Truyền thông

Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp đào tạo nhân lực số

Hoàng Anh 18/09/2024 21:49

Nhiều giải pháp đồng bộ đã và đang được thành phố Đà Nẵng tích cực triển khai nhằm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số có đầy đủ kiến thức, kỹ năng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số thành công.

Một trong những thành phố đi đầu về chuyển đổi số

Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số. Tính đến tháng 6/2023, TP. Đà Nẵng có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, đứng thứ 2 cả nước sau TP. Hồ Chí Minh, gấp hơn 3 lần tỷ lệ trung bình doanh nghiệp công nghiệp số của cả nước. Tổng nhân lực công nghệ thông tin TP. Đà Nẵng khoảng 47.500 người (Chiếm tỷ lệ 7,7% tổng số lao động của địa phương).

Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn nhân lực công nghệ thông tin vào quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2025. TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tối thiểu 3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân và tạo ra ít nhất 75.000 nhân lực cho chuyển đổi số; đến năm 2030 đạt tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân và tạo ra ít nhất 115.000 lao động chất lượng cao. Trong giai đoạn 2022-2025, TP Đà Nẵng cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm và trong giai đoạn 2026-2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm. Với mục tiêu đó, TP. Đà Nẵng đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đào tạo phát triển nhân lực công nghệ thông tin – công nghệ số phục vụ công cuộc chuyển đổi số.

anh-da-nang.jpg
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và đại diện các trường đại học, doanh nghiệp khởi động chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn và AI cho giáo viên nguồn.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, hiện thành phố có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó, có 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề, trung tâm đào tạo phi chính quy. Trong số các trường đại học, cao đẳng có 17 trường đào tạo chuyên ngành Công nghệ thông tin; 13 trường đào tạo các chuyên ngành gần (Điện tử - Viễn thông, Cơ điện tử, Tự động hóa, Tin học thống kê, Tin học xây dựng,...). Chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố tăng lên hằng năm. Năm 2021 tuyển sinh khoảng 5.700 sinh viên. Năm 2022, tuyển sinh khoảng 6.000 sinh viên.

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực Công nghệ thông tin

Tại Hội thảo "Đào tạo Nhân lực công nghệ số đáp ứng nhu cầu thị trường lao động Việt Nam và thế giới", TS. Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho rằng, để cung cấp nguồn nhân lực công nghệ số đa dạng ngành nghề, cần đào tạo chuyên sâu thêm nhiều ngành nghề, như điện toán đám mây, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Blockchain,… Để phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số của thành phố đề ra, giải pháp thiết thực cần làm ngay là các cơ sở đào tạo sớm triển khai Đại học số, mở rộng ngành nghề. Cùng đó, các trường sử dụng các phần mềm mã nguồn mở làm nguồn học liệu để phân tích các dự án, đào tạo song bằng về công nghệ thông tin, tăng cường các khóa học ngắn hạn. Bên cạnh đó, hình thành liên kết giữa các trường Đại học, chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để triển khai đào tạo đạt chuẩn và gắn với nhu cầu đầu ra của doanh nghiệp.

Nhiều cơ sở giáo dục ở Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số. PGS.TS. Nguyễn Gia Như, Hiệu trưởng trường Công nghệ và Kỹ thuật (SET), Đại học Duy Tân cho biết, hiện trường triển khai hệ sinh thái đào tạo nhân lực công nghệ thông tin rất hiệu quả. Theo đó, hệ sinh thái của trường được thiết lập bởi sự gắn kết của nhiều yếu tố, như chương trình đào tạo, hạ tầng công nghệ, đội ngũ giảng viên, hợp tác doanh nghiệp, phát triển kỹ năng “mềm”, hỗ trợ khởi nghiệp và nghiên cứu, quốc tế hóa giáo dục. Bên cạnh đó, Đại học Duy Tân cũng kết nối chặt chẽ với các tập đoàn, doanh nghiệp số giúp sinh viên nhanh chóng thích ứng với những yêu cầu của môi trường làm việc thực tế và có cơ hội việc làm ngay từ sớm.

PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, hiện có 5/6 trường đại học thành viên và 3/6 đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngoài ra, Đại học Đà Nẵng cũng đang đào tạo nhiều ngành khác có liên quan mật thiết và cung cấp nguồn nhân lực để làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi số như: kỹ thuật điện tử, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, hệ thống nhúng, cơ điện tử… Đại học Đà Nẵng cũng đã ban hành đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Đại học Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu chuyển đổi số ngay trong trường đại học để nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả quản lý, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ nhân lực.

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) thuộc Đại học Đà Nẵng hiện đang đào tạo 13 ngành, chuyên ngành có liên quan chuyển đổi số. Mỗi năm, trường tuyển sinh 1.500 sinh viên, trong đó trên 90% chỉ tiêu đào tạo liên quan đến công nghệ thông tin.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng - Trần Nguyễn Minh Thành cho biết, Sở đang đẩy mạnh giáo dục STEM với việc kết hợp 4 lĩnh vực: Khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học nhằm đưa chuyển đổi số đến gần với học sinh. Sở phát triển chương trình giảng dạy STEM theo chuẩn quốc tế dưới sự kiểm định của các chuyên gia Đại học Đà Nẵng. Cùng đó, xây dựng thêm định hướng giáo dục STEAM (tích hợp yếu tố nghệ thuật -Arts); đồng thời, hướng dẫn học sinh ứng dụng học thuật vào giải quyết những vấn đề lớn trong xã hội.

Thời gian qua, UBND TP Đà Nẵng, cũng như UBND các quận, huyện, sở, ban, ngành đã ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi số với các tập đoàn viễn thông, công nghệ lớn, như Tập đoàn FPT, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT… Qua việc ký kết, thành phố có thêm nguồn lực để phát triển chuyển đổi số cũng như nhân lực số. Đồng thời, thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ, hầu hết các doanh nghiệp đều triển khai kế hoạch để có thêm nguồn nhân lực số phục vụ cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp đào tạo nhân lực số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO