Phát triển văn hoá đọc phải là chiến lược lâu dài

Mai Linh| 14/11/2022 10:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Nếu thói quen đọc sách không được hình thành rất sớm và được đưa vào nhà trường như một tiết học chính thức thì rất khó để tạo ra một xã hội đọc sách.

Tỉ lệ đọc sách của người Việt Nam thấp vì thói quen đọc của trẻ em chưa được quan tâm đúng mức

Mặc dù chiến lược phát triển văn hoá đọc đã được Đảng và Nhà nước chú trọng trong nhiều năm qua, cho đến nay, sức đọc của người Việt Nam vẫn ở mức thấp. Hiện nay Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới. Trong khi đó khối Đông Nam Á có 3 nước là Singapore, Malaysia và Indonesia thuộc top này. 

Mỗi năm bình quân ở Việt Nam vẫn xuất bản khoảng hơn 400 triệu bản sách, tuy nhiên, trong số này có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo kiến thức cho hơn 2,2 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước.

Như vậy, chỉ còn khoảng 100 triệu bản sách chia trên 90 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc bình quân mỗi năm một người Việt đọc chừng 1 quyển sách. Cách đây vài năm, báo Dân Trí có một cuộc khảo sát đối tượng là giới trẻ cho thấy 98% giới trẻ cho biết họ không hề đọc quyển sách nào trong tuần vào thời điểm được khảo sát; 80% bạn trẻ không đụng đến sách suốt một năm trước đó và chỉ 12% bạn trẻ trong nhóm 20-30 tuổi cho biết bản thân có đọc sách, truyện khác ngoài sách chuyên môn.

Trở lại với câu chuyện tại 3 quốc gia Đông Nam Á có số lượng người đọc sách cao trên thế giới, thì tiết đọc sách đã trở thành chương trình đào tạo chính khóa trong nhà trường của các nước này. Riêng tại đất nước Malaysia, số đầu sách trung bình của người dân mỗi năm là 12 quyển.

Lý giải về việc tỉ lệ người Việt đọc sách rất thấp, ông Lê Hoàng, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, một chuyên gia rất có kinh nghiệm của ngành xuất bản đã từng phát biểu tại một cuộc hội thảo về sách rằng: "Nguyên nhân chính của thực trạng này theo tôi là do người Việt chúng ta không có thói quen đọc sách từ nhỏ. Đến khi trưởng thành, có muốn cũng khó hình thành thói quen quan trọng này".

Đây là một thực trạng khi việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức từ gia đình đến trường học. Bố mẹ không đọc sách, không tìm nguồn sách phù hợp, thư viện trường nghèo nàn đầu sách, chương trình học "thiếu vắng" giờ đọc sách… là những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt ít mặn mà với văn hóa đọc.

Điều này cũng là quan điểm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi theo ông, nếu không giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách từ sớm thì càng lớn lên việc này càng khó khăn. Nhà văn chuyên viết truyện cho rằng nếu không được hình thành từ tuổi thơ, việc sau này lớn lên rèn luyện thói quen đọc sách là rất khó khăn: "Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 13, 14, 15 tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả "khám phá kho báu tri thức" hay "nâng cao văn hóa đọc" như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không".

Khi nhà đầu tư nổi tiếng Warren Bufett được hỏi về bí quyết thành công của mình, ông đơn giản chỉ vào chồng sách

Khi nhà đầu tư nổi tiếng Warren Bufett được hỏi về bí quyết thành công của mình, ông đơn giản chỉ vào chồng sách

Làm thế nào để truyền cảm hứng đọc sách

Cách đây gần một trăm năm, ngày 6/4/1933, Giáo sư William Lyon Phelps, một nhà giáo dục, nhà phê bình văn học và tác giả nổi tiếng người Mỹ đã có một bài phát biểu ngắn trên chương trình phát thanh. Và bài phát biểu "Điều thú vị của sách" của ông sau đó đã trở thành một trong những bài phát biểu truyền cảm hứng về đọc sách hay nhất trong suốt 100 năm qua.  

Phelps trong bài phát biểu của mình gọi thói quen đọc sách là "một trong những nguồn tài nguyên lớn nhất của nhân loại". Ông khuyên các bạn trẻ nên bắt đầu sưu tầm sách và tự thành lập một thư viện của riêng mình ngay từ khi còn trẻ. Người ta nên có giá sách của riêng mình và không nên lắp cửa, lắp kính hoặc có khóa, những cuốn sách phải được tự do và dễ dàng mở bằng tay cũng như xem bằng mắt. Phelps cho rằng cách trang trí tường nhà đẹp nhất chính là trang trí bằng sách, vì bản thân sách đa dạng về màu sắc, kích cỡ và hình thức hơn bất kỳ loại giấy dán tường nào.

Khi mới bắt đầu sự nghiệp, Waren Buffet đọc tới 800 trang sách một ngày chứ không phải 500 trang. Thậm chí, tới khi đã trở thành nhà đầu tư nổi tiếng hàng đầu, ông vẫn duy trì thói quen dành ra 8 tiếng một ngày để đọc sách.

Sách hấp dẫn cả về thiết kế, hơn nữa, mỗi cuốn sách đều có lợi thế hàng đầu là những cá tính riêng biệt, vì vậy, hãy hình dung khi bạn ngồi một mình trong thư viện cá nhân, giống như được vây quanh bởi những người bạn thân thiết, bạn có thể trò chuyện với Socrates hoặc Shakespeare, Carlyle hoặc Dumas, Dickens hoặc Shaw, Barrie hoặc Galsworthy.

Bài phát biểu chỉ vẻn vẹn 598 từ, Phelps đã nêu bật giá trị tinh thần mà những cuốn sách mang lại và kiến thức rộng lớn được lưu trữ trong sách. Ông cho rằng: "Sách là của dân, do dân, vì dân. Văn học là phần bất tử của lịch sử; nó là phần tốt nhất và bền vững nhất của nhân cách".

Phát biểu của Phelps cho thấy để có một xã hội đọc sách, trọng thị sách, cần có một chiến lược bắt đầu từ quan niệm "sách là nguồn tài nguyên lớn nhất của nhân loại". Để dân giàu nước mạnh, không phải chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên, mà sách cũng là tài nguyên quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực cũng không phải chỉ là đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, mà còn là những con người có trình độ và nhân cách mà ở khía cạnh này, vai trò của sách là "tốt nhất và bền vững nhất".

Ngay cả nếu không đề cập đến những vấn đề to tát thì trong đời sống, chỉ cần tính riêng trong đại dịch COVID-19 những năm vừa qua, nhất là thời gian giãn cách xã hội, nhiều người bày tỏ rằng, đây là lúc họ đọc sách nhiều hơn. Sách trở thành một người bạn an toàn trong khi thông tin về COVID-19 gây lo lắng. Khi đó, đọc sách và trú ngụ trong từng trang sách là phương thức để bình an vượt qua đại dịch.

Tuy nhiên, để việc đọc sách trở thành thói quen, là lẽ sống của cộng đồng, cần thời gian dài, không thể qua một vài hội thảo hay ngay cả nghe những lời truyền cảm hứng kêu gọi đọc sách mà thành được.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nếu thói quen đọc sách không được hình thành rất sớm và được đưa vào nhà trường như một tiết học chính thức thì rất khó để tạo ra một xã hội đọc sách. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, internet, các mạng xã hội (Facebook, Instagram, YouTube, TickTok…) đã và đang ảnh hưởng rất lớn (cả tích cực và tiêu cực) đến mọi hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ, trong đó, văn hóa đọc đang bị lấn át bởi sự lôi cuốn của việc sử dụng mạng internet và các phương tiện nghe, nhìn. Vì vậy cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, các địa phương, đặc biệt ngành thư viện phải đẩy mạnh tuyên truyển, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nhằm chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển văn hoá đọc phải là chiến lược lâu dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO