Truyền thông

Phát triển xã hội số là mục tiêu quan trọng

Hoàng Hà 05/11/2024 16:20

Việt Nam hiện đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Đây là thời cơ để Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Cùng với đó, số người dùng Internet và điện thoại thông minh tiếp tục có xu hướng tăng là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển xã hội số

Tiềm năng phát triển xã hội số ở Việt Nam

Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là ba trụ cột của quá trình chuyển đổi số trong đó xã hội số còn là một khái niệm khá mới mẻ. Trong xã hội số người dân có thể kết nối, tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số. Kinh tế số và xã hội số là hai yếu tố không tách rời của quá trình chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số mang lại cơ hội kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hình thành xã hội số.

Ngược lại, trong phát triển xã hội số, người dân thành thạo kỹ năng số để có thể truy cập và tương tác với các dịch vụ công và tư về tài chính, giáo dục, y tế, giao thông và nhiều tiện ích khác bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu bằng công nghệ số, từ đó sẽ hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ số.

anh-bai-ttcs-9.jpg
Nhiều cơ quan nhà nước đã có những giải pháp để tăng cường hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến như ưu tiên về thời gian giải quyết thủ tục, lệ phí thực hiện.

Để thực hiện quyền công dân số, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng như phát triển các kênh kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân truy cập các dịch vụ trực tuyến và giao dịch điện tử như truy cập hồ sơ y tế, xin hộ chiếu hoặc giấy phép kinh doanh, nộp thuế... để tăng cường sự tương tác giữa chính phủ, người dân.

Tính đến hết quý 1 năm 2024 cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4,5 nghìn dịch vụ công trực tuyến; có hơn 12,17 triệu tài khoản; hơn 287 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 30,2 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 39,7 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng; cung cấp 45/76 dịch vụ công thiết yếu.

Cuộc sống số của người dân đang ngày thông minh hơn nhờ công nghệ Internet kết nối với các thiết bị và đồ dùng như điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị định vị, theo dõi, màn hình và cảm biến cho phép gửi và nhận dữ liệu. Người dân cũng đang tham gia mạnh mẽ vào thương mại điện tử với số lượng người mua sắm trực tuyến gia tăng chóng mặt. Điều này kéo theo sự tăng trưởng nhanh chóng trong thanh toán điện tử ở người dân.

Số liệu thống kê cho thấy, so với cùng kỳ năm 2023, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân tăng 2,83% về số lượng và tăng 26,94% về giá trị. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 38,18% về số lượng và tăng 23,26% về giá trị. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 7,83 tỷ giao dịch, với giá trị đạt 134,9 triệu tỷ đồng (tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị) so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thanh toán qua kênh Internet tăng 49,97% về số lượng và 32,13% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 59,3% về số lượng và 38,53% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 104,2% về số lượng và 99,5% về giá trị.

Cơ hội và thách thức

Sự phát triển của xã hội số phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố nền tảng chính là hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, kết nối Internet và công nghệ di động. Thực hiện chương trình chuyển số quốc gia, những năm qua, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai các chính sách phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số để làm tiền đề thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Hạ tầng viễn thông quốc gia đã phủ rộng khắp toàn quốc với chất lượng ngày càng được nâng cao. Hệ thống băng thông rộng được phát triển mạnh. Tốc độ Internet Việt Nam hiện đứng thứ 32 thế giới với tốc độ tải xuống (download) của băng rộng cố định đạt 146,79 Mbps, tải lên (upload) đạt 127,56 Mbps. Internet di động cũng ghi nhận số liệu tích cực cả về tốc độ lẫn thứ hạng với tốc độ tải xuống và tải lên đo tháng 7/2024 lần lượt là 55,41 Mbps và 20,58 Mbps, xếp thứ 44 toàn cầu.

