S.T.I.D: Tư duy đột phá trong phát triển Khoa học và Công nghệ
S.T.I.D được kỳ vọng sẽ là chìa khoá để Việt Nam tiến xa hơn trong việc xây dựng một xã hội số hiện đại, thông minh và bền vững.

Mô hình truyền thống
Trong nhiều thập kỷ, mô hình S.T.I.D (Science → Technology → Innovation → Digital Transformation): “Khoa học → Công nghệ → Đổi mới sáng tạo → Chuyển đổi số” đã được xem là cách tiếp cận truyền thống trong phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Quy trình này bắt đầu từ nghiên cứu khoa học, đến phát triển công nghệ, tạo ra đổi mới sáng tạo (ĐMST) và cuối cùng là thúc đẩy chuyển đổi số.
Khoa học: Nền tảng của công nghệ.
Những nghiên cứu khoa học giúp khám phá các nguyên lý tự nhiên, phát triển kiến thức mới, từ đó làm cơ sở cho sự ra đời của công nghệ. Ví dụ, nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong khoa học máy tính đã đặt nền móng cho sự phát triển của AI hiện đại.
Công nghệ: Hiện thực hóa tri thức khoa học.
Khi có đủ kiến thức nền tảng, công nghệ sẽ tận dụng các phát minh, sáng chế để tạo ra sản phẩm, quy trình hay hệ thống có giá trị thực tế. Ví dụ, công nghệ bán dẫn giúp phát triển vi xử lý, tạo tiền đề cho máy tính và điện thoại thông minh.
Đổi mới sáng tạo (ĐMST): Thúc đẩy ứng dụng công nghệ.
Khi công nghệ phát triển, con người sẽ tìm cách ứng dụng nó để giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra sản phẩm và dịch vụ đột phá. Ví dụ, công nghệ chuỗi khối (blockchain) không chỉ dừng lại ở lĩnh vực tài chính mà còn được ứng dụng rộng rãi trong logistics, y tế, giáo dục.
Chuyển đổi số: Khi ĐMST đạt đến một mức độ nhất định, nó dẫn đến sự thay đổi toàn diện trong cách vận hành của doanh nghiệp, tổ chức và xã hội. Công nghệ số không chỉ hỗ trợ mà còn trở thành yếu tố cốt lõi trong các lĩnh vực kinh tế, quản trị, giáo dục, y tế…
Mô hình tư duy ngược
Mô hình tư duy ngược là: Chuyển đổi số → Đổi mới sáng tạo → Công nghệ → Khoa học.
Chuyển đổi số: Tạo ra môi trường và cơ hội mới cho ĐMST.
Khi công nghệ số và các nền tảng kỹ thuật số ngày càng trở nên phổ biến và mạnh mẽ, ĐMST cung cấp cơ sở hạ tầng và công cụ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực.
ĐMST: Tạo ra nhu cầu về công nghệ.
Khi các ý tưởng sáng tạo được đưa vào thực tế, sẽ có nhu cầu về công nghệ tiên tiến để triển khai, áp dụng và mở rộng các giải pháp đổi mới. Các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT), và công nghệ blockchain trở thành những công nghệ quan trọng để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo.
Phát triển công nghệ: Tạo động lực, nhu cầu về nghiên cứu khoa học.
Công nghệ mới đòi hỏi phải có nghiên cứu khoa học để phát triển, tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất. Các thách thức về công nghệ sẽ dẫn đến nhu cầu nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực như vật lý, hóa học, kỹ thuật, y học.
Khoa học: Không chỉ là điểm khởi đầu, mà còn là đích đến, để giải quyết các bài toán do thực tiễn đặt ra.
S.T.I.D - Xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số
Cả hai mô hình trên không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau, tạo thành một vòng tuần hoàn linh hoạt giữa KH&CN và thực tiễn. Tư duy mới giúp rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng, biến tri thức thành giá trị thực tiễn nhanh hơn.
S.T.I.D được kỳ vọng sẽ là chìa khoá để Việt Nam tiến xa hơn trong việc xây dựng một xã hội số hiện đại, thông minh và bền vững./.