Nội dung cuốn sách tập hợp các bài tham luận dự Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: "Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay" của các nhà nghiên cứu, quản lý, đội ngũ văn nghệ sĩ vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành.
Với gần 700 trang sách, được chia làm 03 phần, cuốn sách đã khái quát bức tranh chung của đời sống phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam trong những năm qua và đi sâu đánh giá thực trạng hoạt động phê bình trong từng lĩnh vực: văn học, âm nhạc, điện ảnh, múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật…
Đồng thời, nêu lên những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến thành tựu và hạn chế, đồng thời đề xuất những giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.
Có thể thấy rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và tạo điều kiện cho hoạt động lý luận, phê bình để thúc đẩy sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhờ vậy hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã phát huy vai trò định hướng giá trị xã hội, định hướng sáng tác, là cầu nối giữa sáng tạo và tiếp nhận, tác động sâu sắc đến thị hiếu của công chúng văn nghệ.
Các cây bút phê bình luôn đồng hành cùng hoạt động sáng tác, phân tích, đánh giá những giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm; dự báo, cổ vũ những xu hướng phát triển lành mạnh, đúng đắn, đồng thời cảnh báo, đấu tranh với những xu hướng, quan điểm sai trái, cực đoan trong đời sống văn học, nghệ thuật, góp phần bảo vệ, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
Các bài viết trong cuốn sách cũng đã cho thấy bức tranh khá đầy đủ và toàn diện về thực trạng của hoạt động phê bình trong tất cả các lĩnh vực của văn học và nghệ thuật.
Các bài viết đã khẳng định, đời sống văn học, nghệ thuật đang vận động với diện mạo phong phú, đa dạng, đan xen cả ưu điểm và hạn chế, chứa đựng nhiều vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết đến sự vận động và phát triển của nền văn học, nghệ thuật hiện tại và tương lai.
Bên cạnh những dấu ấn và kết quả tích cực đã đạt được, phê bình văn học, nghệ thuật cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: sự thiếu hụt đội ngũ phê bình chuyên nghiệp, công tác đào tạo gặp nhiều khó khăn; môi trường sinh hoạt phê bình thiếu tinh thần khoa học, tranh luận và đối thoại, xuất hiện nhiều bài phê bình cảm tính, không có sức thuyết phục, khen chê dễ dãi "dĩ hòa vi quý"…
Từ thực trạng nêu trên, ở những bình diện và cấp độ khác nhau các bài viết đã tập trung lý giải những nguyên nhân cơ bản tác động, ảnh hưởng đến vai trò định hướng hoạt động thực tiễn và sáng tạo của phê bình văn học, nghệ thuật thể hiện ở một số khía cạnh sau:
Thứ nhất: hệ thống lý luận chuẩn mực, hệ thống tiêu chí đánh giá tin cậy làm thước đo cho phê bình văn học, nghệ thuật còn thiếu;
Thứ hai: cơ chế thị trường với những mặt trái cố hữu đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến các cây bút phê bình;
Thứ ba: sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc đến vai trò định hướng, làm triệt tiêu không khí đối thoại, tranh luận học thuật của phê bình văn học…
Với sự đầu tư nghiêm túc, tâm huyết của các tác giả, cuốn sách là một công trình khoa học có giá trị tham khảo tốt cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ;
Cập nhật tri thức và thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; là cơ sở để lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan tham khảo, ứng dụng trong thực tiễn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.