Phát triển xuất, nhập khẩu bền vững để đảm bảo tăng trưởng kinh tế

Hải Anh| 17/11/2022 08:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Xuất nhập khẩu được xác định đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế, là động lực để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Trong những năm qua, quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã không ngừng được mở rộng cả về số lượng lẫn chất lượng, ngành nghề, lĩnh vực. Kết quả đó đã đóng góp lớn vào việc hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh 

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng 2,7 lần trong giai đoạn từ 2011-2020. Năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 203,6 tỷ USD và con số này đã tăng lên 545,3 tỷ USD năm vào 2020. Như vậy, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 14,6%/năm. Việt Nam cũng tăng bậc thứ hạng về quy mô xuất khẩu. Năm 2011, Việt Nam đứng vị trí thứ 41 về quy mô xuất khẩu, thì Việt Nam đã lên vị trí thứ 32 vào năm đến năm 2015 và đứng ở vị trí 22 vào năm 2020. Đối với quy mô nhập khẩu, Việt Nam đã vươn lên vị trí 19 trên thế giới năm 2020 so với vị trí 33 của năm 2011.

Trong năm 2022, theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, và có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,9%.

Với những kết quả trên, mục tiêu 700 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào cuối năm 2022 được đánh giá là khả thi. Cột mốc 700 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ là một kỷ lục mới, đánh dấu thành tựu của Việt Nam trong các hoạt động thương mại quốc tế. Từ nay đến cuối năm 2022, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu. 

Những kết quả này cho thấy sự tăng trưởng mạnh của kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam. Hiện nay, chiến lược xuất nhập khẩu cho giai đoạn mới, đến năm 2030, đang đặt mục tiêu đạt đến sự tăng trưởng bền vững cho các hoạt động xuất nhập khẩu, quan tâm đúng mức đến chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của phát triển xuất nhập khẩu.

Mục tiêu xuất nhập khẩu phát triển bền vững

Mục tiêu xuất nhập khẩu phát triển bền vững được Chiến lược xuất nhập khẩu cho giai đoạn mới đến năm 2030. Trong đó, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ diễn ra với cơ cấu cân đối, hài hòa, tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, tập trung phát huy thế mạnh cạnh tranh của các mặt hàng Việt Nam, chú trọng phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Những mục tiêu này đã có sự khác biệt so với thời kỳ 2011-2020. Cụ thể, chiến lược xuất nhập khẩu trong thời kỳ mới của Việt Nam không đặt chỉ tiêu con số cụ thể, mà điều quan trọng là xác định mục tiêu phát triển xuất, nhập khẩu bền vững, trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Chiến lược cũng không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; chú trọng đầu tư phát triển xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Ba quan điểm phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030 dựa trên cơ sở về chất lượng tăng trưởng; động lực của tăng trưởng và phương thức, định hướng tăng trưởng. Trong đó, xuất khẩu bền vững sẽ được thực hiện hài hòa về cơ cấu, cân bằng cán cân thương mại, đảm bảo các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, phát triển xuất, nhập khẩu sẽ gắn với các động lực mới của nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo.

Bộ Công thương xác định từ nay đến cuối năm, với việc nhiều biến động diễn ra trên tình hình kinh tế thế giới sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước, vì thế Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững. Ngoài ra, tăng cường các hoạt động đẩy mạnh khai thác các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết. Vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẽ được phát huy mạnh mẽ để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Bộ Công thương cũng sẽ thúc đẩy tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp có thể thâm nhập các thị trường mới; và đặc biệt là cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.

Mới đây, Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt theo Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022. Đề án đặt mục tiêu tổng quát phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam, bảo đảm sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.  

Các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến khích tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. 

Phát triển xuất, nhập khẩu bền vững để đảm bảo tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững.

Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, hàng hóa Việt Nam có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia, khu vực. 

Theo đó, ngoài việc được hỗ trợ về thông tin thị trường, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về đào tạo, tư vấn để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng từ đó từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp cũng sẽ được xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Các hoạt động kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài cũng sẽ được đẩy mạnh.  

Tình hình chính trị, xã hội trong nước ổn định, Chính phủ đẩy mạnh quyết tâm trong cải cách thể chế kinh tế, từ đó môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Cùng với đó là các chương trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu được triển khai, nguồn lực lao động nâng cao. Các tài nguyên, khoa học, công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả. Các yếu tố trên sẽ giúp hoàn thành mục tiêu về xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển xuất, nhập khẩu bền vững để đảm bảo tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO