Diễn đàn

Sẽ có chế tài mạnh về ăn cắp tài sản trí tuệ

Hoàng Linh 15/07/2025 11:02

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng, sẽ quy định tài sản trí tuệ phải được ghi trong sổ sách kế toán và xử lý mạnh đối với việc ăn cắp tài sản trí tuệ.

Đổi mới sáng tạo là trụ cột chiến lược trong phát triển doanh nghiệp tư nhân và một số thách thức

Đổi mới sáng tạo (ĐMST) là trụ cột chiến lược trong phát triển doanh nghiệp (DN) tư nhân và nền kinh tế số. Tuy nhiên, khối DN tư nhân - đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (DNNVV) - đang gặp trở ngại lớn trong việc bảo vệ và khai thác sáng tạo.

Chia sẻ về những trở ngại lớn của DN tư nhân về việc bảo vệ và khai thác sáng tạo tại Hội nghị sơ kết công tác KH&CN 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 ngày 14/7, luật sư Lê Quang Vinh, Công ty SHTT Bross và cộng sự đã nêu một số vấn đề liên quan cần quan tâm.

luat-su-vinh.jpeg
Luật sư Lê Quang Vinh: DN tư nhân Việt Nam đang tăng tốc đổi mới trong thiết kế sản phẩm, phần mềm, nông nghiệp công nghệ cao, thương hiệu nhưng phần lớn sáng tạo không được bảo hộ kịp thời dưới dạng quyền SHTT.

Theo luật sư Lê Quang Vinh, DN tư nhân Việt Nam đang tăng tốc đổi mới trong thiết kế sản phẩm, phần mềm, nông nghiệp công nghệ cao, thương hiệu nhưng phần lớn sáng tạo không được bảo hộ kịp thời dưới dạng quyền SHTT. Lý do là phần lớn DN ngại nộp đơn vì thủ tục rườm rà, chi phí cao, sợ lộ bí mật kỹ thuật. Hệ quả là sáng tạo không được định danh pháp lý, không thể bảo vệ trước hành vi sao chép.

Thứ hai, công cụ pháp lý chưa thực sự tương thích với nhu cầu của DN khi chi phí nộp đơn, duy trì hiệu lực, tư vấn và giải quyết tranh chấp cao so với hầu hết năng lực tài chính của DNNVV.

Cùng với đó là việc định giá tài sản DN còn chưa phổ biến, thiếu thông tin công khai, thiếu cơ chế định giá tài sản SHTT, ghi nhận trên hệ thống tài chính ngân hàng. Hỗ trợ khai thác tài sản vẫn chỉ tập trung vào tài sản SHTT hợp đồng, chưa triển khai rộng rãi đối với tài sản của DN tư nhân.

DN tư nhân có xu hướng "đăng ký để hỏi cho có" hoặc cũng chỉ tập trung đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tên miền, bỏ qua đối tượng đăng ký sáng tạo kỹ thuật còn hạn chế. Thiếu sự đồng bộ giữa các thủ tục pháp lý, thiếu công cụ để hỗ trợ khai thác quyền về công nghệ, không phát huy được cơ chế bảo hộ…

Tiếp theo, cơ chế bảo vệ hiệu quả cho quyền xác lập cũng là một vấn đề khi thực trạng bảo hộ quyền SHTT ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp vì hành vi xâm phạm ngày càng trở nên tinh vi như nhái, đạo, lấy cắp nội dung số…

Bên cạnh đó, cơ chế thực thi quyền còn yếu. Biện pháp dừng vi phạm khẩn cấp hầu như không thi hành được. Việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền về xử lý vi phạm hành chính còn yếu, việc tố tụng dân sự phức tạp khiến khiến DN không có động lực bảo hộ, biện pháp hình sự ít thực hiện.

Theo đó, DN không cảm thấy có động lực để đầu tư bảo hộ bản quyền, tâm lý "bảo hộ trên giấy, vô hiệu ngoài đời" phổ biến khiến nhiều sáng tạo bị chôn vùi, xâm phạm mất đi cơ hội phát triển. Nhiều DN chọn tiếp thị - bán hàng ngắn hạn thay vì phát triển sản phẩm cốt lõi, lâu dài.

Và khi hệ thống bảo hộ SHTT không đủ mạnh, các chính sách khuyến khích ĐMST không thể phát huy tối đa. Sáng tạo không thể đi hết hành trình từ "ý tưởng đến xác lập quyền đến bảo vệ đến thương mại hóa".

“Các hệ quả này dẫn đến vòng tròn luẩn quẩn là không bảo hộ, không đầu tư, không đổi mới và không phát triển. Chính sách ĐMST bị vô hiệu hoá, không phát huy tác dụng mặc dù chúng ta có cơ chế thử nghiệm (sandbox), có hỗ trợ startup nhưng khi bảo hộ bảo quyền còn yếu, sáng tạo không thể đi hết hành trình vòng đời từ ý tưởng, xác lập quyền bảo vệ thương mại. Hệ quả là mất kết nối đối với chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh, nguồn lực đầu tư công, tư bị nghẽn lại”, luật sư Lê Quang Vinh phân tích thêm.

Đâu là lời giải?

Chia sẻ về giải pháp toàn diện cho các thách thách thức, luật sư Lê Quang Vinh cho rằng đầu tiên cần thay đổi nhận thức của DN tư nhân về SHTT và thay đổi tư duy về chi phí pháp lý thành đòn bẩy của giá trị.

Theo đó, cần xây dựng bộ tài liệu, khóa học trực tuyến (online) về SHTT dành riêng cho DNNVV; Tích hợp SHTT vào chương trình khởi nghiệp - quản trị - chuyển đổi số; Đưa SHTT vào tiêu chí đánh giá hiệu quả ĐMST và gọi vốn đầu tư.

Luật sư Lê Quang Vinh nhấn mạnh: “Cần “phi hình thức hóa" cách tiếp cận SHTT giúp DN coi đó là tài sản có thật, không chỉ là giấy chứng nhận”.

Giải pháp thứ hai là hoàn thiện thể chế và pháp luật liên ngành. Theo đó, cần sự điều phối giữa các Ngành để liên thông dữ liệu, xử lý chống độc quyền, hướng dẫn liên ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Bộ Nông nghiệp và Môi trường và sự điều phối của Bộ Tư pháp, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam để xác định quyền SHTT trở thành đối tượng của giao dịch về thế chấp và tài sản thế chấp.

Đặc biệt, quan trọng cần sửa Luật SHTT, theo đó, cần sửa Điều 213, làm rõ vai trò “cầu nối” giữa Điều 129 của Luật SHTT và Điều 225 và 226 của Bộ luật hình sự), bổ sung thêm nguyên tắc tôn trọng quyền xác lập trước để giải quyết xung đột quyền rất phức tạp.

Đặc biệt, luật sư Lê Quang Vinh nhấn mạnh cần làm rõ không công nhận tác phẩm do AI tạo ra hoàn toàn. “Đây là xu hướng thế giới và chúng ta nên công nhận tác phẩm được tạo ra từ AI nếu chứng minh được nó có sự đóng góp đáng kể của người tham gia vào quá trình đó. Chúng ta nên bổ sung thuật ngữ ý tưởng vào ngay đầu khoản 3 Điều 15 trong Luật SHTT để minh định quyền sở hữu tác giả không bảo hộ ý tưởng bởi việc nhầm lẫn sẽ rất nguy hiểm”.

Đồng thời, cần bổ sung chương riêng về thương mại hóa quyền SHTT. Bên cạnh đó, cần rà soát các luật liên quan: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự... để bảo đảm SHTT được nhìn nhận là “xương sống pháp lý” trong nền kinh tế số, trong đó tập trung vào chứng cứ điện tử, sửa lại Điều 94, 95, 97 ở Bộ Luật Tố tụng dân sự để xác định chứng cứ điện tử rất quan trọng.

Cùng với đó sửa Điều 255 bổ sung thêm khách thể về xâm phạm đối với quyền truyền đạt tác phẩm, quyền truyền đạt, quyền liên quan trên môi trường mạng mà hiện nay đang khó khăn xác định trách nhiệm hình sự hoá để ngăn chặn web lậu, các giải thể thao bị quay, phát lậu

Giải pháp thứ ba là thiết lập cơ chế liên kết sáng chế - cấp phép thuốc. Theo đó, ngăn chặn việc cấp phép thuốc generic khi bằng sáng chế còn hiệu lực. Yêu cầu xác nhận không vi phạm khi nộp hồ sơ đăng ký lưu hành; Tăng tính minh bạch, bảo vệ nhà sáng chế và hỗ trợ nhà sản xuất thuốc hợp pháp.

“Chúng ta nên quan tâm đến SHTT để SHTT trở thành tài sản kinh tế thực thụ. Xây dựng SHTT thành đối tượng thế chấp để vay vốn trên cơ sở coi SHTT thành một cấu thành mới của thị trường vốn dựa trên 4 trụ cột là: pháp lý, định giá, quỹ bảo lãnh SHTT, thị trường thứ cấp và dựa vào 4 Bộ, ngành: Tư pháp, KH&CN, Tài chính, NHNN Việt Nam.

Đồng thời, tận dụng kho sáng chế hết hiệu lực để mở rộng thư viện "sáng chế mở" phục vụ DN nhỏ và vừa”, luật sư Lê Quang Vinh nhấn mạnh.

Luật sư Lê Quang Vinh cũng cho rằng cần nâng tầm toà SHTT thành các thực thể toà dân sự độc lập với 355 toà án nhân dân khu vực; Xây dựng đội ngũ thẩm phán có đủ năng lực giải quyết các án về công nghệ, yếu tố nước ngoài; Đẩy mạnh vai trò của Toà án tối cao trong việc xây dựng các hướng dẫn, nghị quyết của hội đồng thẩm phán và cũng tham gia xét xử các vụ án rất quan trọng để giải quyết những ranh giới phức tạp giữa sự hợp lý và xâm phạm quyền SHTT và giữa xâm phạm SHTT và quyền biến đổi, liên quan nhiều đến quá trình đào tạo AI.

“SHTT không còn là công cụ pháp lý chỉ dùng trong tranh chấp, mà cần được nâng cấp thành nền tảng hỗ trợ ĐMST, gọi vốn, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các yếu tố trên được đảm bảo, khối DN tư nhân sẽ có đủ điều kiện để trở thành lực đẩy chiến lược của nền kinh tế”, Luật sư Lê Quang Vinh nhấn mạnh.

Tài sản trí tuệ sẽ được ghi trong sổ sách kế toán

Trước các đề xuất được luật sư Lê Quang Vinh, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết từ nay đến cuối năm 2025, Luật SHTT và các luật liên quan sẽ được sửa đổi để đi vào thực tiễn. Theo đó, sẽ có nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến quyền SHTT (IP) và thương mại hóa tài sản trí tuệ.

bo-truong-14072025.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sẽ có quy định tài sản trí tuệ phải được ghi trong sổ sách kế toán và xử lý mạnh đối với việc ăn cắp tài sản trí tuệ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết Ban soạn thảo sửa đổi Luật SHTT mới đây đã có phiên họp và nhiều định hướng tương tự như đề xuất của Bross.

Bộ trưởng cho biết Ban soạn thảo đã chính thức đưa vào dự thảo luật sửa đổi về hình thức tài sản trí tuệ sẽ được ghi trong sổ sách kế toán bởi chỉ khi đó, tài sản trí tuệ mới thực sự là tài sản và DN có thể mang đi để làm tài sản đảm bảo với ngân hàng.

Cũng theo Bộ trưởng, Dự thảo luật cũng đưa ra quan điểm: "Ăn cắp tài sản trí tuệ như ăn cắp vật chất. Hiện nay, ăn cắp vật chất bị xử lý rất nghiêm, còn tài sản trí tuệ vẫn còn khá bình thường. Bây giờ phải có chế tài xử phạt tương đương, thậm chí mạnh hơn”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sẽ có chế tài mạnh về ăn cắp tài sản trí tuệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO