Chia sẻ tại sự kiện, ông Đinh Trần Tuấn Linh, người sáng lập TUVA Communication, phụ trách công nghệ cho dự án Goodvertisings in Vietnam, cho biết, ý tưởng ra mắt sản phẩm khi ông cảm thấy rất khó chịu vì con mình xem YouTube với ngập tràn các quảng cáo khác nhau, trong đó không phải cái nào cũng phù hợp cho lứa tuổi trẻ em.
Ngoài ra, trẻ em hiện nay đang sống trong rất nhiều định kiến của xã hội, nhất là về giới tính, khi quy định những điều con trai và con gái phải làm. Do đó, ông Linh cho rằng, phải làm sao để trẻ em có thể thoát ra khỏi những định kiến này. "Đó là lý do tại sao tôi và đội ngũ Goodvertisings đã xây dựng ra một giải pháp để thay đổi tình trạng này", ông Linh lý giải.
Hiện nay, mỗi người sử dụng Internet ở Việt Nam đang dành khoảng từ 6,5 - 7 giờ/ngày để truy cập mạng và trong quãng thời gian này sẽ có hàng trăm quảng cáo xuất hiện. Mặc dù rất dễ để khán giả "ném đá" một quảng cáo "vật hóa" phụ nữ (những bình phẩm ác ý về phụ nữ, so sánh họ với đồ vật, đồ ăn, là mặt hàng có thể mua bán hoặc trao đổi khi không hài lòng) hay quay lưng với một nhãn hàng cổ súy bạo lực gia đình nhưng, định kiến giới, khuôn mẫu giới trong quảng cáo lại thường không đơn thuần hiện hữu như vậy, chúng tồn tại và ngầm ẩn ở nhiều tầng bậc khác nhau, cả về tổng thể và chi tiết.
Để giải quyết vấn đề này, TUVA Communication đã kết hợp với UNIKON để cho ra mắt bộ công cụ nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích và đề xuất ra những giải pháp cho quảng cáo hiện tại trên mạng Internet. Từ đó có thể kêu gọi cộng đồng làm marketing cũng như các nhãn hàng phản ứng thực tế cuộc sống đa dạng hơn, có góc nhìn mới về giới trẻ và bình đẳng giới.
Bộ công cụ là một cỗ máy tiếp nhận, mã hoá và phân tích dữ liệu được thực hiện phần lớn dựa trên nội dung trực quan và hình ảnh quảng cáo trên YouTube, tivi, báo điện tử, radio… và tìm ra các "sạn" về bất bình đẳng giới. Đội ngũ phát triển sử dụng kết hợp giữa phân tích thủ công và phân tích bằng công cụ Goodvertisings theo nhóm tiêu chí về nhạy cảm giới và đa dạng từ các chuyên gia
Sản phẩm sẽ tiếp nhận quảng cáo từ người dùng mà họ cảm thấy có vấn đề về bình đẳng giới. Sau đó công cụ sẽ phân tích quảng cáo tự động thông qua việc ứng dụng AI đã được huấn luyện và kiểm tra bởi "lăng kính" của các chuyên gia, để nhận biết các dấu hiệu nhạy cảm giới. Cuối cùng, nhóm dự án sẽ xuất bản các báo cáo đánh giá mức độ nhạy cảm giới của quảng cáo, đưa ra các thống kê định kỳ trên các dữ liệu quảng cáo theo từng tháng/quý/năm để xem các chỉ số nhạy cảm giới trên thị trường quảng cáo được cải thiện như thế nào.
"Chúng tôi hi vọng sẽ xây dựng một cộng đồng các bạn trẻ để có thể tác dụng ngược lại khiến các nhà quảng cáo quan tâm hơn đến vấn đề bình đẳng giới", ông Linh nói.
Đội ngũ phát triển cũng mong muốn sẽ có thêm các "lăng kính" khác nhau về bạo lực gia đình, LGBT… để có thể tự động phát hiện ra các quảng cáo có "sạn"về các vấn đề khác nhau.
Bộ công cụ sử dụng AI để phân tích quảng cáo dựa trên kỹ thuật cắt cảnh và áp dụng khung tiêu chí được đề ra thông qua các nghiên cứu quy mô. Ngay sau khi đưa quảng cáo vào công cụ, người dùng có thể nhận được ngay một bản báo cáo sơ bộ về điểm nhạy cảm giới của quảng cáo vừa quét. Người làm quảng cáo cũng biết được số điểm cụ thể trong từng tiêu chí để phát hiện ra vấn đề, cân nhắc thay đổi về mặt tổng thể hay chi tiết để đáp ứng được độ nhạy cảm giới cao hơn, đồng thời, hạn chế đến tối đa khả năng gặp khủng hoảng cho nhãn hàng.
Để phát hiện ra những điều ấy, bộ công cụ sử dụng thước đo đánh giá trên các khía cạnh: Bối cảnh quảng cáo; "Vật hoá" phụ nữ; Thể hiện giới của diễn viên qua màu sắc trang phục; Phân phối nam-nữ trong từng bối cảnh cụ thể vai trò nam-nữ (nghề nghiệp, công việc, hành động cụ thể…)
Tùy thuộc vào điểm phân tích, quảng cáo sẽ được xếp vào khung đánh giá và đưa ra kết luận về mức độ nhạy cảm giới, đồng thời nhận được những khuyến nghị từ đội ngũ Goodvertisings để cải thiện độ nhạy cảm giới trong các sản phẩm tiếp theo. Bộ công cụ kỳ vọng sẽ giúp những nhãn hàng, những người làm quảng cáo có cơ sở để thực hiện và thay đổi các quảng cáo có độ nhạy cảm giới cao.
Đồng thời, bộ công cụ hứa hẹn sẽ là một bước tiến mới để kéo gần hơn những kỳ vọng của người hoạt động xã hội với nhãn hàng và agency - những người có đủ động lực và năng lực trong việc thay đổi định kiến xã hội thông qua các sản phẩm truyền thông.
Thông qua đánh giá 45 quảng cáo Tết năm 2022, sử dụng cả công nghệ goodvertisings Tool lẫn phân tích thủ công thuộc 12 ngành hàng, bà Trần Hương Ly, chuyên gia về giới tại CARE quốc tế tại Việt Nam cho biết tổng quan về thang mức độ nhạy cảm giới thì có 60% quảng cáo Tết 2022 thuộc ở mức trung lập về giới, 11% đạt nhạy cảm giới và không có quảng cáo về tiến bộ về giới.
Trong những quảng cáo đã xuất hiện những xu hướng tích cực nhưng còn tồn tại định kiến sự dập khuôn về vai trò phụ nữ và nam giới. Ví dụ như số lượng quảng cáo để nam giới ở vai trò lãnh đạo và chuyên gia nhiều gấp đôi số quảng cáo để phụ nữ ở vị trí này, sự hiện diện lao động phổ thông nam nhiều gấp 4 lần phổ thông lao động nữ, khuôn mẫu "đàn bà xây tổ ấm" xuất hiện thường xuyên, và quảng cáo có nam giới chăm sóc con cái so với phụ nữ thì sự chênh lệch vẫn còn lớn./.