Phát triển nền kinh tế số tại ASEAN - Một số vấn đề cần quan tâm

TH| 04/07/2019 15:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), nền kinh tế số của ASEAN sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh, dự kiến sẽ tăng trưởng từ mức 31 tỷ USD năm 2015 lên 197 tỷ USD vào năm 2025.

Theo ERIA, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được dự báo sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Nền kinh tế số của ASEAN sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh, dự kiến sẽ mở rộng gấp 6,4 lần từ mức 31 tỷ USD năm 2015 lên 197 tỷ USD vào năm 2025.

Trong khi đó, theo Boutheina Guermazi, Giám đốc về Phát triển số của Ngân hàng thế giới (WB), trong khi tiến trình mở rộng nền kinh tế số tại khu vực ASEAN đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có, toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế này vẫn chưa được nhận ra đầy đủ.

Lấy ví dụ về các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Các DN loại này chiếm ít nhất 95% tổng số các cơ sở kinh doanh, tạo ra hơn một nửa tổng số việc làm trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, theo ước tính của ERIA, MSME chỉ đóng góp từ 30% - 53% GDP của ASEAN.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc công ty tư vấn toàn cầu Bain & Co, nguyên nhân là do chỉ có khoảng 16% các MSME của ASEAN ứng dụng các công nghệ số để phát huy hết khả năng của mình. Vì vậy, việc thu hẹp khoảng cách số được cho rằng sẽ giúp cải thiện nền kinh tế số của khu vực.

Giám đốc Boutheina Guermazi cho biết: “Mặc dù đa phần người dân ASEAN đã quen với việc sử dụng các dịch vụ số, song việc chấp nhận của các DN và chính phủ còn chậm, nhiều nút thắt về quy định và thiếu niềm tin vào các giao dịch điện tử đã kìm hãm sự phát triển của các hệ thống số”.

Cần cải thiện nền tảng nền kinh tế số ASEAN

Kết nối, kỹ năng và thanh toán số

Báo cáo mới đây của WB có tiêu đề “Nền kinh tế số ở Đông Nam Á - Tăng cường nền tảng cho tăng trưởng trong tương lai” xác định 6 lĩnh vực cần cải thiện chính đối với nền kinh tế số của ASEAN, trong đó, mở rộng kết nối là hạng mục đầu tiên trong chương trình nghị sự.Mặc dù một nửa dân số khu vực sử dụng Internet - ngang bằng với mức trung bình toàn cầu – con số có thể được mở rộng hơn nữa với các chính sách và hành động giúp hạ giá cước đáng kể, tăng tốc độ và đưa Internet băng thông rộng tin cậy đến các khu vực chưa được phục vụ.

Ngoại trừ Singapore, Malaysia và Thái Lan, tốc độ băng rộng cố định - đặc biệt quan trọng đối với các ứng dụng kinh doanh sử dụng nhiều dữ liệu - trong 7 quốc gia ASEAN khác đều nằm dưới mức trung bình toàn cầu.

Tăng cường kỹ năng số cho 650 triệu dân ASEAN sẽ đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ các cơ hội và lợi ích của nền kinh tế số. Mặc dù khu vực này đã có tỷ lệ người dân biết chữ và số cao, nhưng các hệ thống giáo dục cần linh hoạt hơn trong việc phát triển các kỹ năng cần thiết để thích ứng với nền kinh tế số, từ kiến thức máy tính cơ bản đến các kỹ năng nâng cao như mã hóa và phân tích dữ liệu.

Mở rộng sử dụng các dịch vụ thanh toán số là một ưu tiên khác. Dữ liệu của WB cũng cho thấy chỉ 19% chủ tài khoản tài chính trong khu vực truy cập tài khoản của họ qua Internet, thấp hơn mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới và khu vực châu Phi cận Sahara (lần lượt ở mức 27% và 24%).

Ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp, chính phủ cũng có thể thúc đẩy sử dụng thanh toán số bằng sử dụng chúng như một cách tương tác với người dân - chẳng hạn như thanh toán đối với các dịch vụ của chính phủ hoặc nhận lương hưu.

Kho vận, chính sách và môi trường pháp lý thuận lợi cho DN

Kho vận (logistics) vẫn là một rào cản trong thương mại điện tử (TMĐT) và việc đưa sản phẩm đến người dùng một cách hiệu quả và đáng tin cậy là một trong những thách thức lớn nhất của ngành.Các lô hàng TMĐT phải đối mặt với các thủ tục hải quan phức tạp ở nhiều quốc gia.

Thúc đẩy niềm tin thông qua chính sách phù hợp cho các lĩnh vực như bảo mật dữ liệu, an ninh mạng và bảo vệ người tiêu dùng sẽ góp phần tăng cường sự tham gia vào nền kinh số.

Cuối cùng, chính phủ cần cung cấp các nền tảng số hỗ trợ DN và giảm thiểu thời gian giao dịch cũng như chi phí, ví dụ cấp phép trực tuyến.

Mặc dù nhiều văn kiện như Kế hoạch chi tiết của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN năm 2025 và Hiệp định khung e-ASEAN sẽ giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên, song việc xây dựng nên một chính sách tốt sẽ đảm bảo Đông Nam Á có lợi thế tốt hơn, từ đó mở ra tiềm năng cho nền kinh tế số khu vực một cách toàn diện.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nền kinh tế số tại ASEAN - Một số vấn đề cần quan tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO