Theo số liệu thống kê đến thời điểm tháng 6/2021, Việt Nam có 866 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đang tăng rất nhanh, đến nay ước đạt 40%. Chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có dân số đô thị chiếm
xấp xỉ 30% dân số đô thị trên toàn quốc. Quá trình đô thị hóa thường dẫn đến những gánh nặng quá tải về hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục, và hệ lụy ô nhiễm môi trường. Trước những vấn đề đô thị đang đặt ra thì việc phát triển ĐTTM được coi như lời giải cho những vấn đề đô thị và cũng phù hợp với xu thế trên thế giới.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ trương quyết tâm theo đuổi mục tiêu phát triển ĐTTM bền vững nhằm tận dụng những thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên do đây là nội dung còn mới, phạm vi rộng, có nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai nên việc tổ chức triển khai cần phải được thực hiện một cách thận trọng, vừa làm vừa đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện. Nhìn nhận đúng, đầy đủ trong định hướng phát triển và xây dựng mô hình phát triển ĐTTM của mỗi địa phương là tiền đề cho việc phát triển ĐTTM được thành công.
Định hướng phát triển ĐTTM của Việt Nam
Chủ trương phát triển ĐTTM thời gian vừa qua đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ngày 01/08/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 950/QĐ-TTg (Đề án 950). Đề án 950 được coi là văn bản mang tính tổng thể để định hướng cho phát triển ĐTTM bền vững tại Việt Nam, trong đó xác định rõ các quan điểm, nguyên tắc và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam trong thời gian tới.
Đề án 950 đã xác định một trong những quan điểm cho phát triển ĐTTM bền vững tại Việt Nam đó là phải phù hợp với định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của quốc gia và địa phương, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Đề án 950 cũng đưa ra định hướng phát triển ĐTTM có tính liên kết vùng đó là đến năm 2030 sẽ hình thành các chuỗi ĐTTM khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các ĐTTM. Tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng xác định mục tiêu hình thành một số chuỗi ĐTTM tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới ĐTTM trong khu vực và thế giới.
Phát triển ĐTTM phải phù hợp với mức độ phát triển
Tìm hiểu kinh nghiệm phát triển ĐTTM của một số thành phố trên thế giới cho thấy mỗi đô thị, thành phố đối mặt với những vấn đề, thách thức riêng và bản thân đô thị, thành phố đó cũng có những điều kiện đặc thù riêng về vị trí địa lý, các điều kiện kinh tế xã hội và cả hiện trạng, mức độ sẵn sàng các nguồn lực cho phát triển ĐTTM. Có rất nhiều định nghĩa ĐTTM khác nhau và mỗi định nghĩa lại phản ánh các góc nhìn khác nhau, mỗi quốc gia lại sử dụng định nghĩa của riêng mình.
Chúng ta sẽ không thể tìm thấy 02 đô thị, thành phố thông minh giống y hệt nhau vì không ĐTTM nào giống ĐTTM nào và gần như không có một mô hình chung. Các nước đã phát triển, xây dựng ĐTTM trong giai đoạn hậu đô thị hóa. Các thành phố như New York, Barcelona, London, Amsterdam, Munich, Tokyo,... cần thông minh hơn để đối mặt với các thách thức của già hóa dân số, biến đổi khí hậu, an ninh và duy trì vị thế cạnh tranh,...
Những ví dụ thực tiễn trên thế giới cho thấy nhiều thành phố đang xây dựng ĐTTM để cân bằng giữa việc theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao chất lượng đô thị hóa, hướng đến phát triển bền vững. Tại các quốc gia đang phát triển, nơi tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, các thành phố đối mặt với nhiều vấn đề hơn, ví dụ như giao thông, ngập úng, thu gom và xử lý rác thải, ô nhiễm không khí, thiếu nhà cho người thu nhập thấp, vấn đề chi phí cuộc sống đắt đỏ,... Đây là những vấn đề quan trọng cần phải xử lý đối với đô thị tại các quốc gia đang phát triển và xuất phát từ việc đô thị hóa nhanh chóng tại các quốc gia này. Do đó, việc xây dựng ĐTTM tại các quốc gia đang phát triển thường hướng tới việc xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa.
Phát triển ĐTTM cần theo đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội
Tại Việt Nam, nhằm hướng dẫn các địa phương triển khai phát triển ĐTTM, một số Bộ đã bước đầu ban hành các văn bản hướng dẫn điển hình như Bộ TT&TT đã ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM (phiên bản 1.0), công bố Bộ chỉ số ĐTTM Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0), hướng dẫn ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước, hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai cung cấp dữ liệu mở, hướng dẫn mô hình tổng thể, yêu cầu chức năng, tính năng của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh, cấp bộ (phiên bản 1.0). Bộ Xây dựng đã công bố Hướng dẫn chi tiết áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) đối với công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Quyết định số 347/QĐ-BXD ngày 02/4/2021).
Bộ Y tế ban hành Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 Ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Quyết định số 4888/QĐ- BYT ngày 16/10/2019 Phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 – 2025. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 5807/BGDĐT-CNTT ngày 21/12/2018 về việc hướng dẫn triển khai mô hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông.
Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 24/2017/TT- BTNMT ngày 01/9/2017 Quy định kỹ thuật quan trắc môi trường. Bộ Khoa học và Công nghệ công bố một số Tiêu chuẩn quốc gia về Phát triển bền vững cho cộng đồng và Hạ tầng thông minh cho cộng đồng trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn của ISO. Rất nhiều các nội dung khác vẫn đang được các bộ ngành nghiên cứu, xây dựng nhằm tạo khung pháp lý cho phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng đây là những hướng dẫn chung mang tính nguyên tắc và định hướng, các địa phương phải chủ động áp dụng một cách phù hợp với hoàn cảnh và các điều kiện thực tiễn của địa phương mình chứ không nên áp dụng một cách rập khuôn, máy móc. Với vị trí địa lý được thiên nhiên ưu đãi ban tặng, Việt Nam chúng ta có rất nhiều mô hình phát triển đô thị tại các địa phương, điển hình như mô hình phát triển đô thị biển, đô thị cảng, đô thị du lịch, đô thị sinh thái, đô thị sáng tạo,... Từ vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên này, sẽ có những định hướng phát triển đô thị riêng để phù hợp.
Một vài ví dụ điển hình có thể kể đến về phát triển đô thị, thành phố thông minh gắn với vị trí địa lý như là Thành phố kinh tế King Abdullah (King Abdullah Economic City) tại Saudi Arabia với chi phí xây dựng khoảng 100 tỷ USD nhằm biến một bãi đất trống rộng khoảng 180 km2 có vị trí là cầu nối giữa phía đông và phía tây của trái đất trở thành trung tâm kinh tế của thế giới, đa dạng hóa nền kinh tế quốc gia thay vì chỉ phụ thuộc vào dầu mỏ.
Thành phố Songdo - Hàn Quốc với vị trí thuộc khu kinh tế tự do Incheon, cách sân bay Incheon 20 phút lái xe, đây được coi là thành phố sân bay, là điểm nằm giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Thành phố được xây dựng với mục tiêu thu hút khoảng 65.000 dân cư nước ngoài đến thành phố để sinh sống.
Thành phố sinh thái Thiên Tân - Trung Quốc với diện tích 30 km2 được xây dựng chú trọng đến các yếu tố môi trường và năng lượng sạch. Để đạt được mục tiêu sử dụng tối thiểu 20% năng lượng tái tạo, thành phố đã dựa vào nguồn năng lượng mặt trời, còn lại sử dụng khí thiên nhiên hóa lòng (LNG) cho sản xuất điện để giảm thiểu ô nhiễm. Ngoài ra, thành phố cũng sử dụng các giải pháp quản lý tòa nhà thông minh để kiểm soát tiêu thụ năng lượng và nước sạch.
Tương tự như các thành phố trên thế giới, các thành phố, đô thị tại các địa phương cũng có những vị trí, điều kiện tự nhiên đặc thù để phát triển, do vậy mà trong định hướng phát triển ĐTTM tại Hà Nội, thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, chắc chắn sẽ phải khác với định hướng phát triển ĐTTM tại Đà Nẵng, thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Phát triển ĐTTM cần có tiếp cận tổng thể
Nhìn chung, để phát triển ĐTTM bền vững tại bất kỳ đô thị, thành phố nào thì việc cốt lõi phải xuất phát từ công tác quy hoạch đô thị bài bản, thể hiện được tầm nhìn, định hướng, tham vọng và những mong muốn mà đô thị đó sẽ được hình thành, trong đó tính toán đến đầy đủ các yếu tố mang tính bền vững và cả những yếu tố công nghệ để sẵn sàng cho phát triển ĐTTM. Các yếu tố thông minh cần phải được tính toán và lồng ghép ngay từ trong quy hoạch.
Việc phát triển ĐTTM bền vững tại Việt Nam không nên rập khuôn theo mô hình của bất kỳ quốc gia, thành phố nào. Thay vào đó, dựa trên kinh nghiệm quốc tế để đưa ra một định nghĩa và cách làm của riêng cho Việt Nam, trong đó tính đến đầy đủ các yếu tố đặc thù của một quốc gia đang phát triển nhanh, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đặc thù quản lý nhà nước về đô thị và tổ chức bộ máy chính quyền, các thiết chế dân chủ ở cơ sở và đặc thù văn hóa người Việt.
Xây dựng ĐTTM đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể chứ không chỉ tập trung vào công nghệ và cho rằng công nghệ sẽ giải quyết mọi vấn đề đặt ra của đô thị. Cách tiếp cận đúng đắn khi xây dựng ĐTTM là phải xác định vấn đề cần giải quyết của đô thị, từ đó tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp và áp dụng một cách thông minh, hiệu quả vào đô thị. Ở đây đòi hỏi các địa phương phải thực sự chủ động trong triển khai, phải chủ động trong việc đặt đầu bài cụ thể để giải quyết các vấn đề gắn với đặc thù của địa phương. Ví dụ cùng là một vấn đề về giao thông, nhưng có đô thị chỉ có hiện tượng tắc nghẽn giao thông, có đô thị không tắc nghẽn giao thông nhưng tại đó lại thường xuyên xảy ra tai nạn, do vậy giải pháp để giải quyết vấn đề giao thông là khác nhau và nó phải gắn với thực tế vấn đề của đô thị.
Ngoài ra, khi phát triển ĐTTM, các địa phương không nên chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nội bộ của đô thị, thành phố hay địa phương đó mà cần phải tính toán đến các yếu tố để có thể tận dụng được những lợi thế mang lại từ công tác quy hoạch liên kết vùng, khu vực.
Dự thảo phần 1 về Khung nghiệp vụ ĐTTM (Smart city business process framework) trong Khung tham chiếu ICT ĐTTM của ISO cũng đã có nói đến những quy trình nghiệp vụ liên quan đến các yếu tố bên ngoài đô thị, thành phố, thể hiện tính liên quan, tương trợ lẫn nhau giữa các đô thị, thành phố bao gồm nghiệp vụ về quản lý tính bền vững và khả năng phục hồi, nghiệp vụ quản lý các giao diện bên ngoài. Đây là những quy trình chuẩn gợi mở cho đô thị, thành phố để thiết lập trước những kịch bản nhằm sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra, chẳng hạn như thiên tai, thảm họa, dịch bệnh,.... đồng thời quản lý tốt hơn dòng người, dòng hàng hóa và các nguồn cung cấp đến và ra khỏi đô thị, thành phố.
Có thể thấy đây là những nghiệp vụ rất quan trọng trong quá trình thiết kế, xây dựng ĐTTM, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại các đô thị lớn hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ,... Nếu chúng ta áp dụng và triển khai một cách bài bản thì những kịch bản như đại dịch COVID-19 sẽ được tính toán trước và khi xảy ra thì chỉ cần kích hoạt kịch bản để sẵn sàng ứng phó thay vì phải xây dựng quy trình xử lý từ đầu.
Bài học từ đại dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của các yếu tố liên kết vùng hỗ trợ thế nào trong việc phòng, chống dịch (kiểm soát hàng, người ra, vào Thành phố, các tình huống về hỗ trợ, chi viện y tế từ các địa phương lân cận cho Thành phố,...).
Thay lời kết
Để việc phát triển ĐTTM mang lại hiệu quả thực sự, nâng cao chất lượng sống, thành phố phát triển bền vững, đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần phải xuất phát từ công tác quy hoạch đô thị bài bản, có cách tiếp cận tổng thể chứ không chỉ tập trung vào công nghệ. Việc xây dựng mô hình ĐTTM của mỗi thành phố phải dựa vào điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội của chính địa phương mình, không thể rập khuôn theo một mô hình mẫu nào.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2. Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
3.TàiliệubảncuốidựthảoISO/IECDIS30145-1: Informationtechnology-SmartCityICT reference framework - Part 1: Smart city business process framework.
4. Các tài liệu liên quan về phát triển ĐTTM tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm về ĐTTM ASEAN năm 2020 ngày 22 & 23 tháng 10 năm 2020.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2021)