Quyền riêng tư trong hiến pháp năm 2013 và các biện pháp bảo đảm bằng pháp luật (P1)

03/11/2015 20:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Quyền riêng tư có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử và nó sơ khai xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước, trong xã hội chiếm hữu nô lệ và phát triển cho đến ngày nay. Quyền riêng tư được chính thức ghi nhận lần đầu tiên trong Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 (Universal Declaration of Human Rights).

1.NHỮNG NÉT KHÁI QUÁT CHUNG VỀ QUYỀN RIÊNG TƯ

Quyền riêng tư đã trở thành một trong những quyền con người quan trọng nhất của thời hiện đại; các vấn đề về quyền riêng tư đã được Liên hiệp quốc công nhận là quyền con người cần được bảo vệ. Các nước phát triển đã ban hành đạo luật về quyền riêng tư hoặc các văn bản điều chỉnh vấn đề này nhằm bảo vệ quyền thiêng liêng của con người.

Quyền riêng tư có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử và nó sơ khai xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước, trong xã hội chiếm hữu nô lệ và phát triển cho đến ngày nay. Quyền riêng tư được chính thức ghi nhận lần đầu tiên trong Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 (Universal Declaration of Human Rights). Tiếp đó, quyền riêng tư được ghi nhận trong rất nhiều công ước quốc tế như trong Điều 8 Công ước về bảo vệ nhân quyền và những quyền tự do cơ bản năm 1950; Điều 17 "Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị năm 1966“ và trong một số công ước khác của Liên hiệp quốc.

Quyền riêng tư cũng được thừa nhận trong các công ước quốc tế khu vực như Điều 8 Công ước Nhân quyền châu Âu (European Convention on Human Rights 1950) và quy định việc thành lập Ủy ban Nhân quyền châu Âu và Tòa án Nhân quyền châu Âu để giám sát việc thực hiện. Điều 11 Công ước Nhân quyền châu Mỹ cũng đưa ra các quyền riêng tư với nội dung tương tự như bản Tuyên ngôn năm 1948. Năm 1965, Tổ chức các nước châu Mỹ ban hành Tuyên bố châu Mỹ về Quyền và trách nhiệm của con người, trong đó kêu gọi bảo vệ quyền con người bao gồm bảo vệ quyền riêng tư.

Ngoài ra, có hai văn bản quốc tế quan trọng chi phối pháp luật về quyền riêng tư của nhiều nước là: Công ước của Hội đồng châu Âu năm 1981 về bảo vệ cá nhân đối với việc xử lý tự động của dữ liệu cá nhân (COE) và Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) về Bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân giữa các quốc gia. Hai văn bản trên có ảnh hưởng sâu sắc đến việc ban hành pháp luật trên thế giới. Đã có gần 30 quốc gia ký Công ước COE. Các hướng dẫn của OECD cũng được sử dụng rộng rãi trong luật pháp các nước ngay cả các nước không phải là thành viên OECD. Hầu như các nước đều công nhận quyền riêng tư như là một trong các quyền cơ bản, quan trọng và thiêng liêng nhất của con người, như tại Pháp người ta ghi nhận với tên "Droit à la vie privée“, tại Mỹ là "Right to privacy", tại Đức là “Recht auf Privatsphäre”, tại Nga là “право прайвеси ”… đều có nghĩa là quyền riêng tư.

Như vậy, quyền riêng tư đã được công nhận trên toàn thế giới với các khu vực đa dạng về nền văn hóa. Đa số các nước đều xác định quyền riêng tư trong Hiến pháp. Quy định tối thiểu nhất là quyền bất khả xâm phạm về nơi ở và bí mật thông tin liên lạc. Gần đây, một số Hiến pháp các nước quy định cụ thể về quyền tiếp cận và kiểm soát thông tin cá nhân.

Năm 2004, Tổ chức Bảo mật Quốc tế và Trung tâm bảo mật thông tin điện tử có báo cáo "Quyền riêng tư và nhân quyền" với nội dung công bố về sự phát triển của pháp luật về bảo vệ sự riêng tư ở 50 quốc gia từ năm 1997. Theo đó, quyền riêng tư có các nội dung cơ bản sau:

-Sự riêng tư về thông tin cá nhân: bao gồm việc ban hành các quy tắc quản lý trong việc thu thập và xử lý các dữ liệu cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân đó. Nó còn được gọi là "bảo vệ dữ liệu".

-Sự riêng tư về cơ thể: liên quan đến việc bảo vệ thân thể (vật chất) của người dân đối với hình thức xâm hại như xét nghiệm di truyền, thử nghiệm ma túy và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể.

-Sự riêng tư về thông tin liên lạc: bao gồm bảo mật và riêng tư về thư từ, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác.

-Sự riêng tư về nơi cư trú: liên quan đến việc ban hành các giới hạn đối với sự xâm nhập vào môi trường sống của cá nhân, nơi làm việc hoặc không gian công cộng. Điều này bao gồm tìm kiếm thông tin, theo dõi bằng video và kiểm tra giấy tờ tùy thân.

Như vậy, khái niệm quyền riêng tư đã ra đời và phát triển khá lâu trước khi được chính thức công nhận là một quyền cơ bản trong các điều ước quốc tế cũng như trong Hiến pháp của các quốc gia và hiện nay, quyền này đang định hình, khẳng định vai trò của nó trong hệ thống các quyền nhân thân của công dân.

2.PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BẢO VỆ QUYỀN RIÊNG Tư VÀ THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH XÂM PHẠM QUYỀN RIÊNG TƯ

2.1.Pháp luật hiện hành của Việt Nam nói chung và pháp luật chuyên ngành thông tin - truyền thông về bảo vệ quyền riêng tư

Quyền riêng tư là một trong những quyền nhân thân cực kỳ quan trọng đối với mỗi cá nhân, đã trở thành một nguyên tắc hiến định ở nước ta. Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta đã quy định: "Tư pháp chưa quyết đính thì không được bắt bớ và giam cầm công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật" (Điều 11). Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) lại một lần nữa nhấn mạnh điều này: "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm." ( Điều 71); “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp pháp luật cho phép. Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở,, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy đỉnh của pháp luật." (Điều 73).

Trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013, vấn đề quyền con người, quyền công dân được quy định trong Chương II với nhiều điểm mới và tiến bộ. Vấn đề quyền con người được hiến định trong bản Hiến pháp mới có điểm nổi bật so với bản Hiến pháp năm 1992, quyền con người, quyền công dân luôn được đặt lên hàng đầu. Quyền con người không chỉ được bảo vệ ở Việt Nam, mà còn bảo vệ quyền con người đối với những người nước ngoài sống trên đất nước Việt Nam, nghĩa là quyền con người đã được mở rộng hơn quyền công dân. Quyền con người ghi trong Hiến pháp sửa đổi thể hiện sự tôn trọng các quyền cơ bản được quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Để đảm bảo quyền riêng tư, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: "(1) Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đinh; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của minh. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đỉnh được pháp luật bảo đảm an toàn. (2) Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hỉnh thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hỉnh thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác".

Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng quy định cụ thể Quyền bí mật đời tư tại Điều 38 như sau: "Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ". Người làm lộ bí mật đời tư của người khác với tính chất nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác" tại Điều 125. Điều 8 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định "Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy đính của Bộ luật này". Pháp luật mới chỉ quy định trường hợp được khám thư tín, điện tín tại Điều 140 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó quy định khi cần phải thu thập tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì có thể khám thư tín, điện tín. Việc khám xét trong trường hợp này cũng cần phải có lệnh của người có thẩm quyền và phải được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Để bảo đảm quyền riêng tư, các văn bản pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cũng có quy định tương đối cụ thể:

Luật Báo chí quy định "Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân" tại Điều 2; "Báo chí không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân" tại khoản 4 Điều 10 và "Báo chí khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả..." quy định Điều 9 (đã được sửa đổi bổ sung bằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999).

Luật Bưu chính tại Điều 7 quy định rõ các hành vi bị cấm: "Chiếm đoạt, trộm cắp bưu gửi; tráo đổi nội dung bưu gửi; tiết lộ thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính, bóc mở, huỷ bưu gửi trái pháp luật...".

Luật Viễn thông quy định về bảo đảm bí mật thông tin tại Điều 6: "Thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng của mọi tổ chức, cá nhân được bảo đảm bí mật. Việc kiểm soát thông tin trên mạng viễn thông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông". Luật Viễn thông quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông tại Điều 12: "Cấm thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin liêng của tổ chức, cá nhân khác. Cấm đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...". 

Luật Công nghệ thông tin cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 12, theo đó: "Cấm cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích: Tiết lộ những bí mật đã được pháp luật quy đính; Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân...".

Dự thảo Luật An toàn thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì soạn thảo đang được gấp rút hoàn thiện, theo đó sẽ có các quy định về nguyên tắc cơ bản trong bảo đảm quyền riêng tư: Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên mạng không được xâm phạm an toàn thông tin của tổ chức, cá nhân khác; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin khi xử lý sự cố thông tin phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, không xâm phạm đến bí mật đời tư của cá nhân... Bên cạnh đó, các văn bản dưới luật quy định chi tiết, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nói riêng và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực liên quan cũng đã quy định cụ thể chế định, chế tài xử lý tương đối nghiêm khắc với các hành vi xâm phạm quyền riêng tư.

Có thể thấy, những quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về bảo vệ quyền riêng tư đã tương đối đầy đủ và phù hợp. Theo Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, khi đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, có đại biểu với quan điểm tiến bộ đã trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng dự án Luật bảo vệ quyền riêng tư.

Trên thực tế, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trên lĩnh vực bảo vệ quyền con người, trong đó việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam luôn xác định và nỗ lực nêu cao tinh thần, trách nhiệm gương mẫu trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền riêng tư.

Đinh Tiến Dũng

(còn nữa)

(TCTTTT Kỳ 1/6/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quyền riêng tư trong hiến pháp năm 2013 và các biện pháp bảo đảm bằng pháp luật (P1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO