Phát triển thành phố bền vững: Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

Tâm An| 25/04/2021 07:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Tập trung vào phát triển thành phố có thể giúp các chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Chính phủ các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức to lớn như: phục hồi sau COVID-19, tạo ra sự phát triển bền vững và toàn diện, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Một nghiên cứu mới đây của Liên minh Chuyển đổi Đô thị (Coalition for Urban Transitions) đã chỉ ra rằng tập trung vào phát triển các thành phố chính là chìa khóa để vượt qua những thách thức này đồng thời tạo ra những lợi ích đáng kể về kinh tế, xã hội và môi trường.

Giúp các thành phố bền vững hơn: Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới  - Ảnh 1.

Tập trung vào các thành phố là chìa khóa để vượt qua những thách thức đồng thời tạo ra những lợi ích đáng kể về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo Báo cáo nắm bắt cơ hội đô thị, việc thực hiện một loạt các công nghệ và thực tiễn hiện có trên 6 quốc gia mới nổi - Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Mexico và Nam Phi có thể cắt giảm tổng thể lượng khí phát thải hàng năm của các khu vực đô thị quan trọng từ 87 – 96% vào năm 2050, vượt quá ngưỡng cam kết ban đầu của các quốc gia theo Thỏa thuận Paris.

Quan trọng không kém, chúng có thể mang lại lợi nhuận kinh tế với giá trị hiện tại ròng hơn 12.000 tỷ USD vào năm 2050 dựa trên việc tiết kiệm năng lượng trực tiếp và chi phí nguyên liệu đồng thời có khả năng tạo ra 31 triệu việc làm mới vào năm 2030.

Giúp các thành phố bền vững hơn: Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới  - Ảnh 2.

Hành động thân thiện với môi trường của sáu quốc gia này sẽ là chìa khóa để đạt được sự phát triển bền vững. (Ảnh: WRI)

Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế quốc gia đặt các thành phố vào vị trí trung tâm

Không có gì cản trở sự tiến bộ hơn là một cách tiếp cận rời rạc. Để thúc đẩy hành động và đầu tư giữa các bộ ngành, một tầm nhìn quốc gia chung là rất quan trọng. Một chiến lược phát triển quốc gia với mục tiêu khí phát thải nhà kính bằng 0 (net-zero) sẽ đảm bảo tất cả các khu vực địa lý trong một quốc gia cùng hành động và cùng hướng tới một mục tiêu.

Là động cơ kinh tế tạo ra 80% GDP của thế giới và là nơi sinh sống của 56% dân số thế giới, các thành phố cần phải là cốt lõi của các chiến lược quốc gia với mục tiêu khí phát thải nhà kính bằng 0.

Chính phủ các quốc gia có thể học hỏi từ Chiến lược Phát triển phát thải thấp dài hạn của Nam Phi (SA-LEDS), nhằm mục đích chuyển đổi nền kinh tế Nam Phi và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chiến lược này bao gồm các sáng kiến trên toàn quốc như Chiến lược Hiệu quả năng lượng quốc gia, cung cấp các cơ chế khuyến khích và hỗ trợ để thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ năng lượng sạch như máy nước nóng năng lượng mặt trời cho các gia đình có thu nhập thấp ở nhiều trung tâm đô thị chính của Nam Phi.

Với cách tiếp cận toàn quốc của quốc gia này cũng có nghĩa là các sáng kiến thành công như hệ thống giao thông nhanh bằng xe buýt của Johannesburg có thể được điều chỉnh và thực hiện ở các thành phố lớn khác.

Giúp các thành phố bền vững hơn: Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới  - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Chuyển đổi đô thị sang các thành phố nhỏ gọn, sạch và có khả năng chống chịu cao hơn

Việc chuyển đổi đô thị hướng tới các thành phố nhỏ gọn, kết nối, sạch và có khả năng chống chịu cao hơn có thể hỗ trợ một loạt các ưu tiên phát triển, bao gồm nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, cải thiện sức khỏe cộng đồng, mức sống cao hơn và giảm ô nhiễm.

Điều quan trọng là các chính phủ phải đưa ra các chính sách quốc gia nhằm ngăn chặn sự phát triển tràn lan của đô thị, điều này tạo ra những rào cản cho việc cung cấp các dịch vụ đô thị.

Ấn Độ là một nước đã theo đuổi các chính sách quốc gia để hỗ trợ chuyển đổi đô thị. Chương trình Sứ mệnh quốc gia về Môi trường sống bền vững của nước này đã hỗ trợ các thành phố giải quyết rủi ro về khí hậu và thúc đẩy phát triển môi trường sạch, toàn diện và bền vững.

Bên cạnh đó, khung đánh giá các thành phố thông minh về khí hậu mới của nước này cũng đã sử dụng 28 chỉ số để đánh giá mức độ dễ bị tổn thương và tiềm năng hành động của các thành phố về năng lượng, quy hoạch đô thị, không gian xanh và đa dạng sinh học, chất lượng không khí, quản lý nước và chất thải…

Gần 100 thành phố trên khắp cả nước hiện đang sử dụng công cụ nền tảng chia sẻ kiến thức để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và triển khai các phương pháp hay nhất nhằm tạo ra một thành phố nhỏ gọn, kết nối và sạch đẹp hơn.

Tài trợ cho cơ sở hạ tầng đô thị xanh

Tài trợ cho cơ sở hạ tầng đô thị bền vững và có khả năng phục hồi như giao thông công cộng và các tòa nhà xanh mang lại tiềm năng thu được lợi nhuận kinh tế to lớn cho các chính phủ do tiết kiệm năng lượng và vật liệu.

Ví dụ, ở Indonesia, lượng khí thải đô thị có thể giảm 50% vào năm 2030 và 96% vào năm 2050 bằng cách sử dụng các biện pháp carbon thấp đã được chứng minh, chẳng hạn như thiết lập hệ thống giao thông công cộng và phát triển cơ sở hạ tầng đi bộ và đi xe đạp.

Giúp các thành phố bền vững hơn: Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới  - Ảnh 4.

Hệ thống xe đạp miễn phí toàn thành phố Jakarta (Indonesia). (Ảnh: VOV)

Với mô hình kinh tế sử dụng các biện pháp carbon thấp sẽ cần gia tăng đầu tư 1.000 tỷ USD vào năm 2050, nhưng có thể mang lại lợi nhuận với giá trị hiện tại ròng là 2,7 nghìn tỷ USD vào năm 2050 chỉ dựa trên tiết kiệm chi phí năng lượng và vật liệu.

Các tòa nhà và vận tải hành khách mang lại tiềm năng giảm phát thải lớn nhất. Ở Indonesia, các biện pháp khuyến khích đô thị hóa nhỏ gọn và giảm nhu cầu đi lại, sẽ cần gia tăng đầu tư 24,4 tỷ USD vào năm 2050, nhưng sẽ tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu với giá trị hiện tại ròng là 731,2 tỷ USD. Với việc Indonesia tuyên bố sẽ xây dựng một thủ đô mới ở Borneo, đây sẽ là cơ hội duy nhất để đất nước này có thể gặt hái được những lợi ích của quá trình đô thị hóa nhỏ gọn, kết nối, sạch sẽ và có khả năng phục hồi.

Cải cách chính sách và tài khóa để đảm bảo đầu tư và trao quyền tự chủ cho các địa phương

Để tạo ra một môi trường trao quyền cho các nhà lãnh đạo và thị trưởng địa phương thực hiện nhiều hành động hơn nữa về khí hậu, các chính phủ có thể đẩy mạnh cải cách chính sách và tài khóa để đảm bảo đầu tư và thành lập chính quyền cấp đô thị nhằm thúc đẩy sự hợp tác và cách tiếp cận tích hợp.

Ví dụ, ở Nam Phi, việc cải cách Đạo luật Quy định về Điện lực sẽ sớm cho phép các thành phố tự chủ mua sắm năng lượng sạch, do đó cải thiện khả năng tiếp cận với các nguồn năng lượng tái tạo.

Một số khu tự trị như eThekwini, bao gồm thành phố Durban, hiện có kế hoạch xây dựng khả năng phát điện tái tạo chủ yếu từ gió và năng lượng mặt trời của riêng họ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hệ thống lưới điện trung tâm.

Ở Mexico, các cải cách quản trị, chẳng hạn như việc thành lập Cơ quan quản lý đô thị Guadalajara, đã cải thiện quy hoạch sử dụng đất và giao thông tích hợp đồng thời mở rộng nguồn cung cấp phương tiện giao thông công cộng giá cả phải chăng. Phần lớn sự tăng trưởng của Mexico diễn ra ở các thành phố nhỏ hơn, do đó hỗ trợ quốc gia bao gồm hỗ trợ kỹ thuật, tài trợ và cải cách quản trị giúp tạo điều kiện hợp tác giữa các bộ để có thể đảm bảo rằng các thành phố đang phát triển này nhỏ gọn, kết nối, sạch sẽ và có khả năng phục hồi.

Ưu tiên các biện pháp xây dựng có khả năng chống chịu và mở rộng cơ hội kinh tế cho người nghèo

Các quốc gia không nên lo sợ rằng sẽ xảy ra tình trạng mất việc làm do quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Các thành phố khử carbon có tiềm năng tạo ra hàng triệu việc làm mới và có thể thúc đẩy một quá trình chuyển đổi chính đáng.

Phân tích gần đây của Vivid Economics cho Liên minh chuyển đổi đô thị cho thấy khoảng 31 triệu việc làm mới có thể được tạo ra vào năm 2030 ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Mexico và Nam Phi bằng cách áp dụng các biện pháp carbon thấp.

Các biện pháp đô thị carbon thấp, chẳng hạn như xây dựng thêm các tòa nhà, có thể tạo ra khoảng 8 - 21 việc làm trên 1 triệu USD chi tiêu cho các biện pháp tiết kiệm năng lượng, so với 3 việc làm trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.

Chính phủ các quốc gia cũng cần hỗ trợ các thành phố để những người lao động phi chính thức và những người khác trong điều kiện bấp bênh đều được chia sẻ lợi ích của quá trình chuyển đổi xanh và không bị thiệt thòi ngoài ý muốn.

Để làm được điều này, nguồn thu từ thuế carbon hoặc cải cách trợ cấp nhiên liệu hóa thạch có thể được sử dụng để phát triển các kế hoạch chuyển đổi cho người lao động trong ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.

Khuyến khích khu vực tư nhân hỗ trợ tài chính cho việc chuyển đổi đô thị thông minh

Để đáp ứng thiếu hụt tài chính cho cơ sở hạ tầng đô thị bền vững, các quốc gia sẽ cần phải có một sự gia tăng đáng kể đầu tư cả trong khu vực công và tư nhân.

Đầu tư vào các thành phố bền vững, hội nhập trên toàn cầu có thể là một cơ hội kinh tế trị giá ít nhất 24.000 tỷ USD vào năm 2050. Chính phủ các quốc gia có thể thúc đẩy các chính sách kích thích và giảm thiểu rủi ro đầu tư của khu vực tư nhân và khuyến khích quan hệ đối tác công tư.

Kết quả và lợi ích của việc thực hiện các biện pháp này sẽ lớn hơn chi phí. Ví dụ, lĩnh vực giao thông ở Brazil nắm giữ 45% tiềm năng giảm phát thải đô thị của quốc gia đến năm 2050. Việc chuyển từ ô tô sang phương tiện công cộng ở Brazil sẽ cần khoản đầu tư tích lũy 29,6 tỷ USD vào năm 2050, nhưng có thể mang lại lợi nhuận với giá trị hiện tại ròng là 223,3 tỷ USD.

Tương tự, việc chuyển sang sử dụng xe điện có thể hỗ trợ khoảng 128.000 việc làm tại nước này vào năm 2030. Các thành phố đã áp dụng xe buýt điện và xe tải xử lý chất thải để tận dụng cơ hội này.

Chính phủ Brazil có thể học hỏi theo Trung Quốc, quốc gia gần đây đã thông qua khoản kích thích tài chính trị giá 729 tỷ USD để đẩy nhanh việc triển khai xe điện và cơ sở hạ tầng liên quan, hỗ trợ xây dựng cải tạo và nâng cấp đường sắt. Tại Trung Quốc, các khoản trợ cấp có mục tiêu ban đầu cho việc mua xe điện đã thu hút được nhiều công ty đầu tư hơn vào thị trường.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu lớn nhất trong gần một thế kỷ qua, tiến bộ về phát triển bền vững cần được phát huy và đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi carbon thấp. Hiện tại là thời điểm để các quốc gia xây dựng trở lại mạnh mẽ hơn, công bằng hơn và xanh hơn trước.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thành phố bền vững: Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO