Rèn luyện thói quen đọc sách từ trường học

Phượng| 16/11/2022 08:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Xây dựng một xã hội đọc sách không thể chỉ bằng trông chờ vào ý thức tự nguyện của các công dân, vì lợi ích của sách không đo đếm được cụ thể. Trong khi đó, có một công cụ tạo và thúc đẩy việc đọc sách rất hiệu quả là trường học, nơi có đủ thời gian để rèn thói quen đọc sách, có đủ điều kiện tạo ra động lực cho học sinh tìm đến sách.

Nhưng cách thiết kế chương trình học ở Việt Nam không khuyến khích học sinh và giáo viên đọc sách, ngoài sách tham khảo - hướng dẫn cách làm bài tập - đơn thuần là một thể loại khác của sách giáo khoa.

Chương trình học đóng khung theo giáo trình

Ngay như môn văn, môn học có thể và nên buộc học sinh phải đọc thêm trọn vẹn các tác phẩm văn học (thuộc loại sách dễ tìm thấy), cũng chỉ đóng khung trong các trích đoạn in trong sách giáo khoa, chưa nói đến việc yêu cầu học sinh đọc mở rộng ra các tác phẩm khác. Hay như môn sử, học sinh cũng chỉ được dạy theo giáo trình in sẵn. Đó là ví dụ với hai môn học giáo viên có thể yêu cầu học sinh đọc mở rộng một cách dễ dàng vì nguồn sách ở hai mảng này đa dạng và không quá khó tìm.  Mà không chỉ hai môn này, môn học nào cũng có sách mà giáo viên có thể yêu cầu học sinh đọc thêm để bổ trợ kiến thức, tăng niềm ham mê với việc học.

Đó là chưa kể, việc đọc thường xuyên sẽ kích thích nhu cầu đọc sách, dần dần tạo thành niềm ham thích đọc sách. Đọc sách là một thói quen phải rèn luyện lâu dài mới hình thành. Nhà trường chính là nơi có đủ thời gian để rèn luyện cho học sinh thói quen đọc sách, cung cấp cho học sinh cách đọc sách. Nhà trường cũng là nơi có đủ điều kiện để buộc học sinh phải đọc sách khi coi đọc sách là việc cần có để hỗ trợ quá trình học tập. Chắc chắn đọc không phải là đam mê sẵn có của nhiều người, nhất là khi đọc không phải là thú vui dễ dãi, mà hao tốn của người đọc khá nhiều năng lượng và thời gian. Trong thời đại có nhiều hình thức giải trí hấp dẫn và dễ dàng tiếp cận chỉ bằng chiếc điện thoại, lựa chọn sách trong giờ rảnh lại càng không phải là ưu tiên số một.

Khi nhà trường đóng khung chương trình dạy học, đã tạo ra lối học "vẹt", không kích thích học sinh đào sâu suy nghĩ, tìm tòi kiến thức bên ngoài để bổ trợ cho bài học của mình. Một phần của vấn đề tư duy một chiều, tiếp nhận thụ động, không hình thành được suy nghĩ phản biện bắt nguồn từ cách dạy và học này.

Học sinh mầm non tại Thanh Hóa được tiếp cận sách phù hợp với lứa tuổi

Học sinh mầm non tại Thanh Hóa được tiếp cận sách phù hợp với lứa tuổi

Giáo viên "cựa quậy" đưa sách vào lớp học

Cô giáo Nguyễn Thu Hà (trường THPT Võ Trường Toản, TP. HCM) khuyến khích học trò đọc hết một cuốn sách sẽ được thưởng một ly thức uống. Học trò ban đầu chỉ muốn đọc sách nhận quà, lâu dần các em thích thú sách và chủ động mang sách hay đóng góp với cô.

Hàng ngày, trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (Quận 7, TP. HCM) dành 20 phút cho học sinh đọc sách trước khi học các môn khác mỗi ngày. Tuy nhiên, học trò không hứng thú. Tìm cách thay đổi tình hình, cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Mỹ nghĩ ra "chiến dịch" mỗi tuần một cuốn sách, yêu cầu một học kỳ, mỗi em chia sẻ một cuốn sách. Học trò được tự chọn sách, mang đến lớp đọc vào giờ đọc sách, và phải đọc hết trong vòng 1 tháng. Sau đó, cô tổ chức thi thuyết trình sách trong giờ sinh hoạt lớp. Lâu dần, các em tự giác đọc và 20 phút đọc sách mỗi ngày trôi qua trong háo hức thay vì cảm giác mong chờ tiếng chuông reo hết giờ như trước đây.

Cuộc thi "lớn lên cùng sách" được tổ chức cho khối trung học cơ sở trường Đinh Thiện Lý vừa kết thúc vào ngày 11/11/2022. Học trò đã dành nhiều tâm huyết để thực hiện các sản phẩm dự thi sáng tạo và đa dạng như: bài viết, poster, tranh, thơ, nhạc… nhằm lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến mọi người.

Theo Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng, không nhiều người Việt Nam có thói quen đọc sách thường xuyên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, trong đó có việc thiếu yêu cầu đọc sách trong nhà trường. Việc đọc sách chỉ có thể trở thành thói quen khi hoạt động đọc được lặp đi lặp lại với một tần suất nhất định, trong một thời gian đủ dài, vì thế, sau khi tham khảo từ một số nước trong khu vực cũng như từ mô hình tiết đọc sách được triển khai thành công ở nhiều trường học tại Hà Nội và TP HCM, Hội Xuất bản Việt Nam đã đề nghị ngành giáo dục đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa. Khi tiết đọc sách trở thành yếu tố bắt buộc với thời lượng cụ thể, nhà trường và phụ huynh sẽ có nhận thức đầy đủ hơn về yêu cầu hình thành thói quen đọc cho trẻ. Tuy nhiên, tiết đọc sách không nên chỉ được mở ra để có thành tích báo cáo.

Lời kêu gọi đọc sách của Trường Đinh Thiện Lý

Lời kêu gọi đọc sách của Trường Đinh Thiện Lý

Cần phải nâng cao khả năng tự học, tự đọc của học sinh

Tại Mỹ, năm 2001, Bộ Giáo dục Mỹ điều tra và thống kê được 70% học sinh lớp 4 ở nước này gặp khó khăn về đọc. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Bush trình Quốc hội dự án cải cách giáo dục chứa đựng nhiều nội dung đổi mới, trong đó có việc kiểm tra khả năng đọc của học sinh từ lớp 4 đến lớp 8, chi riêng cho kế hoạch nâng cao trình độ đọc là 5 tỷ USD. Đọc được đánh giá cao, vì, với nhiều nhà giáo dục, ở mức độ sơ khởi, đọc là để tiếp nhận nội dung thông tin. Sau đó, người đọc học được nhiều điều từ việc đọc của mình, đó là cách diễn đạt, rèn luyện tư duy phản biện, phát triển tư duy.

Một nền giáo dục không thể nói là thành công nếu không phát triển được việc đọc của người học. Ở các nước phát triển, việc đọc được chú trọng trong trường học từ rất sớm, ngay khi trẻ bắt đầu đi học. Vì vậy, học sinh ở các lớp nhỏ đã có thể đọc được những tác phẩm rất khó.

Ví dụ, ở Đức, giáo viên quyết định việc đọc của học sinh. Từ lớp 8, học sinh Đức bắt đầu đọc các tác phẩm cổ điển. Lớp 9 trở lên, học sinh  phải đọc những tác giả cực kỳ khó đọc ngay cả với độc giả trưởng thành, là Goethe, Schiller,  Hoffmann, Büchner, Lessing, Fontane, Storm, Hauptmann, Schnitzler, Kafka, Brecht, Frisch, Suskind, Timm, Kelmann, Schlink, Grass... Sau đó, phải viết bài luận về các tác phẩm đã đọc.

Tại Pháp, Bộ Giáo dục Pháp quy định khá chặt chẽ danh mục các tác phẩm học sinh cần đọc. Ngay trong những bài học đầu tiên ở trường phổ thông, học sinh được giao bài tập, ví dụ: Hoàn thành một đoạn văn theo phong cách Moliere, theo phong cách Racine, theo phong cách của Voltaire... Không đọc sách của các tác giả này, học sinh không thể viết được bài luận. Thậm chí, để hoàn thành được một bài luận dày dặn, học sinh phải đọc không chỉ một cuốn sách mà là nhiều cuốn.

Còn tại Anh, kế hoạch dạy học quốc gia được Chính phủ xây dựng và sửa đổi vài năm một lần. Với môn văn, kế hoạch quy định những kỹ năng và kiến thức cần thiết mà học sinh cần nắm vững, như "học sinh phải đọc và hiểu ít nhất một vở kịch của Shakespeare, hoặc một cuốn tiểu thuyết thế kỷ XIX được xuất bản ở bất kỳ đâu, hay một tác phẩm kịch được viết sau năm 1914 ở Vương quốc Anh". Vương quốc Anh không có sách giáo khoa môn văn. Trên cơ sở kế hoạch dạy học quốc gia, giáo viên quyết định học sinh đọc gì.

Rèn luyện thói quen đọc sách từ trường học - Ảnh 3.

Các giáo viên tại Mỹ luôn khuyến khích học sinh đọc sách. Ảnh: The New York Times

Tại Mỹ, trường học lên danh mục các tác phẩm cần đọc trong năm học, ít nhất là 10 cuốn khác nhau về chủ đề. Môn văn ở Mỹ rất được chú trọng. Để được vào trường trung học, học sinh phải đáp ứng một số yêu cầu. Ví dụ: "Đọc và hiểu các tác phẩm văn học liên quan đến các thời đại, xã hội và khuynh hướng tư tưởng khác nhau", "biết trình bày ý tưởng của mình về các chủ đề khác nhau bằng văn bản", "biết lắng nghe và trò chuyện một cách hiệu quả trong các tình huống khác nhau" và "nắm được ngôn ngữ ở mức độ cần thiết để tiếp thu và chuyển tải những thông tin khác nhau". Học sinh phổ thông ở Mỹ đã có thể đọc "Lá cỏ" của Walt Whitman - một tập thơ tiêu biểu của văn học Mỹ không phải người đọc nào cũng thẩm được.

Bằng hình thức học bắt buộc học sinh phải đọc sách, trường học đã giáo dục được những thế hệ học sinh biết cách đọc sách, có thói quen đọc sách, học hỏi được nhiều điều từ sách để phát triển năng lực ngôn ngữ và tư duy, kiến thức nền tảng. Một xã hội có truyền thống đọc sách, tôn trọng sách đã được xây dựng bài bản từ chương trình giáo dục trong nhà trường như vậy./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Rèn luyện thói quen đọc sách từ trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO