Rác thải nhựa - thách thức của các nước ASEAN
Một nghiên cứu do EEF công bố cho thấy, trong số 10 quốc gia có vấn đề về ô nhiễm chất thải nhựa, có đến 5 quốc gia tại khu vực ASEAN. Ở Việt Nam, đây là thách thức không nhỏ.
Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã và đang tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trong bối cảnh khu vực này nổi lên như một điểm nóng về ô nhiễm nhựa do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, cơ sở hạ tầng xử lý chất thải không đáp ứng kịp.
Tương tự như các nước ASEAN, bên cạnh những sáng kiến, giải pháp đổi mới tập trung sáng chế và thu gom nhựa, Việt Nam còn triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.
Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với việc bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon.
Trong Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.
Một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với việc sản xuất và nhập khẩu túi nilon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.
Tuy nhiên, để các nỗ lực hạn chế rác thải nhựa hiệu quả hơn, chắc chắn ASEAN cần có chiến lược chung xuyên quốc gia về rác thải nhựa với các mô hình kinh doanh sáng tạo hơn, cơ chế chính sách rõ ràng hơn để thực thi kinh tế tuần hoàn với khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ hơn, từ đó giảm thiểu rác thải nhựa một cách bền vững.
Xử lý ô nhiễm hóa chất, chất thải nhựa không chỉ một quốc gia mà cần hợp tác khu vực cùng giải quyết, cùng hướng tới cộng đồng ASEAN xanh hơn./.