Mới đây, Quixter, một công ty khởi nghiệp Thụy Điển đã trình diễn công nghệ thanh toán dựa trên việc quét mạch máu, lần đầu tiên được thương mại hóa trên thế giới. Cách thực hiện rất đơn giản: Bạn xòe bàn tay mình sát phía trên máy quét hồng ngoại và hệ thống sẽ nhận dạng bạn dựa trên mẫu các mạch máu trên bàn tay của bạn đã được lưu trữ.
Hệ thống thanh toán dựa trên quét nhận dạng mạch máu bàn tay của Quixter
(Nguồn: Đại học Lund, Thụy Điển)
Nguyên lý này tương tự như các công nghệ sinh trắc học khác như quét vân tay, nhận dạng khuôn mặt, quét mống mắt. Sơ đồ mạch máu của mỗi người là hoàn toàn duy nhất, thậm chí khác biệt với cả cặp sinh đôi cùng trứng. Sơ đồ này không thay đổi theo tuổi tác và thực sự cực kỳ khó giả mạo. Phương pháp này có thể quét mà không cần tiếp xúc vật lý nên rất thuận tiện trong khi việc quét vân tay gặp khó khăn khi ngón tay bị ướt hoặc dính chút dầu mỡ. Kẻ giả mạo có thể đánh cắp vân tay của bạn chỉ với chút bột dính. Đối với công nghệ quét mống mắt, khách hàng cảm thấy bị xúc phạm khi phải nhìn trừng trừng vào máy quét lase. Do đó, các chuyên gia rất hào hứng với công nghệ quét mạch máu hay cụ thể hơn gọi là kỹ thuật “nhận dạng mẫu mạch máu bàn tay”. Công nghệ này đã xuất hiện hơn 1 thập kỷ nay dùng trong ngành pháp lý, nhận dạng ở một số bệnh viện, trường học và máy rút tiền ATM ở một vài nước châu Á nhưng tốc độ thương mại hóa rất chậm chạp. Kể từ nay, mọi việc bắt đầu thay đổi. Ở Thụy Điển, chỉ trong 1 tuần, hệ thống của Quixter đã triển khai cho 15 cửa hàng và tiệm ăn xung quanh đại học Lund, nơi hãng đã phát triển công nghệ này. Ở Mỹ, hãng PulseWallet, mới đổi tên thành Biyo, đang thương mại hóa công nghệ bằng “ví tiền số” – một thiết bị đầu cuối thanh toán quét mạch máu bàn tay khách hàng. Fredrik Leifland, nhà sáng lập Quixter tuyên bố rằng quét mạch máu là chống được giả mạo. Ông nói trong buổi họp báo công bố thiết bị quét: “ Mẫu mạch máu của mỗi cá nhân là hoàn toàn duy nhất nên không có cách nào để giả mạo trong hệ thống này”.
Willy Susilo, giáo sư máy tính của đại học Wollongong (Úc) nói trên tờ báo Sydney Morning Herald rằng, công nghệ nhận dạng quét vân tay sẽ sớm bị thay thế bởi công nghệ quét mạch máu. Tuy nhiên, giáo sư Kevin W.Bowyer, trưởng khoa kỹ thuật máy tính của đại học Notre Dame (Mỹ) không tin chắc như vậy. Ông cho rằng, ở giai đoạn hiện nay, chưa đủ nghiên cứu chắc chắn sẽ không có lỗ hổng bảo mật trong nhận dạng dựa trên phương pháp quét mạch máu. Tất cả những hình ảnh quét mống mắt, mạch máu bàn tay sẽ trở thành mẫu sinh trắc (template), được mã hóa và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của hệ thống máy tính để so sánh với hình ảnh quét khi cần nhận dạng cá nhân. Có gì đảm bảo rằng những mẫu này được bảo mật tốt hơn những mật khẩu bằng ký tự được mã hóa? Tuy nhiên, Bowyer phản biện lại “Tấn công vào mật khẩu ký tự có thể dựa trên cơ sở dữ liệu về các mật khẩu thông dụng hoặc phán đoán … Kiểu tấn công này khó hơn nhiều đối với mẫu sinh trắc vì bản thân nó là thứ hoàn toàn ngẫu nhiên”. Ngoài ra, còn nhiều lo ngại về bảo mật sinh trắc như quyền riêng tư khi mẫu sinh trắc của bạn bị các công ty, tổ chức và cá nhân lạm dụng sai mục đích. Khi đó, bạn chẳng thể thay đổi mẫu sinh trắc của bạn như khi bạn thay đổi mật khẩu bằng ký tự như hiện nay.
(Theo Motherboard.vice.com)