Tổng kết 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ người sử dụng internet Việt Nam ước đạt 78,1% dân số. Lượng thuê bao Internet di động tăng 7,6% so với cùng kỳ 2023, lần đầu vượt tỷ lệ 90%, đạt trung bình 91,9 thuê bao trên 100 dân. Kết quả này vượt mục tiêu 87,5% của Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra trong năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong đó, nêu rõ quan điểm thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Chiến lược đã đưa ra những mục tiêu cho xã hội số đến năm 2025: Phát triển dữ liệu số là cơ sở dữ liệu quốc gia về người dân, doanh nghiệp, đất đai đạt 100%; Phát triển danh tính số, tỉ lệ dân số có danh tính số đạt 70%, mỗi danh tính số trung bình phát sinh 100 lượt sử dụng mỗi năm; Phát triển thanh toán số, tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 80%; tỉ lệ thanh toán thương mại điện tử không dùng tiền mặt đạt 50%; tỉ lệ thanh toán hóa đơn điện, nước không dùng tiền mặt đạt 75%; Tỉ lệ học sinh phổ thông, sinh viên được đào tạo kỹ năng số đạt 100%; Tỉ lệ người dân có khả năng sử dụng các kỹ năng số cơ bản đạt 70%; Tỉ lệ người dân mua hàng trên các sàn thương mại điện tử đạt 90; Tổng số nhân lực công nghệ số Việt Nam đạt 1,5 triệu người; Triển khai thí điểm 05 đại học số tại Việt Nam…

Phát triển xã hội số Việt Nam cũng đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức lớn như: Hệ thống thể chế, pháp luật chưa hoàn thiện; Kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế số và xã hội số. Hiện chưa có giải pháp về xây dựng một xã hội số, xã hội siêu thông minh cũng như kịch bản có tính hệ thống nhằm thích ứng với những yêu cầu cấp bách, thách thức đặt ra từ quá trình biến đổi xã hội. Xã hội số mang đến những tiện nghi mới mẻ và hiện đại cho cuộc sống, nhưng cũng tạo ra những thách thức đe dọa đến những quyền căn bản nhất và sự an toàn của chính bản thân con người trong thế giới thực và thế giới số, như an ninh mạng, lừa đảo, tội phạm công nghệ cao, bảo mật đời tư… Mặt khác, xã hội số đã và đang tạo ra những chuyển biến nhanh chóng, sâu sắc về thang bậc hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa xã hội. Đặc biệt, một bộ phận xã hội, nhất là nhóm trẻ, có những suy nghĩ lệch lạc về giá trị đạo đức, giá trị văn hóa gia đình và dân tộc…/.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện Việt Nam đảm bảo không gián đoạn dịch vụ khi thay đổi địa giới hành chính
    Bưu điện Việt Nam đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ để đảm bảo dịch vụ không gián đoạn, người dân không bị ảnh hưởng và không phát sinh thêm chi phí trong bối cảnh thay đổi địa giới hành chính từ ngày 1/7/2025.
  • AI có thể giúp giảm thiểu khoảng 70 tỷ USD chi phí tổn thất thiên tai trực tiếp
    Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp giảm thiểu khoảng 70 tỷ USD chi phí tổn thất thiên tai trực tiếp hàng năm đến năm 2050. Điều này đã được Deloitte Toàn cầu đưa ra trong báo cáo mới đây.
  • AI lõi "Make in Viet Nam" được xếp hạng Top 12 thế giới
    Trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi AI tại Việt Nam đang diễn ra, công nghệ OCR (Nhận dạng ký tự quang học) ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc số hóa tài liệu, tự động hóa quy trình nghiệp vụ, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản trị.
  • Làm sao để tăng hiệu quả bảo mật môi trường đa đám mây?
    Khi cuộc tranh luận về việc nên triển khai hệ thống máy chủ tại chỗ hay trên đám mây đã dần lắng xuống, doanh nghiệp (DN) giờ đây lại phải đối mặt với một bài toán khác khó khăn hơn: làm thế nào để bảo mật hiệu quả môi trường đa đám mây (multicloud)?
  • Cỗ máy gia tốc từ Nghị quyết 57: Một bài học sống động
    Sau nửa năm triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (2/1/2025 – 29/6/2025), CT Group đã tổ chức Lễ Sơ kết 6 tháng triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW với hàng loạt sản phẩm hoàn thiện rất phong phú từ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số đến Đổi mới sáng tạo. Thành tựu đạt được chính là minh chứng sống động cho khát vọng làm chủ công nghệ lõi, tạo lực đẩy đột phá và nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng vị thế quốc gia trên tiến trình hội nhập, vì một Việt Nam hùng cường.
Đừng bỏ lỡ
Phát triển xã hội số là mục tiêu quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO