PTIT hợp tác với VMO Holdings đào tạo cử nhân CNTT ứng dụng
Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) và VMO Holdings cùng hợp tác để đào tạo cử nhân công nghệ thông tin (CNTT) chất lượng cao theo hướng ứng dụng.
Ngày 20/5/2023, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Học viện) và Công ty Cổ phần Công nghệ VMO Holdings (VMO Holdings) đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai Chương trình Cử nhân CNTT (định hướng ứng dụng) theo mô hình kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp (DN) và nhà trường.
Chương trình hướng tới đào tạo đội ngũ nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực tế để sẵn sàng tham gia thị trường lao động chất lượng cao về CNTT.
Cụ thể, theo chương trình, VMO Holdings sẽ hỗ trợ PTIT xây dựng Chương trình Cử nhân CNTT (định hướng ứng dụng), ứng dụng nền tảng Đại học (ĐH) số. VMO Holdings cử các cán bộ, chuyên gia tham gia trực tiếp công tác giảng dạy cho Chương trình Cử nhân CNTT (định hướng ứng dụng); trao tặng 01 phòng học lý thuyết và 02 phòng máy thực hành hiện đại phục vụ cho hoạt động tuyển sinh và đào tạo Chương trình cho cơ sở của Học viện.
VMO cũng cải tạo 01 phòng học lý thuyết truyền thống thành phòng học thông minh theo mô hình đào tạo mới, trao tặng học bổng cho sinh viên xuất sắc, hỗ trợ kinh phí tổ chức các sự kiện và cuộc thi nghiên cứu khoa học cho sinh viên Chương trình Cử nhân CNTT (định hướng ứng dụng). VMO Holdings sẽ tiếp nhận sinh viên thực tập và phối hợp với PTIT tổ chức các chương trình thăm quan/hội thảo/đào tạo hướng nghiệp trong và ngoài nước tại trụ sở của VMO Holdings.
Hợp tác xuất sắc để đột phá về đào tạo nhân lực CNTT
Với hợp tác này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh PTIT và VMO Holdings cần hợp tác chặt chẽ và trở thành “cặp đôi” xuất sắc để hai bên cùng phát triển.
Trong 2-3 năm trở lại đây dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT, PTIT đã tích cực, quyết liệt triển khai hướng tới mô hình ĐH số, bằng việc là triển khai một nền tảng ĐH số. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, nền tảng ĐH số và chuyển đổi số (CĐS) của PTIT mới chỉ từ góc độ CĐS nội bộ. “CĐS theo mô hình ĐH số còn cần nhiều sự thay đổi, đột phá hơn thế để giải quyết được các bài toán quốc gia về đào tạo nhân lực số”.
Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT đã nhận thấy xu hướng đào tạo kỹ sư CNTT trên thế giới đang chuyển dịch. "Năm 2018, Google công bố Google Certificates. Người học có thể học các khóa về CNTT trên nền tảng trực tuyến Coursera trong 6 tháng, Khi tốt nghiệp, học viên được nhận chứng chỉ. Chứng chỉ này được Google công nhận và sử dụng để tuyển dụng. Nghĩa là học khóa học CNTT 6 tháng trên nền tảng số, theo cách tiếp cận mới, có giá trị sử dụng tương đương học kỹ sư, cử nhân CNTT 4 năm theo cách truyền thống", Thứ trưởng chia sẻ.
Năm 2020, Chương trình CĐS quốc gia của Việt Nam, rồi năm 2022, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, đã xác định một trong những giải pháp đột phá để phát triển nhân lực số là mô hình ĐH số, nỗ lực chuyển từ học dài sang học ngắn, chuyển từ học lý thuyết sang thực hành, chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến.
Thứ trưởng chia sẻ nhiệm vụ này đã được PTIT và VMO Holdings cụ thể hoá, theo đó, tập trung vào "3 hóa", DN hóa, chứng chỉ hóa và quốc tế hóa, cụ thể: (1) Thời gian đào tạo được rút ngắn từ 4,5 năm xuống còn 3,5 năm; (2) DN tham gia xây dựng giáo trình, đồng hành (mentor), 30% thời lượng giảng dạy bởi chuyên gia đến từ DN; (3) Sinh viên thực tập tại DN, tham gia dự án thực tế ngay từ năm thứ 2, đáp ứng công việc ngay khi ra trường; (4) Nền tảng học tập số: Lý thuyết, thực hành trực tuyến. Làm việc nhóm trực tiếp; (5) Chương trình đào tạo, kỹ năng mềm theo chuẩn ACM/ABET, chứng chỉ hóa CCNA, MOS, TOEIC, AWS ...
"Tương lai của một quốc gia bắt đầu từ các trường học. Tương lai của CĐS quốc gia nằm ở phát triển lực lượng nhân lực số đông đảo về số lượng, vượt trội về chất lượng, nhanh chóng thích ứng với một thế giới số không ngừng biến động", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết hợp tác này là một sự kiện ý nghĩa về phát triển nhân lực CNTT, đóng góp cho phát triển đất nước, thực hiện chương trình CĐS quốc gia và CĐS ĐH.
Trong thời gian qua, Cục trưởng Nguyễn Sơn Hải cho biết PTIT đã hỗ trợ nhiều cho CĐS của Ngành. PTIT là nơi có truyền thống đào tạo nhân lực CNTT và có con đường đi riêng trong thị trường đào tạo nhân lực CNTT. Trong bối cảnh CĐS Quốc gia, PTIT là đơn vị tiên phong trong triển khai mô hình ĐH số.
Về đào tạo nguồn nhân lực CNTT, Cục trưởng Nguyễn Sơn Hải cho biết Bộ GD&ĐT có nhiều chính sách, trong đó có cơ chế đặc thù cho đào tạo CNTT huy động nguồn nhân lực tham gia vào chuỗi đào tạo, đặc biệt là huy động từ DN như huy động về nhân lực, đào tạo tại chỗ (on-job training)… để tháo gỡ đào tạo nhân lực, phục vụ CĐS.
Cục trưởng Nguyễn Sơn Hải đánh giá hợp tác giữa PTIT và VMO Holdings là hợp tác tiên phong với một mức độ sâu giữa DN và trường ĐH đây, đặc biệt áp dụng mô hình ĐH số vào đào tạo nhân lực CNTT là rất là cần thiết, giúp giảm thời lượng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo.
Gắn kết với DN để tạo môi trường thực tiễn trong đào tạo, nghiên cứu
Đánh giá về chương trình hợp tác giữa PTIT và VMO Holdings, PGS. TS Đặng Hoài Bắc Giám đốc PTIT nhận định: “Với vai trò là đơn vị nghiên cứu đào tạo trọng điểm của Bộ TT&TT, PTIT là ĐH dẫn đầu thực hiện sứ mệnh gắn kết với DN để tạo môi trường thực tiễn cho cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và học viên, sinh viên nghiên cứu, học tập gắn với thực tế sản xuất kinh doanh; đào tạo gắn với nhu cầu của DN và xã hội, nghiên cứu theo đặt hàng... Đây cũng là mô hình hoạt động hiệu quả tại các trường ĐH ở các nước phát triển thực hiện. Hình thức hợp tác với VMO Holdings tiếp tục khẳng định chiến lược phát triển bền vững của Học viện trong việc xây dựng mạng lưới đối tác trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông”
Ông Hoàng Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc VMO Holdings chia sẻ: “VMO Holdings là một trong những công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, chúng tôi định vị mình là một công ty có vị thế toàn cầu với hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn và triển khai các giải pháp CNTT cho nhiều khách hàng, đối tác lớn trên thế giới. Chính vì vậy, VMO luôn được tiếp cận với các công nghệ mới, hiện đại nhất và mang tính ứng dụng thực tiễn cao vào trong cuộc sống”.
Theo đó, Chủ tịch VMO Holdings, cũng từng là sinh viên của PTIT, mong muốn được mang những kiến thức, kinh nghiệm đúc kết từ những thực tiễn đó, ứng dụng vào các bài giảng để thế hệ các bạn trẻ, các sinh viên CNTT tương lai được tiếp cận và có những trải nghiệm đào tạo, học tập tuyệt vời từ sự hỗ trợ tốt nhất của nhà trường và DN góp phần nâng cao chất lượng, cũng như hình ảnh ngành CNTT của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.
“Chúng tôi kỳ vọng và đặt quyết tâm cao để đưa chương trình đào tạo PTIT-VMO trở thành mô hình trường ĐH giữa Nhà trường và DN thành công đầu tiên tại Việt Nam”, ông Hoàng Tuấn Hải bày tỏ.
Cũng trong khuôn khổ của chương trình đã diễn ra Lễ cắt băng khánh thành Phòng học thông minh PTIT-VMO. Theo thầy Nguyễn Hữu Hạnh, PTIT, việc triển khai phòng học thông minh thúc đẩy tương tác nhiều hơn so với đào tạo truyền thống. Phòng học thông minh này có khả năng nhận diện giọng nói, hình ảnh, ứng dụng AI…
Được thành lập năm 2012, công ty CP Công nghệ VMO Holdings (VMO) là Top 5 Công ty CNTT tại Việt Nam với 14 văn phòng trên toàn cầu. Không chỉ có thế mạnh về công nghệ xu thế tại các thị trường như Mỹ, Nhật, APAC…, VMO đã tư vấn và triển khai hơn 450 dự án và 100 triệu người dùng ứng dụng đang hoạt động, tự hào góp phần quan trọng trong sự thành công của nhiều khách hàng lớn thuộc Top Fortune 500 đến từ 30 quốc gia trên toàn thế giới./.