Quy tắc mới cho các giao dịch thương mại số

Gia Bách| 10/10/2021 09:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Điều kiện tiên quyết để thực hiện giao dịch thương mại số là phải có luật giao dịch điện tử được công nhận về mặt pháp lý giữa các hình thức giao dịch.

Các cập nhật liên quan đến luật về thương mại điện tử toàn cầu

Tại Việt Nam, ở thời điểm hiện tại, Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và đang trong quá trình thực hiện việc lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. 

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo bổ sung quy định về giá trị pháp lý của các phương thức xác thực, định danh điện tử (mã OTP, sinh trắc học…); sửa đổi các quy định về thông điệp dữ liệu an toàn; bổ sung quy định về dịch vụ tin cậy và nhà cung cấp dịch vụ tin cậy; bổ sung các quy định về việc thực hiện thủ tục hành chính của tổ chức với cơ quan nhà nước. Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng tất cả các tổ chức, doanh nghiệp (DN) có hoạt động trong hoặc liên quan đến lĩnh vực giao dịch điện tử.

Vậy trên bình diện thế giới, các luật lệ liên quan đến giao dịch điện tử đang được xây dựng như thế nào, và kinh nghiệm trong việc xây dựng luật này ra sao? Thật trùng hợp, sau nhiều tháng tham khảo ý kiến rộng rãi của các thành viên, Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) - tổ chức đại diện kinh doanh lớn nhất, tiêu biểu nhất thế giới với hàng trăm nghìn thành viên ở hơn 130 quốc gia, có lợi ích trải rộng khắp mọi lĩnh vực của DN tư nhân - vừa công bố Bộ quy tắc thống nhất cho các giao dịch thương mại kỹ thuật số (Uniform Rules for Digital Trade Transactions - URDTT). URDTT sẽ đóng vai trò như một khuôn khổ tổng thể cho một môi trường thương mại hoàn toàn kỹ thuật số trong tương lai.

Sự thay đổi lập pháp liên quan đến thương mại điện tử (TMĐT) cũng đang được tiến hành ở một số khu vực pháp lý, với việc Ủy ban Luật pháp của Anh và xứ Wales đã công bố vào đầu năm nay, đây là những cải cách được đề xuất nhằm công nhận pháp lý cho các phiên bản điện tử của các tài liệu thương mại. Gần đây các quan chức phụ trách về công nghệ và kỹ thuật số của G7 cũng đã công nhận hồ sơ điện tử có thể chuyển nhượng trong các giao dịch thương mại quốc tế. Và Singapore cũng đã thông qua Luật mẫu UNCITRAL về hồ sơ điện tử có thể chuyển giao (MLETR).

ICC công bố các quy tắc mới cho các giao dịch thương mại kỹ thuật số - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Những kinh nghiệm quý báu từ ICC

Các quy tắc áp dụng cho mỗi bên tham gia vào giao dịch thương mại kỹ thuật số, mà ICC định nghĩa là một quy trình, theo đó hồ sơ điện tử được sử dụng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ cơ bản, và việc phát sinh nghĩa vụ thanh toán.

Với khuôn khổ mới này, URDTT được ICC công bố, nhằm mục đích thiết lập một bộ nguyên tắc được hiểu và chấp nhận phổ biến để giải quyết sự không chắc chắn vốn liên quan đến các giao dịch thương mại kỹ thuật số lâu nay, chẳng hạn như cách các bên có thể xuất trình hồ sơ điện tử để làm bằng chứng cho nghĩa vụ mua bán hoặc thanh toán hàng hóa, cách dữ liệu điện tử liên quan các giao dịch thương mại kỹ thuật số phải khớp, và điều gì sẽ xảy ra nếu không khớp.

URDTT được khởi xướng từ tháng 12/2018, với bản dự thảo đầu tiên được gửi tới các ủy ban quốc gia của ICC vào cuối năm 2019. Kể từ đó, nhóm soạn thảo, do David Hennah, người đứng đầu về chuỗi cung ứng thương mại và tài chính toàn cầu tại Intellect Design Arena, và Geoffrey Wynne, đối tác tại Sullivan đồng chủ trì, đã thực hiện 6 bản dự thảo sau khi tham khảo hơn 1.500 ý kiến nhận được từ các ủy ban quốc gia, trước khi phát hành phiên bản cuối cùng trong tháng 10/2021 này.

Daniel Cotti, Giám đốc tại Marco Polo Network cho biết: "Thay vì tập trung vào ngân hàng, URDTT được viết cho tất cả những ai tham gia vào thương mại toàn cầu với phạm vi rộng hơn so với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Do đó, phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến để mọi người đồng thuận về các quy tắc độc lập này".

Theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), luật về giao dịch điện tử trên toàn thế giới đã được 158 quốc gia (81%) thông qua, trong đó 68 quốc gia đang phát triển, và 30 nước là các quốc gia kém phát triển.

Trong khi hầu hết các quốc gia châu Âu (44 trong số 45 quốc gia), châu Mỹ (91%) có luật giao dịch điện tử thì ở châu Phi chỉ có 61%.

Tuy nhiên, không phải tất cả các ủy ban quốc gia đều ủng hộ việc áp dụng phiên bản cuối cùng của URDTT, với một số nước - bao gồm cả Mỹ - họ đã bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu chống, với lý do, các quy tắc này chưa sẵn sàng để thương mại hóa, và có nguy cơ có thể chúng sẽ không phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trong một tuyên bố, ICC cho biết: "Nhóm có trách nhiệm soạn thảo bộ quy tắc đầu tiên đã hoàn thành nhiệm vụ. Giai đoạn quan trọng tiếp theo của quy trình sẽ là thực hiện và thương mại hóa. Để đạt được mục đích đó, một nhóm thương mại hóa đã được thành lập với nhiệm vụ cung cấp các chương trình đào tạo cần thiết để khuyến khích và đẩy nhanh sự chấp nhận bộ quy tắc này trên toàn cầu. Đây là quy trình đã được thống nhất ngay từ đầu".

Ủy ban Ngân hàng ICC đã phê duyệt và ban hành các quy tắc điện tử để thúc đẩy quá trình số hóa các hoạt động tài trợ thương mại, phát hành các bổ sung điện tử cho "Quy tắc thống nhất về nhờ thu" (URC 522), và "Quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ được áp dụng đối với phương thức thanh toán quốc tế tín dụng chứng từ" (UCP 600).

Điều làm cho URDTT khác với URC và UCP là eURC và eUCP thiết lập các quy tắc cho hồ sơ điện tử - chẳng hạn như hình ảnh được quét - liên kết với các sản phẩm tài trợ thương mại hiện có và không được kỹ thuật số hóa hoàn toàn do sự phụ thuộc vào các quy trình đối chiếu thủ công. URDTT dự kiến các giao dịch được chứng minh theo cách được số hóa hoàn toàn.

ICC cũng cho biết họ đã học được từ những thất bại trong quá khứ - đặc biệt là Bộ quy tắc thống nhất về nghĩa vụ thanh toán ngân hàng (URBPO) khi soạn thảo các quy tắc mới. "URBPO được viết cho các ngân hàng. Và nó đã thất bại vì Bộ quy tắc này không hiểu rằng, các công ty muốn nghĩa vụ thanh toán có lợi cho họ chứ không phải là có lợi cho ngân hàng". Wynne nói.

Ngoài ra, URDTT là các tiêu chuẩn và công nghệ bất khả tri và không phụ thuộc vào một nền tảng duy nhất - như trường hợp của URBPO, dựa trên tiện ích dịch vụ thương mại (TSU) của Swift - Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế.

Lắng nghe ý kiến DN

Mặc dù nhóm soạn thảo URDTT bao gồm các đại diện của cộng đồng tài trợ thương mại, nhưng Wynne nhấn mạnh rằng quan điểm của các DN đã được xem xét ở tất cả các giai đoạn: "Chúng tôi đã có một bản tóm tắt, ở đó viết ra những quy tắc mà các công ty sẽ sử dụng. Vì vậy, nó có phù hợp với các DN không? Chắc chắn rồi. Các công ty đã đóng góp ý kiến cho các ủy ban quốc gia của ICC; chúng tôi biết các công ty muốn gì".

"Các DN đang muốn hai điều: Một, họ muốn thấy các giao dịch thương mại diễn ra bằng kỹ thuật số dễ dàng hơn. Hai là không phải soạn lại hợp đồng. Bạn bán hàng, bạn cung cấp dịch vụ, theo cách bạn thường làm. Và bạn làm điều đó hầu hết là trên giấy. ICC nhận ra rằng, hiệu suất trong giao dịch thương mại bao gồm hai phần, người bán thực hiện giao hàng, và người mua trả tiền. Nếu bạn muốn chứng minh màn trình diễn đó bằng một bản ghi điện tử, thì đây là các quy tắc dành cho nó".

Việc công bố URDTT là động thái mới nhất trong một loạt các động thái nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tthương mại số hóa trong tương lai.

Daniel Cotti cho biết: Với sự chắc chắn về mặt pháp lý toàn cầu đối với hồ sơ điện tử, URDTT sẽ "giúp chúng tôi với tư cách là một ngành bán các giao dịch thương mại kỹ thuật số cho các DN". URDTT sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn nhiều so với những gì mọi người có thể thấy vào lúc này. Bởi vì nó mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý cho người mua và người bán, điều mà cho đến nay họ vẫn chưa có. Đó là điều quan trọng".

Tài liệu tham khảo:

1. https://unctad.org/page/e-transactions-legislation-worldwide.

2. http://vibonline.com.vn/du_thao/du-thao-de-nghi-xay-dung-luat-giao-dich-dien-tu-sua-doi.

3. https://www.gtreview.com/news/fintech/icc-publishes-new-rules-for-digital-trade-transactions/


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quy tắc mới cho các giao dịch thương mại số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO