Thị trường lao động phát triển mạnh
Hiện nay, hệ thống pháp luật về lao động đã được hoàn thiện tương đối đồng bộ và toàn diện. Đáng chú ý, Bộ luật Lao động năm 2019 và các luật liên quan và các văn bản hướng dẫn triển khai được sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với thực tiễn, tạo hàng lang pháp lý để phát triển thị trường lao động; chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng cầu nhân lực của nền kinh tế và đặc biệt là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Lực lượng lao động tăng từ 27,87 triệu người (năm 1986), đến nay là 51,4 triệu người (quý II năm 2022); tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng 49% (năm 2014), nay là 67% (6 tháng đầu năm 2022).
Cùng với đó, lực lượng lao động tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng theo hướng hiện đại, bền vững. Giai đoạn 2011 - 2019, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 1,5 - 1,6 triệu lượt người, tỉ lệ thất nghiệp thường xuyên duy trì ở mức dưới 3%. Từ 2020 - 2021, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động được cố gắng duy trì ở 3,22%, bất chấp bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề, nhưng đến nay, thị trường lao động đã tiếp tục phục hồi nhanh chóng trở lại.
Nhiều chính sách tạo việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động đã được triển khai nhất quán, liên tục, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động sau đại dịch COVID-19. Chính phủ đã tập trung tháo gỡ những "nút thắt" về thể chế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư để tạo việc làm; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, phân tích dự báo thị trường lao động; triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động.
Thị trường lao động đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới. Thể chế thị trường lao động ngày càng hoàn thiện. Hệ thống thông tin thị trường từng bước đáp ứng được yêu cầu. Quan hệ lao động được thiết lập hài hòa, công bằng, hợp lý.
Các định chế thị trường hỗ trợ kết nối cung cầu và các định chế an sinh xã hội cơ bản được hình thành tốt. Người lao động được tạo điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động khắc phục các rủi ro do mất hoặc giảm giờ làm việc, tai nạn lao động, mất sức lao động, nghỉ hưu…
Cung - cầu lao động được hình thành và kết nối trên các nguyên lý của thị trường. Trong đó, về cầu, cùng với kinh tế tăng trưởng dương liên tục nhiều năm, cầu lao động không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu ngành, nghề theo hướng hiện đại, từng bước tạo việc làm đầy đủ, bền vững hơn cho người lao động. Cơ hội việc làm tăng với việc hằng năm, thị trường lao động tạo thêm việc làm mới cho khoảng 1,6 triệu lao động.
Về cung, hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phát triển được chuẩn hóa, hiện đại hóa từng bước, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của thị trường lao động để phát triển nguồn nhân lực về số lượng, liên thông giữa các cấp trình độ, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tháo gỡ các vướng mắc về thị trường lao động tại Việt Nam
Thị trường lao động trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo số liệu gần đây, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2022 là 50,5 triệu, tăng 504,6 nghìn người (tăng 1,01%) so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người (tương ứng tăng 1,41%) so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh những ưu điểm, thành tựu đã mà đất nước đã đạt được, đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ hơn, sớm hơn một số hạn chế của thị trường lao động như: Nguồn cung lao động chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ, năng lực cạnh tranh quốc gia thấp, chưa thu hút được đầu tư FDI.
Thị trường lao động Việt Nam đang dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều, tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế, cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường lao động còn yếu do hệ thống thông tin thị trường lao động chưa đầy đủ.
Quản trị thị trường lao động còn rời rạc, thiếu kết nối, thiếu cán bộ và chuyên gia có thể đưa ra dự báo, phân tích xu thế và đề xuất giải pháp quản lý thị trường lao động có hiệu quả. Hệ thống an sinh xã hội phát triển chưa bền vững, lưới an sinh xã hội chưa đủ sức đảm đương phòng ngừa, khắc phục và chống chịu rủi ro bền vững cho người lao động.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng; đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm bộc lộ rõ hơn các điểm yếu của thị trường lao động việc làm mà chúng ta cần có giải pháp khắc phục và trả lời những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Vừa qua, tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ kết hợp trực tuyến với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm để thực hiện phát triển thị trường lao động tương xứng với sự phát triển của đất nước.
Trong đó, cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động, tuân thủ quy luật các quy luật của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, coi lao động là hàng hóa đặc biệt để có cơ chế, chính sách phù hợp. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hiệu quả, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao.
Nắm bắt nhu cầu, phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm đang là ưu tiên hiện nay như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…
Xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Hệ thống thông tin và dự báo hướng tới đối tượng người sử dụng là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp và nhất là người lao động và người sử dụng lao động. Chính sách phải dựa trên cơ sở dữ liệu hiện tại và dự báo tương lai.
Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.