Social TV: Hướng đi phù hợp với sự phát triển của truyền thông hiện đại

MP| 19/11/2019 08:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Với Internet, khả năng kết nối mọi nơi, vào bất kỳ lúc nào, với mọi nội dung và cho mọi tầng lớp khán giả đang làm cho tư duy truyền hình truyền thống lung lay. Truyền hình thời đại số khi dịch chuyển lên Internet đang tạo ra mô hình hệ sinh thái truyền hình xã hội - social TV.

Được nhắc đến từ những năm đầu của thập kỉ thứ hai trong thế kỉ 21, nhiều nhà nghiên cứu dự đoán Social TV sẽ trở thành mô hình phát triển tiềm năng của truyền hình trong kỉ nguyên mới. Dạng thức truyền hình rất mới này đã phát triển ở một số quốc gia trên thế giới trong thời gian khoảng từ năm 2012 trở lại đây, thể hiện phổ biến trên nhiều mô hình cung cấp sản phẩm nội dung truyền hình gắn kết trực tiếp với giải pháp kỹ thuật hiện đại như: Apple TV, Roku TV, Amazon Fire TV…

Các sản phẩm này đảm nhận các vai trò không chỉ là giải pháp kết nối và lan tỏa tác phẩm điện ảnh - truyền hình lên Internet, đó còn là mô hình truyền hình mới cho phép lưu trữ dữ liệu, phát các nội dung trên nhiều thiết bị và chia sẻ nội dung với hệ thống máy tính thông qua kết nối không dây, đặc biệt là cá thể hóa nội dung truyền hình theo yêu cầu của từng đối tượng.

Ngày nay, mọi người có thể xem các chương trình truyền hình trên Internet một cách dễ dàng.

Tại Hoa Kỳ, kể từ năm 2014 đến nay, tất cả các sự kiện lớn như Oscar, Grammys, Super Bowl… đều đã xuất hiện trên các dạng thức Social TV khác nhau, cạnh tranh trực tiếp với các phương thức truyền hình truyền thống trong việc thu hút khán giả.

Còn ở nhiều nước khác trên thế giới, Social TV cũng phát triển rất mạnh mẽ như: giải pháp phát sóng truyền hình Ovee của hệ thống ITVS châu Á đã cho phép tích hợp các phương tiện truyền thông khác với truyền hình trong đó khán giả truyền hình có thể vừa xem, vừa đưa ra phản hồi nhận xét trực tiếp.

Mô hình Google TV được ra mắt từ 2013, cũng đã cho thấy rằng chỉ từ một chiếc TV bình thường nhưng đã có thể kết hợp với chức năng Google Search để giúp người sử dụng tìm được những chương trình, kênh sóng truyền hình ưa thích. Mô hình Social TV của Google cho phép khán giả cùng một lúc vừa xem nội dung truyền hình, vừa lướt web hay kết nối mạng xã hội nhờ vào các trình duyệt như trên thiết bị di động hoặc tính năng “dịch đoạn phim đang chiếu theo thời gian thực”. Chắc chắn rằng, những tính năng sẽ được nâng cấp của Google TV giúp cho khán giả truyền hình không còn là người phải ngồi “thụ động” trước màn hình mà sẽ trở thành một cá nhân tương tác, kết nối trong một “mạng lưới” truyền hình kiểu mới.

Phần lớn các dạng thức Social TV này thể hiện những ưu việt như: dễ dàng thiết lập chương trình nội dung theo yêu cầu; kết nối miễn phí với tất cả các hạ tầng chia sẻ video trực tuyến như: PBS Video, YouTube, YouTube Live, Google Hangouts On Air, Ustream…; xem và kết nối với mạng xã hội cùng thời điểm; sử dụng các tính năng hội thoại – chia sẻ (chat), thăm dò khán giả, đo lường cảm xúc…; liên kết các mạng lưới trực tuyến thành “hệ sinh thái số”…

Ban đầu, dịch vụ truyền hình theo yêu cầu cho phép khán giả thưởng thức những nội dung mà họ cần. Chưa dừng lại ở đó, trí thông minh nhân tạo và các thuật toán phân tích hành vi, thói quen người dùng thậm chí còn có thể đoán biết được những nhu cầu, xu hướng của công chúng trong tương lai.

Nhiều nội dung truyền hình được phân phối trên nền tảng số khiến truyền hình truyền thống khó có thể đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng, khi chỉ phát sóng vào những khung giờ cố định. Trước đây, với truyền hình truyền thống công chúng phải chờ đợi cả ngày, cả tuần, thậm chí cả tháng, chỉ để mong tới ngày phát sóng một chương trình mà họ yêu thích. Lịch phát sóng của các chương trình truyền hình - cố định theo khung thời gian 24 giờ, trở thành đặc sản mà nhiều khán giả mong ngóng.

Mô hình hệ sinh thái truyền hình Social TV là một sân chơi sòng phẳng cho cả nhà sản xuất và người dùng. Hệ sinh thái truyền hình này được tạo dựng bởi sự cộng hưởng của hệ sinh thái nội dung, kênh truyền và hệ sinh thái người dùng, nhằm tạo nên một thế giới riêng biệt cho các chương trình mà nhà sản xuất muốn đưa ra tiếp cận khán giả.

Cho dù, khán giả được quyền làm bất cứ điều gì họ muốn, thậm chí từ bỏ chương trình, mô hình hệ sinh thái truyền hình xã hội vẫn là lựa chọn không thể thay thế, bởi đó là hướng đi phù hợp với sự phát triển của truyền thông thế giới trong xu thế hội tụ đa phương tiện trên nền tảng Internet.

Trong thời điểm ban đầu, nhiều người đã hoài nghi về sự tồn tại của hệ sinh thái truyền hình xã hội Social TV và tính mạo hiểm khi áp dụng mô hình phát triển truyền hình theo hướng này, bởi họ quan ngại những nguy cơ mà hệ sinh thái truyền hình có thể mang tới. Tuy vậy, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông xã hội (social media) và trào lưu nội dung do người dùng tạo ra (User Generated Content - UGC) trên phạm vi toàn thế giới là minh chứng thuyết phục cho nhận định, người dùng thực sự là trung tâm của một thế giới đang phát triển trên nền tảng Internet. Không thể từ chối xu thế hội tụ đa phương tiện, nếu như các phương tiện truyền thông truyền thống (trong đó có truyền hình) không muốn tụt lại phía sau.

Truyền hình hiện nay đã dịch chuyển lên Internet.

Trong xu thế này, để thích ứng với những thay đổi không ngừng của thời cuộc, đáp ứng thói quen tiêu dùng nội dung đang thay đổi của công chúng, một số format truyền hình theo mô hình hệ sinh thái truyền hình xã hội Social TV ở Việt Nam đã vận hành bằng cách thiết lập các hệ sinh thái thành phần để tăng hiệu quả truyền thông.

Chẳng hạn, để mở rộng phân phối hệ sinh thái kênh truyền thông, các “mũ” chương trình đã thiết lập mạng lưới phân phối thông qua việc phát triển đa nền tảng.

Một số mũ chương trình đi tiên phong có thể nhắc tới như mũ talkshow chính luận “Cất cánh” của VTV6, mũ chương trình sự kiện thường niên “Robocon” của VTV2, mũ giải trí tương tác “Bữa trưa vui vẻ” của VTV6... Đặc biệt hơn cả, thể loại phim truyền hình của VFC (Hãng phim truyền hình Việt Nam) được tổ chức theo mô hình hệ sinh thái truyền hình xã hội Social TV hoạt động khá hiệu quả. Từ năm 2017 đến nay, hàng loạt series phim truyền hình đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả như “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử”, “Quỳnh búp bê”, “Về nhà đi con”...

Sự điều chỉnh và thích ứng kịp thời với thời cuộc trong trường hợp này là cần thiết. Nếu ngành truyền hình không muốn bị đánh bại, không muốn trở thành vị “hoàng đế” thất trận, thì tất yếu, truyền hình buộc phải tịnh tiến sang một giai đoạn phát triển mới - giai đoạn của truyền hình phi truyền thống

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Social TV: Hướng đi phù hợp với sự phát triển của truyền thông hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO