Việc thực hiện Đề án, chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ đã nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số truyền hình. Đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng. Từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu, thu nhập của người dân và đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của Đảng, Nhà nước.
Ngoài ra, Đề án còn hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội để phát triển hạ tầng kỹ thuật truyền hình, trên cơ sở đảm bảo sự quản lý thống nhất, có hiệu quả của Nhà nước; đồng thời tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động hiệu quả và phân định rõ hoạt động về nội dung thông tin với hoạt động về truyền dẫn, phát sóng.
Để đạt được hiệu quả trong công tác triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ thời gian qua. Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường phát triển hạ tầng truyền dẫn, cơ sở hạ tầng để tiếp tục thực hiện Đề án số hóa truyền hình. Đồng thời sớm hoàn thành việc đưa internet về hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch của huyện Bố Trạch, triển khai hình thức họp trực tuyến đến cấp xã.
Tỉnh Quảng Bình cũng chủ trương tiếp tục vận động doanh nghiệp, tổ chức để hỗ trợ thiết bị thu, xem truyền hình cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung các chương trình truyền hình để thu hút khán giả, tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương Quảng Bình trên diện rộng. Khuyến khích các địa phương đưa nội dung thông tin truyền hình lên trang thông tin điện tử để tuyên truyền. Đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trong nước, trong đó có SCTV phát sóng kênh truyền hình QBTV trên hạ tầng số để phục vụ nhu cầu người dùng.
Có 05 tập thể và 05 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vì đã có thành tích trong thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.