Phát triển Tên miền tiếng Việt - Chung tay xây dựng môi trường thuần Việt trên Internet

BN| 04/05/2017 08:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Với sự phát triển của hoạt động Internet với đa dạng loại hình dịch vụ, công nghệ mới phục vụ cho nhu cầu sử dụng của con người, thì tên miền đa ngữ (tên miền được viết theo tiếng bản địa của các quốc gia trên thế giới) hiện đang là xu thế trên toàn cầu. Để phổ biến cho cộng đồng Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan truyền thông về xu thế mới về phát triển tên miền đa ngữ (IDN), đồng thời cập nhật các điều chỉnh chính sách trong công tác quản lý tên miền có dấu tiếng Việt, ngày 3/5/2017, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã tổ chức Hội thảo “Phát triển tên miền tiếng Việt – Thúc đẩy thông tin thuần Việt trên Internet”. Hội thảo có sự tham gia trình bày của văn phòng đại diện ICANN tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (ICANN Hub Asia tại Singapore) để chia sẻ về quan điểm, dự án, chương trình phát triển tên miền đa ngữ của ICANN.

Tên miền đa ngữ (Internationalized Domain Name, viết tắt là IDN) là tên miền được viết dưới dạng các ngôn ngữ bản địa của các quốc gia trên toàn cầu. Tên miền đa ngữ được Tổ chức quản lý Tên và địa chỉ mạng quốc tế (ICANN) chính thức triển khai từ tháng 04/2010 và hiện nay trở thành xu thế phát triển tất yếu trên Internet, đặc biệt là tại các quốc gia không sử dụng ngôn ngữ ký tự chữ Latin như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Nội dung bản địa hóa trong tên miền đa ngữ hiện không chỉ dừng ở phần nhãn dưới một đuôi tên miền không dấu thông thường như hànội.vn; việtnam.com mà về lý thuyết còn có khả năng mở rộng đến cấp cao nhất. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các trình duyệt đều đã hỗ trợ tên miền IDN, trong đó có tên miền tiếng Việt

ICANN thành lập các nhóm làm việc để xây dựng các luật sinh mã (Label Generation Rule) trên máy chủ tên miền gốc (root zone) cho các ngôn ngữ khác nhau. IDN là vấn đề quan trọng được ICANN tập trung xử lý, gồm hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật trên máy chủ tên miền gốc và xử lý vấn đề chấp nhận phổ quát tên miền đa ngữ “IDN universal acceptance” để tên miền đa ngữ hoạt động trơn tru, ổn định không khác gì tên miền không dấu. Tính đến thời điểm tháng 12/2015: có khoảng 6,8 triệu tên miền đa ngữ được đăng ký trên thế giới (dưới ccTLD và gTLD); tính tới tháng 4/2017, có 49 tên miền mã quốc gia đa ngữ thuộc 36 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được chuyển giao tên máy chủ tên miền gốc.

Kể từ ngày 16/11/2009, ICANN đã chuyển giao tên miền đa ngữ cấp cao mã quốc gia cho các quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng ngôn ngữ phi Latin theo chương trình ưu tiên đăng ký có tên gọi “IDN ccTLD fast track process”. Các quốc gia, vùng lãnh thổ đã được cấp phát tên miền cấp cao mã quốc gia theo tiếng bản địa gồm có: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ và các quốc gia theo hệ ngôn ngữ Ả rập (Ai Cập, Quata, Maroc, Jocdan, Tunis, …). Tuy nhiên, do tiếng Việt thuộc hệ ngôn ngữ Latin, nên hiện Việt Nam chưa được ICANN chuyển giao tên miền đa ngữ mã quốc gia (tên miền mã quốc gia tiếng Việt).

Việt Nam có một tiềm năng rất lớn trong nền kinh tế số. Theo Báo cáo Internet World Stats, Việt Nam đang đứng thứ 17 trong số các quốc gia có số lượng người sử dụng Internet lớn nhất, với hơn 49,7 triệu với tỉ lệ thâm nhập lên tới 52,1% dân số. Theo báo cáo tài nguyên Internet năm 2016 của VNNIC, hơn một nửa số doanh nghiệp tại Việt Nam sở hữu một website. Bằng việc vượt qua rào cản ngôn ngữ, tỷ lệ thâm nhập Internet có thể tăng lên do nhiều người Việt truy cập mạng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Tên miền tiếng Việt (TMTV) là tên miền đa ngữ của Việt Nam. Việc đăng ký, sử dụng tên miền tiếng Việt bổ sung thêm nhiều lựa chọn, thay thế cho địa chỉ Website truyền thống chỉ chấp nhận những ký tự Latin thông thường. Đặc biệt, tên miền tiếng Việt được sử dụng sẽ rõ nghĩa, dễ nhớ, dễ quảng bá, thể hiện rõ ràng được ý tưởng, tên sản phẩm dịch vụ, tên nhãn hiệu, thương hiệu... tránh được những cách hiểu mập mờ. Không gian tên miền rộng lớn, tên miền tiếng Việt là lựa chọn cho người sử dụng để xác định danh tính, bảo vệ thương hiệu của mình chính xác theo ngôn ngữ tiếng Việt trên Internet. Tên miền tiếng Việt góp phần tạo môi trường thuần Việt trên Internet, đưa Internet Việt Nam hội nhập công nghệ, ứng dụng tài nguyên Internet với thế giới.

Tên miền tiếng Việt nằm trong hệ thống tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” trong đó các ký tự tạo nên tên miền là các ký tự được quy định trong bảng mã tiếng Việt theo tiêu chuẩn TCVN 6909:2001 và các ký tự nằm trong bảng mã mở rộng của tiếng Việt theo tiêu chuẩn trên, ví dụ: thủđô.vn, chínhphủ.vn ... Một số tên miền mặc dầu có ý nghĩa trong tiếng Việt nhưng không được coi là tên miền tiếng Việt như: hoalan.vn; hoasen.vn, conngoan.vn, v.v... Hiện nay tên miền tiếng Việt được phát triển dưới đuôi tên miền quốc gia “.vn” dưới dạng tên miền cấp 2 (trực tiếp sau “.vn”). Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) không triển khai cấp phát tên miền tiếng Việt dưới các đuôi tên miền cấp 2 dùng chung như .com.vn, .net.vn...

Chia sẻ về quá trình thúc đẩy phát triển Tên miền tiếng Việt (TMTV), ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC cho biết, Quá trình phát triển TMTV gắn với dự án nghiên cứu khoa học của VNNIC đưa tiếng Việt vào ứng dụng trong hệ thống tên miền để góp phần thúc đẩy thông tin thuần Việt trên mạng Internet. Thời gian ban đầu, TMTV chưa thu hút được người sử dụng. Từ thời điểm bắt đầu cấp phát chính thức vào tháng 3/2007 đến hết tháng 12/2010, chỉ có 3.532 tên miền đăng ký.

Cơ cấu TMTV theo chủ thể đăng ký (2016)

Cơ cấu sử dụng dịch vụ của TMTV (2016)

Số lượng đăng ký TMTV bùng nổ kể từ thời điểm triển khai cấp phát tên miền tiếng Việt (TMTV) miễn phí theo thông tư số 189/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính (ngày 28/4/2011). Sau gần 06 năm mở đăng ký tự do miễn phí (bắt đầu từ 28/4/2011), tên miền tiếng duy trì trên hệ thống ở con số 977,007 tên tính đến 31/10/2016.

Biểu đồ Tăng trưởng tên miền tiếng Việt qua các năm

Từ ngày 01/01/2017, theo quy định tại Thông tư số 208/2016/TT-BTC ban hành ngày 10/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí tên miền quốc gia “.vn” và địa chỉ Internet (IP) của Việt Nam, tên miền tiếng Việt (TMTV) chính thức được thu phí duy trì sử dụng (20.000đ/tên miền/01 năm). Cũng từ thời điểm này, VNNIC chuyển giao toàn bộ tên miền tiếng Việt được đăng ký trực tiếp tại VNNIC trước đây sang quản lý tại Nhà đăng ký.

Việc đăng ký, duy trì tên miền tiếng Việt thay vì chỉ được thực hiện trực tiếp tại VNNIC như trước đây thì giờ đây chủ thể có thể dễ dàng lựa chọn một trong số các Nhà đăng ký tên miền “.vn” được VNNIC công bố trên hệ thống để thực hiện việc đăng ký, duy trì cho tên miền tiếng Việt của mình. Hiện nay các Nhà đăng ký tên miền “.vn” đã đồng loạt triển khai cấp phát tên miền tiếng Việt. Kể từ ngày 13/4/2017, bên cạnh Nhà đăng ký DOT VN, đã có thêm 4 Nhà đăng ký tên miền nữa triển khai cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền tiếng Việt ra cộng đồng, đó là: Công ty Cổ phần iNET, Công ty Cổ phần GMO-Z.com RUNSYSTEM, Công ty TNHH Phần mềm Nhân Hòa, Công ty TNHH P.A Việt Nam.

 Với không gian tên miền rộng lớn, ý nghĩa rõ ràng, việc thúc đẩy phát triển tên miền tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay cũng là cơ hội cho Nhà đăng ký để có thể thu hút cộng đồng đăng ký dịch vụ tại đơn vị mình.

Sau ba tháng gia hạn thời gian cho các chủ thể có tên miền tiếng Việt hết hạn trước ngày 31/12/2016 thực hiện thực hiện gia hạn sử dụng tên miền, kể từ ngày 15/4/2017,  những tên miền tiếng Việt chưa thực hiện gia hạn theo tinh thần Thông tư số 208/2016/TT-BTC được thu hồi tự động và giải phóng về trạng thái tự do để các chủ thể có nhu cầu có thể đăng ký, sử dụng theo nguyên tắc đăng ký trước được quyền sử dụng trước.

 Với mục tiêu giữ gìn nền văn hóa Việt trên Internet, TMTV là giải pháp hữu hiệu để sử dụng Internet cho cộng đồng, xóa nhòa ranh giới giữa tên miền không dấu và tên miền tiếng Việt. Và để tiếp tục phát triển TMTV, Ông Trần Minh Tân cho biết sẽ triển khai một số biện pháp như: Tăng cường thông tin để cải thiện nhận thức của cộng đồng về các lợi ích khi sử dụng TMTV; Chú trọng các dịch vụ hỗ trợ TMTV – chăm sóc khách hàng của các nhà đăng ký; Phối hợp với các nhà đăng ký tên miền để triển khai đa dạng các dịch vụ cho TMTV./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Phát triển Tên miền tiếng Việt - Chung tay xây dựng môi trường thuần Việt trên Internet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO