trị đến các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng sạch và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng sạch.

Tại Hội nghị COP26 diễn ra tại Vương quốc Anh, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định và cam kết rất mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.

nang-luong-mat-troi-1-e1612576102140.jpg
Năng lượng mặt trời đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong đời sống. (Ảnh: Internet)

Việt Nam có nhiều tiềm năng điện mặt trời

Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam rất lớn, tổng công suất điện mặt trời có thể đạt tới 1.694.218 MW tương đương sản lượng điện là 2.492.626.757 MWh/năm. Theo tính toán, lượng này cung ứng 20-40% nhu cầu điện năng cho sản xuất và đời sống của cả nước.

Theo số liệu của Bộ Công thương cho thấy, tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam được phân bố đều khắp các vùng miền trên cả nước. Đây là cơ sở để chúng ta tập trung nghiên cứu phát triển điện mặt trời sử dụng trực tiếp một cách chủ động, giảm chi phí truyền tải và các loại năng lượng tái tạo khác, yêu cầu nguồn phải tập trung ở những điểm có lợi thế cao như gió, hải triều, thuỷ điện.

Hiện nay, bên cạnh các dự án điện mặt trời dạng trang trại (lắp đặt trên mặt đất, mặt nước), các dự án điện mặt trời mái nhà cũng phát triển với tốc độ rất nhanh. Các hệ thống điện mặt trời áp mái chủ yếu được đấu nối ở cấp điện áp trung và hạ áp, nhằm phục vụ nhu cầu phụ tải tại chỗ.

Các tỉnh thành miền Bắc tuy có tiềm năng không lớn, nhưng với các chính sách hỗ trợ khuyến khích phù hợp cũng đã có những bước phát triển lớn về điện mặt trời áp mái, điển hình như các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Hà Nội… Các tỉnh và thành phố khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ vẫn duy trì là các địa phương dẫn đầu trong lắp đặt điện mặt trời áp mái với cả hai tiêu chí là số lượng dự án và tổng công suất lắp đặt.

Các dự án mặt trời gia tăng nhanh chóng, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Nguồn phát điện mặt trời hiện chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng công suất đặt của toàn hệ thống. Tuy nhiên, sự phát triển nóng của nguồn điện này đã dẫn đến hiện tượng quá tải vào thời điểm buổi trưa từ 10h00 - 14h00 do phụ tải thấp và bức xạ điện mặt trời tốt nhất trong ngày.

Theo giới phân tích năng lượng, Việt Nam cần sớm có chính sách thúc đẩy ứng dụng giải pháp lưu trữ điện năng với các nhà máy năng lượng tái tạo, hoặc lưu trữ cho toàn hệ thống để không lãng phí nguồn đầu tư hiện tại của xã hội. Cần xem lưu trữ năng lượng là xu hướng tất yếu để giúp quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả theo tiến độ chung của thế giới.

Để khai thác năng lượng mặt trời cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam cần có những nghiên cứu lớn tổng thể đánh giá những tác động tích cực và tiêu cực lâu dài của việc sử dụng năng lượng mặt trời; có hành lang pháp lý để đảm bảo phát triển bền vững và hoà hợp năng lượng mặt trời với các dạng năng lượng khác; có những biện pháp hỗ trợ, thu hút các nguồn lực cho phát triển năng lượng mặt trời; có giải pháp khắc phục tính hạn chế theo chu kỳ thời gian/ngày của năng lượng mặt trời…

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam tích cực chuyển dịch năng lượng sạch để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO