Phát triển nguồn nhân lực số ở Latvia và gợi mở cho Việt Nam
Để phát triển nhân lực số trong phát triển kinh tế số, Latvia cũng như nhiều quốc gia trên thế giới cần xây dựng chính sách, biện pháp thúc đẩy phát triển kỹ năng số, nhân lực số.
Tóm tắt:
- Latvia chú trọng phát triển kỹ năng số, nguồn nhân lực số trong các chính sách giáo dục quốc gia.
- Latvia mong muốn tích hợp các kỹ năng số vào hệ thống giáo dục truyền thống ở mọi cấp độ.
- Một số gợi mở chính sách cho Việt Nam:
+ Phát huy vai trò của nhà nước trong xây dựng và ban hành các chính sách, chương trình, kế hoạch bồi dưỡng.
+ Phát huy vai trò của nhà nước, doanh nghiệp trong xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo kỹ năng số nhằm phát triển nhân lực số trong thị trường lao động.
+ Xây dựng các hành lang pháp lý tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực số.
Chính sách thúc đẩy phát triển nhân lực số ở Latvia
Để phát triển nhân lực số, Latvia liên tục đề cập đến việc phát triển kỹ năng số, nguồn nhân lực số trong các chính sách giáo dục quốc gia.
Kể từ Chương trình Lisbon quốc gia của Latvia 2005 - 2008, việc tiếp cận tài liệu công nghệ thông tin (CNTT) và kết nối Internet băng thông rộng trong các trường học đã được thúc đẩy song song với việc phát triển chương trình eLatvia 2005 - 2008. Các Kế hoạch Phát triển Quốc gia của Latvia giai đoạn 2007 - 2013 và 2014 - 2020 bắt đầu nhận ra sự cần thiết của việc phát triển các kỹ năng số ở các trường tiểu học, trung học, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp (VET).
Các phương pháp tiếp cận chính sách đã chuyển từ tập trung vào việc tiếp cận các nguồn lực CNTT sang công nhận việc giảng dạy các kỹ năng số. Do đó, chương trình CNTT vì Chất lượng Giáo dục (IKTIK) 2007 được xây dựng dựa trên chương trình eLatvia trước đó đã đưa ra các chính sách để tăng cường giảng dạy các kỹ năng số trong trường học. Động thái của Latvia hướng tới một phương pháp tiếp cận toàn diện hơn đối với các kỹ năng số được thể hiện rõ ràng hơn trong Kế hoạch triển khai Mô hình quản trị giáo dục mới nhất cho giai đoạn 2016 - 20201, có hiệu lực đến 2023. Kế hoạch này nhằm đạt được mục tiêu năm 2020 của châu Âu về sự tham gia vào việc học tập suốt đời bằng cách thúc đẩy việc tiếp thu các kỹ năng số cho toàn bộ dân số2.
Latvia phát triển các kỹ năng số thông qua các chiến lược khác nhau: Hướng dẫn phát triển xã hội thông tin giai đoạn 2014-2020, bao gồm Giáo dục CNTT và Kỹ năng điện tử; Hướng dẫn phát triển giáo dục giai đoạn 2014-2020 bao gồm các biện pháp thúc đẩy và hiện đại hóa các kỹ năng số và nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) để sử dụng CNTT trong quá trình học tập và phát triển các kỹ năng số của giáo viên; Chiến lược an ninh mạng của Latvia giai đoạn 2014 - 2018 và giai đoạn 2019-2022 với Kế hoạch hành động thúc đẩy các kỹ năng số và nghiên cứu về an ninh mạng, bao gồm phát triển các chương trình học thuật bậc cử nhân về an ninh mạng3 (European Commission, 2019c).
Các chiến lược này giải quyết nhiều thách thức, đáng chú ý là: (i) các kỹ năng số cơ bản của người dân; (ii) các kỹ năng số của các chuyên gia CNTT; (iii) các kỹ năng số trong khu vực công và trong giáo dục; và (iv) nhận thức về an ninh mạng.
Giai đoạn 2020 - 2021, việc phát triển các kỹ năng số được Latvia xác định là ưu tiên quốc gia ở mọi cấp độ trong Hướng dẫn chuyển đổi số 2021-2027; Hướng dẫn này bao gồm chiến lược giáo dục và kỹ năng trung hạn của chính phủ nhằm mục đích thúc đẩy và hiện đại hóa các kỹ năng số và các nghiên cứu khoa học, công nghệ, STEM, sử dụng CNTT trong quá trình học tập và phát triển các kỹ năng số của giáo viên4. Latvia cũng thành lập Liên minh Kỹ năng và Việc làm Kỹ thuật số quốc gia do Hiệp hội Công nghệ thông tin và truyền thông Latvia (LIKTA) điều phối, để thúc đẩy kỹ năng số, nhân lực số.
Nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực kỹ thuật số, Latvia đã cung cấp các công cụ để đánh giá kỹ năng số, đào tạo và hướng dẫn nghề nghiệp. Các dự án như Women4IT hoặc cải thiện năng lực chuyên môn của người lao động (2017-2023) đã giúp củng cố các kỹ năng số nâng cao và tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp CNTT và chuyên gia nữ (2021)5. Quốc gia này cũng thực hiện kế hoạch bao gồm các biện pháp kích thích sự quan tâm của những người trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ em gái đối với lĩnh vực CNTT trong giai đoạn 2021-2023 để thúc đẩy quyền bình đẳng trong lĩnh vực này.
Để thu hẹp khoảng cách kỹ năng số giữa khu vực công và tư, Latvia đã thực hiện các dự án “Đào tạo SME về công nghệ số và đổi mới tại Latvia” và “Đào tạo chuyên gia CNTT để phát triển và đổi mới trong ngành CNTT”. Các dự án này nhằm mục đích hỗ trợ khả năng tuyển dụng và phát triển những người trẻ bằng cách trang bị cho họ các kỹ năng CNTT phù hợp cho các công việc số trong tương lai6. Năm 2021, LIKTA tiếp tục triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển và triển khai kỹ năng CNTT cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ” trong các lĩnh vực công nghệ số, số hóa các quy trình nội bộ và các công cụ số để sản xuất và phát triển dịch vụ. Thông qua dự án này, người lao động có thể cập nhật kỹ năng của mình để xử lý các công nghệ mới7.
Latvia cũng rất quan tâm đến chính sách đào tạo lại lực lượng lao động khi cung cấp 10 chương trình kỹ năng số cho người thất nghiệp8. Kỹ năng số của người lao động được hỗ trợ thông qua sự hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân, các dự án của EU như Dự án Hệ thống phát triển năng lực số (DCDS) và các dự án “ICTskills4All”.
Có thể thấy, cách tiếp cận chính sách của Latvia mong muốn tích hợp các kỹ năng số vào hệ thống giáo dục truyền thống ở mọi cấp độ. Các cấu trúc thể chế mà Latvia sử dụng để giải quyết các cấp độ kỹ năng số chủ yếu xuất phát từ cấp quốc gia.
Một số kết quả đạt được trong phát triển nhân lực số ở Latvia
Theo báo cáo Chỉ số kinh tế và xã hội số (DESI) của Uỷ ban châu Âu năm 2022, Latvia có thành tích thấp hơn mức trung bình của EU về nhân lực số, xếp thứ 18 trong 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU).
Về kỹ năng số: mặc dù số lượng người dùng Internet ở Latvia tăng từ 87% năm 2020 lên 90% vào năm 2022, cao hơn mức trung bình của EU (89%)9. Nhưng về kỹ năng số cơ bản và kỹ năng số nâng cao hiện Latvia vẫn thấp hơn mức trung bình của EU. Bất chấp những nỗ lực vào năm 2023, quốc gia này vẫn chỉ có 45,3% dân số có ít nhất các kỹ năng số cơ bản, thấp hơn mức trung bình của EU là 55,6%. Điều này cho thấy sự sụt giảm so với năm 2022 (50,8% dân số có ít nhất các kỹ năng số cơ bản)10. Về kỹ năng sáng tạo nội dung số cơ bản, Latvia đang ở gần với mức trung bình của EU khi đạt 64% so với EU là 66%11.
Ở Latvia, kỹ năng số của phụ nữ chiếm tỷ lệ cao hơn so với nam giới, 50% phụ nữ có ít nhất các kỹ năng số cơ bản, thì đối với nam giới, con số này là 46%. Sự khác biệt về kỹ năng số cũng tồn tại giữa những người có việc làm và những người thất nghiệp. Trong khi, 57% người có việc làm có các kỹ năng số cơ bản trở lên, thì đối với người thất nghiệp, con số này chỉ là 33%. Trình độ học vấn cũng là một yếu tố quan trọng quyết định kỹ năng số, 76% người có trình độ học vấn cao có ít nhất các kỹ năng số cơ bản (so với 84% ở cấp độ EU), thì đối với những người có trình độ học vấn thấp hoặc trung bình, con số này chỉ là 35%12.
Chuyên gia công nghệ thông tin - truyền thông: tỷ lệ chuyên gia CNTT của Latvia mặc dù vẫn thấp hơn mức trung bình của EU, nhưng quốc gia này đang thu hẹp khoảng cách với mức trung bình của EU khi đạt 4,4% tổng số việc làm so với mức trung bình của EU là 4,6%13.
Tỷ lệ chuyên gia nữ trong lĩnh vực CNTT ở Latvia gần đây cũng có xu hướng gia tăng từ 1% thấp hơn mức trung bình của EU (1,4%) vào năm 201814 lên 23% cao hơn mức trung bình của EU (19%)15 vào năm 202116. Với thành tích tốt về số lượng chuyên gia CNTT là phụ nữ, quốc gia này đã được xếp hạng trong top 10 quốc gia thành viên về cân bằng giới tính và đóng góp tích cực vào việc đạt được các mục tiêu của Thập kỷ số của EU17.
Sinh viên tốt nghiệp STEM: xu hướng giảm trong tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT ở Latvia đã được đảo ngược trong những năm gần đây. Sau khi có sự sụt giảm về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp STEM trên 1.000 người (tuổi 20-29) từ 14,1 trên 1000 vào năm 2013 xuống còn 12,7 vào năm 201618 thì đã có sự gia tăng trở lại từ năm 2018 và cho đến nay, tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình của EU đạt 5% so với 4,2% của EU19.
Doanh nghiệp cung cấp đào tạo CNTT: hiện Latvia chỉ có 15% doanh nghiệp cung cấp đào tạo về kỹ năng CNTT, thấp hơn mức trung bình của EU là 22%20.
Mặc dù, các kỹ năng số cơ bản và nâng cao, cũng như các kỹ năng tạo nội dung số cơ bản của Lativa vẫn thấp hơn so với mức trung bình của EU và Latvia vẫn chưa thể bắt kịp phần lớn các quốc gia EU khác, chưa khai thác hết tiềm năng kỹ thuật số để đóng góp thêm vào những nỗ lực chung nhằm đạt được các mục tiêu Thập kỷ số của EU. Nhưng, với những nỗ lực bền bỉ, Latvia đã đạt được những kết quả đáng khích lệ khi có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT cao hơn đáng kể so với mức trung bình của EU. Quốc gia này cũng có thành tích tương đối tốt về tỷ lệ chuyên gia nữ CNTT trong lực lượng lao động. Tỷ lệ chuyên gia CNTT ở Latvia cũng đã tăng đều đặn và hiện đang dần bắt kịp mức trung bình của EU.
Một số gợi mở chính sách cho Việt Nam
Việt Nam là một trong những nước có thị trường nhân lực số năng động và đang có xu hướng tăng mạnh khi các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng do sự gia tăng đáng kể của các doanh nghiệp công nghệ số đã tạo ra nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT, đặc biệt là kỹ sư CNTT. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với năm 2021; trong đó, có 44.000 doanh nghiệp đang thực sự hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số. Ước tính đến hết tháng 2/2023, số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động đạt khoảng 70.800, tăng 300 doanh nghiệp so với tháng 1/2023, đạt tỷ lệ 0,71 doanh nghiệp/1.000 dân21.
Tuy nhiên, trên cả nước, giai đoạn 2022-2023, tổng số trường đại học có đào tạo CNTT, điện tử, viễn thông là 165 cơ sở và tỷ lệ thực tế tuyển sinh đại học về CNTT, điện tử, viễn thông và an toàn thông tin chiếm 84%. Tổng số lao động ngành công nghiệp công nghệ thông tin chiếm khoảng 2,8% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 202222. Ước tính số lượng lao động ngành công nghiệp CNTT có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học khoảng 600 nghìn chiếm 1,1%. Tỷ lệ này khá thấp so với các nước định hướng công nghệ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc hay Ấn Độ.
Cụ thể, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin của Ấn Độ là 1,78% trên tổng số lao động quốc gia, của Hàn Quốc là 2,5% và của Mỹ là 4%. Do đó, theo nền tảng tuyển dụng chuyên IT hàng đầu tại Việt Nam TopDev, dự báo đến 2025 Việt Nam sẽ còn cần đến 700.000 nhân lực trong ngành công nghệ thông tin. Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới đạt khoảng 530.000 người, tức thiếu gần 200.000 người23.
Trên cơ sở kinh nghiệm phát triển nhân lực số của Latvia, thực trạng phát triển nhân lực số ở Việt Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa nhu cầu phát triển nguồn nhân lực số của Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, phát huy vai trò của nhà nước trong xây dựng và ban hành các chính sách, chương trình, kế hoạch bồi dưỡng nhằm phát triển kỹ năng số, nhân lực số. Quan tâm đào tạo và phát triển kỹ năng số thông qua thực hiện các chính sách giáo dục, coi giáo dục là yếu tố then chốt trong phát triển kỹ năng số: nâng cao chất lượng, quy mô giáo dục; phát triển hệ thống học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; Đổi mới mạnh mẽ hệ thống quản lý giáo dục, tập trung vào vấn đề quản lý chất lượng; Mở rộng quan hệ hợp tác giáo dục - đào tạo các việc làm mới như AI, IoT, Bigdata, Blockchain,...
Thứ hai, phát huy vai trò của nhà nước, doanh nghiệp trong xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo kỹ năng số nhằm phát triển nhân lực số trong thị trường lao động. Đồng thời, người lao động cần được cung cấp đầy đủ các thông tin về xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động. Cần cải thiện các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề. Trong đó, cần chú trọng nhiều hơn đến “kỹ năng mềm” trong chương trình học từ mẫu giáo đến lớp 12. Thị trường lao động cần được thiết kế linh hoạt hơn, cho phép người lao động dễ dàng chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Triển khai khung năng lực số nhằm phát triển chất lượng của nguồn nhân lực số trên thị trường lao động.
Thứ ba, Nhà nước cần xây dựng các chính sách, chiến lược, xây dựng các hành lang pháp lý tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực số. Hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo theo chuẩn quốc tế. Cần thiết lập các mạng lưới toàn cầu kết nối với công nghệ thế giới bằng cách nhập khẩu công nghệ cao, mời các chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, tiến hành các hoạt động liên doanh đào tạo và nghiên cứu, phát triển.... Cần có chính sách thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các trường đào tạo nổi tiếng của thế giới (khuyến khích tự túc du học, Nhà nước cung cấp kinh phí để đào tạo lao động chuyên môn, kỹ thuật cao ở nước ngoài...) gắn với nhu cầu của đất nước24.
Tóm lại, thực tiễn luôn biến động, nhất là trong thời đại phát triển của công nghệ số, Việt Nam mặc dù đã có các chủ trương, chính sách và định hướng đúng đắn về phát triển nguồn nhân lực số. Tuy nhiên, việc tiếp tục triển khai nghiên cứu để rút kinh nghiệm xây dựng và triển khai các mục tiêu, hành động, giải pháp then chốt để thúc đẩy phát triển kỹ năng số, phát triển nguồn nhân lực số là rất cần thiết trong thời gian tới. Một trong những bài học thành công của Latvia là coi phát triển kỹ năng số thông qua chính sách giáo dục là yếu tố then chốt và tiên quyết trong phát huy nguồn nhân lực số, đáp ứng phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, Latvia cũng xây dựng, thực hiện các chính sách, các chương trình đào tạo kỹ năng số nhằm phát triển nhân lực số đối với thị trường lao động.
Tài liệu tham khảo
1. Lāce, A (2018), Development of Digital Skills - The Road to a More Inclusive and Diverse Labour Market, http://providus.lv/article_files/3448/original/Policy_brief_21032018_FINAL.pdf?1521632509
2. Eurydice (2019), Digital Education at School in Europe. Eurydice Report. Luxembourg: Publications Office of the European Union.
3. European Commission (2019), Digital Economy and Society Index1 2019 Country Profile Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/desi-latvia,
4. European Commission (2022), Digital Economy and Society Index1 2022 Country Profile Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/desi-latvia5. European Commission (2020), Digital Economy and Society Index1 2020 Country Profile Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/desi-latvia,
6. European Commission (2018), Digital Economy and Society Index1 2018 Country Profile Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/desi-latvia,
7. European Commission (2022), Digital Economy and Society Index1 2022 Country Profile Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/desi-latvia,
8. European Commission (2022), Digital Economy and Society Index1 2021 Country Profile Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/desi-latvia, truy cập ngày 10-6-2024.
9. European Commision (2023), Digital Decade Country Report 2023 Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/library/country-reports-digital-decade-report-2023, truy cập ngày 10-6-2024.
10. European Commission (2023), Digital Decade Country Report 2023. Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/library/country-reports-digital-decade-report-2023, truy cập ngày 10-6-2024.
11. European Commission (2022), Digital Economy and Society Index1 2022 Country Profile Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/desi-latvia, truy cập ngày 10-6-2024.
12. European Commission (2018), Digital Economy and Society Index1 2018 Country Profile Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/desi-latvia, truy cập ngày 10-6-202413. European Commission (2023), Digital Decade Country Report 2023. Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/library/country-reports-digital-decade-report-2023,
14. European Commission (2019), Digital Economy and Society Index1 2019 Country Profile Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/desi-latvia,
15. European Commission (2022), Digital Economy and Society Index1 2022 Country Profile Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/desi-latvia.
16. European Commission (2022), Digital Economy and Society Index1 2022 Country Profile Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/desi-latvia
17. European Commission (2023), Digital Decade Country Report 2023. Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/library/country-reports-digital-decade-report-2023
18. European Commission (2018), Digital Economy and Society Index1 2018 Country Profile Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/desi-latvia,
19. European Commission (2023), Digital Decade Country Report 2023. Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/library/country-reports-digital-decade-report-2023,
20. European Commission (2023), Digital Decade Country Report 202. Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/library/country-reports-digital-decade-report-2023, European
Commission (2023), Digital Decade Country Report 2023. Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/library/country-reports-digital-decade-report-2023, European Commission (2023),
Digital Decade Country Report 2023. Latvia, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/library/country-reports-digital-decade-report-2023
21. Nhĩ Anh (2023), Công nghiệp ICT Việt Nam 2 tháng đầu năm đạt hơn 20 tỷ USD, https://vneconomy.vn/cong-nghiep-ict-viet-nam-2-thang-dau-nam-dat-hon-20-ty-usd.htm,
22. Topdev (2023), Vietnam IT Market Report 2023, https://topdev.vn/vietnam-tech-talents-report-topdev-202323. Topdev (2023), Vietnam IT Market Report 2023, https://topdev.vn/vietnam-tech-talents-report-topdev-2023,
24. Vũ Tuấn Hưng, Nguyễn Xuân Bắc (2021),“Phát triển nhân lực số trong bối cảnh kinh tế số ở châu Âu và hàm ý chính sách cho Việt Nam”, tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 5(248), 2021.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2024)