Do ảnh hưởng của không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới từ 19h ngày 23 đến 16h ngày 25/10, Phú Yên có mưa to, đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 60,5-237,6 mm. Dự báo trong 24h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Dự báo đến 7h ngày 26/10, vị trí tâm bão cách bờ biển Bình Định đến Bình Thuận khoảng 230 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Phú Yên có 4.106 tàu cá với 24.600 người lao động. Đến thời điểm hiện tại có 239 tàu cá và 1.286 người lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó có 5 tàu cá đang nằm trong vùng nguy hiểm ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Các tàu cá đã được thông báo hướng đi của áp thấp, bão đang di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm vào nơi tránh trú an toàn.
Các địa phương ven biển của Phú Yên đã chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, sử dụng phương tiện kêu gọi người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh, đầm vào bờ đảm an toàn, sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi có sự cố xảy ra trên biển.
Theo Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, nên trên lưu vực hồ chứa có mưa to, lưu lượng nước về hồ đang có xu hướng tăng cao.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, ngày 24/10, tôm hùm, cá biển nuôi tại khu vực Đám Nọc, thuộc vùng nuôi khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên có hiện tượng chết đột ngột với số lượng ước tính 8.443 con tôm hùm các loại/42 lồng nuôi. Cụ thể: 228 tôm sao/3 lồng, 2.800 tôm tề thiên/12 lồng, 5.415 tôm xanh/27 lồng và 1.200 kg cá các loại. Tôm, cá bị chết với các loại kích cỡ khác nhau.
"Ngay sau khi phát hiện tôm, cá bị chết, người nuôi trong khu vực đã tiến hành biện pháp nâng lồng lên tầng nước trên. Hiện nay, tình hình tôm, cá nuôi trong khu vực này đã ổn định, không còn xảy ra tình trạng chết bất thường" – ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thông tin.
Hiện trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông của TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có hơn 82.696 lồng/2018 bè thủy sản. Số lồng đủ tuổi thu hoạch vẫn còn khá lớn nên khi mưa lớn kéo dài và sắp tới là bão số 10 thì ngư dân cần phải theo dõi và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Chủ trì cuộc họp, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng các địa phương và người dân tỉnh này có nhiều kinh nghiệm chống bão tốt, nhưng chống lũ chưa tốt, thậm chí còn chủ quan nên sau mỗi cơn bão, thiệt hại do lũ lại thường lớn hơn do bão. Ông Thế yêu cầu các địa phương thường xuyên, liên tục thông báo các phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; chủ động sơ tán người dân trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, bảo vệ các tuyến kè biển đang thi công như kè Đà Diễn, Đà Nông, Xóm Rớ an toàn trước nguy cơ bị sóng biển tàn phá.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên lưu ý các địa phương sẵn sàng phương án "4 tại chỗ", chuẩn bị phương án sơ tán dân gắn với đảm bảo phòng, chống Covid-19. Theo dõi chặt diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão lũ cắt cử lực lượng chốt chặn các tràn, đập nước, có phương án di dời người và tài sản đến nơi an toàn, hạn chế thiệt hại do mưa, lũ gây ra.