An toàn thông tin

Cảnh báo 5 chiêu trò lừa đảo trực tuyến dịp Tết Nguyên đán

Tâm An 08:21 01/02/2024

Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT đã điểm ra 5 chiêu trò lừa đảo phổ biến trên không gian mạng có khả năng được các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

canh_bao_ld_truc_tuyen_dip_tet_nd_888f9bd817.jpg

Theo Cục An toàn thông tin (ATTT), thời gian vừa qua, các vụ việc liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn ra hết sức phức tạp, có xu hướng gia tăng, với các phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường và gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm.

Đặc biệt, khi Tết Giáp Thìn 2024 đang đến gần, các đối tượng sẽ lợi dụng lòng tin và tâm lý ham rẻ khiến không ít người sập bẫy với các chương trình vé xe, vé máy bay Tết giá rẻ, khuyến mãi Tết, việc làm thời vụ lương cao... Điều này đã và đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều người dân.

Theo đó, Cục ATTT đã điểm ra 5 chiêu trò lừa đảo phổ biến trên Internet nhằm bảo vệ người dân khỏi những rủi ro không đáng có. Đồng thời, các chuyên gia Cục ATTT cũng cung cấp thêm những kiến thức về lừa đảo trực tuyến để giúp người dân nâng cao cảnh giác khi đối mặt với các tình huống cụ thể.

Lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ

Có thể thấy, nhu cầu đi du lịch của người dân ngày càng tăng mạnh vào dịp giáp Tết, điều đó dẫn đến việc các chuyến bay có thể hết chỗ sớm hơn dự kiến. Chính vì vậy, không ít hành khách gặp phải các vướng mắc khi mua vé qua trung gian, trực tuyến dễ dẫn đến bị lừa đảo bằng nhiều hình thức.

Theo Cục ATTT, chiêu trò lừa đảo của các đối tượng chủ yếu là mạo danh đại lý bán vé máy bay; tự tạo ra các website, trang mạng xã hội (MXH), với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức.

Đồng thời, các đối tượng này đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và MXH với nhiều tiện ích kèm theo. Khi có khách hàng tìm đến, các đối tượng sẽ hướng dẫn họ làm theo yêu cầu đăng bài trên Facebook để mua được vé máy bay giá rẻ.

Đặc biệt đáng chú ý, các đối tượng làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch; đề nghị nạn nhân chuyển tiền (từ 30 - 50% giá trị vé) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn. Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Tuy nhiên, sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc.

Nhiều đối tượng còn tự nhận là nhân viên của hãng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy.

Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân phải cảnh giác khi thực hiện giao dịch trên MXH, đặc biệt là với các quảng cáo giá siêu rẻ và ưu đãi lớn. Khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách hàng nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng.

Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, khách hàng cần tìm hiểu kỹ, xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay. Đặc biệt, người dân không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.

Lừa đảo việc làm thêm trên MXH

Lợi dụng tâm lý của nhiều người muốn kiếm thêm thu nhập để có chi phí trang trải dịp Tết, một số đối tượng đã thực hiện các chiêu trò tuyển dụng lao động thời vụ, làm việc tại nhà với mức lương hấp dẫn để lừa đảo. Do thiếu thông tin và nôn nóng muốn kiếm tiền, nhiều người bị “sập bẫy” để rồi không chỉ mất tiền và thời gian mà còn chịu gánh nặng về tâm lý.

Theo Cục ATTT, các đối tượng tuyển dụng được nhắm đến là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động (NLĐ) có thu nhập trung bình - thấp… có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm.

vov.jpg
(Ảnh minh họa: VOV.vn)

Các đối tượng lừa đảo thường tự xưng là nhân viên sàn thương mại điện tử; nhân viên của công ty môi giới việc làm hoặc các doanh nghiệp lớn, uy tín để đăng giả mạo tuyển dụng.

Cục ATTT cho hay dấu hiệu dễ nhận biết của những bài đăng này là tuyển NLĐ làm việc thời vụ với lời hứa hẹn: việc nhẹ lương cao, làm việc tại nhà, không phải đặt cọc tiền... cùng các công việc như: chốt đơn trực tuyến, mẫu chụp áo dài ngày Tết, gấp lì xì, cộng tác viên tăng tương tác bán hàng, dịch thuật hay lồng tiếng thu âm cho các chương trình cuối năm…

Đặc biệt, đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại, tài khoản MXH đánh vào ham muốn nhanh kiếm được tiền của nạn nhân. Trong quá trình lừa đảo, các đối tượng liên tục dồn ép nạn nhân khiến họ bị ảnh hưởng tâm lý, rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và sợ rằng sẽ không lấy lại được số tiền buộc anh phải tiếp tục chuyển tiền.

Khi số tiền nạp lên đến giá trị lớn, đối tượng lừa đảo đưa ra nhiều lý do rất khó tin như: tài khoản bị đóng băng; hệ thống lỗi... để trì hoãn việc rút tiền, từ đó chiếm đoạt hoàn toàn tài sản của nạn nhân.

Cục ATTT cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo cho người dân, đặc biệt là những NLĐ và có nhu cầu tìm việc nên cẩn trọng với các lời giới thiệu việc làm trên MXH; Cần tìm hiểu kỹ về người giới thiệu và chính sách của công ty mà đối tượng nhắc tới; Không nên quá tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng; Tuyệt đối không đặt cọc cho các đối tượng dưới bất cứ hình thức nào khi chưa nắm bắt rõ ràng thông tin và mức độ uy tín.

Những người dân có nhu cầu tìm việc, nên tìm đến những văn phòng, công ty có danh tiếng, uy tín hoặc các trang web chính thống của họ. Người dân cũng cần đặc biệt lưu ý không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào.

Giả danh cán bộ công an, luật sư hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền đã mất

Thời gian gần đây, trên MXH Facebook xuất hiện nhiều tài khoản mạo danh các lãnh đạo, cán bộ thuộc cơ quan chức năng, văn phòng luật cung cấp dịch vụ hỗ trợ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.

Cục ATTT cho biết, chiêu trò lừa đảo này chủ yếu là đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo, mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã giả danh cán bộ An ninh mạng để hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo.

Cụ thể, các đối tượng giới thiệu sẽ hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa, cam kết lấy lại được tiền với thủ tục nhanh chóng hiệu quả thủ tục đơn giản hơn nhiều so với việc đến cơ quan Công an trình báo; Hướng dẫn và yêu cầu nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống.

Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.

Cục ATTT khuyến cáo, trong trường hợp nhận được cuộc gọi nghi ngờ mạo danh, người dân nâng cao tinh thần cảnh giác; đồng thời có thể ghi âm cuộc gọi, lưu lại số điện thoại và thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo vụ việc.

Người dân cũng cần thường xuyên cập nhật và nắm bắt thông tin về vấn đề an toàn không gian mạng; luôn cảnh giác với những lời mời chào trên MXH; tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như CCCD, CMND, số tài khoản ngân hàng, mã OTP… để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng cho mục đích phi pháp.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần lưu ý không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên MXH nếu chưa xác minh được chính xác người nhận tiền là ai. Nếu đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân mà phải chuyển phí trước.

Lừa đảo vay tiền qua app “tín dụng đen”

Lợi dụng ưu điểm nhanh gọn, thuận tiện của hình thức vay online, các đối tượng lừa đảo vay tiêu dùng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin của người dân.

Các tổ chức tín dụng trên MXH có thể cung cấp dịch vụ vay tiền nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, theo Cục ATTT, người dân hãy cẩn trọng với các khoản lãi suất cao và các điều khoản vay không rõ ràng. Nếu không rất có thể người dân sẽ rơi vào tình trạng nợ nần và mất tài sản.

1-1631937474356.jpeg
Một website chuyên cho vay với lãi suất “cắt cổ” trên mạng. (Ảnh: cand.com.vn)

Chỉ ra chiêu trò lừa đảo, Cục ATTT cho biết, các app “tín dụng đen” đa phần đều được quảng cáo là lãi suất thấp, giải ngân nhanh, thậm chí có nơi còn cho vay ưu đãi 0% hoặc thủ tục vay không cần tài sản thế chấp. Nhưng trên thực tế đây là hình thức vay nanh thanh toán ngắn trong vòng 7 - 10 ngày với lãi suất rất cao.

Các đối tượng thường dùng MXH Zalo hoặc Facebook nhắn tin điều hành giao dịch việc cho vay và thu hồi nợ; Thường thẩm duyệt hồ sơ khách hàng bằng cách yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại…

Đặc biệt, để thuận tiện cho việc đòi nợ, các ứng dụng yêu cầu người vay nợ cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản MXH, chụp ảnh nhận diện, ảnh CMND hoặc CCCD. Khi đến hạn thanh toán mà người dân không trả hoặc chậm trả lãi, các đối tượng sẽ truy cập vào điện thoại hoặc quay sang đòi nợ những người trong danh bạ (dù không liên quan đến tài khoản vay); gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm hoặc dùng MXH đăng tải hình ảnh người khác với mục đích bôi nhọ… nhằm gây áp lực ép người vay phải trả tiền.

Trước thực trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân nên tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc các công ty tài chính hợp pháp; Tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng trên các trang web hoặc ứng dụng không đáng tin cậy.

Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, đặc biệt liên quan đến tài chính, người dân nên xem xét cẩn thận các quyền mà ứng dụng yêu cầu cũng như đọc kỹ các điều khoản, chính sách của ứng dụng này, không để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân. Nếu phát hiện có điểm đáng ngờ, hãy hủy cài đặt ứng dụng ngay lập tức.

Trong trường hợp nghi ngờ một trang web có dấu hiệu liên quan đến “tín dụng đen”, người dân có thể chủ động cảnh báo đến tại trang web: canhbao.khonggianmang.vn để cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp ngăn chặn.

Ngoài ra, trong trường hợp buộc phải sử dụng loại hình vay tiền qua mạng, người dân cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho vay uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…

Lừa đảo nhận quà trúng thưởng dịp cận Tết Nguyên đán

Lừa đảo chiếm đoạt thông qua hình thức “nhận quà trúng thưởng” là một chiêu trò không còn mới. Các đối tượng thường liên hệ với nạn nhân thông qua hình thức gọi điện thông báo trúng thưởng và thường sẽ thiên biến theo nhiều cách thức khác nhau.

cb_5_2_ab310dbfff.png

Cụ thể, đối tượng lừa đảo sử dụng MXH hoặc gọi điện thoại, mạo danh các công ty có thương hiệu và uy tín để thông báo về các chương trình khuyến mãi, tri ân tặng quà dịp Tết hay thông báo khách hàng đã trúng thưởng các phần quà có giá trị cao. Sau đó, yêu cầu nạn nhân đóng tiền đặt cọc để nhận quà tri ân/phần thưởng có giá trị cao.

Nhưng sau khi nhận được tiền, các đối tượng cắt đứt mọi liên lạc với nạn nhân và chiếm đoạt tiền.

cb_5_3_fd64f96c3c.png

Một hình thức khác cũng được các đối tượng lừa đảo hay dùng là mua hàng để nhận mã trúng thưởng và nhắn tin trúng thưởng qua Facebook với nội dung tương tự: "Xin chúc mừng tài khoản messenger… đã may mắn nhận được giải nhất, giải đặc biệt từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng…".

cb_5_4_332ccced45.png

Để tạo niềm tin cho người nhận, trong tin nhắn, các đối tượng lừa đảo không quên nhắn thêm nội dung cảnh báo nói đây là tin nhắn chính xác được xác nhận từ hệ thống và đề nghị bạn không cung cấp mã trúng thưởng cho bất kỳ ai. Nếu làm theo hướng dẫn của hệ thống, nạn nhân sẽ phải truy cập đường link theo tin nhắn, cung cấp thông tin cho hệ thống và chuyển tiền một số tiền nhất định coi như tiền thuế để hoàn tất thủ tục nhận thưởng.

Ngay sau khi chuyển tiền xong, nạn nhân sẽ không thể nào liên hệ được với số liên hệ của bên kia, đồng thời tài khoản báo trúng thưởng cũng sẽ chặn luôn Facebook. Ngoài ra, đối tượng cũng có thể cài cắm mã độc vào trong đường link để đánh cắp thông tin danh bạ, thông tin cá nhân của nạn nhân để phục vụ cho các hình thức phạm pháp khác nhau.

Trong những tình huống này, Cục ATTT khuyến cáo người dân cần phải nâng cao cảnh giác trước những lời mời trên MXH; Không làm theo hướng dẫn của đối tượng khi chưa xác minh được danh tính; không truy cập vào các đường link lạ hoặc tải các ứng dụng lạ; Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ đối tượng nào thông qua mọi hình thức.

Đồng thời, người dân cần tìm hiểu kỹ về đối tượng gọi đến, yêu cầu họ cung cấp đầy đủ thông tin về họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại (nếu bên tặng thưởng là cá nhân); tên Công ty, địa chỉ cụ thể, số điện thoại, mã số thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh (nếu bên tặng thưởng là doanh nghiệp) để tìm hiểu, tra cứu và xác minh.

Ngoài ra, người dân cần liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời về chương trình khuyến mãi, trao thưởng mà bên kia cung cấp bởi các chương trình khuyến mại, trao thưởng lớn đều phải được đăng ký và cấp phép./.

Bài liên quan
  • Làm gì để tránh bị lừa đảo trực tuyến?
    “Lên mạng mà không hiểu những kiến ​​thức cơ bản về cách thức hoạt động của Internet cũng giống như việc ngồi sau tay lái mà không biết luật lệ giao thông: bạn vẫn có thể đi đến nơi mình muốn nhưng có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh", Shanton Chang, Giáo sư Đại học (ĐH) Melbourne.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo 5 chiêu trò lừa đảo trực tuyến dịp Tết Nguyên đán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO