Diễn đàn

Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng cần các giải pháp công nghệ phối hợp

Nhật Minh 13/05/2024 16:48

Bảo vệ an ninh mạng quốc gia, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên không gian mạng chính là góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Quan điểm nhấn mạnh trên là của Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) tại hội thảo "Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng" do NCA tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Cần tăng cơ hội, giảm thách thức, thu hẹp hạn chế trên không gian mạng

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, hơn bao giờ hết, công tác bảo vệ an ninh mạng chính là một nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm chung của toàn hệ thống chính trị.

Sự kiện hôm nay được tổ chức là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN), tổ chức xã hội, cá nhân có thêm cơ hội kết nối, thảo luận, thống nhất nhận thức, giải pháp, cùng nhau thúc đẩy tăng cơ hội, giảm thiểu thách thức, thu hẹp các hạn chế từ không gian mạng…” Thượng tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

115.jpg
Thượng tướng Lương Tam Quang cho rằng, khi đẩy mạnh công tác định hướng phát triển giải pháp công nghệ phối hợp giữa cơ quan chức năng với tổ chức, DN sẽ góp phần nâng cao hiệu quả an toàn an ninh mạng.

Và để đạt được các mục tiêu này, Thượng tướng Lương Tam Quang cho rằng, chúng ta cần có cái nhìn đúng, khách quan, tính cấp bách của thực trạng như: Lừa đảo trực tuyến; các hoạt động mua bán hàng cấm, giả, kém chất lượng trên không gian mạng vẫn còn phổ biến, phức tạp, khó lường…

Đưa ra con số thiệt hại báo động, Chủ tịch NCA cho biết, trong năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP), trong đó 91% liên quan đến lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022…

Và chính những vấn đề nêu trên đã và đang tác động, ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu quốc gia Việt Nam, đồng thời, kìm hãm sự phát triển, tiến bộ của xã hội. Do đó, việc ngăn chặn, tìm giải pháp để giảm thiểu các thiệt hại do lừa đảo trên không gian mạng là một đòi hỏi cấp thiết, cần sớm thống nhất nhận thức, hành động trong mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, trong công tác này cần tập trung theo 03 hướng giải pháp: Những giải pháp cụ thể đã và đang thực hiện có hiệu quả thì cần phát huy; những giải pháp cụ thể đang thực hiện gây khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; những giải pháp cần bổ sung và thúc đẩy triển khai.

Cùng với đó, cần bám sát 04 trụ cột bao gồm: Tham mưu hoàn thiện chính sách; định hướng phát triển giải pháp công nghệ phối hợp giữa cơ quan chức năng với tổ chức, DN; trách nhiệm của DN, tổ chức trong bảo vệ con người, phòng ngừa từ sớm, xa, phòng ngừa xã hội đối với lừa đảo qua không gian mạng; nâng cao các kiến thức về việc sử dụng mạng an toàn cho người dân, tổ chức trên môi trường mạng để từ đó phòng, chống lừa đảo hiệu quả.

DN viễn thông cần quản lý chặt chẽ các cuôc gọi quốc tế chiều về Việt Nam

Ở quan điểm khác, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục an ninh mạng và phòng chống tộ phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Phó chủ tịch NCA cho biết thêm, muốn công tác này hiệu quả, cần xây dựng theo mô hình thế trận toàn dân phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.

Cụ thể, chúng ta cần đẩy mạnh triển khai, thực hiện nhiệm vụ này không chỉ trên phương diện là nhiệm vụ riêng của lực lượng ngành công an, mà cần có sự tham gia, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các bộ ngành, cơ quan, DN, người dân.

Riêng đối với lực lượng ngành công an, trong thời gian tới cần tích cực, tập trung đẩy mạnh công tác rà soát, phát hiện các mục tiêu, đối tượng nghi vấn có hoạt động lừa đảo trên không gian mạng để ngăn chặn, xử lý nghiêm minh.

Ngành đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT, ngân hàng nhà nước tham mưu, triển khai các giải pháp rà soát, định danh, xác thực thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch điện tử chuyển tiền ngân hàng…

Đặc biệt, tăng cường làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như: Google, Facebook… triển khai những giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm mạng, lừa đảo qua mạng.

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm kênh liên lạc bảo mật tương tác trực tiếp giữa lực lượng công an với người dân để tuyên truyền, cảnh báo về những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.

Cục trưởng Nguyễn Minh Chính cũng mong muốn, thời gian tới, Bộ TT&TT tăng cường đẩy mạnh việc chỉ đạo các DN viễn thông quản lý chặt chẽ các cuộc gọi quốc tế chiều về Việt Nam để từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn các cuộc gọi giả mạo; siết chặt quản lý việc đăng ký, quản lý thuê bao di động; phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu nhanh chóng theo yêu cầu của cơ quan công an.

“Đặc biệt, các ngân hàng cần siết chặt quản lý việc mở thẻ ngân hàng, thanh toán xuyên biên gới; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…”, Cục trưởng Nguyễn Minh Chính nhấn mạnh.

Tham dự sự kiện, các DN công nghệ, nhà mạng viễn thông cũng đưa ra những giải pháp, đề xuất. Đại diện VNPT, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch tập đoàn VNPT, Phó Chủ tịch NCA, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, các dịch vụ số.

Theo đó, các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ số cần thực hiện, chấp hành, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật. Cụ thể là đảm bảo loại bỏ SIM rác, truy cập hạ tầng viễn thông không có định danh; tham gia tích cực việc hỗ trợ, đáp ứng các yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước đối với việc ngăn chặn các website, IP, đường link lừa đảo; rà quét, loại bỏ các tài khoản, truy cập dịch vụ viễn thông nặc danh, giả mạo, các địa chỉ mạng vi phạm…

1155.jpg
Chủ tịch tập đoàn VNPT cho rằng trách nhiệm đối với các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ số là cần thực hiện, chấp hành, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật.

“VNPT đã thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu quan trọng trên, đến nay, đơn vị cho ra đời nhiều sản phẩm đảm bảo an toàn cho người dùng mạng như: Nền tảng dữ liệu thám báo VNPT CTIP (Thu thập, phân tích thông tin về các nguy cơ có thể ảnh hưởng, đe dọa tới cá nhân, tổ chức); Giải pháp eKYC (Công cụ eKYC, định danh người sử dụng di động, FTTH, xác thực người dùng dịch vụ số); Giải pháp, công cụ chặn lọc nội dung, địa chỉ xấu độc trên hạ tầng mạng VNPT Family Safe (Chặn lọc các địa chỉ trang web lừa đảo theo cơ sở dữ liệu của NCSC)…” Chủ tịch tập đoàn VNPT cho biết.

Bên cạnh giải pháp tiêu biểu của VNPT, Công ty An ninh mạng (NCS) cũng giới thiệu giải pháp phần mềm phòng, chống lừa đảo “NCA anti Phishing” dựa trên việc: kiểm tra số điện thoại; tự động chặn số điện thoại lừa đảo; cảnh báo các số điện thoại làm phiền; kiểm tra thủ công các số điện thoại gọi đến; xác định số điện thoại an toàn…

Đặc biệt sản phẩm còn hướng đến việc kiểm tra link các website trước khi truy cập; kiểm tra mã QR code; kiểm tra số tài khoản… “”Ưu điểm của sản phẩm phần mềm trên góp phần đảm bảo cho người dùng mạng luôn được bảo vệ an toàn tránh, phát hiện được những rủi ro từ các đối tượng lừa đảo nhắm tới”, đại diện NCS cho biết./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng cần các giải pháp công nghệ phối hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO