Có con năm nay vào lớp 1, chị Hoàng Ngọc Mai (Hà Nội) cho rằng, với việc học trực tuyến, tính tự giác của người học vẫn là yếu tố tiên quyết. Với học sinh vừa vào bậc tiểu học, có rất nhiều điều hạn chế gây cản trở sự tập trung của trẻ, ví dụ như thiết bị, môi trường học tập,…
“Ở độ tuổi lớp 1, lớp 2, trẻ cần sự chỉ dạy trực tiếp, quan tâm sâu sát, chỉnh sửa từng li, từng tí từ thầy cô. Nếu như những bước đầu tiên trẻ đã phải học online, không có giáo viên dẫn dắt, phụ huynh lại không có chuyên môn sư phạm để giúp đỡ, uốn nắn… sẽ không tránh khỏi chệch choạc và rất khó sửa về sau” - chị Mai nói.
Do đó, để trẻ lớp 1 học online hiệu quả, chị Mai cho rằng, cần điều chỉnh nội dung giảng dạy sao đơn giản, dễ hiểu nhất. Những mảng kiến thức phức tạp hơn, giáo viên có thể cập nhật, bổ sung sau khi học sinh quay trở lại trường học trực tiếp. Ngành giáo dục cũng nên xem xét giới hạn việc học trực tuyến chỉ thực hiện ở một số môn học nhất định. Thời gian học trực tuyến cũng nên rút ngắn.
Ngoài ra, theo chị Mai, cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía; trong đó nhà trường không nên gây áp lực thành tích, thi đua; giáo viên và phụ huynh phải có sự đồng hành, phối hợp với nhau.
Cũng có con năm nay cũng vào lớp 1, chị Nguyễn Hoàng Quỳnh Như (Thanh Xuân, Hà Nội) “choáng” khi thấy thời khóa biểu của con được sắp xếp giờ học trực tuyến tới 4 tiếng/ ngày.
“Việc sắp xếp thời khóa biểu hôm thì học buổi sáng, hôm lại học chiều tối rất bất cập cho phụ huynh và rất khó khăn đối với trẻ nhỏ.
Thời gian đầu, con không quen ngồi học trước màn hình máy tính nên cảm giác giống như “đang xem một chương trình mà mình không yêu thích”. Con nhấp nhổm, liên tục kêu mệt, mỏi mắt… khiến việc tiếp thu bài cũng không hiệu quả” - chị Như kể lại.
Vì thế, chị Như cho rằng, việc học trực tuyến với trẻ lớp 1 chỉ nên áp dụng cho các môn như Toán, Tiếng Việt; các môn còn lại, giáo viên có thể hướng dẫn phụ huynh cách đồng hành cùng con tự tìm hiểu tại nhà và kiểm tra, bổ sung khi trẻ quay lại trường học” - chị Như nói.
Giáo viên tìm cách “dụ” trẻ học
Cô V.H là giáo viên dạy lớp 1 ở một trường điểm của quận Đống Đa, Hà Nội. Trước khi năm học mới bắt đầu, cô V.H. đã lập kênh Youtube chia sẻ các ứng dụng để dạy học.
Buổi đầu làm quen với học sinh, cô V.H. dành 2,5 tiếng trao đổi với phụ huynh về phương pháp dạy online của mình, chia sẻ các phần mềm, làm quen với học sinh. Cô cũng gửi demo học thử.
Hiện tại, trường của cô đang áp dụng thời gian biểu dạy 1 tuần 3 buổi online cho học sinh. Cô V.H. cho rằng số lượng buổi dạy như trường cô đang áp dụng là phù hợp bởi phải có thời gian cách ra để bố mẹ tự kèm con ở nhà, chứ ngày nào cũng học xong không làm bài thì không thể nhớ.
"Phụ huynh hướng dẫn con tự học bằng nhiều cách, như qua các ứng dụng thu tiếng học sinh đọc, tương tác bài tập đọc.... Dù không thể như học trực tiếp nhưng khá hiệu quả".
Tuy nhiên, cô V.H. cho biết, từ tuần sau chương trình sẽ đi rất nhanh. "Nếu Bộ giãn ra thì tốt, chứ hiệu trưởng và phụ huynh mà bắt giáo viên dạy theo đúng chương trình thì rất khó vì nặng" - cô giáo này bày tỏ nguyện vọng.
TS. Nguyễn Quang Tiệp - Trưởng Bộ môn Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, lúc này, ngoài thầy cô thì cha mẹ chính là những người quyết định đến sự thành công của việc học trực tuyến. Vì thế, bản thân phụ huynh phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và chủ động đồng hành cùng con trong việc tổ chức môi trường học tập tại nhà.
Cụ thể, cha mẹ cần tập dần cho con em mình việc tự nắm bắt và thực hiện các nhiệm vụ học tập, sử dụng và thao tác công nghệ, từ đó, giúp các con hình thành thói quen chủ động trong học tập.
Đối với giáo viên, cần phải thiết kế những bài học trực tuyến theo cấu trúc hợp lý, đồng thời, cần phải trực quan, hấp dẫn, lôi cuốn trẻ.
"Giáo viên chỉ nên dạy 1 buổi trong ngày, 1 ngày không quá 2 giờ học trực tuyến để hạn chế việc trẻ tiếp xúc quá lâu với máy tính. Ngoài ra, khi thiết kế bài học trực tuyến, giáo viên cần lượng hóa nội dung trọng tâm của bài học. Nội dung trọng tâm này có thể chỉ chuyển tải tới học sinh trong vòng 10 – 15 phút ở thời điểm sự tập trung chú ý của trẻ ở mức cao nhất trong tiết học" - TS Tiệp nói.
Ngoài ra, theo TS Tiệp, giáo viên cũng phải ý thức được việc học online khó khăn hơn nên việc hướng dẫn học sinh cần chậm hơn bình thường.
"Thầy cô cần tránh việc vô ý tạo ra áp lực thời gian cho học sinh vì điều đó sẽ làm triệt tiêu hứng thú học tập của trẻ".
|