Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã lên tiếng về những cáo buộc cho rằng Trung Quốc không công bố số liệu chính xác về số ca nhiễm bệnh và tử vong trong đợt dịch bùng phát ở nước này.
"Tôi nghĩ chúng ta cần thận trọng, không nên đánh giá bất kì nước nào trên thế giới là không hợp tác hoặc không minh bạch, và chúng ta cần nhìn nhận sự minh bạch trên tổng thể nhiều khía cạnh," ông Ryna nói tại cuộc họp báo ở Geneva.
"Chúng ta cần có sự công bằng, và chúng ta cần nhận ra rằng hệ thống [y tế] dưới áp lực lớn sẽ rất khó để đăng tải mọi thông tin đúng tới từng phút. Thẳng thắn mà nói, tôi nghĩ chúng ta đã quá quan tâm tới vấn đề số liệu dịch bệnh ở Trung Quốc".
Khi được phóng viên hỏi rằng có phải WHO "đã bị Trung Quốc chi phối hoặc bị đánh lừa bởi số liệu của họ hay không", ông Ryan lấy một dẫn chứng khác về việc "Italy cũng cung cấp số liệu không chính xác" bởi vì hệ thống của họ đang quá tải nặng nề bởi số lượng bệnh nhân nhiễm virus corona quá lớn.
"Chúng ta có nói rằng họ không minh bạch và không gửi WHO số liệu hàng ngày không? Không," ông Ryan khẳng định.
Tính tới sáng ngày 4/4 (giờ Việt Nam), Italy đã có hơn 119.000 ca dương tính và 13.915 ca tử vong vì virus corona, theo dữ liệu của trang thống kê worldmeters.info.
Tuy nhiên, một phân tích của tờ Wall Street Journal cho rằng số ca tử vong do virus corona ở Italy có thể cao hơn mức được báo cáo bởi vì nhân viên y tế không có thời gian và nguồn lực để xét nghiệm tất cả các trường hợp tử vong.
Ông Ryan cũng từng đề cập tới cụm từ "virus Trung Quốc", cho rằng việc dùng khái niệm này sẽ gây ra vấn đề phân biệt chủng tộc đối với người châu Á trong khi trên thực tế thành phố Vũ Hán "không đáng bị đổ lỗi" vì sự xuất hiện của bệnh.
Trước đó, Cộng đồng Tình báo Mỹ kết luận rằng chính phủ Trung Quốc đã không cung cấp số liệu minh bạch hoặc đã cố ý giấu thông tin về dịch bệnh. Thượng nghị sĩ Rick Scott kêu gọi mở một phiên điều trần về mối quan hệ giữa WHO và Trung Quốc, trong khi đó Thượng nghị sĩ Martha McSally yêu cầu tổng giám đốc WHO từ chức.
Khi phóng viên đề cập tới cáo buộc trên trong cuộc họp báo ngày 1/4 tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã nói rằng số liệu của Bắc Kinh có phần "hơi tích cực" so với tình hình thực tế, còn cố vấn an ninh quốc gia Robert C. O'Brien thì cho biết hiện tại chính quyền Mỹ không có cách nào để xác nhận xem những số liệu đó có chính xác hay không.
"Chúng tôi không có cách nào để xác nhận các số liệu này", ông O'Brien nói.
Trong khi đó, câu trả lời của ông Trump có phần thẳng thừng hơn: "Nếu nói về những con số, thì tôi đâu phải là kế toán đến từ Trung Quốc".
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 27/3 cho biết, trong cuộc điện đàm với ông Trump, ông Tập đã khẳng định rằng ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Trung Quốc không chỉ minh bạch và có trách nhiệm trong việc công bố các thông tin và số liệu về dịch bệnh, bao gồm thông tin về bộ gen của virus corona chủng mới; mà còn hỗ trợ nhiều quốc gia khác.
Đề cập tới việc ông Trump và nhiều quan chức Mỹ nhiều lần dùng các tên gọi như "virus Trung Quốc" hay "virus Vũ Hán" khi nói về dịch COVID-19, ông Tập đã nhắc nhở nhà lãnh đạo Mỹ:
"Virus không có khái niệm về biên giới hay chủng tộc. Nó là kẻ thù chung của tất cả chúng ta. Cộng đồng quốc tế chỉ có thể đánh bại [COVID-19] khi đồng lòng hợp tác.
Mối quan hệ giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc đang ở bước ngoặt quan trọng. Nếu hai nước hợp tác thì đôi bên sẽ cùng có lợi, còn nếu chúng ta xung đột thì cả hai đều phải chịu thiệt hại. Hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất.
[Trung Quốc] hy vọng rằng Mỹ sẽ có những hành động cụ thể để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước, và hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như kiểm soát dịch bệnh".