Quảng Bình triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo

Duy Phạm| 02/07/2020 06:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Là một trong những xã miền núi đặc biệt khó khăn, song những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) đã không ngừng triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân, tạo điều kiện cho bà con phát huy tinh thần tự chủ, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Công tác giảm nghèo được đặt lên hàng đầu

Một điều đáng ghi nhận ở xã Đồng Hóa là trong 2 năm gần đây, địa phương này có tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể (9,76%). Thậm chí, xã còn được UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen vì có thành tích trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Là một trong những xã khó khăn được thụ hưởng chương trình 135 của huyện Tuyên Hóa, xã Đồng Hóa đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền xã. Ông Lương Công Đức, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Hóa khẳng định công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền xã xác định là nhiệm vụ hàng đầu nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân.

Đồng Hóa: Khởi sắc vì đi đúng hướng - Ảnh 1.

Tận dụng lợi thế vùng gò đồi, người dân Đồng Hóa mở rộng phát triển diện tích cây hồ tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao (Báo Quảng Bình)

Một trong những ưu tiên của chính quyền xã là tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi. Các tổ chức đoàn thể xã Đồng Hóa tham gia nhận ủy thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNN-PTNT) cho các hội viên là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo…tham gia vay vốn. Đến nay, nguồn vốn của các ngân hàng đã giải ngân trên địa bàn xã là hơn 20,5 tỷ đồng, giúp người dân chủ động nguồn vốn sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động để vươn lên thoát nghèo.

Minh chứng rõ nét như gia đình ông Trần Bá Việt ở thôn Đồng Giang. Trước đây, gia đình ông Việt được biết đến là một trong những hộ nghèo nhất của xã Đồng Hóa mà nguyên nhân do nhà đông con, đất sản xuất ít và vợ ông bị khuyết tật hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Năm 2016, ông đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ NHNN-PTNT huyện cho con trai tham gia xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Sau hơn 1 năm cần cù chịu khó, con trai đã gửi tiền để trả hết nợ, xây nhà ở khang trang và gia đình ông chính thức thoát khỏi hộ nghèo. Khi cuộc sống ổn định, ông Việt tiếp tục đầu tư cho người con thứ 2 xuất khẩu lao động. Hiện, thu nhập của gia đình ông bảo đảm mức 20-30 triệu đồng/tháng và trở thành tấm gương vượt khó làm giàu  của địa phương.

Xóa đói giảm nghèo bằng những giải pháp cụ thể

Để có thể đạt được thành công trong công tác xóa đói, giảm nghèo, cấp ủy và chính quyền xã Đồng Hóa tiến hành đánh giá, khảo sát nhu cầu hỗ trợ của các hộ nghèo, cận nghèo cũng như phân loại các hộ nghèo, từ đó có các chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp, cụ thể tới từng hộ gia đình.

Địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần chủ động, vươn lên của người nghèo; đồng thời, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để làm "đòn bẩy" giúp người dân vươn thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, cấp ủy và chính quyền xã Đồng Hóa còn tính toán đến điểm mạnh, yếu về vị trí địa lý. Với đặc thù chủ yếu diện tích là đồi núi, địa phương đã tập trung xây dựng và thực hiện hiệu quả 3 giải pháp trọng tâm trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, gồm: cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt, vườn tạp thành cây có giá trị kinh tế, phát triển các mô hình chăn nuôi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xuất khẩu lao động.

Đồng Hóa: Khởi sắc vì đi đúng hướng - Ảnh 2.

Mô hình nuôi dê phát huy được hiệu quả kinh tế vùng đồi núi (Ảnh: Báo Quảng Bình)

Ban xóa đói giảm nghèo xã đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển đàn bò lai, vườn đồi, vườn lèn, phát triển cây có múi. Nhiều mô hình phục vụ nông nghiệp, nông thôn được triển khai, bước đầu đã tạo được việc làm cho người dân và phát huy được hiệu quả kinh tế vùng đồi núi, như: trồng hoa cúc, chăn nuôi lợn thịt, chăn nuôi gà thả vườn, nuôi dê thịt, nuôi thỏ, nuôi ong lấy mật…

Đáng kể, xã đã chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, khuyến khích các hộ có điều kiện đầu tư xây dựng các trang trại có quy mô vừa và lớn để thu hút lao động tại chỗ, tạo việc làm ổn định. Cùng với đó, người dân tham gia trồng rừng theo các dự án, nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

Đến nay, trung bình mỗi năm, xã đã trồng mới được hàng trăm hecta rừng với các loại cây trồng chính, như: luồng, keo lai…; đã chuyển đổi thành công 10ha vườn tạp thành cây ăn quả có giá trị cao; tỷ lệ bò lai hiện có 742/971 con (chiếm 76,4% tổng đàn).

 Một trong những cách làm hiệu quả của cấp ủy, chính quyền xã Đồng Hóa chính là tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề và xuất khẩu lao động, xem đây là hình thức hỗ trợ người dân thoát nghèo bằng chính nghị lực của mình.

 Riêng năm 2018, xã Đồng Hóa tổ chức 4 lớp đào tạo nghề với 140 học viên tham gia và giải quyết việc làm cho 250 lao động; 57 người xuất khẩu lao động cho thu nhập ổn định từ 20-30 triệu đồng/người/tháng. Số lao động xuất khẩu chủ yếu làm việc tại các thị trường, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… Nhờ đó, nguồn ngoại tệ do con em địa phương xuất khẩu lao động gửi về khoảng trên 3 tỷ đồng/tháng.

 Có thể nói, nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, xã Đồng Hóa đã và đang tạo nên sự chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 24,3 triệu đồng, tăng 2,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,31% (266 hộ) đầu năm 2018 xuống còn 19,04% (191 hộ) đầu năm 2019; hộ cận nghèo giảm từ 40,04% (390 hộ) đầu năm 2018 xuống còn 29,9% (295 hộ) đầu năm 2019. Đến nay, Đồng Hóa đã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Những kết quả mà địa phương đạt được trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả lớn cho công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thay đổi diện mạo nông thôn mới nơi đây.


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO