Quảng Bình gặt hái “trái ngọt” nhờ thực hiện có hiệu quả Đề án 06
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, tỉnh Quảng Bình đã và đang gặt hái được nhiều “trái ngọt” nhờ việc triển khai tốt Đề án 06.
Tiên phong trong chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06
Quảng Bình được đánh giá là một trong những tỉnh tốp đầu cả nước hoàn thành xuất sắc 2 nhiệm vụ: Cấp căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện cấp trên địa bàn và vượt chỉ tiêu được giao về kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Nhiều thủ tục hành chính đã được thực hiện nhanh, gọn, hiệu quả nhờ chuyển đổi số.
Để đạt được kết quả đó, Quảng Bình có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Một trong những giải pháp then chốt là việc gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện chuyển đổi số và triển khai Đề án 06.
Với vai trò là cơ quan thường trực triển khai Đề án 06, Công an tỉnh Quảng Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Công an tỉnh và xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm, đầu tư. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Công an tỉnh không ngừng được bổ sung, bồi dưỡng, đào tạo đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Thông tin về kết quả công tác chuyển đổi số nói chung và triển khai Đề án 06 nói riêng, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình cho biết: Trong 9 tháng đã qua của năm 2024, về phát triển chính quyền số, các hệ thống phần mềm dùng chung, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các cổng/trang TTĐT của tỉnh được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh duy trì sử dụng hiệu quả. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) duy trì hoạt động ổn định, hiện đã triển khai cung cấp được 964 dịch vụ công trực tuyến (837 DVCTT toàn trình; 205 DVCTT một phần); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh đạt 76,15%, tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 87,94%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 50,45%. Việc số hóa hồ sơ TTHC được các cơ quan, đơn vị quan tâm, thực hiện, đến nay, tổng số hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị đã thực hiện số hoá lên Kho dữ liệu số hoá của tỉnh là 190.163/210.899 hồ sơ TTHC (tỷ lệ số hóa toàn tỉnh đạt 90,17%).
Về phát triển kinh tế số, xã hội số, Công an tỉnh đã tích cực hướng dẫn công dân sử dụng các tiện ích của ứng dụng VneID như: Tích hợp thông tin, giấy tờ; thực hiện DVC trực tuyến, thay thế việc xuất trình thẻ CCCD khi đi tàu bay đối với các chuyến bay nội địa…Trong quý III/2024, toàn tỉnh đã thu nhận 26.728 hồ sơ cấp thẻ căn cước và 13.168 hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử; 100% bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện/thành phố triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, trong đó có 11 đơn vị đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tích hợp với phần mềm khám chữa bệnh.
Tiếp tục hướng tới những mục tiêu mới
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình, với quyết tâm cao độ triển khai có hiệu quả Đề án 06, thời gian qua cán bộ đơn vị đã không quản ngại khó khăn, vất vả, thực hiện các phương châm “Gần làm đêm, xa làm ngày, dễ làm trước, khó làm sau”, “làm không kể ngày nghỉ, đêm tối” để sớm hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch đề ra.
Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Bình mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an cấp xã đã không quản ngày, đêm bố trí nhiều tổ công tác lưu động và cố định, mỗi ngày chia 3 ca làm việc từ 7h sáng đến 22h đêm. Sau hơn 2 năm vào cuộc, với quyết tâm và nỗ lực lớn của cán bộ, chiến sĩ, đến nay Quảng Bình là 1 trong các tỉnh, thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt định danh điện tử được giao. Đã triển khai cung cấp 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông cuối cùng trong 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.
Theo ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số của địa phương khẳng định: Thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia tại Quảng Bình, lực lượng Công an đã phát huy tốt vai trò của cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo triển khai Đề án 06, tiên phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Quảng Bình đã phối hợp tốt với các ngành liên quan trên địa bàn chủ động bám sát các Chỉ thị, Kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của lãnh đạo các Bộ, ngành ở Trung ương, của địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 đảm bảo tiến độ, yêu cầu đề ra.
Đến nay, Quảng Bình đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công ngày càng được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là trong các dịch vụ công thiết yếu, nhiều thủ tục có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 100%. Nhiều tiện ích của Đề án 06 phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đã và đang được triển khai như: Khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, sử dụng thẻ căn cước công dân và VNeID, xác thực sinh trắc; triển khai phần mềm quản lý lưu trú ASM; triển khai tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID; Triển khai chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trong lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục, y tế…
Để hoàn thành có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số và Đề án 06 trong thời gian tới, ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục rà soát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số và Đề án 06 đã giao để đôn đốc thực hiện; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 trong ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách; thể hiện kết quả bằng sản phẩm cụ thể. Đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến và số hóa hồ sơ; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và công dân đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng số, tham gia các sàn thương mại điện tử.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tại các đơn vị, địa phương để kịp thời chấn chỉnh những vấn đề còn tồn tại, thiếu sót và biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Quảng Bình.