Quản lý ngân hàng số: thế giới đang làm như thế nào?

Bảo Bình| 27/10/2021 06:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Các dịch vụ ngân hàng số đã hiện diện ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Các công ty fintech, các ngân hàng số mới cung cấp trải nghiệm ngân hàng hiệu quả và dễ tiếp cận cho khách hàng. Tuy nhiên, công tác quản lý đối với ngân hàng số vẫn còn nhiều thách thức khác nhau.

Tiền mặt sẽ trở nên lỗi thời trong cuộc cách mạng ngân hàng

Theo Báo cáo “Ngành Ngân hàng số Toàn cầu” (Global Digital Banking Industry) do Reportlinker.com công bố ngày 11/10, thị trường ngân hàng số toàn cầu sẽ đạt 30,1 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 15,7%. Tiền mặt sẽ ngày càng trở nên lỗi thời khi CNTT đang tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.

Báo cáo cho biết đầu tư vào các giải pháp fintech ngày càng tăng đã thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ đổi mới như PayPal, Square, Apple Pay và tiền điện tử, do đó thúc đẩy một thời đại không dùng tiền mặt. Thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc đã thực hiện các giao dịch/thanh toán có giá trị nhỏ một cách nhanh hơn và dễ dàng hơn. 

Các yếu tố chính khác thúc đẩy thế giới hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt bao gồm việc ra mắt thẻ thanh toán bằng chip, mở rộng hệ sinh thái ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh, sự hội tụ của tài chính, ngân hàng và viễn thông, và những thay đổi nhanh chóng về phong tục, văn hóa và quy định do công nghệ Internet tạo ra, sự thâm nhập mạnh mẽ của smartphone ...

Quản lý ngân hàng số: thế giới đang làm như thế nào? - Ảnh 1.

Sự thâm nhập mạnh mẽ của smartphone đang thúc đẩy các giải pháp ngân hàng số

Chỉ 5 năm sau khi ra mắt, WeBank do Tencent hậu thuẫn đã phục vụ 200 triệu người và MYbank do Alibaba hỗ trợ đã có hơn 20 triệu doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (SME) là khách hàng. Tại Trung Quốc, các ngân hàng số hiện chiếm 5% thị phần cho vay tiêu dùng không có thế chấp. KakaoBank của Hàn Quốc, ra mắt vào năm 2017, đã thu hút hơn 10 triệu khách hàng trong năm đầu tiên. Vào tháng 6/2021, KakaoBank công bố kế hoạch huy động 2,3 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Có thể nói, ngân hàng số đã hiện diện ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Các công ty fintech, các ngân hàng số mới cung cấp trải nghiệm ngân hàng hiệu quả và dễ tiếp cận cho khách hàng. Tuy nhiên, công tác quản lý đối với ngân hàng số vẫn còn nhiều thách thức, lúng túng. Một số nơi cấp từ ít nhất 2 cho đến nhiều hơn là 8 giấy phép cùng lúc cho mô hình kinh doanh ngân hàng số.

Không có một công thức chung nào với mô hình kinh doanh ngân hàng số, tại các thị trường khác nhau trên thế giới. Các mô hình kinh doanh thường phù hợp với các điều kiện cấp phép khác nhau. Ngân hàng số của Vương quốc Anh Monzo bắt đầu hoạt động như một hãng thanh toán điện tử, phù hợp với giấy phép đầu tiên được cấp, nhưng sau đó đã mở rộng dịch vụ khi có được giấy phép ngân hàng đầy đủ. Trong khi đó, MYBank của Trung Quốc và Ngân hàng Anglo-Gulf Trade Bank của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) lại tập trung vào hoạt động cho vay và rót vốn thương mại ngay từ đầu, khi được cấp giấy phép ngân hàng.

Ngoài ra, việc các cơ quan quản lý (CQQL) thông qua và chấp nhận các công nghệ khác nhau đã cho phép các ngân hàng hiện thời hiện đại hóa đồng thời tạo tiền đề cho các ngân hàng số và các dịch vụ số hoàn toàn xuất hiện.

Nhiều ngân hàng số đã tận dụng các đặc điểm cốt lõi của họ để thiết lập sự hiện diện thích hợp. Ví dụ, ngân hàng ảo đầu tiên của Trung Quốc, aiBank, một liên doanh giữa Ngân hàng CITIC Trung Quốc và công ty công nghệ Baidu, cung cấp các giải pháp tài chính cho các khách hàng trẻ tuổi vốn là đối tượng các ngân hàng truyền thống chưa tiếp cận, và cung cấp các khoản vay cho các DN nhỏ và siêu nhỏ ở các vùng sâu vùng xa. Ngân hàng PAO ở Hồng Kông cung cấp cho khách hàng SME khoản vay lên đến 260.000 USD (2 triệu đô la Hồng Kông) chỉ trong 5 ngày làm việc. Ngân hàng tài chính vi mô Telenor của Pakistan, một liên doanh giữa công ty truyền thông di động Telenor và Ant Financial (nay là Ant Group), cung cấp các dịch vụ tài chính số cho hàng triệu công dân trước đây chưa sử dụng ngân hàng.

Hai mô hình cấp phép ngân hàng số phổ biến

Các quy định về ngân hàng số nhìn chung đã dần dần phát triển. Các CQQL đánh giá cao lợi ích tiềm năng của ngân hàng số về khả năng hòa nhập, cạnh tranh và trải nghiệm khách hàng. Theo nghiên cứu của McKinsey, các CQQL số trên thế giới thường có xu hướng tuân theo một trong hai mô hình, đó là giấy phép dành riêng cho ngân hàng số và giấy phép cho ngân hàng truyền thống.

Giấy phép dành riêng cho ngân hàng số

Các CQQL ở những nước như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Ả Rập Xê-út, Singapore, Hàn Quốc và UAE đã tạo ra giấy phép ngân hàng số riêng, thường bao gồm các điều khoản chỉ định sản phẩm nào được phép kinh doanh, phân khúc ngân hàng số và những dịch vụ vật lý nào được phép triển khai. Tất nhiên, mỗi nước lại có những quy định đặc thù riêng. 

Ví dụ, theo giấy phép số của Hàn Quốc, KakaoBank có thể cung cấp đầy đủ các sản phẩm khi ra mắt. Ngược lại, theo giấy phép ngân hàng số của Singapore, CQQL đặt ra các giới hạn về số tiền gửi mà ngân hàng có thể nhận. 

Việc thiết lập khung cấp phép số sẽ mất thời gian, nhưng nó đảm bảo rằng các CQQL có sự giám sát thích hợp đối với các hoạt động ngân hàng số để đảm bảo mọi hoạt động đều tuân thủ pháp luật. Giấy phép cũng cung cấp các hướng dẫn rõ ràng về lĩnh vực hoạt động và cho phép DN cung cấp nhiều loại sản phẩm hơn mức có thể, chẳng hạn như giấy phép thanh toán điện tử.

Giấy phép ngân hàng truyền thống

Nhiều quốc gia  - chẳng hạn như Mỹ và một số quốc gia châu Âu - quy định các ngân hàng số phải có giấy phép ngân hàng tiêu chuẩn. Trong những trường hợp này, các ngân hàng số thường bắt đầu bằng một giấy phép thay thế, chẳng hạn như giấy phép thanh toán điện tử hoặc ví điện tử, sau đó tìm kiếm giấy phép cho các dịch vụ mới. Ví dụ, vào năm 2018, NuBank của Brazil đã nhận được giấy phép tổ chức tài chính cung cấp các dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, đến giữa năm 2021, NuBank vẫn chưa có được giấy phép hoạt động ngân hàng đầy đủ. 

Châu Á là khu vực tương đối tích cực trong việc cấp phép các mô hình kinh doanh ngân hàng số. Giấy phép của Ấn Độ và Úc bao gồm các điều khoản áp đặt giới hạn thấp đối với tiền gửi hoặc loại trừ hoạt động cho vay. Trong trường hợp loại trừ hoạt động cho vay, giấy phép đó không phải là giấy phép ngân hàng số đầy đủ. Ở một thái cực khác, Trung Quốc và Hàn Quốc cho phép các ngân hàng số cung cấp bộ sản phẩm đầy đủ và cho phép quyền sở hữu phi ngân hàng và tiền gửi không giới hạn.

Như đã đề cập trước đó, các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Malaysia, Ả Rập Xê Út, Singapore, Hàn Quốc và UAE đã sử dụng giấy phép ngân hàng số để giúp họ đạt được các mục tiêu rộng lớn hơn. Ví dụ, các CQQL của Malaysia tuyên bố mục tiêu của họ là “mở rộng khả năng tiếp cận có ý nghĩa và thúc đẩy việc sử dụng có trách nhiệm các giải pháp tài chính phù hợp” cho các phân khúc khách hàng chưa được phục vụ như DN vừa và nhỏ ở vùng sâu, vùng xa đồng thời giấy phép ngân hàng số cũng tận dụng cơ sở chi phí tương đối thấp của các ngân hàng số.

Giấy phép ngân hàng số chuyên dụng có thể mở cửa thị trường cho những DN mới, những DN không có giấy phép ngân hàng truyền thống. Ngược lại, ở các quốc gia cấp giấy phép ngân hàng truyền thống, các hãng công nghệ thường mua các ngân hàng truyền thống nhỏ và biến chúng thành ngân hàng số hoặc chỉ đơn giản là thêm các sản phẩm cho vay và thanh toán vào hệ sinh thái của họ. Ví dụ, ở Indonesia, chi nhánh thương mại điện tử (TMĐT) Shopee của Sea Group đã mua lại ngân hàng cho vay địa phương Bank Kesejahteraan Ekonomi, với ý định chuyển đổi thành một nhà khai thác chỉ sử dụng các dịch vụ ngân hàng số. 

Cuối cùng, khi không có giấy phép ngân hàng số hoặc giấy phép ngân hàng truyền thống, một số công ty fintech và công nghệ lớn đã mở rộng một cách hữu cơ - nghĩa là thêm các sản phẩm tài chính như cho vay hoặc thanh toán, nhưng không nhận tiền gửi hoặc cung cấp một giải pháp ngân hàng hoàn chỉnh.

Tại Nhật Bản, chính phủ đang đưa ra một loạt các biện pháp quản lý ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính, làm dấy lên hy vọng rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cuối cùng có thể bắt kịp với toàn cầu. Theo luật sửa đổi sẽ có hiệu lực vào tháng 11 tới, các công ty sẽ được phép bán nhiều loại sản phẩm tài chính - ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm - theo một giấy phép môi giới dịch vụ tài chính duy nhất. Điều đó được coi là giúp người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm dễ dàng hơn thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Trước đây, các công ty cần phải có các giấy phép riêng biệt cho các dịch vụ khác nhau.

Takashi Okita, Chủ tịch Hiệp hội Fintech của Nhật Bản, người cũng điều hành công ty khởi nghiệp Nudge, cho biết: Sự thay đổi chính sách đánh dấu một "bước chuyển đổi lớn". 

Quản lý ngân hàng số: thế giới đang làm như thế nào? - Ảnh 2.

Các dịch vụ ngân hàng số đã hiện diện ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn còn nhiều thách thức, lúng túng.

Mục tiêu chính sách rộng lớn của việc quản lý ngân hàng số

Đặt ra các quy định để cấp phép, các CQQL thường có khoảng 15 tiêu chí chung. Các DN phải đáp ứng các tiêu chí này nhưng sẽ có quyền tự do tiếp cận để đạt được các tiêu chí, chẳng hạn như giải pháp tự do hợp tác với các công ty công nghệ. 

Singapore yêu cầu ít nhất một pháp nhân trong nhóm ứng viên phải có thành tích hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ hoặc TMĐT từ 3 năm trở lên. Ngoài ra, CQQL cũng xác định các dịch vụ sản phẩm được phép đối với ngân hàng số. Tại UAE, CQQL thị trường toàn cầu Abu Dhabi (ADGM) đã cấp giấy phép cho các phân khúc DN và SME. Trong khi đó, các CQQL ở Hồng Kông không cho phép các ngân hàng số yêu cầu số dư tài khoản tối thiểu; còn các ngân hàng số của Trung Quốc lại không được nhận tiền gửi trực tiếp bằng tiền mặt.

Thông thường, thời gian từ khi công bố khung quy định cho đến khi các ngân hàng số bắt đầu hoạt động là khoảng 2 năm. Ví dụ, các CQQL của Singapore đã thông báo vào tháng 6/2019 rằng họ sẽ cấp giấy phép và các ngân hàng số được cấp phép dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2022, bị chậm trễ do dịch COVID-19.

Tiến trình cấp giấy phép thường như sau: Khi CQQL đã thông báo về việc cấp giấy phép, cơ quan này sẽ kêu gọi các bên quan tâm nộp đơn đăng ký của họ trong một khoảng thời gian giới hạn. Sau khi đóng sổ đăng ký, ủy ban cấp phép của ngân hàng trung ương đánh giá các đơn đăng ký dựa trên tiêu chí đủ điều kiện tối thiểu và khung đánh giá do hội đồng quản trị hoặc cơ quan tương đương xác định và phê duyệt. Sau đó, họ cho phép một khoảng thời gian nhất định để những người nộp đơn thành công xây dựng ngân hàng của họ. Điều này thường diễn ra dưới sự giám sát của nhóm ngân hàng trung ương, nhóm hỗ trợ và giám sát các ngân hàng sau khi ra mắt.

Khung quy định dành riêng cho ngân hàng số đặt ra cấu trúc và quyền cơ bản của ngân hàng số, đồng thời xác định số lượng giấy phép sẽ được cấp. Các CQQL thường chia sẻ các nguyên tắc và yêu cầu ứng dụng, tiến trình thời gian và các câu hỏi thường gặp. Ngoài ra, họ thường sử dụng các khung đánh giá và hệ thống cho điểm.

Mặc dù ngân hàng số đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người, nhưng mô hình kinh doanh này còn tương đối mới. Trên toàn cầu, ngân hàng số và ngân hàng truyền thống phải tuân theo các quy định giống nhau, nhưng một số khu vực pháp lý đã phát triển các khuôn khổ quy định dành riêng cho ngân hàng số. Đối với các quốc gia đang xem xét lộ trình này, một điều quan trọng là cần xem xét và rút kinh nghiệm từ những nỗ lực của các thị trường đi trước, những thị trường đã giải quyết tốt các thách thức kép vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính vừa bảo vệ lợi ích của khách hàng cũng như sử dụng quy định ngân hàng số để đạt được các mục tiêu chính sách rộng lớn hơn./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quản lý ngân hàng số: thế giới đang làm như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO