“Sóng và máy tính cho em” - gieo hạt mầm “xã hội số”

Phùng Mai| 23/12/2021 11:04
Theo dõi ICTVietnam trên

“Sóng và máy tính cho em” - chương trình với ý nghĩa nhân văn sâu sắc và rất thiết thực, mang lại quyền bình đẳng về học tập, tiếp cận tri thức, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, góp phần gieo những hạt mầm mới để những hạt mầm đó lớn lên và tiếp tục lan toả tạo thành xã hội số.

Đại dịch COVID-19 hoành hành khiến tất cả lĩnh vực bị ảnh hưởng, trong đó giáo dục là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hàng triệu học sinh, sinh viên đã không thể tới trường học tập một cách bình thường. Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và sự chung tay, góp sức của cộng đồng, doanh nghiệp (DN), nhất là các DN viễn thông và CNTT, ngành Giáo dục đã kịp thời thích ứng và triển khai mô hình dạy và học trực tuyến khá bài bản. Việc chuyển sang trạng thái học trực tuyến vừa là giải pháp tạm thời, vừa là một phần của công cuộc chuyển đổi số (CĐS) ngành giáo dục nhằm hướng tới một nền giáo dục hiện đại cho hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, do những khó khăn về kinh tế, do tác động khó lường của dịch bệnh, rất nhiều gia đình ở các địa phương trên cả nước, cả thành thị lẫn nông thôn, đã không thể và không đủ điều kiện mua sắm các phương tiện và thiết bị học tập trực tuyến; nhiều nơi mạng chập chờn hoặc không có kết nối sóng. Thậm chí, để thực hiện được chủ trương "tạm dừng đến trường nhưng không dừng học", nhiều em học sinh ở miền núi, vùng sâu, vùng xa phải mang sách vở, dựng lán trên đỉnh đồi để "hứng" sóng học bài. Thiếu "sóng", thiếu "máy" khó khăn là thế nhưng vẫn không ngăn được quyết tâm các em đi tìm con chữ.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện có trên 1,5 triệu học sinh thiếu thiết bị học tập trực tuyến. Việc này không chỉ tạo khó khăn cho việc dạy và học tập ở nhiều tỉnh, thành phố trong bối cảnh đại dịch COVID-19, mà còn hạn chế khả năng tiếp cận kho tri thức khổng lồ, khả năng sáng tạo và phát triển của trẻ em trên không gian mạng.

“Sóng và máy tính cho em” – gieo hạt mầm “xã hội số” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Từ thực tế đó, chương trình nhân văn "Sóng và máy tính cho em" do Chính phủ phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì phối hợp với Bộ GD&ĐT và các địa phương tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy triển khai hạ tầng viễn thông, xóa bỏ vùng lõm sóng, vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền. Đây là một chương trình lớn, liên quan trực tiếp đến học sinh và cuộc sống của người dân trên phạm vi toàn quốc, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta đối với trẻ em trong bối cảnh đại dịch.

Có thể nói, Chương trình "Sóng và máy tính cho em" mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một việc làm nhỏ nhưng lại có thể giúp thay đổi cuộc đời của một em học sinh, giúp các không bị bỏ lại phía sau trong hành trình kiếm tìm tri thức.

"Sóng và máy tính cho em" – kết nối bền chặt hơn con người với con người

Chương trình "Sóng và máy tính cho em" gồm ba cấu phần chính: là có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; là có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; là có giá cước phù hợp cho các máy tính này. Đây là một chương trình lớn của mọi ngành, mọi cấp và mọi người, mọi DN dành cho ngành giáo dục, dành cho các em, dành cho tương lai của chúng ta.

Theo đó, mục tiêu của chương trình trước hết là nhằm trực tiếp và nhanh chóng giúp đỡ, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có phương tiện học tập trực tuyến trong bối cảnh nhiều địa phương đang phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Từ đó góp phần bảo đảm công bằng trong tiếp cận với phương thức dạy và học mới.

Lộ trình cụ thể của chương trình là: Trong năm 2021 đảm bảo phủ sóng toàn bộ các điểm chưa kết nối Internet trên toàn quốc; huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên nghèo; miễn phí sử dụng các nền tảng dạy học trực tuyến; miễn phí cước Internet di động, các nền tảng dạy, hỗ trợ gói cước, hạ tầng CNTT.

Trong năm 2022 – 2023 huy động mọi nguồn lực trong xã hội để 100% các em học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thực hiện học trực tuyến.

“Sóng và máy tính cho em” – gieo hạt mầm “xã hội số” - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tiếp nhận ủng hộ máy tính của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tại Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Phát biểu tại lễ phát động Chương trình ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chương trình "Sóng và máy tính cho em" có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngoài việc hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở vùng dịch thiết bị học trực tuyến, chương trình còn góp phần để chúng ta hướng tới phủ sóng Internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm mục tiêu ứng dụng phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội và nhất là phát triển xã hội số, CĐS.

"Chương trình "Sóng và máy tính cho em" là thông điệp thích ứng phù hợp và lan tỏa lòng nhân ái của mỗi chúng ta. Tôi tin tưởng rằng chương trình sẽ truyền đi năng lượng tích cực, ý nghĩa nhân văn đến với cộng đồng để góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn trong kỷ nguyên số và đặc biệt làm cho các học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các em học sinh khó khăn được tiếp cận việc học tập bình đẳng" - Thủ tướng khẳng định.

Các em chính là những mầm non, là tương lai của đất nước. Chính vì vậy, đầu tư cho "Sóng và máy tính cho em" cũng chính là cho tương lai của đất nước. Giá trị của chương trình không chỉ nằm ở những chiếc máy tính, những nguồn tài chính ủng hộ ngày hôm nay mà hơn hết đó chính là đầu tư cho con người, cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân để đạt mục tiêu mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng thành quả của nền giáo dục, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách…

"Hỗ trợ hàng triệu học sinh lúc này là hỗ trợ cả một thế hệ, giảm bớt khó khăn và thiệt thòi cho các em hôm nay là chúng ta giảm bớt gánh nặng xã hội cho hàng chục năm về sau. Giúp các em học tập hôm nay là chăm lo cho tốc độ và chất lượng phát triển đất nước trong tương lai. Đường truyền mạng, sóng và thiết bị máy tính cho các em là sự kết nối vật lý và cơ giới phục vụ học tập, nhưng cũng là sự kết nối bền chặt hơn con người với con người, sự kết nối các vùng miền và kết nối hiện tại với tương lai", Thủ tướng nhấn mạnh.

Với hàng triệu máy tính và hàng nghìn tỷ đồng được ủng hộ, chắc chắn nhiều học sinh sẽ được học hành, được tiếp cận với tri thức để mở ra các cơ hội thay đổi cuộc sống ngay trong bối cảnh đại dịch.

Cộng hưởng năng lượng tích cực, lan tỏa tình yêu thương

Chương trình "Sóng và máy tính cho em" kêu gọi mọi người dân Việt Nam hỗ trợ các em học sinh nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với tương lai đất nước.

Chia sẻ tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, "Sóng và máy tính cho em" là chương trình lớn, có liên quan đến học sinh toàn quốc. Do chủ trương đúng đắn, nhân văn nên chỉ trong vòng chưa đến 5 ngày, bằng sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực của rất nhiều bên mà cho đến ngày phát động, chương trình đã chứng kiến những đóng góp đầu tiên lên tới 1 triệu máy tính.

"Một chiếc máy tính bảng cũ có thể bị chúng ta bỏ quên ở đâu đó, nhưng lại có thể giúp thay đổi cuộc đời của một em học sinh, giúp em đi học những ngày giãn cách, giúp em tiếp cận kho tri thức nhân loại, giúp các em lớn lên với đầy đủ tri thức để cống hiến lại cho cuộc đời. Chương trình này kêu gọi mọi người dân Việt Nam, ai có máy tính cũ, ai có máy tính mới hãy giúp các em", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Chương trình cũng kêu gọi cộng đồng DN toàn quốc hỗ trợ, người nhiều người ít, nhưng là trách nhiệm xã hội của DN với cộng đồng, với con cháu mình, với tương lai đất nước mình. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "DN Việt Nam muốn phát triển lâu dài thì vẫn phải dựa vào đất nước phát triển. Đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam chính là cái nôi, là mảnh đất nuôi dưỡng các DN. Chăm lo cho mảnh đất ấy cũng là chăm lo cho chính mình trong dài hạn".

“Sóng và máy tính cho em” – gieo hạt mầm “xã hội số” - Ảnh 3.

Tổng công ty Điện lực thành phố tổ chức chương trình “Thợ điện thủ đô - Cùng em học trực tuyến”, trao tặng máy tính tới thiếu nhi huyện Phú Xuyên

Tại lễ phát động chương trình, các ngành: TT&TT; GD&ĐT; Ngân hàng; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN; các tỉnh, thành phố, các DN, tổ chức quốc tế đã ủng hộ hơn một triệu máy tính, với trị giá hơn 2.500 tỉ đồng và đầu tư 3.000 tỉ đồng để phủ sóng, hưởng ứng chương trình. Sau lễ phát động, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam cũng đã tham gia ủng hộ chương trình 24.000 máy tính (tương đương số tiền 60 tỉ đồng)...

Với tính chiến lược và ý nghĩa nhân văn to lớn, sau một thời gian triển khai, chương trình đã truyền đi năng lượng tích cực, nhận được sự ủng hộ của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân. Nhờ đó, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận máy tính và thiết bị công nghệ phục vụ cho việc học tập theo đúng tinh thần "dừng đến trường nhưng không dừng việc học".

Sự hưởng ứng tích cực của các DN

Với trách nhiệm là Tập đoàn công nghệ chủ lực của đất nước, Tập đoàn VNPT đã cam kết hỗ trợ 37.000 máy tính bảng cho Chương trình và sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục để góp phần rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để bảo đảm không để học sinh nào "bị bỏ lại phía sau" như mục tiêu đặt ra của Chương trình.

Ngoài ra, để giúp các em thuận lợi hơn trong việc học trực tuyến, Tập đoàn VNPT cũng đã tặng kèm theo mỗi máy tính bảng một sim Vinaphone miễn phí Data 4GB/ngày trong 3 tháng sử dụng, hết thời gian 3 tháng gia hạn sử dụng mức cước 50.000 đồng/30 ngày.

Cùng tham gia tích cực vào chương trình này, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã công bố miễn phí dữ liệu 4GB/ngày trong 3 tháng cho 1 triệu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Viettel cũng ủng hộ 37.000 máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc, miễn 100% phí truy cập và sử dụng nền tảng giáo dục trực tuyến Viettel Study cho toàn bộ học sinh, sinh viên. Viettel hỗ trợ các gói cước, hạ tầng CNTT, tài trợ 100% phí đường truyền Internet cho các nhà trường, sở giáo dục, phòng giáo dục; tặng 50% lưu lượng data tất cả các gói cước để học sinh, sinh viên duy trì việc học trực tuyến…

Tham gia vào chương trình, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone cũng cam kết miễn phí 100% cước kết nối Internet di động tới các nền tảng học trực tuyến Việt Nam được Bộ TT&TT công bố. Đồng thời, MobiFone cung cấp miễn phí 4GB/ngày trong thời gian 3 tháng cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo được tặng máy tính trong chương trình.

Chung tay đóng góp trách nhiệm với cộng đồng, trong tháng 10, FPT- Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam đã trao tặng máy tính và các gói học tập trực tuyến cho 3.300 học sinh có hoàn cảnh khó khăn góp phần giúp các em sớm ổn định học tập trong thời gian giãn cách. Gói hỗ trợ bao gồm 3.300 máy tính bảng, gói Internet FPT, nền tảng học trực tuyến VioEdu hỗ trợ các em trong hoạt động nghe giảng, trao đổi, gửi bài tập. Chương trình đang được FPT và đơn vị đồng hành Quỹ Hy vọng thực hiện gấp rút để có thể hỗ trợ các em sớm nhất. Trước mắt sẽ tập trung hỗ trợ các em học sinh khó khăn tại các vùng dịch 7 tỉnh, thành phía Nam đang áp dụng hình thức dạy học trực tuyến, gồm Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tây Ninh, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trước đó, trong tháng 9, FPT cũng đã hỗ trợ 100 máy tính cùng 1.000 thiết bị học trực tuyến với FPT Playbox tới các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Đặc biệt, mới đây, FPT đã khởi xướng ý tưởng thành lập một ngôi trường dành cho các em nhỏ không may mất đi cha mẹ do COVID-19, với mong muốn tạo ra một môi trường để các em được chăm sóc, yêu thương, học tập trong hệ thống đào tạo của FPT.

Trên thực tế, trong những năm qua, việc triển khai có hiệu quả nhiều chính sách giáo dục của Đảng, Nhà nước tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, khoảng cách này dường như lại được "khoét" rộng hơn bao giờ hết khi dịch COVID-19 xảy ra. Việc học sinh tham gia học trực tuyến thực sự là một thách thức không nhỏ đối với giáo dục vùng cao nói riêng, vùng "lõi nghèo" của cả nước nói chung.

Thấu hiểu những khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến của thầy trò vùng cao trong mùa dịch cũng như hành trình tiếp cận tri thức gian nan của học sinh vào mùa mưa lũ, Công ty vận chuyển quốc tế J&T Express đã trao tặng các thiết bị dạy và học trị giá hơn 400 triệu đồng cho hàng trăm học sinh và giáo viên khó khăn tại Quảng Ngãi.

Cụ thể, J&T Express đã trao tặng đến 29 thầy cô tại trường Ba Lế, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) mỗi người một chiếc điện thoại thông minh, đến 270 em học sinh mỗi em một phần quà gồm tập vở và bút viết. Đây là điểm trường còn nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của các mạnh thường quân. J&T Express cũng đồng hành cùng Sở GD&ĐT Quảng Ngãi trong chương trình "Sóng và máy tính cho em" trao tặng đến các em học sinh có hoàn khó khăn 100 chiếc máy tính bảng Masscom.

Ông Phan Bình, Giám đốc thương hiệu J&T Express Việt Nam, chia sẻ: "Không chỉ là đơn vị vận chuyển hàng, J&T Express còn muốn góp phần "chuyển con chữ đến vùng cao". Thông qua món quà đặc biệt này, chúng tôi hy vọng đã nối dài thêm hành trình tiếp cận tri thức của các em học sinh Quảng Ngãi. Trong tương lai, J&T Express cam kết sẽ tiếp tục thể hiện trách nhiệm doanh nghiệp thông qua các hoạt động ý nghĩa, góp phần tạo dựng Việt Nam ngày càng bền vững hơn".

Chia sẻ về những món quà vá sự hỗ trợ thiết thực từ J&T Express, ông Nguyễn Mậu Hải - Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Ba Lế cho biết: "Với những trang thiết bị được J&T Express trao tặng, thầy trò trường Ba Lế có thêm "trợ lực" để dạy và học hiệu quả hơn. Không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất, đây còn là món quà tinh thần lớn lao để tập thể giáo viên trường Ba Lế nỗ lực hơn, tất cả vì học sinh thân yêu".

Không phải chỉ ở những vùng sâu, vùng xa các em học sinh mới gặp khó khăn trong việc học trực tuyến, mà ngay tại TP. Hà Nội, vẫn có nhiều em học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến khi các trường chật vật "chuyển trạng thái" để phòng, chống dịch COVID-19.

Em Đào Diệu Huyền, học sinh lớp 6C, trường THCS Bạch Hạ thuộc huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội là một trong những em được nhận máy tính bảng thuộc chương trình "Sóng và máy tính cho em" do ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức vào ngày 15/9/2021. Điều kiện hoàn cảnh của em khá khó khăn, có bố bị bại liệt phải ngồi xe lăn từ nhỏ, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người thân. Mẹ Huyền đi xa quê khi em chưa đầy 4 tuổi. Năm 2020, bố không may qua đời, Huyền được bà nội nuôi nấng. Bà Huyền hay đau ốm, thu nhập chỉ trông vào mảnh vườn trồng rau và bưởi. Trong thời gian dịch bệnh, Huyền phải học trực tuyến tại nhà nhưng gia đình khó khăn, không có điều kiện mua máy tính để học tập. Suốt nhiều tháng, em được thầy cô bạn bè quan tâm và giúp đỡ khắc phục tạm để có thể học tập.

Nhận được máy tính bảng phục vụ cho việc học trực tuyến, em Huyền xúc động chia sẻ: "Với em, đây là một một món quà rất lớn lao, ý nghĩa mà em chưa bao giờ dám mơ ước đến. Kể từ hôm nay, em đã có máy tính để học trực tuyến như các bạn. Em cảm ơn các bác lãnh đạo, thầy cô và mạnh thường quân đã giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn như chúng em".

“Sóng và máy tính cho em” – gieo hạt mầm “xã hội số” - Ảnh 5.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ủng hộ Chương trình “Máy tính cho em”

Là một trong những đơn vị rất tích cực trong chương trình "Sóng và máy tính cho em" do ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Phước Hải, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết: "Chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động có ý nghĩa quan trọng với mọi ngành, mọi cấp và mọi người, mọi DN dành cho ngành Giáo dục, dành cho các em, dành cho tương lai của chúng ta. Tham gia chương trình này, CMC tin rằng, mỗi chiếc máy tính bảng, máy tính thương hiệu Made by CMC, Make in Viet Nam có thể giúp thay đổi chất lượng học tập của các em học sinh, giúp các em vẫn tiếp tục duy trì việc học những ngày giãn cách, tiếp cận kho tri thức nhân loại. Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau và được lớn lên với đầy đủ tri thức để cống hiến lại cho cuộc đời. Thời gian tới, CMC sẽ tiếp tục chung tay hưởng ứng chương trình, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ tương lai chinh phục kho tri thức nhân loại".

Hay tại TP. Hồ Chí Minh, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục thành phố đứng trước nhiều thách thức khi phải dạy, học bằng hình thức trực tuyến. Nhiều em học sinh ở thành phố bước vào năm học mới với nhiều khó khăn do thiếu thiết bị học trực tuyến. Thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em", Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh đang học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, hàng chục nghìn thiết bị học tập đã được trao cho học sinh.

Nhận được máy tính bảng của đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Dân tộc thành phố và Báo Công an Nhân dân trao tặng cho học sinh dân tộc Chăm, Khmer có hoàn cảnh khó khăn, em Asikine Hồng, học sinh lớp 12 trường Tạ Quang Bửu (Quận 8) bày tỏ: Cháu rất vui đã được các cấp lãnh đạo và nhà tài trợ quan tâm chăm lo hỗ trợ cho các cháu dân tộc có hoàn cảnh khó khăn chiếc máy tính bảng để chúng cháu có điều kiện tham gia học trực tuyến, tạo điều kiện và động lực để các cháu tiếp tục con đường học tập.

Là một trong những đơn vị tích cực hưởng ứng sự kêu gọi của Chương trình, chia sẻ về ý nghĩa và trách nhiệm với cộng đồng ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết: "Chúng tôi luôn nhận thức rõ và thực hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng vì một nước Việt Nam thịnh vượng. Trong đó, chúng tôi hiểu rằng đất nước có hùng mạnh hay không, có sánh vai được với các cường quốc năm châu hay không, là nhờ một phần to lớn ở sự nghiệp trồng người. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng sự đóng góp của TPBank sẽ góp phần lấp đầy những khoảng cách và giúp nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với những bài giảng của thầy cô giáo dễ dàng hơn".

“Sóng và máy tính cho em” – gieo hạt mầm “xã hội số” - Ảnh 6.

Vinaphone trao 10.000 SIM data trị giá 3,5 tỷ đồng cho Sở GD&ĐT Hà Nội.

Ở những địa phương đang gánh chịu thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh, những vùng vốn gặp nhiều khó khăn thì vấn đề thiết bị học trực tuyến còn khá khó khăn. Nhưng "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", khi sự đồng lòng, chung sức lan tỏa nhiều hơn và kéo được sự hưởng ứng của cả cộng đồng, khó khăn chắc chắn sẽ được giải quyết. Câu chuyện nhân văn góp "sóng", góp "máy tính" đang mang đến một diện mạo mới về cách giải quyết khó khăn hiệu quả, nhanh chóng khi có chỉ đạo thông suốt từ Trung ương đến các bộ, ngành và người dân.

Sự chung sức, đồng lòng từ người dân cho đến DN đã phát huy được những thế mạnh riêng cho mục tiêu chung và nó trở thành bức tranh truyền năng lượng tích cực nhất trong bối cảnh cả nước phải gồng mình chống dịch.

"Cho đi hay giữ lại? Cho đi hay mang đi? Đó luôn là một trong những câu hỏi mang tính NGƯỜI nhất. Mà rồi ai trong số chúng ta cũng có lúc phải đặt ra cho mình. Cho đi là làm cho thế giới giầu có hơn. Cho đi là làm cho chúng ta có nhiều hơn. Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để tận hưởng niềm vui của sự cho đi. Cũng không phải cho ai khác mà là cho tương lai của đất nước mình. Người nghèo sẽ không bao giờ nghèo mãi nếu họ được giúp đỡ đúng lúc và đúng cách", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại Lễ phát động Chương trình.

Những gì đúng và động đến trái tim thì luôn đi xa và đi nhanh! Một lời hiệu triệu là cả triệu người theo!

Hoàn thành phủ sóng 283 điểm "lõm sóng" Internet tại 8 địa phương phục vụ học tập trực tuyến

Trong 18 ngày từ 12 - 30/9, các nhà mạng đã hoàn thành ứng cứu phủ sóng cho 283 điểm lõm sóng trên địa bàn Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hậu Giang, Phú Yên, Bình Phước, Đồng Tháp, Khánh Hòa để phục vụ dạy và học trực tuyến.

Trong đó, với 6 trạm tại khu vực Hà Nội gặp khó khăn do một số người dân chưa hợp tác, không cho lắp đặt trạm phát sóng thông tin di động, VNPT và Viettel đã triển khai ứng cứu bằng xe lưu động để bảo đảm chất lượng dịch vụ tại các khu vực này. Đến nay, việc dạy và học trực tuyến tại các điểm được ứng cứu phủ sóng đã diễn ra bình thường với chất lượng ổn định.

Gieo những hạt mầm lớn lên, lan tỏa thành xã hội số

Chương trình "Sóng và máy tính cho em" ngoài mục tiêu và ý nghĩa hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng dịch thiết bị học trực tuyến, còn góp phần để chúng ta tiến tới phủ sóng Internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm thực hiện mục tiêu ứng dụng, phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, số hóa việc học tập, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ, nhìn xa hơn, "Sóng và máy tính cho em" với mục tiêu có Internet đến tất cả các hộ gia đình với giá cước phù hợp cũng chính là nền tảng cơ bản để thực hiện CĐS quốc gia. Khi có Internet chất lượng tốt với giá cả phù hợp cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước đã mang lại nhiều hơn những cơ hội đối với mỗi người dân trong việc tham gia các chương trình an sinh xã hội, dịch vụ số trên không gian mạng như: Tư vấn khám chữa bệnh từ xa; tham gia dịch vụ công trực tuyến; thực hiện thuận lợi các giao dịch thương mại điện tử,…

Nỗ lực cung cấp thiết bị kết nối, thực sự mang "sóng" đến với các em không chỉ hướng đến giải quyết những khó khăn trước mắt do đại dịch COVID-19 của ngành Giáo dục, chương trình "Sóng và máy tính cho em" còn mang tầm chiến lược, thúc đẩy phát triển bình đẳng và CĐS mạnh mẽ toàn xã hội.

Việc dạy và học trực tuyến không nên coi là giải pháp tình thế, mà đây sẽ là cơ hội vàng giúp cho thầy trò có được nhận thức và kỹ năng, chủ động thích ứng dần với điều kiện học tập trong môi trường CĐS. Từ đó, góp phần thúc đẩy nền giáo dục bứt phá mạnh mẽ và trong tương lai không xa, chúng ta có thể sẽ được có nguồn nhân lực đáp ứng nhanh với yêu cầu của xã hội số, hội nhập được với khu vực và quốc tế.

Theo Thủ tướng, hiện nay người ta nhắc nhiều tới cụm từ thế giới phẳng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã làm phẳng thế giới và sự kết nối toàn cầu qua không gian mạng. Chúng ta cần có tầm nhìn về xu hướng chung để phát triển đất nước mang lại nhiều tiện ích, giá trị và hiện đại hóa đời sống của nhân dân.

"Những điều to lớn đó phải bắt nguồn từ sự thay đổi ứng dụng công nghệ của mỗi cá nhân trong xã hội. Mỗi máy tính, mỗi khu vực có sóng trong điều kiện giải quyết tình thế góp phần gieo những hạt mầm để những hạt mầm đó lớn lên và tiếp tục lan tỏa tạo thành xã hội số, kinh tế số, tạo thành tình yêu thương trên mọi miền của đất nước ta" - Thủ tướng nhấn mạnh./.

(Bài viết đăng trên Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào năm mới 2022 - Xuân Nhâm Dần)


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
“Sóng và máy tính cho em” - gieo hạt mầm “xã hội số”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO