Quảng Ninh "bắt tay" FPT tiếp tục giải các bài toán chính quyền điện tử

NK| 26/02/2022 11:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 25/2, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chuyển đổi số (CĐS) toàn diện giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030. Thỏa thuận hướng đến một số mục tiêu chính như: đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế và góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu về CĐS.

Đẩy mạnh CĐS trong các lĩnh vực hoạt động của chính quyền, phát triển KT-XH

Theo nội dung thỏa thuận, hai bên sẽ tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao, nâng cao sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp (DN); bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác đẩy mạnh CĐS trong các lĩnh vực hoạt động của chính quyền, phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Ninh, phát triển nền tảng số, ứng dụng số trên các công nghệ mới. Đồng thời, khuyến khích các DN đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT và viễn thông, nhất là các khu vực biên giới, hải đảo; phát huy khả năng, thế mạnh, nguồn lực của hai bên gắn với CĐS toàn diện tỉnh Quảng Ninh, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương đi đầu về CĐS ở cả 3 lĩnh vực: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Thỏa thuận hợp tác sẽ được hai bên triển khai dựa trên nguồn lực, thế mạnh riêng của FPT và đặc thù KT-XH, lợi thế cạnh tranh của Tỉnh với 08 nhóm nội dung. Theo đó, FPT cam kết sẽ cùng tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giải các bài toán nâng cấp chính quyền điện tử (CQĐT); xây dựng vận hành nền tảng số hoá thủ tục hành chính (TTHC) cho toàn tỉnh, đảm bảo tích hợp 100% dịch vụ công (DVC) của tỉnh lên Cổng DVC quốc gia; xây dựng, nâng cấp và vận hành các Trục kết nối giữa Trung ương và Tỉnh như: Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (FPT.LGSP), Trục quản lý văn bản… 

Đồng thời, FPT cũng sẽ cùng tỉnh Quảng Ninh xây dựng kho tài nguyên dữ liệu, xây dựng trung tâm dữ liệu mới, cung cấp hạ tầng và quản trị trên nền tảng đám mây (Cloud) của FPT; Đẩy mạnh việc hình thành khu công nghiệp thông minh, sử dụng công nghệ cao. 

Bên cạnh đó, dựa trên hệ sinh thái các nền tảng, giải pháp công nghệ Made by FPT, Tập đoàn sẽ hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT phát triển kinh tế số trong các ngành trọng tâm, thế mạnh của tỉnh: sản xuất công nghiệp, năng lượng, logistics thông minh, du lịch, kinh tế cửa khẩu…

Quảng Ninh

Đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân, DN bằng công nghệ 

Chia sẻ tại sự kiện, ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao hoạt động cung ứng dịch vụ và CĐS của FPT, đồng thời mong muốn bên cạnh việc xây dựng, phát triển hạ tầng CNTT, đáp ứng yêu cầu  CĐS toàn diện, FPT sẽ hợp tác cùng tỉnh phát triển nguồn nhân lực, an toàn thông tin mạng và an ninh mạng, tư vấn, tham gia xây dựng đề án  CĐS… "Quảng Ninh sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để FPT tiếp cận, nghiên cứu triển khai  CĐS trên địa bàn tỉnh", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, từ năm 2021, FPT đã đồng hành cùng Quảng Ninh triển khai CQĐT toàn diện ở tất cả các cấp. Đây là dự án đột phá của FPT trong lĩnh vực chính quyền số. Quảng Ninh thực sự đã "thay da đổi thịt" trở thành trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc, liên tục tăng trưởng hai chữ số ngay cả trong đại dịch COVID Quảng Ninh cũng là tỉnh đi đầu cả nước về các chỉ số chuyển đổi số, năng lực cạnh tranh.

Ông Bình cũng khẳng định, FPT rất quyết tâm và có đủ đẳng cấp để giải các bài toán mà tỉnh Quảng Ninh tin tưởng giao phó.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám FPT cũng khẳng định, Quảng Ninh đang có một đẳng cấp phát triển rất khác và FPT cam kết dành mọi nguồn lực tốt nhất để giúp tỉnh hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, tạo ra nhiều giá trị thặng dư hơn cũng như đem lại lợi ích cao nhất và tốt nhất cho người dân, DN bằng công nghệ và dựa trên công nghệ.

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về CĐS toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên cả ba trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Theo đó, với chính quyền số, tỉnh đặt mục tiêu hướng tới quản trị dựa trên dữ liệu và quyết liệt triển khai thực hiện Đề án thành phố thông minh. Kinh tế số cũng được xác định là hướng đi đột phá với mục tiêu đạt 20% GRDP năm 2025 và 30% đến năm 2030. Với Xã hội số, tỉnh xác định đến năm 2025, 100% các hộ gia đình được sử dụng dịch vụ Internet băng rộng; 100% trường học trên địa bàn tỉnh có nội dung CĐS trong chương trình giảng dạy, đào tạo; 100% người dân được chăm sóc sức khỏe trên nền tảng y tế số…

Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh đã "đi trước, đón đầu" trong khai thác cơ hội số, triển khai ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong cả hệ thống, ở tất các các lĩnh vực và đứng trong nhóm 3 địa phương đứng đầu về chỉ số ứng dụng CNTT. Tỉnh cũng đã xây dựng thành công mô hình CQĐT, chuẩn hóa TTHC ở cả 4 cấp, cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 3,4; giảm hơn 40% thời gian TTHC, tiết kiệm chi phí xã hội 70 tỷ đồng/năm./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh "bắt tay" FPT tiếp tục giải các bài toán chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO