Phổ cập chữ ký số cá nhân: Cơ hội và thách thức
Chữ ký số (CKS) cá nhân là một mảnh ghép quan trọng để người dân giao dịch trực tuyến toàn trình trên mạng, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
CKS cá nhân góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
CKS cá nhân là chữ ký điện tử có giá trị tương đương với chữ ký tay của mỗi cá nhân, được dùng với mục đích xác thực danh tính của người ký. Đây là công cụ quan trọng giúp người dân thực hiện các DVCTT toàn trình đảm bảo linh hoạt ký duyệt mọi lúc, mọi nơi, không cần chuẩn bị hồ sơ bản cứng, rút ngắn tối đa thời gian giao dịch hành chính, tiết kiệm chi phí, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành.
Trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 50% dân số trưởng thành dùng CKS hoặc chữ ký điện tử cá nhân, đến năm 2030 chỉ tiêu này là trên 70%. Như vậy, CKS cá nhân sẽ là xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hiện nay, 100% doanh nghiệp (DN) đã sử dụng CKS nhưng tỉ lệ người dùng cá nhân còn khiêm tốn. Để đẩy nhanh phổ cập CKS trong toàn xã hội, cần đơn giản hóa việc sử dụng CKS, đồng thời vẫn đảm bảo tính toàn vẹn, tính xác thực và tính chống chối bỏ của dữ liệu khi được ký số. Ký số từ xa (Remote Signing) chính là giải pháp để giải quyết các vấn đề này.
Remote Signing là thế hệ CKS mới, đáp ứng mức độ thuận tiện, tuân thủ và đảm bảo cao nhất trên thiết bị di động cho xác thực người ký. Với Remote Signing, người sử dụng không cần USB Token như ký số truyền thống mà có thể sử dụng smartphone, máy tính bảng để thực hiện ký số. Giải pháp đem lại nhiều thuận tiện, đặc biệt là với người dùng cá nhân khi cho phép ký số mọi lúc, mọi nơi với chi phí hợp lý.
Như vậy, khác với ký số thông thường, ký số từ xa sẽ không cần đến thiết bị phần cứng hay máy tính có cài đặt phần mềm để thực hiện ký số. Phương thức này được kỳ vọng sẽ góp phần phổ cập CKS cá nhân, qua đó giúp người dân tham gia môi trường số an toàn, thuận tiện.
Hiện nay, CKS từ xa được sử dụng phổ biến trong các trường hợp sau: Hoàn tất các thủ tục hành chính như kê khai và nộp thuế trực tuyến, kê khai BHXH điện tử, khai báo hải quan, ký xuất đơn điện tử qua mạng Internet,…; thực hiện ký kết các giao dịch mua bán hàng trực tuyến, chuyển tiền ngân hàng…; xác thực trong giao dịch chứng khoán trực tuyến; các nhận, ký kết các văn bản, hợp đồng giao dịch điện tử (GDĐT) bằng thiết bị di động đã tích hợp khóa ký số mà không cần mang theo máy tính và token…
Mô hình ký số từ xa có rất nhiều ưu điểm vượt trội, mang lại sự tiện lợi, hiệu quả và giá trị kinh tế tối đa cho người sử dụng. Tuy không thể tránh khỏi một vài hạn chế nhưng người dùng có thể kiểm soát và khắc phục được trong quá trình sử dụng. Với những lợi thế này, giải pháp ký số từ xa ngày càng trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi ở rất nhiều lĩnh vực như hành chính, kinh tế, dịch vụ mua sắm…
Tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã cấp phép dịch vụ này cho 10 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng, bao gồm: VNPT-CA, TrustCA, MISA-CA, FPT-CA, BkavCA, Viettel-CA, CA2, EASYCA, VNPAY-CA và IntrustCA.
Thúc đẩy phổ cập CKS cá nhân
Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, góp phần quan trọng vào xây dựng công dân số, tạo nền tảng cho một xã hội số bền vững, Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chỉ đạo các DN cung cấp dịch vụ CKS công cộng cung cấp miễn phí CKS cá nhân cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Trong năm 2023, việc triển khai phổ cập CKS cho công dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thứ nhất, về số lượng chứng thư số các nhà cung cấp CKS từ xa đã cấp miễn phí hơn 1 triệu CKS cho công dân.
Thứ hai, việc tích hợp với dịch vụ công các tỉnh thành trên cả nước đến nay đã hoàn thành tích hơn 55/63 tỉnh thành, trong đó chính thức đi vào hoạt động là 38 tỉnh.
Thứ ba, việc tích hợp đã hỗ trợ ký số cho các nghiệp vụ: Kê khai, nộp thuế điện tử, kho bạc nhà nước, Kê khai BHXH, cấp mới hoặc sửa đổi, cấp lại giấy phép các lĩnh vực y tế, xuất nhập khẩu, các thủ tục hành chính xã hội, thủ tục điều chỉnh về BHXH, BHYT, BHTN.
Từ thực trạng và kết quả triển khai phổ cập CKS cá nhân trong năm 2023, Câu lạc bộ CKS và Luật GDĐT Việt Nam (VCDC) nhận thấy những cơ hội, thách thức trong giai đoạn 2024 – 2025.
Về cơ hội, Luật GDĐT năm 2023 mở ra GDĐT trong mọi lĩnh vực. Các nghiệp vụ áp dụng GDĐT, vậy nên hỏi mỗi người dân đều phải có CKS. Mặt khác, xu hướng CKS cá nhân đang được phổ cập.
Tuy nhiên, giai đoạn 2024 – 2025 chúng ta sẽ tiếp tục với các khó khăn thách thức mà VCDC nhận thấy như sau: Người dân chưa quen với việc ký số, vẫn sử dụng chính trên các văn bản giấy tờ ký tay; Không có môi trường ký để cho người dân sử dụng CKS; Quy trình cấp khó khăn tốn kém chi phí cho nhà cung cấp; Bộ Ngành chưa có hướng dẫn cụ thể chấp nhận tài liệu được ký số như tài liệu gốc. Bên cạnh đó, vấn đề giả mạo vẫn xảy ra, gây mất lòng tin cho người sử dụng.
Trên cơ sở đó, VCDC đã đưa ra một số đề xuất, giải pháp. Thứ nhất là đề xuất với Bộ TT&TT ban hành hướng dẫn theo Luật GDDT mới, giải quyết vướng mắc về quy trình cung cấp dịch vụ, có hệ thống kiểm soát tập trung. Thứ hai là đề xuất với Chính phủ chỉ đạo bộ/ngành có quy định và chấp nhận tài liệu ký số; phân biệt rõ CKS chuyên dùng công vụ và CKS công cộng; chỉ đạo các cổng DVC áp dụng ký số ít nhất 25 thủ tục./.