An toàn thông tin

Sáu nguyên tắc làm cha mẹ trong thời đại số, để bảo vệ trẻ luôn an toàn

Anh Minh 31/10/2024 08:05

Một trong các nguyên tắc đó là “Tôn trọng và công nhận trẻ có quyền tiếp cận và sử dụng Internet”.

“Trên thực tế, trẻ em rất cần sự đồng hành của cha mẹ. Cha mẹ đã chăm sóc, bảo vệ trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đến khi chào đời và lớn lên tới ít nhất 18 tuổi. Phụ huynh chúng ta chính là lá chắn đầu tiên, những người đầu tiên hướng dẫn, hoặc làm gương để đồng hành cùng con trên môi trường mạng”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD) trao đổi với Tạp chí TT&TT về chủ đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bà Nguyễn Phương Linh thừa nhận nuôi dạy con cái trong thời đại số là một thách thức lớn với các bậc cha mẹ. “Cha mẹ rất dễ cảm thấy bị đe dọa hoặc “lạc lõng” khi nói đến công nghệ và phương tiện kỹ thuật số. Nhưng tôi khuyên cha mẹ hãy bình tĩnh, bạn không cần phải là một chuyên gia công nghệ”, bà Linh nói và cho rằng nuôi dạy trẻ em trong thời đại số vẫn chính là những kỹ năng làm cha mẹ đồng hành cùng con.

Viện trưởng Viện MSD đã đưa ra một số các nguyên tắc mà các bậc bố mẹ nên áp dụng để có thể đảm bảo an toàn cho trẻ trên môi trường số.

Nguyên tắc 1: Tôn trọng và công nhận trẻ có quyền tiếp cận và sử dụng Internet

Trẻ em có quyền sử dụng Internet, và người lớn cần công nhận và tôn trọng quyền này, đồng thời bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Việt Nam đã có Luật trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin (ATTT) năm 2018, Luật An ninh mạng 2018... với nhiều quy định về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Đặc biệt, Điều 29 Luật An ninh mạng quy định rõ về việc Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Theo đó, trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. Trẻ em là đối tượng yếu thế chưa có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Nguyên tắc 2: Đồng hành cùng trẻ càng sớm càng tốt và theo sự phát triển tâm sinh lý của trẻ

Cha mẹ cần đồng hành với con càng sớm càng tốt, ngay từ độ tuổi mẫu giáo. Trẻ em trong thời đại công nghệ số thường sẽ tiếp xúc với Internet từ rất sớm, trực tiếp hoặc gián tiếp. Cha mẹ cần đồng hành với con “ngay bây giờ”.

z5981262964961_2083ce9959886f0bc350c32f1a2b9860.jpg
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững.

“Không bao giờ là quá sớm và không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tiến trình này”, bà Nguyễn Phương Linh nói. “Hãy bắt đầu nói chuyện với con về Internet tự nhiên như hỏi chuyện con về các việc xảy ra trong ngày và cùng con tìm hiểu về cách sử dụng Internet an toàn”.

Hiểu tâm lý và sự phát triển của trẻ để đồng hành theo từng độ tuổi cho phù hợp. Theo bà Linh, đây là nguyên tắc rất quan trọng. Mỗi trẻ có một tính cách và quá trình phát triển riêng biệt, tuy nhiên, theo tâm lý học, sẽ có các giai đoạn phát triển của trẻ theo độ tuổi để cha mẹ có thể tham khảo và lựa chọn phương pháp phù hợp đồng hành cùng con.

Nguyên tắc 3: Tôn trọng quyền riêng tư, quyền tham gia của trẻ

Trẻ em có quyền riêng tư và quyền lên tiếng, tham gia. Ví dụ, trẻ em có thể không cho bố mẹ biết mật khẩu (password) của mình chẳng hạn và có thể thoả thuận với bố mẹ về thời gian mình muốn dùng Internet, cũng như cùng thảo luận đưa ra các giải pháp, cách thức để bảo vệ bản thân và gia đình an toàn trên môi trường mạng.

Việc tôn trọng con, thúc đẩy sự tham gia, đưa ý kiến, quyết định của con sẽ giúp con làm chủ các năng lực kỹ thuật số cần thiết, trở thành những công dân số chuẩn.

Nguyên tắc 4: Chia sẻ, học hỏi từ trẻ, cùng thảo luận các thoả thuận trong gia đình

“Trẻ em có thể thậm chí giỏi hơn cả cha mẹ về công nghệ, nhưng cha mẹ cũng có “vốn sống” để chia sẻ với con. Hãy dành thời gian để cả gia đình cùng học hỏi về Internet”, bà Nguyễn Phương Linh nói.

Con có thể hướng dẫn bố mẹ cách sử dụng Internet an toàn, như cài đặt mật khẩu mạnh, cảnh báo đăng nhập và bảo vệ 2 lớp, cài đặt riêng tư, v.v. để cả nhà sử dụng Internet được an toàn hơn. Cha mẹ cũng hãy trò chuyện và cùng con trao đổi các quan điểm và cách xử lý, giải pháp của con khi có khả năng gặp các rủi ro khác nhau trong quá trình sử dụng Internet, ví dụ các trường hợp bị dụ dỗ, lừa đảo trên mạng, bị bắt nạt trên mạng, hay khi bắt gặp các thông tin giả, tin và hình ảnh không phù hợp, bị nhắn tin quấy rối, …

“Đặt ra các tình huống, giả thuyết, phân tích và cùng đưa ra giải pháp, cả nhà sẽ học được cách thức tư duy phản biện và có kỹ năng xử lý tình huống tốt hơn đối với các rủi ro xảy ra với trẻ trên mạng Internet”, lãnh đạo Viện MSD nói và cho rằng việc kết hợp nguyên tắc số 4 với nguyên tắc số 3 về thúc đẩy sự tham gia của trẻ, cha mẹ sẽ hướng dẫn và cùng con đưa ra các thoả thuận trong sử dụng Internet theo lứa tuổi.

Nguyên tắc 5: Hướng dẫn trẻ tiếp cận sự hỗ trợ khi cần thiết

Nguyên tắc này mong muốn cha mẹ hãy thiết lập các vòng tròn an toàn của con, cho con biết nếu con cần hỗ trợ, cha mẹ và thầy cô là những người gần gũi nhất có thể kêu gọi sự trợ giúp.

Bên cạnh đó, con còn có các cơ quan chức năng, Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 và Mạng lưới Ứng cứu Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Nếu con gặp khó khăn, đừng ngại ngần tìm kiếm sự hỗ trợ giúp đỡ.

Nguyên tắc 6: Con an toàn, cha mẹ ở ngay đây

Đây là nguyên tắc vô cùng quan trọng, hãy đảm bảo rằng, trẻ em biết cha mẹ sẽ luôn sẵn sàng ở bên cạnh đồng hành cùng con trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đừng đóng vai “cảnh sát” truy hỏi trẻ, hay vai “quan tòa” phán xét các hành vi của trẻ. Những cách làm này sẽ chỉ khiến con xa cách cha mẹ và không tìm cha mẹ để được hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết.

Nếu không may con gặp các rủi ro và chia sẻ với cha mẹ, hãy cùng tìm cách giải quyết. Cha mẹ đừng xem nhẹ vấn đề, cũng đừng phóng đại vấn đề và phản ứng thái quá, làm trẻ sợ hãi hoặc không muốn tiếp tục chia sẻ với chúng ta.

z5979047064420_0cdb264c922144a883556677e82bc27c.jpg
MSD cùng Cục ATTTT truyền thông về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tại trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội.

“Đôi khi, vấn đề không nghiêm trọng như chúng ta tưởng, hãy bình tĩnh cùng con suy nghĩ giải pháp khi có những rủi ro hay nguy hại xảy ra và cùng thảo luận. Hãy cho con biết, cha mẹ ở đây để hỗ trợ, giúp đỡ con bất cứ khi nào con cần”, bà Nguyễn Phương Linh nói.

Viện Nghiên Cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) là một tổ chức xã hội phi lợi nhuận, được thành lập vào ngày 5/3/2008. Trong hơn 15 năm qua, MSD đã và luôn nỗ lực để góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của các cộng đồng khác nhau tại Việt Nam. Là một tổ chức hàng đầu, MSD là một phần của các mạng lưới và diễn đàn trong khu vực và toàn cầu, đồng thời được các đối tác trong nước và quốc tế công nhận là một đơn vị phát triển chuyên nghiệp.

Mới đây, MSD đã công bố Báo cáo khảo sát “Tiếng nói Trẻ em Việt Nam” 2024. Từ những ý kiến mà chính các em đề xuất, Báo cáo đã đưa ra một số giải pháp nhằm hỗ trợ, đảm bảo trẻ em an toàn trên môi trường mạng. Các giải pháp này bao gồm tập huấn kỹ năng an toàn trên mạng xã hội; Thành lập các nhóm trẻ em để chia sẻ kinh nghiệm và ứng phó với rủi ro trên mạng xã hội; Cung cấp các địa chỉ hỗ trợ trẻ em khi trẻ gặp vấn đề trên mạng xã hội./.

Bài liên quan
  • Thúc đẩy nội dung số lành mạnh để bảo vệ trẻ em trên mạng Internet
    Trẻ em đang sống trong thời đại số với một thế giới trực tuyến đầy màu sắc nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trước thực trạng trẻ có thể gặp ảnh hưởng tiêu cực từ thế giới mạng, việc tạo ra một môi trường mạng an toàn và lành mạnh là điều vô cùng cấp thiết.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sáu nguyên tắc làm cha mẹ trong thời đại số, để bảo vệ trẻ luôn an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO