Chính phủ nhiều nước ban hành quy định ngặt nghèo để bảo vệ trẻ em trên mạng
Gần đây, các chính phủ trên toàn thế giới ngày càng chú ý đến việc bảo vệ trẻ em trên môi trường trực tuyến. Một số quốc gia dự kiến sẽ chính thức áp dụng các điều luật bảo vệ trẻ em vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Các đạo luật bảo vệ trẻ em trực tuyến của Mỹ
Mỹ đang thảo luận về Đạo luật An toàn Trực tuyến cho Trẻ em (Kids Online Safety Act - KOSA), nhằm mục đích bảo vệ trẻ em khỏi nội dung có hại trên phương tiện truyền thông xã hội.
Theo Đạo luật, các nền tảng phải giảm thiểu các rủi ro có thể gây ra cho trẻ như nghiện mạng xã hội (MXH) hoặc nguy cơ bị lạm dụng…. Điều này có thể có nghĩa là các nền tảng phải thay đổi về thiết kế, thuật toán nguồn cấp dữ liệu, công cụ bảo mật và quyền kiểm soát của phụ huynh lớn hơn. KOSA phải được thông qua trước khi kỳ họp Quốc hội kết thúc vào tháng 1/2025 để Tổng thống Joe Biden ký ban hành.
Dự kiến thông qua cùng với KOSA, Mỹ còn có Luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em và thanh thiếu niên (COPPA 2.0) là bản sửa đổi của luật năm 1998 nhằm bảo vệ trẻ em dưới 13 tuổi trên web. Bây giờ, đạo luật này nới rộng đối tượng bảo vệ là những người từ 17 tuổi trở xuống. Một trong những biện pháp được đề xuất là lệnh cấm quảng cáo có mục tiêu, biện pháp còn lại là "nút xóa" cho phép trẻ em và cha mẹ xóa dữ liệu cá nhân.
Đầu năm 2024, Thống đốc Tiểu bang New York đã ký Đạo luật ngăn chặn khai thác nguồn cấp dữ liệu có khả năng gây nghiện cho trẻ em (Stop Addictive Feeds Exploitation - SAFE).
Đạo luật này ngăn chặn "các nền tảng truyền thông xã hội cung cấp nguồn cấp dữ liệu gây nghiện cho trẻ em dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý của cha mẹ và cấm các nền tảng truyền thông xã hội từ chối các sản phẩm hoặc dịch vụ nguồn cấp dữ liệu không gây nghiện khi không có được sự đồng ý đó".
Hơn nữa, các nền tảng xã hội sẽ không còn có thể gửi thông báo trong khoảng thời gian từ 1h sáng đến 6h sáng nếu không có sự đồng ý của cha mẹ.
Trong thực tế, phần lớn các MXH cũng đặt độ tuổi tối thiểu đối với người dùng, tuy nhiên, điều quan trọng là giám sát việc thực thi và các nền tảng thực hiện điều đó như thế nào. Chẳng hạn, trong trường hợp như MXH X (trước đây là Twitter) hay WhatsApp, WeChat hoặc Snapchat, không có cách nào để xác minh độ tuổi của người dùng ngoài việc chỉ cần nhập ngày sinh. Chính vì thế, đây là lúc các cơ quan chính phủ vào cuộc.
Na Uy nâng giới hạn độ tuổi tối thiểu được sử dụng MXH lên 15 tuổi
Mới đây, truyền thông quốc tế đưa tin Na Uy sẽ áp dụng giới hạn độ tuổi tối thiểu nghiêm ngặt được sử dụng MXH. Theo đó, chỉ những người dùng từ 15 tuổi trở lên mới được sử dụng MXH.
Đây là hành động khi chính phủ Na Uy đẩy mạnh chiến dịch chống lại các công ty công nghệ có những hành vi kinh doanh được cho là "chống lại bộ não của trẻ nhỏ".
Thủ tướng Na Uy, Jonas Gahr Støre, thừa nhận rằng đây sẽ là "một cuộc chiến khó khăn" nhưng cho biết các chính trị gia phải can thiệp để bảo vệ trẻ em khỏi "sức mạnh của các thuật toán".
Lãnh đạo Đảng Lao động cho biết các nền tảng MXH đang bị sử dụng sai mục đích và có thể khiến người dùng "trở nên thiển cận và thụ động".
Thực tế, quốc gia Scandinavia này đã áp dụng giới hạn độ tuổi tối thiểu là 13. Mặc dù vậy, theo nghiên cứu “Children and media 2022” của cơ quan quản lý truyền thông Na Uy (Norwegian Media Authority), thuộc Bộ Văn hóa Na Uy, hơn một nửa trẻ em 9 tuổi, 58% trẻ em 10 tuổi và 72% trẻ em 11 tuổi đang sử dụng MXH.
Chính phủ đã cam kết sẽ đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ hơn để ngăn trẻ em vượt qua các hạn chế về độ tuổi - bao gồm sửa đổi Luật Dữ liệu Cá nhân để người dùng MXH phải đủ 15 tuổi thì các nền tảng này mới có thể xử lý dữ liệu cá nhân của họ. Quan trọng nhất là các nền tảng MXH phải xây dựng rào cản xác minh độ tuổi người dùng.
“Điều này gửi đi một tín hiệu khá mạnh mẽ”, Thủ tướng Na Uy nói trong tuần qua. “Trẻ em phải được bảo vệ khỏi các nội dung có hại trên MXH. Những gã khổng lồ công nghệ lớn đang có những hành vi kinh doanh gây tổn hại cho bộ não của trẻ nhỏ. Chúng tôi biết rằng đây là một cuộc chiến khó khăn, vì có những thế lực mạnh, nhưng chính vì thế rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”.
Thủ tướng Na Uy nói rằng mặc dù ông hiểu MXH có thể mang đến cho trẻ em một cộng đồng để tương tác và giao tiếp, nhưng thuật toán của MXH cũng khiến các em trở nên đơn độc và thụ động, vì mọi thứ diễn ra quá nhanh trên màn hình.
Bộ trưởng Bộ Trẻ em và Gia đình, bà Kjersti Toppe, tại cuộc họp với các bậc phụ huynh đang vận động thúc đẩy các quy định trực tuyến chặt chẽ hơn đối với trẻ em, cho biết biện pháp này cũng nhằm mục đích giúp đỡ các bậc phụ huynh.
“Quy định mới cũng là cơ sở cho cha mẹ một quyết tâm nói không với trẻ em về việc sử dụng MXH quá sớm. Chúng tôi biết rằng nhiều người thực sự chưa muốn trẻ dùng MXH nhưng họ không quyết đoán, do xung quanh có quá nhiều bạn bè của con cái sử dụng”.
Bà cho biết chính phủ đang điều tra các phương pháp thực thi những hạn chế như vậy mà không can thiệp vào quyền con người, chẳng hạn như yêu cầu về tài khoản ngân hàng.
Australia sẽ đưa ra quy định về việc trẻ em sử dụng mạng xã hội vào cuối năm 2024
Bên cạnh Na Uy thì một số quốc gia trên thế giới cũng đã có những quy định về việc trẻ em sử dụng MXH. Theo đó, Thủ tướng Anthony Albanese của Australia cho biết chính phủ sẽ áp đặt lệnh cấm đối với trẻ em và thanh thiếu niên dưới tuổi nhất định khi truy cập MXH trước kỳ bầu cử tiếp theo.
Dự kiến, Australia sẽ đưa ra quy định này vào cuối năm 2024 nhằm ngăn chặn trẻ em truy cập MXH và các nền tảng số khác nếu chưa đủ độ tuổi - dự kiến sẽ từ 14 - 16 tuổi.
Động thái này diễn ra sau khi Australia thử nghiệm công nghệ xác minh hoặc đảm bảo độ tuổi hồi tháng 5. Chương trình thử nghiệm có chi phí 6,5 triệu USD và được ngân sách chính phủ tài trợ.
Theo Financial Times, nếu được triển khai, đây có thể là một trong những sáng kiến đầu tiên như vậy trên toàn cầu. Thủ tướng Anthony Albanese cho biết các bậc phụ huynh "lo lắng đến phát ốm" về việc con cái họ sử dụng MXH. "Các bậc phụ huynh muốn con mình tránh xa điện thoại và ra sân bóng đá và tôi cũng vậy", ông nói.
Nhà lãnh đạo này cho rằng lợi ích của thanh thiếu niên trong nước là "tối quan trọng". Trước tình trạng áp lực toàn cầu đối với các công ty công nghệ liên quan đến tình trạng nghiện MXH ở thanh thiếu niên ngày càng tăng, đặt ra quy định giới hạn độ tuổi sử dụng MXH dự kiến sẽ là vấn đề quan trọng của chiến dịch trong cuộc bầu cử của Úc vào năm tới.
Meta, công ty sở hữu Instagram và Facebook, cho biết sẽ ủng hộ luật mà theo đó Apple và Google - với tư cách là nhà điều hành các cửa hàng ứng dụng - phải xác minh độ tuổi của người dùng điện thoại và yêu cầu cha mẹ cấp quyền tải xuống các ứng dụng MXH.
Trong khi đó, Pháp cũng đang thử nghiệm lệnh cấm điện thoại di động tại trường học đối với học sinh dưới 15 tuổi. Nếu thành công, lệnh cấm này có thể được áp dụng trên toàn quốc từ tháng 1/2025./.