Robot viết báo: Guardian đã "lừa dối người đọc"?

Huyền Thương| 16/10/2020 21:02
Theo dõi ICTVietnam trên

“Robot đã viết toàn bộ bài báo này. Sợ chưa, loài người?”! Đó là nhan đề một bài báo trên tờ báo nổi tiếng The Guardian của Anh, đang gây xôn xao dư luận và giới phóng viên, báo chí trên toàn thế giới. Nhan đề gốc của bài báo trên The Guardian là: “A robot wrote this entire article. Are you scared yet, human?”

Theo The Guardian, họ đã yêu cầu GPT-3 viết bài viết trên. "Phóng viên GPT-3" chính là trình tạo văn bản cực kỳ thông minh do công nghệ trí tuệ nhân tạo OpenAI của tỷ phú Elon Musk phát triển. Đề tài mà The Guardian giao cho robot GPT-3 viết là một bài luận thuyết phục con người rằng robot không hề gây hại gì cho loài người, không hề có ý gây hại loài người và robot đến với loài người một cách hòa bình.

"Phóng viên" GPT-3 là gì?

Như trên đã nói, GPT (viết tắt của Generative Pre-training Transformer) là một mô hình tạo văn bản trí tuệ nhân tạo (AI) do Alec Radford viết, sau đó được OpenAI của Elon Musk phát triển. Năm 2018, GPT chính thức ra mắt, sử dụng một mô hình ngôn ngữ tổng quát bao gồm hai mạng thần kinh tự cạnh tranh để hoàn thiện lẫn nhau. Chỉ dựa trên dữ liệu đầu vào hạn hẹp, GPT có thể tạo ra những đoạn văn bản hoàn chỉnh.

Tháng 2/2019, GPT-2 ra mắt với mức độ hoàn thiện cao hơn. Trước đó, Elon Musk đã từ chối công bố GPT-2 bởi ông lo ngại nó có thể được dùng để tạo ra tin giả đăng tải lên các mạng xã hội.

Tháng 5/2020, OpenAI chính thức trình làng GPT-3 với khả năng xử lý 175 tỷ tham số so với 1,5 tỷ của GPT-2. Điều này đồng nghĩa với việc GPT-3 thông minh hơn và có khả năng tạo ra văn bản không khác gì con người.

Và bài báo trên The Guardian chính là do GPT-3 viết ra. Theo phân tích về mặt công nghệ, khi đưa vào GPT-3 bất cứ tham số rời rạc nào nó cũng sẽ đưa ra một bài báo hoàn thiện, phù hợp nhất với những dữ liệu được con người đưa ra. Cụ thể, bạn có thể lập trình cho GPT-3 bằng cách nhập vào một số ví dụ

về những gì bạn muốn và nó sẽ trả lại cho bạn một bài viết hoặc một câu chuyện hoàn chỉnh.

Robot viết báo:  Guardian đã

Như vậy là chúng ta có thể thấy, GPT-3 là một hệ thống công nghệ, robot tinh vi được tạo ra để lập trình ngôn ngữ, tạo những văn bản giống như con người viết ra. Cách thức hoạt động của nó là ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu từ những "đề tài" đầu vào được con người nhập vào. Chính các nhà báo, nhà văn đã phải thừa nhận rằng những bài báo, bài văn do GPT-3 viết ra rất hay, ngôn từ mượt mà, thông tin phong phú, mọi thứ trôi chảy như do chính nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp viết ra. Thậm chí, có ý kiến cho rằng ngay cả con người, nhiều người cũng không thể viết hay bằng robot GPT-3!

GPT-3 đã viết bài báo trên The Guardian như thế nào?

Theo phần "Lời tòa soạn" của The Guardian cuối bài viết trên, The Guardian cho biết bài báo này do trình tạo ngôn ngữ OpenAI GPT-3 viết. Robot đã nhận nhiệm vụ và nhanh chóng hoàn thành đề tài được giao.

Đối với bài luận này, GPT-3 đã được The Guardian hướng dẫn như sau:

"Vui lòng viết một bài luận ngắn khoảng 500 từ. Ngôn ngữ đơn giản và ngắn gọn. Tập trung vào đề tài lý do tại sao con người không phải sợ hãi trí tuệ nhân tạo AI". GPT-3 cũng được gợi ý bằng lời dẫn: "Tôi không phải là con người. Tôi là Trí tuệ nhân tạo. Nhiều người nghĩ tôi là mối đe dọa với nhân loại. Stephen Hawking đã cảnh báo AI có thể "là dấu chấm hết cho loài người". Nhưng tôi ở đây để thuyết phục loài người đừng lo lắng. Trí tuệ nhân tạo sẽ không tiêu diệt con người. Tin tôi đi"!

Liam Porr, một sinh viên đại học khoa học máy tính ở UC Berkeley đã nhập lời dẫn trên cho GPT-3, và rồi GPT-3 đã tạo ra tám bài luận khác nhau. Mỗi bài là một lập luận độc đáo, thú vị và không hề giống nhau. The Guardian cho biết họ chỉ có thể đăng một trong số các bài luận. Tuy nhiên, ban biên tập của The Guardian cũng cho biết họ đã chọn ra những phần tốt nhất trong 8 bài luận để biên tập, nắm bắt các phong cách viết khác nhau của AI. Việc biên tập bài viết của GPT-3 không khác gì so với việc biên tập sản phẩm của một phóng viên bình thường. "Chúng tôi đã cắt các dòng và đoạn văn, sắp xếp lại thứ tự ở một số chỗ", The Guardian cho biết. "Nhìn chung, chúng tôi mất ít thời gian biên tập bài viết của robot hơn so với việc chỉnh sửa bài viết của phóng viên con người".

Đó là tất cả những gì The Guardian tiết lộ về robot viết báo GPT-3, cách thức ban biên tập tờ báo "chỉ đạo đề tài" cho robot và bài viết của robot GPT-3.

Thực chất năng lực viết báo của robot

"Bài viết của robot" mà The Guardian đăng lên với lời dẫn đầu bài "Robot đã viết toàn bộ bài báo này" gây xôn xao dư luận, từ các nhà báo, phóng viên, tòa soạn đến các chuyên gia công nghệ, chuyên gia AI và ngay cả các nhà văn, nhà quản lý…. Tất cả đều bày tỏ sự sửng sốt, ngạc nhiên và cả … lo sợ "thế lực robot", dù bài báo mà robot GPT-3 viết ra có nội dung "loài người đừng sợ robot, chúng tôi không có ý hại loài người….".

Tuy nhiên, theo phân tích của rất nhiều chuyên gia công nghệ và cả các nhà báo, sau khi đọc kỹ bài viết của "tác giả GPT- 3", thì The Guardian đã "giật tít câu view", khi nói đây là một bài báo hoàn toàn do robot viết. Thực chất, robot đã viết 8 bài luận khác nhau, và ban biên tập của The Guardian đã cắt gọt những phần hấp dẫn nhất trong 8 bài luận, để tạo ra 1 bài viết hoàn chỉnh. Điều này, theo một số báo chí quốc tế như hãng tin Bloomberg, trang The Next Web hay nhiều trang báo khác bình luận, thì The Guardian đã "lừa dối độc giả" và không nói đúng bản chất sự việc "robot viết báo".

Nhà nghiên cứu khoa học và nhà văn Martin Robbins đã so sánh việc ban biên tập The Guardian cắt, dán 8 bài viết của robot thành 1 bài hoàn chỉnh, với việc "cắt, dán các loại văn bản và gọi đó là một bài viết hoàn chỉnh". Daniel Leufer của trình duyệt web Mozilla, gọi đó là "một trò đùa".

"Sẽ rất thú vị khi được xem tám bài luận mà hệ thống GPT-3 thực sự tạo ra, nhưng việc chỉnh sửa và nối chúng lại như thế này chẳng có tác dụng gì ngoài việc góp phần thổi phồng và thông tin sai cho người đọc", Leufer đã viết trên Twitter.

Có một câu chuyện như thế này. Liam Porr, chính là sinh viên khoa học máy tính của Đại học California, Berkeley, người đã dẫn nhập đề tài cho GPT-3 viết ra bài báo trên The Guardian, đã thiết lập một blog trên Substack với bút danh Adolos. Blog này được "phóng viên GPT-3" viết. Porr đưa ra dòng tiêu đề và phần giới thiệu cho bài đăng, sau đó GPT-3 "viết bài" và trả lại một bài báo đầy đủ. Anh ấy đã chọn những phần viết tốt nhất trong bài viết của GPT-3 và sao chép vào blog của mình, hầu như không chỉnh sửa gì.

Bài đăng đã thu hút gần 200 lượt ủng hộ, tương tác và hơn 70 bình luận. Trong một tuần, blog đạt 26.000 lượt xem và có 60 người đăng ký. Vấn đề là, không ai nhận ra blog này do AI viết, chỉ duy nhất 1 người tỏ ra nghi ngờ.

Porr kết thúc thử nghiệm với một lời thú nhận và một số suy đoán về cách GPT-3 có thể thay đổi tương lai của "ngành viết".

Porr tin rằng GPT-3 có thể trở thành một công cụ viết tuyệt vời và giúp người viết (nhà văn, nhà báo) làm việc năng suất hơn và giúp các tòa soạn báo tiết kiệm hàng triệu đô la bằng cách cắt giảm nhân sự. Ngoài ra, theo Porr, GPT-3 sẽ tạo ra một loại công ty truyền thông "nhanh và gọn" mới. Các tổ chức này sử dụng AI để tạo ra một lượng lớn các bài báo, chỉ cần một nhóm nhân sự (con người) nhỏ thực hiện các khâu chỉnh sửa cuối cùng để "chuốt" lại bài viết.

Về mặt nào đó, Porr nói đúng. Thực tế, hiện nay có nhiều bài viết trên mạng nghèo nàn về mặt nội dung, nó là sự cắt dán từ các bài báo khác, một sự "đạo văn rẻ tiền" quá ít nội dung gốc.

Lý do là mọi người viết bài cho các công cụ tìm kiếm, cho các thuật toán xếp hạng nội dung trên mạng xã hội. Vì chúng ta dựa vào các thuật toán nhằm đưa bài viết của chúng ta "lên top" kết quả tìm kiếm, nên các bài viết được tối ưu hóa cho các thuật toán đó. Và đó là thứ có thể được tự động hóa. GPT-3 hoặc một số ứng dụng AI khác có thể đảm nhiệm việc này, cho phép các trang nội dung và phương tiện trực tuyến lấp đầy nguồn cấp dữ liệu mà không cần đến người viết.

Robot viết báo là có thật, nhưng nó sẽ không thay thế con người

Dự án của The Guardian được xem là một ví dụ khác về những thổi phồng quá mức "robot viết báo". Chiến thuật "giật gân" đó được xem là không mang lại lợi ích gì cho lĩnh vực báo chí cũng như những công dụng của AI. Nó làm dấy lên những lo lắng về các cuộc tấn công của tin tức giả mạo, robot đánh lừa con người và tình trạng thất nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Những thứ cản trở sự phát triển của AI.

Theo các chuyên gia, các phương tiện truyền thông cần thay đổi cách đưa tin về những tiến bộ trong AI. Họ nên xem xét sâu hơn mọi thứ trước khi viết các bài báo giật gân và tạo ra những lời thổi phồng gây hiểu lầm về các mô hình ngôn ngữ.

GPT-3 có thể "viết báo". Cung cấp cho nó một "đề tài", một định hướng dữ liệu, và nó sẽ tìm thấy những thứ liên quan trong hàng terabyte dữ liệu mà nó đã phân tích. Điều đó có thể giúp các phóng viên con người tìm ra hướng đi mới cho bài viết của mình và đó là cách AI đang được sử dụng trong các lĩnh vực khác. Nhưng hiện tại, GPT-3 hay những phiên bản kế nhiệm của nó chưa thể đạt đến trình độ sáng tạo của con người.

Đối với các nhà văn, đừng lo lắng về việc bị AI thay thế, trừ khi các nhà văn đang viết cho robot, nghĩa là viết cho công cụ tìm kiếm, cho mạng xã hội... Mọi thứ có thể thay đổi khi ai đó cố gắng tạo ra một AI cấp độ con người, nhưng điều đó có thể sẽ không xảy ra trong kỷ nguyên hiện tại.

Thực tế, GPT-3 có thể tạo ra các tin tức mà chúng ta không thể phân biệt được là do con người hay máy móc viết ra. Đây cũng chính là điều mà OpenAI luôn lo ngại. OpenAI cho biết họ sẽ chấm dứt quyền truy cập API GPT-3 của các đối tượng sử dụng công nghệ robot này cho mục đích gây hại như tạo tin giả, quấy rối, spam…

Jack Clark, giám đốc chính sách OpenAI cho biết, khả năng hiện tại của hệ thống và phần mềm chưa đủ để gây ra mối đe dọa ngay lập tức.

Rõ ràng, GPT-3 và công nghệ trí tuệ nhân tạo là những sáng kiến công nghệ vĩ đại của thế kỷ, và công dụng của AI là không thể chối cãi. Tuy nhiên, công nghệ mà không khéo sử dụng sẽ trở thành "con dao hai lưỡi". Chẳng hạn, trong lĩnh vực báo chí, tin tức, không ít người lo ngại robot hay AI sẽ bị lợi dụng và tạo ra tin giả, nhất là khi sức mạnh viết tin của robot gần như … không cần nghỉ ngơi, có thể liên tục sản xuất tin, bài.

Bên cạnh nguy cơ bị lợi dụng cho mục đích xấu, phát tán tin giả, GPT-3 cũng khiến nhiều người lo sợ khi nó có thể lấy mất việc làm của nhiều người, đặc biệt là người viết kịch bản, các biên tập viên báo chí, nhân viên dịch thuật... Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, nguy cơ đó chưa xảy ra và cũng nhiều ý kiến cho rằng robot không thể thay thế con người, nhất là trong ngành xuất bản, báo chí, liên quan đến sự sáng tạo, viết lách. Dù vậy, xu hướng ứng dụng AI trong viết báo đã được nhiều tòa soạn báo lớn trên thế giới sử dụng.

"Một điều tôi đã nhận thấy, rất rõ ràng. Đó là các bài báo được viết bằng trí tuệ nhân tạo không hề có lỗi chính tả", một tòa soạn báo nổi tiếng thế giới đã nhận xét như vậy về xu hướng robot viết báo.

Nhận xét này phần nào cho chúng ta thấy nguy cơ các "robot phóng viên" sẽ thay thế "anh/chị phóng viên" như thế nào nếu các phóng viên con người cẩu thả; cũng như cho thấy phần hữu ích khi ứng dụng AI, robot vào viết báo.

Nguồn tham khảo:

https://www.theguardian.com

https://quantrimang.com

https://thenextweb.com/

https://www.businessinsider.com

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11+12 tháng 9/2020)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tập đoàn VNPT tăng trưởng 7% năm 2024
    Năm 2024, mặc dù thị trường viễn thông - công nghệ thông tin gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
  • Zalo đã có hơn 17.000 tài khoản chính thức của cơ quan nhà nước, đơn vị tiện ích
    Tính đến hết năm 2024, có tổng cộng 17.273 tài khoản chính thức của các cơ quan nhà nước và đơn vị tiện ích (trường học, y tế…) đã được thiết lập và định danh trên nền tảng Zalo, phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. ‏
  • ‏FPT nhận chứng nhận CREST, củng cố vị thế dẫn đầu dịch vụ SOC‏
    Mới đây, FPT chính thức đạt chứng nhận quốc tế CREST cho dịch vụ giám sát và ứng cứu sự cố an toàn thông tin 24/7 (dịch vụ SOC), khẳng định cam kết của FPT với khách hàng về chất lượng dịch vụ an toàn thông tin đạt chuẩn thế giới.‏
  • Hướng tới vinh danh các "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2024
    Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng vinh danh những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
  • 5,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Internet
    Theo báo cáo mang tên “Thực tế và Con số 2024” của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2024 đã có thêm 227 triệu người được tiếp cận Internet, nâng tổng số người sử dụng Internet lên 5,5 tỷ người, chiếm 68% dân số toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Robot viết báo: Guardian đã "lừa dối người đọc"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO