Quy hoạch vùng nguyên liệu để phát triển nghề truyền thống
Tình trạng thiếu nguyên liệu kéo dài đang khiến nhiều làng nghề khó khăn. Vấn đề quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, kết nối các vùng nguyên liệu với các làng nghề và chuyển giao khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu phát triển đang đặt ra cấp thiết.
Khó mở rộng sản xuất vì thiết hụt nguyên liệu
Hiện nay, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có khoảng 2.008 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận (bao gồm 1.356 làng nghề và 652 làng nghề truyền thống). Doanh thu của các làng nghề là 75.720 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1,58 triệu lao động với thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/ năm.
Bên cạnh đó, ngành nghề nông thôn cũng có 808.201 cơ sở sản xuất, kinh doanh, giảm 4.705 cơ sở so với năm 2020; doanh thu khoảng 202.391 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động, tăng 1,45 triệu lao động so năm 2020 với thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/ người/ năm.
Theo đánh giá của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tiềm năng phát triển của các ngành nghề thủ công tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Thị trường thế giới đánh giá cao các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre, lụa và gốm sứ của Việt Nam. Xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu năm qua đã đạt khoảng 3,3 tỷ USD (trong đó, xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ là 1,08 tỷ USD; gỗ mỹ nghệ 0,03 tỷ USD, sản phẩm gốm sứ 0,71 tỷ USD...).
Hiện nay, các vùng nguyên liệu tập trung thiếu quy hoạch, bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác và chịu áp lực về đất đai do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tổng nhu cầu về nguyên liệu cho các làng nghề vẫn rất cao, trong khi đó việc chưa hình thành được vùng trồng quy mô lớn. Các quốc gia nhiều nguồn nguyên liệu thô như Lào, Indonesia… cấm xuất khẩu nên các doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguyên liệu thô trầm trọng.
Chất lượng nguồn nguyên liệu thô của Việt Nam cũng là một vấn đề đáng bàn, vì không phải nguyên liệu nào cũng phù hợp để phát triển kinh tế. Nguyên liệu cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mới có thể đưa vào làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hướng tới xuất khẩu ra thế giới.
Thực trạng hiện nay của các làng nghề Việt Nam là chỗ sản xuất một nơi, vùng nguyên liệu một nẻo. Các làng nghề sản xuất tập trung chủ yếu ở Đồng bằng Sông Hồng (chiếm 43,4%), tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ (chiếm 35,5%) và Nam Trung Bộ (10,8%), trong khi đó vùng nguyên liệu lại chủ yếu ở các tỉnh phía Tây Bắc và các tỉnh miền Trung.
Hai khu vực này không được liên kết với nhau gây khó khăn cho sản xuất, quản lý và đảm bảo chất lượng. Việc diện tích rừng tre, nứa phân bố chủ yếu ở khu vực đồi núi cao, đường xá đi lại khó khăn cũng khiến cho việc khai thác, thu mua, vận chuyển đến nơi chế biến gặp nhiều thách thức và tốn nhiều chi phí.
Đồng bộ giải pháp phát triển vùng nguyên liệu
Rõ ràng, việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo cả chất và lượng là yêu cầu đặt ra hiện nay, nhưng đó là giải pháp cần thời gian để triển khai đồng bộ.
Câu chuyện tại xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là một ví dụ điển hình khi cây chuối đang mang lại sự cải thiện sinh kế cho người dân nơi đây, trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. 4 năm trở lại đây, xã Khai Thái trở nên nhộn nhịp hơn khi bà con trong xã có thêm nghề mới - sản xuất sợi từ thân cây chuối. Từ việc chủ động xây dựng vùng chuyên canh cây chuối rộng hàng trăm hecta sẵn có, người dân cùng nhau tận dụng thân chuối sau khi thu hoạch buồng, tách thành sợi chuối dẻo dai.
1 tấn thân chuối trung bình thu được 10 - 15 kg sợi chuối - sau khi phơi khô, tết, bện thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, giá trị kinh tế được nâng lên nhiều. Sản phẩm từ sợi chuối của Khai Thái được xuất khẩu tới nhiều thị trường như Anh, Mỹ, châu Âu…, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 40 lao động.
Theo ông Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc Công ty Ngọc Động (Hà Nam), một doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong chế biến hàng mây tre đan, vùng nguyên liệu là một yếu tố sống còn với các doanh nghiệp cũng như người dân các ngành nghề truyền thống; song vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong kết nối giữa người trồng, doanh nghiệp chế biến với doanh nghiệp xuất khẩu.
Chính vì vậy, các công ty, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cấp các loại chứng chỉ cho vùng nguyên liệu bền vững, hỗ trợ giống cho người dân và doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đường đi để thuận tiện khai thác vùng nguyên liệu và thu mua chế biến nguyên liệu tại chỗ cũng như phối hợp đào tạo, chuyển giao công nghệ cho người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, hiện nay các vùng nguyên liệu khai thác tự nhiên ngày càng cạn kiệt và khó khai thác do không có kế hoạch và chịu áp lực từ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Ngoài ra, các địa phương chưa dành quỹ đất để xây dựng vùng nguyên liệu, khoa học công nghệ phục vụ sản xuất còn hạn chế, chưa có sự liên kết với chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Thứ trưởng đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm định hướng phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với nhà máy sơ chế, chế biến nên tập trung vào công tác nghiên cứu giống, tổ chức lại sản xuất, liên kết với doanh nghiệp, tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ…