Phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số - Câu chuyện từ Singapore

TH| 28/04/2021 09:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Để duy trì vị thế quốc tế và tiếp tục phát triển thịnh vượng trong thế kỷ 21, Singapore đã thực hiện các biện pháp để thúc đẩy đổi mới, tinh thần khởi nghiệp và phát triển nguồn nhân lực.

Lấp đầy lỗ hổng kỹ năng số - Thách thức trong hành trình chuyển đổi số (CĐS) của Singapore

Sáng kiến xây dựng quốc gia thông minh đã được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khởi động từ cuối năm 2014. Thủ tướng Lý Hiển Long cam kết sẽ xây dựng quốc gia thông minh Singapore dành cho tất cả mọi người, không ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả thành phần xã hội đều có thể hưởng lợi từ các giải pháp công nghệ, dù trẻ hay già.

Quốc gia thông minh cũng sẽ giúp Singapore giải quyết 5 thách thức chính mà các quốc gia trên thế giới ngày nay đang phải đối mặt là mật độ dân thành thị cao, dân số già, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng, giao thông đô thị khó khăn và thiếu năng lượng. Quốc đảo Sư tử tham vọng sẽ sử dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề này và nếu thành công, Singapore có thể trở thành hình mẫu cho các nước phát triển khác.

Tuy nhiên, thiếu hụt nhân tài cốt cán là một trong những nguyên nhân chính cản trở tham vọng này của Singapore. Thiếu hụt nhân tài đồng nghĩa với việc các vị trí chủ chốt không được lấp đầy và sự thay đổi công nghệ nhanh chóng đồng nghĩa với việc nhân viên không thể đáp ứng kịp các kỹ năng mới. Chính vì thế, Chính phủ Singapore đã xúc tiến một loạt sáng kiến và chương trình cụ thể, nhằm nhanh chóng bịt các lỗ hổng kỹ năng số.

Phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số - Câu chuyện từ Singapore - Ảnh 1.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng người thất nghiệp tại Singapore đã tăng cao kỷ lục trong 16 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo một bài báo đăng tải trên Reuters gần đây, mỗi tuần vẫn có khoảng 500 vị trí việc làm công nghệ mới được đăng trên các trang web việc làm của Singapore và có gần 10.000 các bài đăng tải các việc làm liên quan đến công nghệ trên cổng thông tin nghề nghiệp do Chính phủ vận hành vào giữa tháng 9/2020. Các quan chức dự kiến đến tháng 6/2021 sẽ có thêm 6.800 công việc được bổ sung vào danh sách này.

"Lĩnh vực ICT của Singapore sẽ cần thêm 60.000 chuyên gia trong 3 năm tới", ông Vivian Balakrishnan, Bộ trưởng phụ trách sáng kiến Quốc gia thông minh của nước này cho biết.

"Có một nhu cầu vô cùng lớn đối với các kỹ năng ICT, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, IoT, trí tuệ nhân tạo, học máy, đám mây và an ninh mạng", Anton Ravindran, Giám đốc điều hành của Trung tâm đào tạo và cấp chứng chỉ ICT toàn cầu bổ sung thêm.

Tới nay, Chính phủ Singapore đã triển khai nhiều sáng kiến và chương trình đào tạo cho người dân. Số lượng các khóa học CNTT tại các trường cao đẳng Singapore đã tăng 17% trong 3 năm qua lên khoảng 7.600 khóa cho năm học 2020, nhưng con số này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng cũng như chất lượng nhân sự mà thị trường đòi hỏi. Những ảnh hưởng của đại dịch và thị trường lao động thắt chặt đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với các công ty đang tìm cách thuê đội ngũ nhân tài cốt cán để phát triển doanh nghiệp của mình.

Ông Ravindran cho biết: "Mặc dù chính phủ đang triển khai một số sáng kiến, nhưng nhu cầu sẽ tiếp tục vượt cung trong tương lai gần". Theo ông, điều này một phần là do tốc độ của phát triển của công nghệ vượt xa khả năng trang bị kỹ năng bởi tuổi thọ của công nghệ chỉ khoảng 18 tháng. Với phát triển của công nghệ 5G và blockchain, điều này sẽ thậm chí được rút ngắn hơn nữa.

Chính vì thế, đào tạo kỹ năng trong lĩnh vực ICT và phát triển nguồn nhân lực trong nước, nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và dẫn dắt hành trình chuyển đổi số quốc gia vẫn là một thách thức đối với Singapore.

Nâng cao năng lực, đào tạo các kỹ năng phù hợp với thị trường

Một trong những sáng kiến để giải quyết bài toán này là Chương trình xúc tiến kỹ năng công nghệ (TeSA - TechSkills Accelerator), được công bố lần đầu tiên trong ngân sách năm 2016,. Đây là một sáng kiến ba bên của chính phủ Singapore, ngành công nghiệp và Hiệp hội Liên minh Thương mại quốc gia (NTUC - National Trades Union Congress). Mục tiêu là phát triển và nuôi dưỡng các nhà lãnh đạo CĐS; nâng cao kỹ năng cho nhân lực ngành ICT và hỗ trợ nhân lực ngoài ngành chuyển sang ngành ICT. Chính phủ cho biết, kể từ năm 2016, hơn 8.000 người Singapore, từ sinh viên mới tốt nghiệp đến các chuyên gia đã được tuyển dụng vào các công việc ICT thông qua chương trình.

Phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số - Câu chuyện từ Singapore - Ảnh 2.

Singapore cũng đã khởi động chương trình TeSA Mid-Career Advance vào năm 2020 để đào tạo và chuyển đổi người lao động ở độ tuổi 40 và 50 sang các công việc liên quan tới lĩnh vực công nghệ.

Trong phiên họp Quốc hội đầu năm nay, ông S. Iswaran, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore cho biết: Bên cạnh việc đầu tư phát triển nhân tài tại địa phương, chúng ta cũng phải đảm bảo rằng chúng ta có thể thu hút những nhân tài chất lượng từ khắp nơi trên thế giới đến và có sự bổ sung hợp lý để hỗ trợ nỗ lực chung của chúng ta.

Theo ông, Chính phủ Singapore đang cố gắng thu hút nhân tài người Singapore sống ở nước ngoài và từ các nước khác, để họ có thể hợp tác với các công ty Singapore, nhằm đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái số ở Singapore.

Khuyến khích nữ giới tham gia vào lĩnh vực ICT

Bên cạnh việc đào tạo kỹ năng cho giới trẻ, Singapore cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề giới trong công việc. Khoảng cách giới ở Singapore nghiêm trọng hơn ở Philippine, Lào hay các nước khác, ảnh hưởng đến việc tuyển dụng, tiền lương và cơ hội thăng tiến đối với phụ nữ.

Thống kê cho thấy 61% lực lượng lao động ở Singapore hiện nay là nữ giới, do đó cần thu hút sự tham gia của lao động nữ vào các ngành nghề ICT. Chính vì vậy, Chính phủ đã tạo điều kiện để phụ nữ được tiếp cận với nhiều sáng kiến đào tạo lại và nâng cao kỹ năng, đặc biệt là thông qua các mạng lưới.

Một trong những mạng lưới đó là "Women in Tech Singapore", nơi tập hợp và kết nối những phụ nữ yêu thích hoặc quan tâm đến các lĩnh vực STEM. Ngoài ra, "Girls in Tech Singapore" cũng là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu hoạt động nhằm giảm bất bình đẳng giới trong các ngành công nghệ cao và các doanh nghiệp. Các mạng lưới này góp phần hỗ trợ và thúc đẩy cơ hội việc làm trong lĩnh vực STEM cho lao động nữ, trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0.

Ông S. Iswaran cho biết sáng kiến Women in Tech Singapore đã tiếp cận hơn 117.000 nữ giới tại Singapore.

Những nỗ lực của chính phủ dường như đang được đền đáp khi tỷ lệ nữ giới đăng ký các khóa học ICT tại các trường cao đẳng, đại học ở nước này đã tăng từ 28% vào năm 2017 lên 35% vào năm 2019.

Tăng cường nhân lực an ninh mạng

Theo Hiệp hội chứng chỉ bảo mật hệ thống thông tin quốc tế (ISC)², trên toàn thế giới hiện có khoảng 4 triệu người thiếu hụt kỹ năng bảo mật CNTT, trong đó Singapore "phải đối mặt với sự thiếu hụt khoảng 3.400 chuyên gia an ninh mạng vào năm 2020".

Khi các sự cố an ninh mạng ngày càng gia tăng về tần suất và mức độ thiệt hại, lĩnh vực này đang thu hút được sự quan tâm, chú ý lớn. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, trong Chương trình xúc tiến kỹ năng công nghệ (TeSA), chính phủ Singapore đã đẩy mạnh việc đào tạo và nâng cao kỹ năng của các chuyên gia an ninh mạng cũng như hỗ trợ nhân lực ngoài ngành chuyển sang các công việc an ninh mạng.

Chính phủ cũng đã khuyến khích giới trẻ theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này thông qua các sáng kiến tiếp cận mạng như SG Cyber Talent, đến nay sáng kiến này đã thu hút hơn 7.000 người tham gia.

Ngoài ra, Chính phủ Singapore còn khởi động chương trình SG Cyber Leaders nhằm tạo ra một cộng đồng cho các nhà lãnh đạo an ninh mạng để trao đổi ý tưởng và tìm hiểu về các phương pháp đảm bảo an ninh mạng hay nhất toàn cầu.

Nhưng liệu các sáng kiến của chính phủ có thể giải quyết được bài toán thiếu hụt kỹ năng ICT của Singapore không? P. Ramakrishna, Giám đốc điều hành của Học viện CIO châu Á cho biết: "Chúng ta cần giải quyết thách thức về khoảng cách kỹ năng số từ nhiều khía cạnh: tận dụng các chương trình phát triển năng lực của chính phủ, xây dựng lộ trình đào tạo bài bản và cung cấp các nền tảng học tập tự định hướng cho cá nhân".

Các kỹ năng và năng lực mới phải được áp dụng vào công việc thực tế, nhằm đảm bảo nó vừa mang tính thời sự vừa thiết thực. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, khả năng trang bị các kỹ năng mới người lao động sẽ chính là sự khác biệt và cạnh tranh của nguồn nhân lực.

"Singapore là một trong những quốc gia tiến bộ nhất thế giới khi nói đến các chính sách phát triển nguồn nhân lực", nhà tư vấn nguồn nhân lực Zubin Shroff, Giám đốc điều hành của Nirvighana cho biết. Với những quyết sách, cách thức và bước đi rất bài bản, Singapore đã từng bước xây dựng được hệ sinh thái kỹ năng số mạnh mẽ. tạo nền tảng bền vững cho hành trình CĐS của mình.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số - Câu chuyện từ Singapore
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO